TNc: Tôi không ngờ trang web khiêm nhường của mình lại góp phần làm một việc nghĩa thế này. Cám ơn nhà văn Vũ Ngọc Tiến, nhà báo Dương Đức Quảng, Vietinbank đã và nhân dân huyện Thạnh Hóa Long An đã đồng hành để tri ân 291 liệt sĩ ngã xuống giưa rừng tràm năm 1973...
Viết nhân ngày khánh thành Khu tưởng niệm Liệt sĩ Trung đoàn 207: ngày 8/9 Nhâm Thìn
Anh Trần Nhương thân kính!
Mấy tuần qua tôi cứ trăn trở không sao ngủ được. Cái chân trái sau lần bị tai nạn cứ đau tấy lên bởi 2 chiếc đinh đóng nơi đầu gối lại giở trò hành hạ phần vì trời trở gió, phần nữa vì nỗi ám ảnh về cái chết tức tưởi của 291 liệt sĩ thuộc Trung đoàn 207 đã bỏ mình giữa rừng tràm ngập nước ở ấp Đá Biên, huyện Thạnh Hóa- Long An trong đêm mồng tám tháng chín âm lịch năm Quý Sửu (1973). Vài ngày nữa là đến đám giỗ lần thứ 39 của các anh. Chúng tôi và văn phòng MARIN (nhantimdongdoi.org) từ lâu đã lên kế hoạch vào dự đám giỗ năm nay. Cách đây hơn 1 tuần, nhận được giấy mời của anh Mười Khôn – Phó Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa, tôi đã cố bỏ nạng, ra vườn hoa chống gậy tập đi để có thể kịp bình phục về Đá Biên dự lễ khánh thành Khu tưởng niệm các liệt sĩ của Trung Đoàn 207, Quân khu 8 vào đúng ngày giỗ (8/9 âm lịch), nhưng có lẽ tuổi già “dục tốc bất đạt” nên cái chân trái đã đau lại càng đau!...
Vậy là tôi đành lỗi hẹn với chủ Web Trần Nhương, người đã có công chắp mối nhân duyên cho tôi gặp anh Dương Đức Quảng để rồi sau đó chúng tôi cùng Ban liên lạc cựu chiến binh E207 và huyện Thạnh Hóa kêu gọi nguồn tài trợ cho công trình Khu tưởng niệm các liệt sĩ của Trung đoàn ở ấp nghèo Đá Biên, giữa rừng tràm ngập nước. Ba ngày trước, nhận được điện thoại của anh Dương Đức Quảng, tôi đã cậy nhờ anh ấy thay tôi tháp tùng chủ Web Trần Nhương vào Nam đi xuống miền Tây sông nước một chuyến. Giờ đây ngồi vào bàn viết, tôi lại bồi hồi nhớ kỷ niệm đã qua. Đó là những ngày giáp tết Nhâm Thìn, tôi đang ở Tp Hồ Chí Minh, tình cờ quen biết hai anh Phạm Văn Thông và Phan Xuân Thi - những cựu chiến binh của Trung đoàn 207. Họ kể cho tôi nghe câu chuyện cảm động về ngôi miếu Bắc Bỏ và những Thành hoàng làng đội mũ cối ở ấp Đá Biên. Chuyện kể rằng, vào một đêm mưa gió năm 1973, E207 được lệnh cấp tốc hành quân từ biên giới Căm Pu Chia về Đồng Tháp chuẩn bị đánh lớn. Cả Trung đoàn, trừ cán bộ khung còn hầu hết là lính sinh viên ĐH Xây dựng và một số ít của ĐH Bách khoa mới từ miền Bắc vào, chưa quen trận mạc nên gần sáng thì bị lạc vào rừng tràm non ngập nước thuộc ấp Đá Biên, huyện Thạnh Hóa. Vì thiếu kinh nghiệm ngụy trang trong lúc trú quân ở rừng tràm nên họ bị lộ. Đối phương liền huy động hai trận địa pháo bắn như vãi đạn, quây lính ta vào một vòng tròn rồi cho trực thăng và xe lội nước quần thảo tơi bời. Chỉ trong một ngày 8/9 âm lịch cầm cự với địch, khi thoát ra khỏi vòng vây đã có 291 chiến sĩ tử trận. Điều đau xót là giữa rừng ngập nước nên mấy ngày sau, tổ làm công tác tử sĩ chỉ có thể bó từng thi hài vào túi ni lông, buộc vào gốc tràm, chờ hết mùa nước sẽ nhờ du kích địa phương chôn cất, nhưng do hoàn cảnh chiến tranh mà việc chôn cất đã không thực hiện được. Hài cốt 291 liệt sĩ vì thế cứ theo sóng nước trôi dạt trong rừng tràm. Sau chiến tranh, dân ấp Đá Biên khẩn hoang làm ruộng thường gặp những bộ hài cốt liệt sĩ không còn nguyên vẹn và khá nhiều chiếc mũ cối của lính ta từ miền Bắc vào, chưa kịp đổi sang mũ tai bèo quân giải phóng. Đồn rằng hồn ma lính trẻ ngoài Bắc vào chết bỏ xác nơi rừng tràm rất thiêng, nhiều câu chuyện huyền hoặc đến kỳ lạ cứ lan truyền trong dân ấp Đá Biên nên hàng năm cứ đến ngày 8/9 âm lịch nhiều nhà thắp nhang cúng vái, gọi các linh hồn liệt sĩ là những Thành hoàng làng đội mũ cối. Khoảng năm 1991, ông Tư Tờ - một nông dân trong ấp đi làm đồng gặp 2 bộ hài cốt liệt sĩ không còn nguyên vẹn đã thắp nhang chôn cất cẩn thận. Ông khấn với vong linh các liệt sĩ khôn thiêng về phù trợ cho ông năm đó được mùa, đạt 500 giạ lúa thì sẽ cất một ngôi miếu thờ phụng, nhang khói quanh năm. Quả nhiên năm đó ông thu hoạch hơn 500 giạ lúa, nhưng vì mải làm ăn quên mất lời hứa nên con gái ông bỗng nhiên đổ bệnh, chữa chạy khắp nơi không khỏi. Ân hận vì đã thất hứa, ông một mình cặm cụi chặt tràm, đóng cừ, vật đất được một diện tích chừng 20 m2 để dựng ngôi miếu thờ đơn sơ lợp lá dừa nước, và một bệ xi măng đặt bát nhang. Chỉ thế thôi, nhưng con gái ông khỏi bệnh. Từ đó đã 20 năm ngôi miếu thành nơi dân ấp đi làm đồng ghé vào trú mưa, tránh nắng và hàng năm đến ngày 8/9 âm lịch họ lại rủ nhau làm giỗ, cúng các Thành hoàng làng đội mũ cối. Ngôi miếu từ đó có tên là miếu Bắc Bỏ…
Ngày 19 tháng chạp năm Tân Tỵ (2011), tôi đã cùng các anh Phan Xuân Thi, Phạm Văn Thông về thăm gia đình ông Tư Tờ, đi xuồng ra miếu Bắc Bỏ thắp nhang bái vọng anh linh các liệt sĩ tản mạn khắp rừng tràm ngập nước. Theo thời gian, mô đất giờ đã được dân địa phương bồi đắp thêm, rộng chừng 50 m2, mái nâng cao lợp tôn, bốn bề vẫn còn trống hoác. Lòng tôi trĩu nặng u buồn, liên tưởng đến phong trào xây dựng chùa miếu đang rầm rộ khắp cả nước, có công trình tiêu tốn hàng trăm tỷ, rồi các dinh cơ lộng lẫy xa hoa của các đại gia, quan chức ở miền Tây Nam Bộ có đầy trên mạng… Và tôi càng xót xa nhớ người em trai liệt sĩ sinh viên ĐH Nông nghiệp hy sinh ở Quảng Nam và hàng nghìn liệt sĩ sinh viên khác bỏ mình nơi thành cổ Quảng Trị. Đêm tiễn ông công ông táo chầu giời (23 tháng chạp) giữa Sài Gòn, tôi ngồi viết bài “Ngôi miếu thờ những Thành hoàng làng đội mũ cối” mà ứa lệ gửi ra Hà Nội, đăng trên trannhuong.com. Tình cờ sáng 29 Tết, tôi nhận được điện thoại của anh Dương Đức Quảng - một phóng viên lão thành từng lăn lộn nhiều năm ở chiến trường Liên khu Năm. Anh nói đã đọc bài viết ấy, rất xúc động và xin số điện thoại của tôi qua chủ Web Trần Nhương. Bài viết đã được anh Quảng in ra giấy, chuyển cho ông Lê Huy Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Vietinbank và nhận được lời hứa, Ngân hàng sẽ tài trợ toàn bộ kinh phí xây dựng một công trình thật hoành tráng, tưởng niệm các liệt sĩ Trung đoàn 207 thay cho ngôi miếu Bắc Bỏ đơn sơ của ông Tư Tờ trên ấp Đá Biên. Tôi bàng hoàng sung sướng, thầm cám ơn ông bạn già Trần Nhương đã chắp nối mối nhân duyên thiện nguyện này từ trang Web của mình. Hai chúng tôi hẹn nhau một tháng sau, nhằm ngày lễ tình nhân 14/2/2012 sẽ cùng Ban liên lạc cựu chiến binh E207 mang đủ 291 bông hồng vàng Đà Lạt về miếu Bắc Bỏ, thắp nhang cho các liệt sĩ sinh viên ngã xuống đất này giữa tuổi yêu đương đẹp nhất cho đất nước thống nhất, cho non sông thu về một mối. Sau đó, chúng tôi và đại diện Ngân hàng Vietinbank sẽ chính thức làm việc với UBND huyện Thạnh Hóa về Dự án đầu tư cho công trình Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 207, Quân khu 8. Thật vui vì cùng đi với chúng tôi hôm đó còn có ê kíp của người đẹp Thu Uyên của hai chương trình nổi tiếng trên VTV là “Như chưa hề có cuộc chia ly” và “Trở về từ ký ức”. Mọi người cũng rất cảm động khi chị Thanh Xuân - Chủ tịch công đoàn Vietinbank vừa xuống sân bay Tân Sơn Nhất, không kịp ăn sáng đã ngồi ô tô về thẳng Chi nhánh Long An, kèm ông GĐ Chi nhánh đi tiếp đến huyện Thạnh Hóa cùng dự họp bàn việc đầu tư xây dựng công trình. Tại cuộc họp này, thay mặt Vietinbank, chị Thanh Xuân thông báo Ngân hàng sẽ tài trợ đợt đầu cho huyện 3 tỷ đồng và giao nhiệm vụ cho Chi nhánh Long An trực tiếp theo dõi tiến độ, giải ngân kịp thời. Sau này, trong quá trình xây dựng, tổng tài trợ của Vietinbank đã nâng lên 5 tỷ đồng, ngoài ra còn có vốn quyên góp của Ban liên lạc E207 khoảng hơn 100 triệu và tiền quyên góp thiện nguyện khác của địa phương. Về phía địa phương, anh Mười Khôn – Phó Chủ tịch huyện cũng dứt khoát tuyên bố sẽ ra quyết định cấp 4.500 m2 đất rừng tràm cho việc xây dựng và thành lập Ban chỉ đạo Dự án gồm người của địa phương và của Ban liên lạc E207. Cuộc họp ngày 14/2/2012 sớm đi đến thống nhất, mọi người hạ quyết tâm sau một tháng hoàn tất thủ tục sẽ khởi công, đóng cừ, bơm cát tôn nền vào 19/5; đến ngày 27/7 sẽ kết thúc giai đoạn I, xây xong nhà bia tưởng niệm và đến ngày giỗ liệt sĩ 8/9 âm lịch tức ngày 22/10/2012 sẽ cơ bản hoàn thiện miếu thờ và các công trình phụ trợ đúng theo thiết kế để chính thức làm lễ khánh thành công trình. Từ Tp Hồ Chí Minh, kiến trúc sư Lê Hải đã hiến tặng bản thiết kế rất công phu, chi tiết và tình nguyện cùng các anh trong Ban liên lạc E207 thường xuyên về kiểm tra chất lượng từng hạng mục, đôn đốc công việc, tháo gỡ mọi khó khăn về vốn và vật tư, kỹ thuật. Nhân dân ấp Đá Biên và các thôn xã quanh vùng sẵn lòng hiến tặng ngày công lao động, cây cảnh… Mới hay khi lòng người đã thuận thì Trời- Phật ủng hộ, mọi việc hanh thông. Tôi nhận được giấy mời của anh Mười Khôn dự lễ khánh thành đúng ngày 8/9 âm lịch mà lòng nghẹn ngào, vui khôn tả xiết. Rồi đây thân nhân và bạn học các liệt sĩ hai trường ĐH Xây dựng và Bách khoa HN có nơi chốn tìm về thắp nhang tưởng niệm, không phải bơ vơ tìm kiếm. Tận thẳm sâu tôi mong đây sẽ là công trình văn hóa tâm linh đa năng luôn ấm hơi người, vừa là nơi thờ cúng vừa là nơi bà con nông dân đi làm đồng nghỉ trưa, trú mưa tránh nắng, thanh thiếu niên trong vùng thường xuyên lui tới đọc sách, đờn ca tài tử những ngày nông nhàn hay lễ tết…
Anh Trần Nhương thân kính!
Vì cái chân đau, không thể cùng anh về Thạnh Hóa- Long An, xuôi dòng kênh Võ Văn Kiệt vào ấp Đá Biên chiêm ngưỡng công trình khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 207, Quân khu 8. Tôi viết mấy dòng này trước là tỏ lòng cảm ơn chủ Web Trần Nhương, sau nữa cậy nhờ hai ông bạn già Nhương- Quảng thay tôi thắp nén nhang cho các liệt sĩ sinh viên giữa rừng tràm mênh mông ngập nước. Nếu có thời gian, hai anh ghé thăm nhà ông Tư Tờ nói dùm tôi một lời hẹn ngày gặp lại. Nghe nói, một doanh nghiệp thuộc Tập đoàn dầu khí ở Vũng Tàu cảm thông với cảnh nghèo, xúc động và biết ơn cái nghĩa cử của ông Tư Tờ 20 năm âm thầm lập miếu thờ liệt sĩ, nhang khói đều đặn những ngày giỗ tết, đã quyết định sẽ tặng ông một ngôi nhà tình nghĩa… Âu đây cũng là cái duyên thiện nguyện giữa cõi đời dâu bể, là niềm hạnh phúc của người viết văn, làm thơ trên mạng như tôi và anh. Vui lắm thay!…
Hà Nội 18/10/2012
VNT
Ảnh: Một góc công trình đang thi công