Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Bài thơ "Ăn mày" qua lời bình

Đặng Văn Toàn
Thứ sáu ngày 26 tháng 10 năm 2012 5:31 AM

 ĂN MÀY
Đồng Đức Bốn
 
Đang trưa ăn mày vào chùa
Sư ra cho một lá bùa rồi đi
Ăn mày chẳng biết làm gì
Lá bùa đút túi lại đi ăn mày./.
…………………………………
 
     Lời bình:
     Một lần, mấy anh em ngồi tán chuyện văn chương, nhân nhắc đến Đồng Đức Bốn, nhà thơ Đỗ Trọng Khơi hào hứng khen tài. Rồi anh cười vui vẻ tiếp:
- Con người ấy không phải vừa đâu. Hóm lắm đấy!
    Vâng, như bài lục bát trên đây chẳng hạn, mới nghe thấy vui vui. Khung cảnh nhà chùa tôn nghiêm vốn quen thuộc xưa nay. Có hai con người: Nhà sư và ăn mày. Và một lá bùa ở giữa làm vật quan hệ. Việc không lấy gì làm phức tạp, các chi tiết lần lượt diễn ra theo trình tự đơn giản và nhanh chóng.
     Nhưng đúng như đã nói ở trên. Nếu chỉ đọc thoáng qua để thấy việc, nắm được cốt truyện thôi thì đây quả là mẩu chuyện nho nhỏ, cũng vui vui thinh thích. Có điều, ta nên để tâm ngẫm nghĩ thêm chút nữa. Nhà chùa là chốn thiện phúc, là nơi có thể ra tay cưu mang, cứu giúp chúng sinh. Ăn mày đến cửa chùa, lại đến vào thời điểm đang trưa, hẳn lúc này là do nhu cầu của cái bụng. Cơn đói, cơn khát lúc này chắc đang cồn cào, thúc bách.
     Một lưng cơm, một chén nước lúc này sẽ là ân huệ, là đói no sự sống. Nhưng tiếc thay, điều mong mỏi, trông đợi ấy lại không được đáp ứng. Thay vì cho lưng cơm, chén nước, nhà sư lại đem cho… lá bùa.
     Lá bùa - nghe thì quan trọng đấy, nhưng phỏng có ích gì với người ăn xin, vì làm sao nó giải quyết được cơn đói, cơn khát đang dày vò?
     Việc làm của sư tưởng chừng tốt bụng, lại rõ ràng không phù hợp với đối tượng, chẳng có tác dụng gì cả. Nên hệ quả tất yếu phải xảy ra: Ăn mày chẳng biết làm gì/ Lá bùa đút túi lại đi ăn mày.
     Kẻ ăn mày(danh từ), lại tiếp tục đi ăn mày(động từ). Tức cái vòng loanh quanh, luẩn quẩn, đói vẫn hoàn đói.
    Còn lá bùa. Bùa là bùa yểm, bùa mê bùa lú gì đấy, đại loại một thứ “phép màu” mê tín trong dân gian. Vật này, tên gọi này không dính dáng, liên quan gì đến nhà chùa, cửa Phật. Chẳng qua sư đem lá bùa ra cho là cho cái thứ không phải của mình. Nó là thứ của người khác, thứ vu vơ ba vạ ngài nhặt ở đâu về?
    Trong khi người ta đói, cần ăn, thì trái lại, cho thứ không thể ăn được. Đó là chỗ dở, điều trớ trêu đáng chê trách trong việc làm được coi là từ thiện của nhà sư.
    Như thế, ngài đã sắm một vai diễn khá vô duyên, mai mỉa ẩn giấu sau cái vẻ linh thiêng cao đạo bên ngoài.
    Từ bài thơ cụ thể này, vận vào đời, những chuyện vậy không hiếm. Anh có thể cho người ta thứ này, thứ khác hoặc đưa ra những lời động viên hứa hẹn tốt đẹp. Nhưng nhiều khi nó chỉ là thứ hào nhoáng bên ngoài thôi chứ không mang lại lợi ích thiết thân, thiết thực nào.
    Cho đến khi họ nhận ra cái bánh vẽ vô tích sự chẳng cứu giúp được ai. Hy vọng tiêu tan, họ lắc đầu tản ra không cần đến anh nữa và ngán ngẩm rủ nhau đi tìm kiếm những điều thực tế hơn./.
       
  Đặng Văn Toàn
        Kỳ Trọng. Đông Hà, Đông Hưng, Thái Bình
         ĐT:  01683823033

T