Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đấu tranh đây là trận cuối cùng

Nguyễn Văn Thịnh
Thứ sáu ngày 26 tháng 10 năm 2012 8:05 PM


Thông báo về Hội nghị lần thứ 6 (khóa XI) của BCHTWĐCSVN đã thẳng thắn nhận khuyết điểm: “Chưa ngăn chặn, khắc phục được tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt về lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, chạy theo danh lợi tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”, kể cả “một số đồng chí UVBCT, BBT có lúc, có việc còn có biểu hiện chưa gương mẫu về đạo đức, lối sống của bản thân và gia đình, nói không đi đôi với làm, đã làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước và bản thân các đồng chí đó, đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng”. Trước vẻ xúc động, lời nói nghẹn ngào của ông TBT có gây sự mủi lòng phút chốc với người nghe. Tuy nhiên, dư luận xã hội nhìn nhận khác nhau. Người tạm vừa lòng và chờ xem sự đổi thay. Người coi như không đạt yêu cầu – nói đúng ra là thất bại! Nhân dân rất thông cảm với ban lãnh đạo Đảng hiện nay phải gánh lấy “nhiều khuyết điểm, hạn chế có từ các khóa trước, thậm chí chủ yếu là từ các khóa trước dồn lại”. Theo nguyên tắc làm việc của Đảng, Đại hội khóa trước sắp hết nhiệm kỳ có trách nhiệm chuẩn bị mọi mặt (Đề cương báo cáo tổng kết, hoạch định nhiệm vụ mới, kể cả việc chọn nhân sự) trình Đại hội khóa sau bàn thảo, bầu bán và ra nghị quyết thông qua. Trước tình hình các khóa IX và X rối rắm bê bối như thế thì 180 con người được chọn ra để lãnh trách nhiệm trước 3 triệu đảng viên và 90 triệu người dân là những ai? Đảng viên và nhân dân hiểu rằng có một số người tâm huyết muốn xoay chuyển tình thế mong vực dậy một Đảng đang đắm đuối trên đà suy thoái. Cái việc “sau khi thảo luận, cân nhắc nhiều mặt, BCHTW đã bỏ phiếu quyết định không kỷ luật BCT và một đồng chí trong BCT (?)” khiến số đông đảng viên và nhân dân không dễ tin rằng dễ có được “tinh thần thẳng thắn, cầu thị, nghiêm túc, gương mẫu và quyết tâm cao trong việc thực hiện thắng lợi nghị quyết TW4 về xây dựng Đảng”. Trong lịch sử ĐCSVN, được bầu vắng mặt vào BCHTW chỉ có hai người trong hoàn cảnh rất đặc biệt: Một là vào năm 1930 khi mới thành lập Đảng, lúc đ/c Hoàng Quốc Việt đang ở tù ngoài Côn Đảo. Hai là khi Liên Xô tan rã, tư liệu của Quốc tế III được công khai, truy cứu trong kho hồ sơ thấy có tên đ/c Phạm Văn Xô (nguyên UVTVTWCMN thời kháng chiến chống Mỹ) trong danh sách BCHTWĐ khóa I (1935). Nhưng khi hỏi lại thì ông trả lời: “Hồi đó bầu cử chỉ dùng bí danh bí số, tôi không được biết”! Thế mới rõ việc bầu bán nhân sự của Đại hội XI lần này đã bị các nhóm lợi ích khuynh đảo tới mức độ nào! Một bộ sậu đẻ ra trong bối cảnh ấy mà trông chờ ở họ một sự “tự phê bình, phê bình thẳng thắn, thương yêu đồng chí, khắc phục ngay tình trạng nể nang, né tránh, gương mẫu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” có là điều không tưởng? Thực ra từ Đại hội trước, việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ” đã được phát động rất rầm rộ với nhiều hình thức, mất nhiều thời gian và tiền của mà các biểu hiện suy thoái từ giới lãnh đạo lan ra xã hội chẳng những không được đẩy lùi mà ngày càng ngang nhiên và tăng tốc! E rằng trước tình thế bất lợi lúc này chỉ làm cho họ chột dạ, co cụm lại, cẩn trọng hơn, triệt để khai thác những tác động bên ngoài, cố kết chặt chẽ với nhau hơn, cô lập để loại trừ dần những người tâm huyết. Kết cuộc hoặc là Đảng sẽ không còn, hoặc còn mà chỉ như cái xác không hồn. Nhân dân càng khốn khổ. Tổ quốc sẽ lâm nguy.
Trước tình hình hiện nay, có ý kiến cho rằng cần triệu tập Đại hội Đảng giữa nhiệm kỳ là cách tốt nhất để loại bỏ ngay những phần tử cơ hội thoái hóa biến chất, ủng hộ những đảng viên chân chính, bầu ra một BCHTW mới có tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, trước dân, có đủ tài năng và uy tín để đưa Đảng qua cơn suy thoái, nước nhà qua cơn khủng hoảng toàn diện và bế tắc lúc này. Có lẽ đó là biện pháp tối ưu để thực hiện cấp bách một cuộc cải cách xã hội toàn diện, triệt để cơ hồ phục hồi dần uy tín của Đảng đang bị sa sút tới mức thấp nhất trong quá trình hơn 80 năm từ ngày thành lập tới nay.
Tuy nhiên điều căn bản là thông báo chưa nêu lên được nguyên nhân sâu xa của sự suy thoái thậm chí sa đọa ở không ít đảng viên các cấp dẫn đến nguy cơ còn mất của một đảng từng dẫn dắt toàn dân tạo nên chiến công thần thánh được nhân dân cả nước gửi trọn niềm tin và thế giới khâm phục? Phải nhìn nhận rằng đó là cả một quá trình diễn biến đã được báo trước từ lâu. Kể từ Đại hội VI, TBT Nguyễn Văn Linh là một nhà lãnh đạo từng trải, tận tụy và tâm huyết khai thông con đường đổi mới tư duy cũng là lúc ông nhìn ra các hiện tượng tiêu cực xảy ra trong Đảng, ngay cả trong hàng ngũ những người lãnh đạo cao cấp quanh ông. Người ta đã lợi dụng lời khuyên “Hãy tự cứu lấy mình!” để cứu nguy xã hội đang trong tình thế bế tắc. Xu hướng tiêu cực phát triển ngày càng trầm trọng. Bởi tuổi cao và cảm nhận được sự bất lực của mình ngoài khả năng tự nêu gương sáng nên ông chủ động từ chối đảm nhận thêm một khóa nữa với trọng trách là người lãnh đạo tối cao của Đảng. Đáng buồn thay, từ Đại hội VII qua Đại hội VIII, các hiện tượng tiêu cực hiển lộ ra ngày càng nhiều, càng lớn và mau chóng chuyển hóa thành suy thoái trước hết là về mặt tổ chức nhân sự dẫn đến lỏng lẻo kỷ cương, tắc trách buông xuôi kỷ luật và mờ nhạt về lý tưởng. Sang khóa IX, khóa X Đảng lâm vào tình cảnh “bèo dạt mây trôi”! Trước thực trạng ấy mà công tác tuyên huấn lảng tránh những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống, chỉ “khua chiêng gióng trống” làm những việc vu vơ, sáo rỗng và không thiết thực! Cả xã hội nói dối lẫn nhau và không ai tin vào ai nữa. Hiện tượng tham nhũng không còn là bóng ma bóng quỷ mà đã hiện nguyên hình thành ông này bà nọ nghênh ngang sống trên pháp luật, coi thường luật pháp khắp chợ cùng quê, từ cung đình cho tới làng bản xóm thôn. Những đảng viên chân chính và những người dân lương thiện không khỏi xót lòng dạn mặt khi cả thế giới đều biết danh tổ quốc yêu thương được giành lại bằng không biết bao nhiêu xương máu của đồng bào, đồng chí giờ đây được xếp hạng trong “tóp đầu tính từ dưới lên” về nạn tham nhũng cửa quyền! Trong khi trước hành động ngang ngược của kẻ bành trướng bá quyền, thái độ của lãnh đạo lại tỏ ra nhu nhược, mập mờ, thỏa hiệp để mất thêm đất đai và tổ quốc bị đe dọa làm cho nhân dân bất bình, phẫn uất. Đồng thời tệ nạn sách nhiễu bê tha trụy lạc ở mọi mặt của đời sống xã hội đã thành chuyện tất nhiên, làm cho người dân luôn cảm thấy ngột ngạt bất an.
Khi Đảng chưa nắm quyền lãnh đạo, suy thoái chỉ dẫn đến sự tan rã của một đảng với một số người. Khi Đảng đã nắm độc quyền lãnh đạo mà suy thoái sẽ là sự sụp đổ cả một thể chế, một quốc gia và nhân dân là người lãnh họa.
Bao giờ sự suy thoái của Đảng cầm quyền cũng diễn ra trước tiên chủ yếu ở người đứng đầu và một nhóm người cơ hội độc tài lũng đoạn. Tấm gương Liên Xô đã nói lên đầy đủ. Nếu như Goocbachốp là kẻ đầu têu phản bội thì Yelshin là kẻ tội đồ phá tanh bành nền tảng cấu trúc CNXH của Liên Xô. Nhưng Yelshin được người Nga tha thứ bởi biết “chọn mặt gửi vàng” khi giao “tay hòm chìa khóa” quốc gia cho Puchin, chứng tỏ ông ta có trách nhiệm cao với tổ quốc mình. Chỉ người có bản lĩnh mới biết làm việc đó. Buồn thay cho tình cảnh nước nhà, vị nào luồn lên được cái ghế quyền lực thì trước hết lo giữ yên chiếc ghế đồng thời tranh thủ thu vén cá nhân và chăm lo cài cắm người lo “hậu sự” cho mình! Bây giờ ông Puchin trở lại ngôi Tổng Thống nhiệm kỳ thứ ba không còn êm xuôi nữa bởi điểm yếu của ông đã bị lộ ra trong khi người dân Nga được quyền đòi hỏi nhiều hơn và cao hơn. Nếu không đáp ứng nổi ông khó mà yên vị. Đó là lời cảnh tỉnh cho bất cứ ai ngồi vào cái ngai quyền lực, sẽ luôn phải chuẩn bị tinh thần để ra đi khi không còn hữu dụng. Đó là quy luật bởi nó là biện chứng đúng với tinh thần của Marx. Chứng tỏ rằng nước Nga thời hậu Xô viết có dân chủ hơn nhiều lần thời nước Nga Xô viết.
Cũng từ những biến cố xảy ra ở Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên… để chúng ta đặt ra câu hỏi: Tại sao một Đảng cách mạng từng làm nên những kỳ tích lớn lao lại bị khuynh đảo bởi một người hoặc một nhóm người làm cho đất nước điên đảo, tan hoang – Điều chưa hề xảy ra ở một nước tư bản phương tây? Có phải bởi lý do độc đảng? độc quyền! Thực ra cả hai thể chế xã hội ở phía Bắc, phía Nam nước ta đều từng có thời kỳ đa nguyên đa đảng nhưng vẫn không có dân chủ thực. Lời đáp đơn giản chỉ là quyền dân chủ hoặc bị tước đoạt hoặc được tôn trọng, thế thôi! Ở một đất nước có dân chủ thật sự thì nhân dân được tự do. Tất nhiên không thể có tự do theo ý muốn. Quyền dân chủ được thể chế hóa dưới nhiều hình thức.
Trước tiên là Quốc hội – nơi biểu hiện tinh thần “dân chủ tập trung” nhất của một cộng đồng quốc gia dân tộc. Quyền lập pháp và hành pháp được phân định rõ ràng. Cơ quan hành pháp chịu sự kiểm tra giám sát chặt chẽ của cơ quan lập pháp. Các đại biểu quốc hội phải làm việc trong danh dự với tinh thần trách nhiệm rất cao, biết lắng nghe ý kiến của nhân dân và đặt vấn đề với cơ quan chuyên trách, thẩm tra và phản hồi kịp thời với nhân dân. Khi đảng viên đứng chân trong Quốc hội, dù mang tiếng nói của Đảng nhưng họ đồng thời đại diện cho một giới, một bộ phận của dân tộc ở một địa phương. Khi Đảng áp đặt đảng viên của mình trong Quốc hội làm theo chỉ thị của Đảng có nghĩa là Đảng tự đối lập mình với cộng đồng dân tộc. Tinh thần của “Đảng lãnh đạo” đồng nghĩa với ý chí của Đảng phải hợp với lòng dân. Một sự khiên cưỡng sẽ làm vô hiệu hóa tổ chức dân cử tối thượng ấy để nó  thành lố bịch! “Luật biểu tình” được trang trọng ghi trong Hiến pháp từ năm 1946 mà đến nay vẫn bị lờ đi. Không nên đổ thừa cho điều kiện khách quan. Nhìn lại khi nước ta còn bị chia làm hai Miền, chiến tranh sống mái mà ở phía Nam quyền biểu tình vẫn được thực thi. Chính quyền Sài Gòn sụp đổ vì nó đi ngược lại quyền lợi của quốc gia dân tộc chớ không phải vì những cuộc biểu tình. Quốc hội đã đề xuất việc “Bỏ phiếu tín nhiệm với các thành viên do Quốc hội bàu ra” đã 13 năm rồi mà vẫn chưa được thông qua, tạo điều kiện cho người đứng đầu chính phủ và các Bộ-Ngành chuyên quyền thao túng làm cho dân tình khốn khổ, quốc gia nghiêng ngả! Khi quyền dân chủ với Quốc hội còn chưa được tôn trọng triệt để thì chẳng nên trách nó vẫn như người phụ nữ Á đông cổ hủ chỉ biết “phu xướng phụ tùy”!    
Kể từ ngày thành lập đến nay, đây là lần thứ hai Ban lãnh đạo Đảng công khai nhận khuyết điểm và chịu trách nhiệm trước toàn Đảng, toàn dân. Vấn đề không phải là người này người nọ chịu hình thức kỷ luật như thế nào.
Ngày 30 tháng 10 năm 1956, sau sai lầm của Cải cách ruộng đất, tại Hội nghị UBTWMTTQVN, luật gia Ngyễn Mạnh Tường – nhà trí thức yêu nước nhiệt thành, người luôn thiết tha đến sự nghiệp của cách mạng và tiền đồ của dân tộc, đã có bài phát biểu đóng góp với Đảng lãnh đạo trong tổ chức xã hội và xây dựng kinh tế bằng những lời lẽ tâm huyết chân tình tới nay vẫn còn nguyên giá trị. Xin tóm lược vài ý chủ yếu của ông như một nén nhang tưởng nhớ người trí thức bậc thầy hết lòng tận tâm tận tụy với nước với dân và tin rằng tâm nguyện của ông nhất định sẽ thành hiện thực trên đất nước này:
“Cái gọi là nhân bản của loài người đòi hỏi thiết tha nhất là một đời sống vật chất tương đối đầy đủ và ổn định, một đời sống tinh thần tương đối thoải mái và êm ấm, có đảm bảo tự do. Hạnh phúc của loài người xây dựng trên cơ sở dân sinh dân quyền. Mà trong vấn đề dân quyền chủ yếu là vấn đề dân chủ, nghĩa là quyền của người dân làm chủ trên đất nước mình đồng thời là quyền của con người được sống theo các nhu cầu thiết yếu và chính đáng. Thiếu dân chủ là gì? Là xa rời quần chúng, là giam hãm mình vào ngục thất chủ quan. Tại sao một chính thể cách mạng lại có thể sai lầm nghiêm trọng vậy? Là vì người dân không có quyền, không có phương tiện để nói lên ý kiến của mình tham gia xây dựng các chính sách của Chính phủ.
Một chế độ dân chủ thật sự là:
1 – Một chế độ pháp trị chân chính:
Ai làm việc cũng có thể sai lầm. Nhưng sửa sai không phải để lại phạm các sai lầm khác. Đứng trên tinh thần pháp lý, sự nhận lỗi của một người không đủ để quy định trách nhiệm của người ấy. Chỉ sau khi các cơ quan thanh tra, kiểm tra kết thúc cuộc điều tra sẽ tách riêng ra trách nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp lý. Trách nhiệm chính trị sẽ phải trả lời trước Quốc hội để tùy xem xét. Trách nhiệm pháp lý phải trả lời trước Tòa án tư pháp để tùy mức mà định tội. Dưới con mắt của quần chúng theo dõi xây dựng cuộc điều tra và xét xử, nhân dân đòi hỏi người có công được thưởng và người có tội phải nhận án phạt nghiêm minh. Công lý được phát huy, không ai còn thắc mắc nữa. Chẳng lẽ Bộ trưởng hay Thứ trưởng không có trách nhiệm gì trước Quốc hội, trước nhân dân, chỉ có trách nhiệm trước Chính phủ mà thôi?!
2 – Một chế độ thật sự dân chủ:
  Đó là một chế độ người dân được làm chủ trên đất nước mình không những chỉ trong hiến pháp mà cả trong thực tế đời sống nữa.
Các nhà lãnh đạo nhiều lần nói rằng nhân dân ta rất tốt. Mà tốt thật! Lẽ ra trong một chính thể cách mạng, nhân dân có thể đòi hỏi nhiều hơn, cao hơn cũng là chính đáng. Nhưng vì nhân dân thông cảm với cấp lãnh đạo phải đương đầu với rất nhiều việc khó khăn phức tạp nên chỉ rất nhũn nhặn đưa ra những yêu cầu và nguyện vọng thiết yếu cấp bách mà thôi.
Để thực hiện và đảm bảo yêu cầu vô cùng chính đáng ấy, cần ba giải pháp đồng bộ cụ thể sau đây:
- Một là buộc các cán bộ có trách nhiệm phải báo cáo trung thành sự thực với đầy đủ các ưu khuyết điểm. Cần cảnh giác với các con số thống kê bởi các động cơ bất chính mà muốn thi đua thành tích mị dưới lừa trên do đó đưa ra hình ảnh trái chiều thực tế. Người nào hữu ý xuyên tạc sự thật vì động cơ bất chính có thể bị truy tố vì tội giả mạo được.
  - Hai là các tổ chức đoàn thể, đặc biệt như Quốc hội và Mặt trận tổ quốc được quyền tập hợp ý kiến của nhân dân và mạnh dạn nói lên ý kiến của quần chúng. Không nên coi Đảng lãnh đạo như một cây rất to, lá rờm rà che hết ánh sáng mặt trời khiến một ngọn cỏ cũng không mọc dưới chân nó được. Mỗi đại biểu là mối giây liên lạc hai chiều giữa Nhà nước với nhân dân và ngược lại, là yếu tố không thể thiếu để Nhà nước hình thành những chủ trương chính sách sát hợp với thực tế. Mỗi đại biểu dân cử phải luôn xứng đáng với sự ủy quyền của nhân dân và nhân dân kiểm soát việc làm của họ. Khi Quốc hội và Mặt trận họp hội nghị, quần chúng phải được đến bàng thính (chỉ được nghe, không có quyền tham gia thảo luận) để kiểm soát công việc của các tổ chức ấy và xem xét thái độ các đại biểu của mình bầu ra.              - Ba là một chế độ tự do ngôn luận và xuất bản báo chí. Đó là yêu cầu thiết yếu mạnh mẽ hữu hiệu nhất để thực thi quyền dân chủ. Đây là việc làm cần thiết để quần chúng được nói lên tiếng nói của mình. Có người lo ngại rằng quyền này sẽ bị sử dụng bừa bãi. Nhưng trong một chính thể dân chủ, muốn sử dụng tự do nào dĩ nhiên phải nêu trách nhiệm của người sử dụng tự do ấy trước pháp luật. Nếu người sử dụng với tinh thần trách nhiệm hợp pháp thì ta hoan nghênh. Nếu họ lạm dụng một cách vô trách nhiệm ta đã có Tòa án để nghiêm trị. Nếu mối lo ngại xuất phát từ một động cơ bất chánh nhằm thủ tiêu các tự do dân chủ của nhân dân thì ta cần khuyên nhủ người lo ngại như vậy nên xem lại lịch sử các phong trào cách mạng hai thế kỷ nay để họ nhận ra rằng: Chưa ai có thể ngăn cản được một phong trào quần chúng tranh đấu đòi các quyền tự do dân chủ.    Không những ta công nhận các quyền tự do dân chủ, ta lại còn cung cấp các phương tiện để thực hiện các tự do ấy. Thí dụ như ngoài các báo chí chính thống của Nhà nước, ta lại cho xuất bản các báo chí tư nhân và giúp họ giấy mực in đầy đủ, ta lại còn quảng cáo cho các báo ấy đằng khác nữa. Các cơ quan quản lý báo chí của ta không bao giờ làm khó dễ cho các báo ấy và khi nào các báo đó được hàng vạn độc giả hoan nghênh, ta rất lấy làm sung sướng vì trong thâm tâm ta tự hào là những người dân chủ.
Xác định người trí thức không bao giờ quên trách nhiệm của mình trước nhân dân và lịch sử nước nhà, vị luật gia hàng đầu khả kính thẳng thắn đưa ra những lời cảnh tỉnh:
  Chúng ta đã phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng mà sai lầm trong CCRĐ chỉ là biểu hiện điển hình và bi đát nhất của những thiếu xót trong sự lãnh đạo của Đảng Lao động, là một vấn đề cực kỳ quan trọng. Chẳng qua chỉ vì sự lãnh đạo của ta thiếu dân chủ, xa lìa quần chúng.  Các nhà chính trị bất chấp pháp luật thì các nhà chuyên môn cũng yêu cầu các nhà chính trị chú ý đến pháp luật và dùng pháp luật phục vụ cách mạng. Ngay trong chính sách sửa sai trong cải cách ruộng đất này tôi thấy còn hời hợt, chính trị vẫn lấn áp pháp lý, thiếu một chế độ pháp trị phân minh. Tôi cảm thấy ngay hiện thời ta chưa rút được kinh nghiệm đâu. Như thế ta vẫn mở cửa cho các sai lầm mới còn nguy hại hơn nữa. Ta biết rằng nhu cầu công lý thuộc nhân bản của người văn minh. Toàn dân chờ đợi công lý. Một biện pháp chính trị xuề xòa không làm thỏa mãn được ai.
Chính trị đã “bất chấp pháp luật” lại “bất chấp chuyên môn” kể cả với những trí thức đã đi theo kháng chiến và những trí thức trong thành ở lại. Bởi cái quan niệm “lập trường” quái dị mà trong lịch sử kháng chiến (chống Pháp) vào giai đoạn cuối đã xua đuổi người trí thức ra ngoài con đường cách mạng thế nào, đã cho ta bài học đau đớn! Họ không mong phải được làm Bộ trưởng hay Đại sứ gì đâu. Họ chỉ mong muốn được tôn trọng, được tự do phát huy trí tuệ, mang khả năng chuyên môn và kinh nghiệm của họ ra phục vụ nhân dân, phục vụ tổ quốc mà thôi. Họ chỉ thiết tha mong muốn được bảo toàn danh dự trí thức và cái tự do tư  tưởng mà họ quan niệm là cần thiết cho nhân phẩm của người trí thức – là vốn quí của dân tộc.
Nói rằng cách mạng là tốt đẹp, mang lại hạnh phúc cho dân tộc, mà sao vẫn có những người xa lánh cách mạng? Chẳng qua là vì chính thể cách mạng mắc trầm trọng bệnh xa lìa quần chúng, thiếu dân chủ, do đó đi ngày càng sâu vào tình trạng quan liêu, mệnh lệnh, duy trì một thái độ lãnh đạo hẹp hòi, độc đoán có khi độc tài, không cho phép ai nói điều gì trái ngược ý kiến nhận định, thành kiến của mình. Tự phụ, tự hào mình có độc quyền tìm ra và bảo vệ chân lý – Đó là tật tự cao tự đại của nhà cách mạng.           Nói rằng cách mạng mang lại ánh sáng và hạnh phúc cho mọi người thì tại sao lại có người lo ngại trước cách mạng, đau đớn vì cách mạng? Các người ấy không thuộc thành phần kẻ thù của cách mạng, trái lại họ thuộc thành phần cơ bản trong nhân dân như công nhân, nông dân. Thế thì đâu là chân lý? Đó là vấn đề phải đặt ra và phải giải quyết”. 
Những lời nói chân thành tâm huyết ấy “chan chứa một niềm hy vọng và tin tưởng vô biên ở tương lai của đất nước” cất lên từ hơn nửa thế kỷ nay. “Trung ngôn nghịch nhĩ”! Dù bị hệ lụy phiền hà không ít, người chiến sỹ chân chính của dân chủ tự do vẫn vui vẻ lạc quan và ra đi thanh thản trong sự tiếc nuối, kính trọng của xã hội trước một hiền tài với nhân cách lớn.
Thời gian qua đi, ý tưởng của ông ngày một rõ ra, xã hội có sự chuyển mình và có những cải tiến như sự mong đợi của ông. Xu hướng ngày càng nhiều người nhận ra những sai lầm này không nhất thời xuất phát từ hoàn cảnh, mà là sai lầm hệ thống có nghĩa từ thể chế thì cách sửa chữa không thể theo lối xáo mòn với những lời hứa hẹn rồi mọi sự vẫn y như cũ được. Xã hội muốn đi lên mà như “gà mắc tóc”!
  Trước những sai lầm của Đảng lãnh đạo, năm 1956, TBT Trường Chinh tuyên bố: “Uy tín của Chính phủ và Đảng bị tổn thiệt rất nhiều”! Nhưng sai lầm vẫn tiếp sai lầm và sai lầm sau đau hơn sai lầm trước dẫn tới sai lầm hôm nay! để TBT Nguyễn Phú Trọng lại thừa nhận “đã làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đến niềm tin của nhân dân”!
Tất nhiên hai thời điểm lịch sử khác nhau, diễn biến xã hội khác nhau, trình độ dân trí khác nhau, tác động của mối liên quan với thế giới khác nhau và con người đảng viên có những biến đổi khác nhau. Liệu những người lãnh đạo của Đảng có xoay chuyển được tình thế?
Hãy coi như “Đấu tranh đây là trận cuối cùng”!

Thành phố Hồ Chí Minh
               Tháng 10 năm 2012