Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Suy ngẫm về tự xử

Đinh Bá Tuấn
Thứ sáu ngày 19 tháng 10 năm 2012 5:12 AM

 Nho giáo phát xuất từ Trung Hoa và người khai sinh ra nó là Khổng Tử. Với  Tam cương, Ngũ thường, Tam tòng, Tứ đức,  theo Khổng Tử nếu giữ và làm tốt được nó thì xã hội sẽ an bình. Mặc dù còn những hạn chế, nhưng các nhà nước phong kiến Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam… đã biết vận dụng nó để trị nước, an dân.

Trong quá trình tu thân, Nho giáo đề cao đạo quân tử. Quân tử phải đạt được ba đức: “ Nhân – Trí – Dũng”. Sau khi tu thân người quân tử phải Hành Đạo, tức là phải làm quan, làm chính trị. Nội dung của công việc này  được công thức hóa: “Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ”. Nếu không làm được điều đó thì người quân tử phải tự rút lui. Còn nếu như mắc phải tội nặng thì Vua sẽ ban cho thanh kiếm để tự xử mình. Đó là cái chết trong danh dự. Nó thể hiện tính tự giác của cá nhân và nghiêm minh trong trị nước của các nhà nước phong kiến Trung Hoa.

Nho giáo du nhập vào Nhật bản  kết hợp với tinh thần Võ Sĩ Đạo sẵn có, đạo quân tử của người Nhật lại nâng thêm một bậc. Lúc này không phải có một thanh kiếm vua ban nữa mà là hai thanh kiếm. Thanh kiếm thứ hai thường ngắn hơn dùng để tự xử mình. Sự can đảm đã tạo dựng cho các samurai xem cái chết để giữ gìn danh dự như một điều vinh dự, một cái đẹp của cánh hoa đào rơi.

Một thanh kiếm khi ở Trung Hoa, hai thanh kiếm khi vào Nhật bản. Những thanh kiếm ấy chỉ dành tự xử các quan lại trong triều đình và các Samurai, thường dân thì không có. Nhưng nó lại tác động và định hướng đến toàn bộ xã hội. Sự tự trọng ấy là tấm gương để mọi người soi chiếu.

Nho giáo du nhập vào Việt nam cùng với Đạo Lão và gặp từ bi sẵn có của Đạo Phật. Sự pha trộn của các đạo giáo, tiếc thay không ra được món cocktail  ngon mà lại ra món hổ lốn, lổn nhổn chưa định được đúng tên là món gì. Sự sắc bén của các thanh kiếm cũng không còn, lòng tự trọng cũng dần mất đi. Người Việt nhất là quan lại, thường nói nhiều, làm ít, không biết trọng lời hứa, ít dám chịu trách nhiệm với công việc mình làm. Tự xử lại càng không có.

Nên chuyện xảy ra trong những ngày qua trên chính trường, chẳng có gì phải buồn. “ Chung quy chỉ tại Vua Hùng …”./. 
Vũng Tàu, 16/10/2012