Cuối tháng 5/1975, tôi vào công tác tại Phòng Tài Chính TX Long xuyên, người lãnh đạo là ông Nguyễn Minh Hừng, thường gọi là anh ÚT ĐƯỜNG (anh còn người em ruột là ÚT ĐẬU).
Được biết : anh ÚT ĐƯỜNG trước là Đội Trưởng Đội Biệt Động TX Long xuyên, bị địch bắt năm 1967, bị kết án tử hình, bị đày đi Côn Đảo. Cuối tháng 4/1975, Côn Đảo được giải phóng, anh được trở về. ( cùng ở Lao tử hình với anh còn có : Lê Quang Vịnh, Lê Hồng Tư, Lê Minh Châu ….)
Dáng người ốm gầy , hơi cao (lỏng khỏng), giọng nói rõ ràng, hấp dẫn. (Đến khi mất vào giữa năm 2011 anh vẫn ốm gầy ).
Tôi phụ trách Trưởng Phòng Chi Hành Chính Văn Xã, nghĩa là lập dự toán hàng năm, hàng tháng với Ty Tài Chính, duyệt dự toán, cấp phát kinh phí cho các ban, ngành trực thuộc và quyết toán hàng tháng …
Tình hình thời năm 1975 – 1985, về ngân sách thì không vấn đề gì ! Tài chính của Thị xã lúc nào cũng dồi dào, tồn quỹ luôn trên mức an toàn, nhưng hàng hóa thì thiếu hụt mọi thứ, nghĩ lại thật lãng xẹt : Ngân hàng không có dây thun buộc tiền, phải dùng dây bố, viết BIC hết mực phải mướn bơm mực lại mà dùng, gặp mực xấu chảy tùm lum, bẩn cả túi áo …
Văn phòng phẩm do ngành Thương nghiệp phân phối không đâu đủ đâu, phải chạy vạy bên ngoài mới đủ cung cấp cho các cơ quan, ban ngành.
Tôi có vài kỹ niệm không quên với anh ÚT ĐƯỜNG, Trưởng Phòng Tài Chính của tôi :
Viết chấm bài cho học sinh phải là mực đỏ : Trong lúc viết BIC hết mực phải bơm mực lại mà dùng, anh bảo tôi tìm đến các cơ sở sản xuất viết BIC loại khá (loại tốt thì không có rồi), đặt hàng theo yêu cầu : mực ra đều, không chảy mực, màu đậm …ký hợp đồng dài hạn, số lượng lớn, cung cấp ổn định (chủ yếu là ngành Giáo dục). Công việc thực hiện được hơn tháng, anh ÚT kêu tôi trao đổi thêm : Chưa ổn, trong khi các giáo viên được cấp viết màu xanh để soạn bài, khi chấm bài cho học sinh cũng viết mực xanh thì xem không được, kỳ quá, chú phải hợp đồng thêm viết màu đỏ để các thầy, cô giáo chấm điểm học sinh chứ ! Như thế, tháng sau, điểm học của học sinh toàn Thị xã đều là điểm mực đỏ.
Lễ Phát Thưởng : Sau đó, anh ÚT ĐƯỜNG là Phó Chủ Tịch UBND TXLX kiêm Trưởng Phòng Tài Chính TX.
(Không nhớ năm) cuối giờ buổi sáng, sau khi ở Văn phòng UBND TX về, anh ghé Phòng Tài Chính, trao đổi với tôi : Theo Thông tư của Liên bộ Giáo Dục – Tài Chính, thì mức phát thưởng cho học sinh các cấp niên học nầy là 2,97 đ/phần thưởng, số tiền nầy chỉ đủ mua được 3 quyển tập, ít ỏi quá xem không được, nếu ta nâng lên 10 đồng/phần thưởng, thì tiền ngân sách hiện có đủ chi không ?
Tôi tính nhẩm : Toàn Thị xã có khoãng 2.300 lớp học x 5 phần thưởng/lớp x 7 đồng (khoản bù thêm) , tôi báo ngay : ĐỦ.
Cuối giờ buổi sáng ngày hôm sau, anh ÚT ghé lại bảo : Đã xin ý kiến chị Mười Liên, Bí Thư Thị Xã Ủy, Chị Mười đồng ý, đặc biệt mỗi lớp phải có 1 phần thưởng hạng nhất, phần thưởng nầy là 15 đồng, như thế có đủ tiền chi không ? Tôi tính nhẩm và trả lời : ĐỦ ( nên nhớ đây là khoản chi đột xuất chưa đưa vào dự toán )
Anh cười rạng rỡ và dặn nhỏ : mình bí mật thực hiện nhé !
Khoãng thời gian năm 1980, 1981, 1982 … hàng hóa Thái Lan tuôn ào ạt xuống Việt Nam qua ngã Camphuchia, ở AnGiang đường thủy có Tân Châu, đường bộ có Tịnh Biên … chủ yếu là vải Thái Lan, thuốc lá Samit … thông báo của UBND Tỉnh Angiang : người dân mua về dùng thì 2 xấp vải được miễn, nhiều hơn thì bị tịch thu hoặc nôp phạt (chứ không phải thuế), thời ấy cả nước còn tem phiếu vải, ngành thương nghiệp cung cấp có giới hạn, tư thương đều bị cấm . Lúc ấy trong cả nước gần như Huyện, Thị xã nào đều có Trạm kiểm soát Thuế gắt gao, chưa kể các Trạm đột xuất . Anh Út Đường lãnh đạo ngành Thuế Thị xã thường xuyên sinh hoạt và chỉ thị : Nếu không xác định đó là con buôn , thì xem như người dân mua về dùng, THÀ THẢ LẦM HƠN PHẠT OAN .
Khi cấp phát kinh phí cho các đơn vị , anh thường bảo : cấp vốn cho các ngành kinh doanh như Thương nghiệp, Hợp Tác Xã , tuy cấp vốn rồi thu lãi nhưng vẫn là bề nổi, không hay lắm , nhưng khi cấp vốn cho các ngành Y tế, Giáo dục, mặc dù có cấp ra không có thu lại, nhưng đây là đầu tư chiều sâu, đừng tiếc tiền, sau nầy chúng ta thu lãi rất lớn.
Sau nầy, khi anh ÚT ĐƯỜNG nhận chức Giám Đốc Sở Tài Chính AnGiang, anh là người đề xuất và thực hiện việc thành lập KHO BẠC NHÀ NƯỚC , để Ngân sách của địa phương không lệ thuộc vào ngành Ngân Hàng nữa, gây ra nhiều tranh cãi đến cấp Trung Ương ( tôi còn nhớ Thống Đốc Ngân Hàng Cao Sĩ Kiêm vội vã bay vào Angiang ngay ), sau cùng cũng ngã ngũ, mô hình nầy được áp dụng trên toàn quốc đến ngày nay .
Tôi còn nhớ : Chỉ thị đầu tiên của anh khi nhận chức Giám Đốc Sở Tài Chính là : Trong khi cấp phát kinh phí cho các cơ quan, ban ngành hàng tháng, trước tiên là tiền lương của 2 ngành Giáo Dục và Y Tế, phải cấp đúng ngày và cấp đủ. Cơ quan cấp phát không được viện dẫn lý do gì cả (mặc dù lúc ấy vấn đề tiền mặt hết sức khó khăn), còn các khoản khác tính sau .
Anh ÚT ĐƯỜNG đảm nhận nhiều chức vụ quan trong như : Chi Cục Trưởng Chi Cục Thuế Tinh AnGiang, Giám Đốc Sở Tài Chinh, Giám Đốc Sở Kế Hoach – Đầu Tư, Chủ Tịch Liên Minh Hợp Tác Xã Tỉnh …. Nhưng có lẽ chức vụ anh thích nhất vào những năm cuối đời là CHỦ TỊCH HỘI KHUYẾN HỌC TỈNH ANGIANG.
Còn rất nhiều kỷ niệm … ở đây không thể kể hết được.
Kỷ niệm một năm mất của anh : Anh ÚT ĐƯỜNG
12/9/2012 TRỊNH KIM THUẤN