Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Bốn mùa yêu

Trần Vân Hạc
Thứ hai ngày 8 tháng 10 năm 2012 3:02 PM

BỐN MÙA

Nguyễn Nguyên Bẩy

Nếu em là hạt mưa Xuân
Anh là chồi biếc uống chầm chậm em

Nếu em ngọn gió Hè lên
Anh xin là cánh diều êm lưng trời

Nếu em trăng Thu chơi vơi
Anh nằm trên cỏ hát cười cùng em

Nếu em đơn chiếc mùa Đông
Anh là nắng ấm ửng hồng má em

Dù em chỉ muốn là em
Nhưng anh vẫn cứ là anh bốn mùa

(Rút trong tập: “99 khúc tặng Liên”, NXB Văn học năm 2012)

Đôi dòng cảm nhận của Trần Vân Hạc:

Bài thơ chỉ có năm cặp lục bát mà có tới bốn từ mang tính giả thiết “nếu” và năm từ: “là”, cùng những hình tượng nghệ thuật như “mưa Xuân”, “gió Hè”, “cánh diều”, “trăng Thu”, “mùa Đông”… nhưng đã chuyển tải được những giá trị cùng những cung bậc tinh tế và sâu sắc nhất của tình yêu chân chính của đời người.
Tình yêu của thi sĩ đã từng trải qua “bẩy nổi ba chìm” có khác. Chân tình, mạnh mẽ, ào ạt như sóng xô bờ, đầy nam tính mà không xô bồ, dung tục. Thi sĩ giả thiết  người mình yêu là “hạt mưa xuân”, hạt nhỏ nhoi thôi nhẹ bay nhưng tưới nhuần cây cỏ, đánh thức một mùa xanh đầy sức sống. Cái mùa mà khi nói tới, tất cả các tác phẩm thơ, ca, nhạc, họa… đều gắng miêu tả sức sống hôi hổi diệu kỳ và cảm xúc cứ trào dâng trong lòng người và đất trời, Khao khát, vậy mà thi sĩ vẫn gắng "uống chầm chậm em”. Có lẽ trong cảm nhận của thi sĩ, tình“em” có cả tình yêu của mẹ, của chị, của người em, của những gì đẹp nhất mà cuộc sống ban tặng như suối nguồn trong mát không bao giờ vơi cạn, bởi vậy dẫu có thi sĩ có nhận mình là “là chồi biếc” , thì cũng đó cũng do “hạt mưa xuân” thổi hồn, nên phải “uống chầm chậm” mới có thể cảm nhận được hương vị tuyệt vời tình yêu của người phụ nữ mà tạo hóa ban tặng cho đời, thông qua tình em, và nếu biết “uống chầm chậm” thì mới biết trân trọng, nâng niu và cảm nhận được vị ngọt cùng đắng cay của tình yêu để rồi như một điểm tựa vượt lên tất cả những trở lực của cuộc sống.
“Nếu em ngọn gió Hè lên”, ngọn gió lồng lộng trên bầu trời cao xanh, thì “Anh xin là cánh diều êm lưng trời”. Cái từ “êm” sao mà đắt giá, mang một sự đồng điệu đến tuyệt vời, gió nâng cánh diều bay cao, diều nương gió nhẹ bay trên trời rộng, cùng vươn đến chân trời mơ ước.
 Đến câu: “Nếu em trăng Thu chơi vơi” thì đã ẩn chứa những tâm tư sâu kín đầy sự trải nghiệm. Trăng thu, mùa trăng đẹp nhất trong năm  không chỉ của trẻ thơ mà “em” lại rơi vào tâm trạng “chơi vơi”, thì “Anh nằm trên cỏ hát cười cùng em”. Tiếng hát và tiếng cười ấy phải chăng cất lên từ trái tim yêu đồng cảm sâu lắng nhất, chung tình nhất, yêu thương và cả những khổ đau. Tình thơ được đẩy lên một cung bậc mới khi giả thiết cuộc đời éo le, khắc nghiệt: “Nếu em đơn chiếc mùa Đông” thì “Anh là nắng ấm ửng hồng má em”. Cái mầu hồng tươi tắn ấy chỉ có được từ lửa con tim tràn đầy yêu thương, nhân ái.
Bài thơ được đẩy lên cao trào ở câu cuối. Anh đã nêu lên bao giả thiết khó khăn, khắc nghiệt của cuộc đời và bên em cả lúc vui, buồn và đau khổ nhưng nếu: “Dù em chỉ muốn là em”, “Nhưng anh vẫn cứ là anh bốn mùa”. Sự khẳng định đầy nam tính mang bản chất của giới. Anh không bao giờ chiếm đoạt em đâu mà anh mãi là anh, mãi mãi anh nuôi và tin vào tình yêu sắt son chung thủy, để em tự nguyện hiến dâng, hòa hợp và đồng điệu.
Bài thơ ngắn gọn mà hàm xúc, mở ra một không gian và thời gian vô hạn của tình yêu, dẫu tác giả khéo léo giới hạn trong “Bốn mùa” nhưng bốn mùa là chu trình của tạo hóa, của đời người. Bốn mùa yêu phải chăng cho cuộc đời mãi mãi sinh sôi. Bởi vậy bài thơ viết tặng người vợ thân yêu của mình từng chung con “thuyền thơ” vượt “thác thơ” mà như viết cho mọi người.

Hà Nội 10.2012
        
Trần Vân Hạc