Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Somerset Maugham

Huỳnh Văn Úc sưu tầm
Thứ ba ngày 30 tháng 10 năm 2012 8:43 PM

William Somerset Maugham (1874-1965) là nhà văn và kịch tác gia nổi tiếng người Anh, là tác giả được trả tiền nhuận bút cao nhất trong thập niên 1930-1940. Cha của ông là luật sư, tùy viên pháp lý của Đại sứ quán Anh tại Paris. Luật nước Pháp qui định mọi trẻ em sinh ra trên đất Pháp đều phải đăng ký thi hành nghĩa vụ quân sự nên cha ông thu xếp cho ông được sinh ra trong khuôn viên Đại sứ quán Anh. Cậu bé Maugham được đưa về Anh sống với người chú ruột Henry Maugham là một mục sư. Ở trường học cậu bé Maugham bị trêu chọc vì kém tiếng Anh (tiếng Pháp là ngôn ngữ thứ nhất của cậu), hơn nữa tầm vóc của cậu thấp và có tính nói lắp. Khi lên 16 tuổi Maugham sang Đức học tiếng Đức, văn học và triết học ở Đại học Heidelberg. Trở về nước Anh ông muốn theo nghiệp văn chương nhưng người chú không đồng ý và ông lại học tiếp ngành y trong 5 năm ở Bệnh viện Thành Thomas ở London. Chính trong những năm học ngành y này tác phẩm Liza of Lambeth một truyện viết về đề tài tình yêu ra đời. Truyện lấy nguyên mẫu và những chi tiết ông thu thập được khi là sinh viên y khoa làm việc hộ sản trong bệnh viện ở Lambeth. Quyển Liza of Lambeth đã được cả các nhà phê bình lẫn công chúng yêu thích, và ấn bản đầu đã bán hết trong khoảng vài tuần lễ. Thành công này làm cho Maugham dù đã có bằng bác sĩ y khoa quyết định bỏ nghề thầy thuốc và bước vào sự nghiệp văn học trong suốt 65 năm. Cuộc sống của nhà văn đã đưa đẩy bước chân của ông đến Tây Ban Nha. Năm 1907 ông thành công vang dội với vở kịch "Lady Frederick". Sau đó trong năm năm liền ông đã có bốn vở kịch được trình diễn ở London. Đến năm 1914 Maugham đã nổi tiếng với 10 vở kịch được công diễn  và 10 tiểu thuyết được xuất bản. Năm 1917 ông được cơ quan tình báo MI6 của Anh tuyển dụng và gửi đến Nga hoạt động nhằm giữ cho Nga tiếp tục chiến tranh mà không ký hòa ước với Đức. Ông đã đưa những câu chuyện trong khi làm điệp viên của mình vào một loạt truyện ngắn. Những chất liệu trong các truyện ngắn này có ảnh hưởng đến Ian Fleming khi ông làm phim về James Bond-điệp viên 007 nổi tiếng. Năm 1928 Maugham về Pháp mua "Villa Mauresque" có diện tích 12 mẫu Anh (49.000 m2) để cư ngụ trong quảng đời còn lại. Villa Mauresque đã trở thành một trong những salon văn học lớn nhất trong các thập niên 1920 và 1930.

Xin giới thiệu sau đây truyện ngắn của Maugham với tựa đề "Con mèo nhập Niết Bàn".
Ngày xửa ngày xưa có một chàng họa sĩ nổi tiếng sống trong khu vườn với lũ gia súc thân yêu trong đó có một chú mèo tam thể. Một hôm nhà vua đặt họa sĩ vẽ một bức tranh với đề tài " Đức Phật nhập Niết Bàn" để trang trí tại phòng khách rộng lớn và lộng lẫy của triều đình. Họa sĩ đem hết tâm trí và tài năng để vẽ hình ảnh ngày cuối cùng của Đức Bổn Sư Như Lai. Khu rừng tại Câu thi na hiện ra sống động. Một vẻ đẹp vừa tôn kính vừa xúc động dàn trải trên khắp bức tranh. Đức Phật nằm nghiêng giữa hai cội cây Sala, chung quanh Ngài là các hàng đệ tử với nét mặt bi ai. Họa sĩ là người yêu thích các loài thú nên chàng đã vẽ đủ loại thú rừng, chim chóc, gia cầm, dã thú từ khắp nơi đến từ biệt Đức Phật lần cuối cùng làm cho bức tranh trở nên sinh động. Các loài vật vội vã kéo nhau đến làm mẫu cho họa sĩ, những con nào chưa có mặt trong tranh đều yêu cầu họa sĩ vẽ mình vào đó và chàng chưa từ chối yêu cầu của bất cứ con vật nào. Con mèo tam thể ngày nào cũng đến ngóng bên giá vẽ và thất vọng vì họa sĩ không vẽ mình vào bức tranh vì thời ấy con mèo tượng trưng cho điều xấu, cho ma quỷ và cho những việc bất tường, sự hiện diện của nó trong bức tranh có thể làm cho nhà vua và thần dân nổi giận. Dù rất thương con mèo chàng họa sĩ không dám làm trái với thành kiến của xã hội. Hung dữ như hổ báo, quỷ quyệt như cáo già, độc ác như rắn rết, nhơ bẩn như bọ hung, nhỏ bé như con kiến...tất cả đều được vẽ vào tranh để đảnh lễ Đức Phật. Còn con mèo thì không. Họa sĩ buồn, con mèo cũng buồn. Các loài thú khác bắt đầu chế giễu nó. Nó từ biệt họa sĩ lủi thủi đi vào khu rừng, nó không muốn thấy cảnh tượng các loài vật ở trên tranh với Đức Phật còn nó thì không. Trong khu rừng một chị gà mái đang hãnh diện dẫn đàn con xinh đẹp đi qua một đoạn suối để đến chỗ vẽ bức tranh. Trông thấy chú mèo chị gà cũng không thèm chào hỏi. Có một con gà con vì bất cẩn nên bị rơi vào đoạn chảy xiết của dòng nước suối. Chú kêu lên thảm thiết. Gà mẹ đã sang được bờ cuống quít không biết làm gì. Chú mèo của chúng ta đã kịp thời nhảy xuống dòng nước xiết cố sức vớt gà con. Gà con thì sống để cùng gà mẹ đi đến nơi đang vẽ bức tranh còn chú mèo thì chết chìm vì chú cũng không biết bơi. Ngày hôm sau trên bức tranh của họa sĩ ngay chỗ gần Đức Phật nhất còn đang để trống hiện lên một chú mèo tam thể.