Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Môi trường sau mưa bão

Đàm Quỳnh Ngọc
Thứ sáu ngày 26 tháng 10 năm 2012 5:06 AM


 Cuối mùa thu, các cơn bão đổ bộ vào miền trung, thiệt hại không kể xiết về người và của đến đau lòng ở các huyện miền tây xứ Nghệ. Ảnh hưởng từ bão, những cơn mưa lớn đã gây nên lũ lụt cuốn trôi hàng chục người và nhà cửa, lũ cắt đứt nhiều tuyến đường ách tắc giao thông. Vùng miền biển và đồng bằng tỉnh Nghệ, cũng không “thua kém” gì miền tây về thiệt hại. Những cánh đồng ngô đang trỗ cờ kết hạt bị gió mưa quật cho tơi tả chìm trong biển nước. Ngày trời yên biển lặng cả cánh đồng ngô bốc mùi thum thủm từ bông ngô non đã úa vàng sình lên trong nước. Nhưng dù sao vẫn còn may, may hơn đồng loại ở miền tây xứ nghệ là không thiệt hại đau thương về người, đó là cái may lớn nhất. Người dân thở phào nhẹ nhõm tưởng đã thoát…lưới trời, ai ngờ“ tai nạn của cuộc sống” những năm gần đây không buông tha ai, bệnh tật phát sinh sau mưa bão bắt đầu hoành hành đến những người dân miền biển ở dọc kênh nhà Lê.
Kênh nhà Lê được đào quy mô vào đời tiền Lê để phục vụ công cuộc Nam chinh của Lê Đại Hành vào thế kỷ thứ 10. Dòng kênh được đào theo chiều dài của đất nước, lợi dụng thủy triều lên xuống để vận chuyển quân lương khi có chiến tranh. Ở đường Quốc lộ gần cầu Cấm( Nghi lộc) có tấm biển ghi công kênh nhà Lê đã có công lao trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Kênh nhà Lê cũng là nơi sinh cơ lập nghiệp của dân bằng nghề đánh cá và làm muối …
Dòng kênh có từ lâu đời, rất cần thiết trong cuộc sống, nhưng qua bao thăng trầm của đất nước, dòng kênh không được nạo vét khơi thông, qua những ngày lũ lụt, phù sa, rác rưởi, xác của động vật, gia cầm đều tùa xuống kênh, làm lòng kênh bị thu hẹp và biến dạng, ô nhiễm nguồn nước và môi trường, không còn được sạch đẹp và thơ mộng như ngày xưa, có những đọan kênh hẹp tới mức  mùa hè trẻ con cũng lội bộ, chạy qua, chạy lại dưới lòng kênh, thuyền nhỏ khó qua lại được, phải chờ ngày triều cường mới hy vọng đi qua.
Các cơn bão gây kinh hoàng cho con người đã chấm dứt, tôi về quê thuộc miền biển. Đi dọc kênh nhà Lê, nhìn dòng nước đục ngầu phù sa cuộn chảy, kéo theo nhiều xác động vật, gia cầm nổi lềnh bềnh bốc mùi tanh tưởi hôi thối mà rùng mình ớn lạnh. Không biết các nhà khoa học ngành y nghiên cứu như thế nào, đã công bố loại virut gì hay gây bệnh và phát triển sau bão lụt ra sao? Chỉ biết rằng mưa bão chấm dứt thì bệnh tật phát sinh. Tôi vào nhà ông K là thương binh hạng nặng được biết rằng sau bão, các con vật nuôi trong nhà đều khặc khừ chán ăn rồi lăn ra chết ( mà không phải một mình gia đình ông K ) hoặc bị nhiễm bệnh nặng. Đầu tiên là đàn gà hàng chục con ủ rũ bỏ ăn mấy ngày không thuốc gì chữa được. Rồi chó, mèo, lợn lần lượt chết sạch, lại “chôn” xác chết xuống dòng kênh, vi rút lại thêm“ đồng đội”…đến là luẩn quẩn trong việc bảo vệ sức khỏe cho con người. Đến động vật to xác nhất, và cũng to tiền nhất của gia đình là bò, cũng lừ đừ bỏ ăn hắt hơi khiến người dân tá hỏa đi tìm kiếm cán bộ thú y với hy vọng còn vớt vát chút vốn còn lại ở…bò. Còn  may, bò chưa chết, chỉ ốm khặc khừ, gầy tong teo rồi qua khỏi. Ông trời không nỡ lấy cạn kiệt đến trắng tay của người dân vùng biển vốn nổi tiếng về…nghèo.
Con bò chưa chết, nhưng phục hồi sức khỏe cho bò không phải ngày một, ngày hai. Mất cả cánh đồng ngô đang trỗ cờ. Gà, vịt, lợn, chó, mèo là nguồn thu cho thức ăn đạm bạc hàng ngày của người dân cũng chấm dứt. Làng quê sau bão để laị không khí ảm đạm lạnh ngắt. Lũ trẻ con không thấy hò hét ở sân bóng đá của trường làng. Đi xa lâu ngày về không thấy con chó mực ngoáy tít đuôi mừng rỡ như mọi lần, tự nhiên cũng thấy buồn thiu. Những người dân ở thôn quê còn buồn gấp bội, chỉ biết chạy qua chạy lại với với nhau bằng đôi mắt ầng ậc nước, than thở, an ủi động viên để cùng vượt qua hoạn nạn này. Nhưng cũng chỉ được vài ba ngày qua lại, sau đó trên đường làng cứ vắng vẻ bóng người, bởi dịch bệnh sốt xuất huyết đã đến lúc tấn công hoành hành con người về sức khỏe. Người sốt cao đột ngột, nằm điều trị ở trạm, người nặng hơn phải chuyển lên bệnh viện huyện, tỉnh. Người may mắn không ốm cũng phải lo phát…ốm vì tất tả ngược xuôi chăm lo người bệnh, thăm hỏi láng giềng. Ngày đầu tiên bùng phát bệnh, ở trạm xá xã bệnh sốt xuất huyết mới chỉ vài ba người, còn lạc quan, còn chia sẻ với nhau niềm lo lắng. Nhưng dần dà cứ thêm một ngày, lại thêm bệnh nhân vào trạm xá. Khốn khổ dân nghèo. Trạm trưởng xã hoảng hồn khi thấy bệnh nhân lên đến hàng chục người cấp cứu, trong khi trạm xá xã chỉ có mấy cán bộ với nhiều chức năng khác nhau, xoay như chong chóng, bệnh nhân toàn là bà con làng xóm, cùng họ hàng thân quen, bạc cả mặt vì lo. Vội vàng  khẩn trương báo lên Trung tâm y tế huyện tăng cường, trung tâm y tế điều động ngay lực lượng tăng cường cho cơ sở và điện báo dịch bệnh sốt xuất huyết về Sở y tế. Tất cả cũng tại ông trời.
Rồi số bệnh nhân sốt xuất huyết hàng chục người ở trạm xá xã cũng giảm bớt từ từ, lần lượt bệnh nhân đều xuất trạm về nhà. Hú hồn, hú vía không có tử vong, tạm thời dịu bớt không khí căng thẳng về bệnh tật, bởi, đã có sự chia sẻ cảm thông vật chất đến tinh thần của cộng đồng. Toàn huyện đều được khoanh vùng phun thuốc diệt muỗi, phát quang cây cỏ những nơi ẩm thấp. Đã có kết quả khả quan , nhưng dù sao cũng chỉ giải pháp tạm thời .
Tôi xuất thân từ nông dân, thành phần con của “mẹ cu, mẹ đĩ” đã từng lăn lộn trên dòng kênh nhà Lê, nằm gác tay lên trán thở dài và tự tìm câu câu hỏi, trả lời cho mình: Tại sao qua những mùa mưa bão, dịch bệnh thường phát sinh ở vùng dân cư sống gần sông nước? Có phải vì nơi ấy muỗi dễ tồn tại, phát triển, dễ gây bệnh? Hoặc có nguyên nhân nào khác nữa mà con người có biết nhưng coi thường sức khỏe của con người, chưa đầu tư giải pháp tương xứng? Virut sốt xuất huyết chưa bị con người “ cầm chân tiêu diệt” triệt để, nên vẫn còn tự do tung hoành khi có cơ hội trôi nổi theo dòng nước, tìm nơi “dừng chân” màu mỡ để “ hành nghề” kiếm sống?
 Có người dân sống lâu năm ven dòng kênh nói với tôi rằng:  Ngày trước dòng kênh còn rộng, dân thưa, chất thải xuống kênh còn ít, nên dòng nước đủ sức dung hòa “chiến đấu” “đề kháng” với virut, tất cả đều bị cuốn trôi ra biển khơi. Còn bây giờ đất chật, người đông, dòng kênh thu hẹp, chất thải, động vật chết… tùa xuống kênh, dòng nước “đậm đặc” tải không nổi nên “đành phân tán” đều hai bên bờ, trở thành “thức ăn ngon” cho ruồi muỗi, các ổ virut từ xác chết “lan tỏa” nhanh chóng vào không trung, ô nhiễm môi trường,“tiềm năng” bệnh tật đã chờ sẵn có cơ hội là bùng phát.
Đó chỉ là ý kiến của người dân có nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn, còn giải quyết triệt để về vấn đề bảo vệ sức khỏe cho con người vùng sông nước vẫn là chức năng của các nhà chuyên môn?
Đ.Q.N