Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Hoàng Sa-Trường Sa – Thiêng liêng biển trời Tổ quốc

Nguyễn Quang
Thứ ba ngày 9 tháng 10 năm 2012 11:01 AM
 
       Bút ký:

Thôi thúc tôi bao nhiêu lần trước trách nhiệm của người cầm bút, một công dân đất Việt phải viết một cái gì đó về Hoàng Sa-Trường Sa, phải đưa chứng kiến trung thực của mình trước lịch sử, bờ cõi non sông. Chỉ với một ý nghĩ giản đơn, thật giản đơn thôi, qua bốn nghìn năm lịch sử, ông cha ta đã đổ bao xương máu để giữ gìn từng tấc đất quê hương, giữ gìn nền văn hóa dân tộc. Dù chỉ là một tấc đất, tấc đá nơi biên thùy, nơi tôi đang sống cũng thấm đẫm biết bao mồ hôi, xương máu để xây lên những cột mốc biên cương, xây lên dải non sông hình chữ S qua bao thăng trầm, qua bao biến cố để có hôm nay. Có lẽ chẳng một đất nước nào có được huyền thoại “Trăm trứng”, để khẳng định đất nước mình một nửa là rừng núi, một nửa là biển cả và cả dân tộc là “đồng bào”, cùng chung cội nguồn, cùng chung một bọc bào thai “trăm trứng”, để rồi có chung một ngày Giỗ tổ Hùng Vương.
 Thật may cho tôi, hôm về Hà Nội được anh bạn làm Tổng biên tập tạp chí Vận tải ô tô Nguyễn Quí Đại dắt vào khu trưng bày hiện vật của bảo tàng Lịch sử Quốc gia xem giới thiệu tấm bản đồ Trung Quốc mang tên “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do nhà xuất bản Thượng Hải, Trung Quốc phát hành. Đây là tấm bản đồ được in ấn và xuất bản dưới thời nhà Thanh, năm 1904, do Tiến sĩ Mai Hồng trao tặng. Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc bảo tàng nói với anh bạn tôi cùng ông Nguyễn Diệp Phương, một cán bộ hưu trí ở Hà Nội rồi một số khách nước ngoài như Chris Johnson, một người Mĩ được nhiều báo phỏng vấn và nhiều khách thăm quan khác: Để phục vụ khách thăm quan được tốt hơn, sau khi tiếp nhận tấm bản đồ từ tay tiến sĩ Mai Hồng ngày 24.7.2012, thì ngay ngày mồng 2.8.2012, tức là chỉ sau 8 ngày, bảo tàng đã tiến hành sao ra hai bản và trưng bày ở hai nơi là Phòng trưng bày Di sản văn hóa biển Việt nam tại số nhà 25 Tông Đản và khu trưng bày Hiện vật của bảo tàng tại số nhà 216, Trần Quang Khải, Hà Nội. Tấm bản đồ chính do Trung Quốc xuất bản đã khẳng định cực Nam của Trung Quốc là đến hết đảo Hải Nam, không hề có Tây Sa và Nam Sa như Trung Quốc nói bây giờ hay Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trong đó.
 Cũng thật là may, tôi được nghe ông kể lại về cơ duyên của tiến sĩ Mai Hồng với tấm bản đồ vô giá này. Từ năm 1977 đến hết năm 1978, tiến sĩ Mai Hồng được phân công quản lý một kho sách Hán Nôm, thời gian đó chức năng sưu tầm bản đồ không thuộc Viện Hán Nôm. Chẳng biết cơ duyên thế nào mà một cụ già chuyên bán sách cho cơ quan tên là Nguyễn Văn Cồng, người Phú Xuyên lại mang cho ông một tấm bản đồ Trung Quốc cổ và khuyên ông mua nó. Ông đã giấu vợ con, bỏ ra hơn một tháng lương ngày ấy của mình để mua tấm bản đồ này với ý định vừa giúp cụ già một số tiền, vừa giữ lại cho mình một giá trị lịch sử chân thực và vô cùng quí giá. Rồi với vốn hán nôm của mình, ông mày mò dịch những chữ được ghi trên tấm bản đồ ra chữ Việt. Đến năm 2012 này, ông muốn tấm bản đồ, một tài liệu vô cùng quý giá của Quốc gia về đúng với vị trí của nó...
 Cũng trong đề tài khoa học của huyện đảo Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng đã được đầu tư thu thập trong nhiều năm qua thì có tới 56 tấm bản đồ của các nước phương Tây, như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, đặc biệt là Pháp ít nhiều liên quan tới quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Rồi cũng trong đề tài khoa học này đã lộ diện 22 bản đồ của Trung Quốc, khẳng định từ năm 1909 trở về trước Tây Sa và Nam Sa không hề được thể hiện trong bất kỳ tấm bản đồ nào. Và trong 8 tấm bản đồ Việt cổ, từ năm 1945 trở về trước đều chứng minh về Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Cuốn sách Biên Tập Lục của Lê Quí Đôn mô tả chi tiết những hoạt động hằng năm của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải, chứng minh sự xác lập chủ quyền và bảo vệ lãnh hải của Việt Nam trên hai quần đảo là Hoàng Sa và Trường Sa. Rồi sang đến thời nhà Nguyễn, từ triều vua Gia Long, cả Biên niên sử và Địa dư chí của Quốc Sử Quán đã ghi chép đầy đủ hoạt động của đội Hoàng Sa hay Bãi Cát Vàng một cách kỹ lưỡng, thể hiện rõ ràng Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về lãnh thổ Việt Nam. Bên cạnh đó còn có bộ sách chính sử Đại Nam Thực lục Tiền biên và Quốc triều Chính biên Toát yếu, rồi Đại Nam Nhất Thống Chí... đã xác định việc dựng bia Chủ quyền và được triều đình quan tâm bảo vệ Hoàng Sa ở bậc quyền lực tối cao. Như vậy có thể khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa đã thuộc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam từ thế kỷ thứ XVII. Những chứng cứ đầy thuyết phục khi mà chính tấm bản đồ của Trung Quốc xuất bản năm 1904 của tiến sĩ Mai Hồng cũng thể hiện rõ điều đó, đó cũng là quan điểm của tiền nhân Trung Quốc thông qua tấm bản đồ này.
 Điều đặc biệt quan tâm hơn cả, thể hiện rõ những căn cứ có luận chứng Quốc tế là Giám mục Taberd và những người Pháp như Dayot, Chaigneau đã từng có những hoạt động giúp vua Gia Long tái xác lập chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa. Nhiều sử sách đã ghi lại các là đội “Ngư binh” ra hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có từ những năm 1600 để khai thác hải vật và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mà những hiện vật còn được trưng bày tại nhà Trưng bày những tư liệu về chủ quyền “bất khả xâm phạm” của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Rồi đội quân Bắc Hải được thành lập từ thời chúa Nguyễn Phúc Tần, giai đoạn từ 1648 đến 1687 truyền dụ tại xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, ngày ấy là phường An Vĩnh, Cù Lao Ré, tổng Quảng Nghĩa cho lập những đội quân ra bảo vệ chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa cùng với việc khai thác hải vật quí tiến vua. Các đội bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa tồn tại qua nhiều triều đại khác nhau và hoạt động có hiệu quả là bảo vệ chủ quyền dân tộc. Đến năm 1803 vua Gia Long lên ngôi được một năm, ông đã ra chỉ dụ cho lập đội ngư binh Hoàng Sa và tiếp tục thực hiện công việc như các đội Bắc Hải trước đây.
 Trong Đại Nam Thực lục Chính biên còn ghi rõ: “Cai cơ Võ Văn Phúc giữ chức Thủ ngự cửa biển Sa Kỳ tiến hành mộ dân ngoại tịch lập đội Hoàng Sa...”. Và cũng từ năm 1816 vua Gia Long bắt đầu cử thủy quân triều đình đi cùng đội Hoàng Sa và đến năm Minh Mạng thứ Mười bảy-1836, những đội thủy quân triều đình đã hoạt động thường xuyên và trở thành thông lệ “tuần hải” trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong đó còn ghi rõ thời gian thuận tiện nhất cho các đội thủy quân này đi “tuần hải” ra Hoàng Sa và Trường Sa là vào tháng 3 đến tháng 8 hằng năm. Còn những đội ngư binh Hoàng Sa, Bắc Hải thì phải tự trang bị cho mình từ tàu thuyền, các ngư cụ, vũ khí... để vừa làm việc đánh bắt đặc hải, vừa có trọng trách bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên biển Đông.
 Tháng 5 năm 2010, khi vào tới Quảng Ngãi, tôi gọi điện cho anh bạn Đinh Tấn Phước, gián đốc sân bay Chu Lai, người thành phố Quảng Ngãi, mong muốn được anh đưa ra đảo Lý Sơn-Cù Lao Ré chơi. Nhưng anh bảo anh đang họp ở ngoài Hà Nội. Thế là tôi phải nhờ Trương Lưu Mai, cô bạn gái cũng quê ở thành phố Quảng Ngãi đưa tôi ra đảo Lý Sơn để được một lần ăn gỏi tỏi, được biết thế nào là “tỏi đực, tỏi cái” rồi được ngắm biển trời Tổ Quốc giữa biển Đông. Khi vào xem nơi trưng bày các hiện vật tại nhà trưng bày trên đảo Lý Sơn, một Cù Lao Ré, một đảo tỏi huyền thoại, ông Phạm Thoại Tuyền, một trong những hậu duệ đời thứ năm của cụ Chánh xuất, đội trưởng đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật, ông cho biết: “Các đội Hoàng Sa, Bắc Hải thành lập xong, khi đi Hoàng Sa phải chuẩn bị rất nhiều thứ, như lương thực, thực phẩm, ngư cụ, vũ khí... cho những chuyến đi dài ngày và đặc biệt trong đó có những tấm chiếu cói và dây mây để khi gặp những kẻ xâm phạm, bất ngờ giao tranh, có người bị chết thì bó lại rồi chôn cất.
 Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử quán triều Nguyễn còn ghi rõ: “Cù Lao Ré ở giữa biển, cách huyện Bình Sơn 65 dặm về phía Đông, xung quanh núi cao, ở giữa chùng xuống ước mấy chục mẫu, nhân dân hai phường An Vĩnh và An Hải ở tại đây. Phía Đông đảo có động, trên động có chùa mấy gian, có giường đá, kỷ đá, hai bên động có giếng nước trong ngọt, xung quanh cây cối tốt tươi, khi có giặc biến thì dân phường ẩn nấp ở đấy. Đất sản nhiều lạc và ngô... Đảo Hoàng Sa ở phía Đông Cù Lao Ré, huyện Bình Sơn, từ bờ biển Sa Kỳ ra, thuận gió thì độ 3, 4 ngày đêm có thể đến nơi. Có đến hơn 130 đảo nhỏ cách hoặc một ngày đường, hoặc mấy trống canh. Trong đảo có bãi cát vàng, liên tiếp kéo dài không biết mấy ngàn dặm, bằng phẳng rộng dài, tục gọi- Vạn Lý Trường Sa, nước rất trong, trên bãi có giếng nước ngọt, chim biển tụ tập không biết cơ man nào...”.
 Trong cuốn Kỷ yếu Hoàng Sa, do huyện Hoàng Sa và Nhà xuất bản Thông tin-Truyền thông xuất bản tháng 1.2012, có những chi tiết đáng chú ý. Như ngày 13.1.1947 Chính phủ Pháp chính thức phản đối sự chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Trong đó Chính phủ Pháp nêu rõ những bảo lưu về hậu quả pháp lý từ việc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của quân đội Trung Hoa Dân quốc. Chính phủ Pháp cũng đề nghị hai bên tìm giải pháp giải quyết tranh chấp bằng trọng tài Quốc tế. Đồng thời ngày mồng 5.9.1951 tại phiên họp mở rộng của Hội nghị Francisco có 51 nước tham gia thì có 43 nước khẳng định quần đảo Hoàng Sa không thuộc về Trung Quốc. Và tấm bản đồ của ông Van-Langren, người Hà Lan vẽ năm 1595, có đầy đủ chi tiết tại Trung bộ, Bắc bộ, vùng châu thổ sông Hồng. Những địa danh đáng lưu ý là mũi Varella, bờ biển Costa da Pracel đối diện với Cù Lao Ré mà ông gọi là Pulocanton thuộc địa phận tỉnh Quảng Ngãi...
 Ngay từ những năm đầu thập niên hai mươi đến thập niên ba mươi của thế kỷ hai mươi đã có nhiều nhà báo vào cuộc, phân tích chủ quyền lãnh thổ trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cụ thể như nhà báo Lapicque, năm 1929 đã viết trong Revue Indochinoise số 38, sưu tầm tài liệu và bằng chứng xác định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa. Ông đã đưa ra chứng cứ là năm 1895 tàu Le Bellona và năm 1896 tàu Imazi Maru bị đắm trên khu vực quần đảo Hoàng Sa, bị người dân của Trung Quốc cướp bóc mà chính quyền địa phương của Trung Hoa không nhận trách nhiệm và từ chối cho rằng nơi đó không thuộc chủ quyền và địa phận nước mình. Sau đó một loạt bài báo được đăng từ năm 1929 đến năm 1931 trên tờ Eveil Economiquedel đưa ra những bằng chứng chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa của tác giả Henri Cuchrousset. Ông cũng tố cáo chính quyền Pháp lơ là trong việc xác lập và bảo vệ chủ quyền ở Paracels và Spratley là Hoàng Sa và Trường Sa.
Chính vì vậy, những năm đầu thập niên ba mươi của thế kỷ hai mươi, thực dân Pháp đã tái xác lập chủ quyền, cắm cọc mốc, xây dựng hải đăng, xây dựng đài khí tượng, xây dựng trại lính. Cũng trong thời gian này, nhiều kỹ sư trong bộ máy đô hộ của Pháp ở Đông Dương và từ nội địa nước Pháp đã ra nghiên cứu địa lý, khí hậu, ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa...
 Là công dân Việt Nam, tôi dám chắc một điều, gần chín mươi triệu người Việt Nam, cả ở trong nước và ở nước ngoài đều ước mơ một lần, một lần trong đời thôi được ra thăm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Để được “mục sở thị bãi cát vàng”, để được biết cây bàng quả vuông, mùa hoa muống biển, sức sống mãnh liệt của cây phong ba trên đảo nổi, ngắm nhà giàn giữa đảo chìm bốn mùa sóng nước, giữa nắng và gió đại dương. Được nhìn những người lính mang sức trẻ Việt Nam đang ngày đêm canh giữ đất trời biển đảo, trên đầu họ tự hào dòng chữ “Hải quân Việt Nam” và hai dải mũ ngắn dài mang nghĩa nước, tình quê. Hoàng Sa, Trường Sa ơi... nơi giữa trùng khơi ấy đã bao xương, bao máu, để khi tôi đọc bài thơ “Mộ gió” của Trịnh Công Lộc mà muốn “nhao” về vùng lãnh hải thân thương.
Tôi cũng đã ngồi lì hàng tuần để đọc Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử Quán triều Nguyễn, bới tìm nhiều tài liệu, nhiều tác phẩm báo chí, văn học, lịch sử ở nhiều thư viện và hỏi nhiều “sử gia” về biển đảo Việt Nam, lắng nghe những nhận định, nghiên cứu của họ. Cứ đi, cứ tìm hiểu ở nhiều tài liệu chính sử và nhiều tài liệu ở nước ngoài được thông qua những phương tiện truyền thông, báo chí, thông qua những hiện vật, những sử sách để lại. Rồi cũng đọc biết bao nhiêu bài viết của đồng nghiệp, bao nhiêu cuộc điện thoại để mà cân nhắc, mà suy ngẫm, mà hiểu thêm về lịch sử đất nước. Hiểu thêm về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nơi bờ cõi thiêng liêng trên đại dương sóng vỗ. Chỉ cần một tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do nhà xuất bản Thượng Hải, Trung Quốc phát hành năm 1904 của tiến sĩ Mai Hồng trao tặng bảo tàng Lịch sử Quốc gia thôi, chứng cứ đó cũng đủ nói lên sự khẳng định: Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Việt Nam. Trong tôi lại thôi thúc lời Bác Hồ đã dạy: “Máu là máu Việt Nam, Thịt là thịt Việt Nam – Sông có thể cạn, núi có thể mòn, xong chân lý ấy không bao giờ thây đổi”.
      Nguyễn Quang
    Tổ 8- Ngọc Hà- TP. Hà Giang- T. Hà Giang