Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Hạnh phúc, tình yêu của người cao tuổi

Nga Minh
Thứ năm ngày 27 tháng 9 năm 2012 5:28 AM

Nhân ngày Người cao tuổi 1-10

Con người có thể già theo năm tháng  nhưng tình yêu đích thực thì mãi mãi trẻ trung. Thời gian có thể làm hình hài ta xấu đi, già nua, mắt mờ, chân chậm, thể xác có thể tàn phai theo năm tháng, nhưng tâm hồn con người thì vẫn thế, thậm chí phong phú, sâu sắc hơn nếu như ta luôn nuôi dưỡng và phát triển nó. Và, tình yêu, với muôn vẻ, với người vợ, người chồng, người yêu, với con cháu, với người thân, người ruột thịt, bè bạn...là liều thuốc trường sinh bất lão.
 Lớp trẻ tò mò hay hỏi, tình yêu lứa đôi tồn tại đến bao giờ, và khi nào thì tắt lửa lòng?
   Xuân bao nhiêu tuổi xuân già
  Người bao nhiêu tuổi người còn yêu thương ?
khi tuổi già đến, liệu người ta còn yêu?
 
 Tìm hiểu về thế giới con người, một nhà khoa học đã nói: “ Ngoài những bệnh tật đặc thù ra, những biến hoá về sinh lý hầu như không ảnh hưởng đến hành vi tính dục. Điểm này hoàn toàn phù hợp với đàn ông và đàn bà cao tuổi”.
 Như vậy là, tình yêu lứa đôi, ái ân chồng vợ có thể được duy trì đến trọn đời, bởi, con người là thực thể sinh động , phong phú trong vũ trụ bao la. Nếu thủa trẻ họ cùng nhau trong cảnh:
   Râu tôm nấu với ruột bầu
  Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon
thì khi về già họ càng muốn được chia sẻ, gần gũi, đi đâu cũng muốn có nhau. Nhà văn nổi tiếng H . Banzắc từng nói: “ Tình yêu không phân tuổi tác”. Tuổi xế chiều , tình yêu chồng vợ đậm đà theo năm tháng, họ vẫn thuộc về nhau, hiểu biết và chiều nhau sau bao tháng ngày cùng chung sống, cảm thông và chia sẻ.
 Bởi thế, con cháu nên tạo điều kiện cho cha mẹ sống thoải mái, hạnh phúc, khi đi thăm viếng họ hàng, khi đi thưởng ngoạn danh lam, thắng cảnh. Người vợ và người chồng cũng thể tất cho nhau những điều chưa vừa ý và thẳng thắn, khéo léo chia sẻ với nhau những gì có thể được. Khi còn trẻ, người vợ chăm chồng, ngọt ngào, chia sẻ khó khăn thiếu thốn với người chồng thì khi xế chiều, người vợ vẫn là chỗ dựa vô cùng âu yếm của chồng vì người chồng về già thường trái tính trái nết hơn người vợ và dễ suy giảm sức khoẻ hơn nếu tình cảm và tinh thần của các ông bị biến động, các ông rất khó chịu đựng được nỗi cô đơn.. Bà mà mải với con cháu, quên mất ông, để ông lẻ loi , đơn chiếc thì ông dễ ốm đau, bệnh tật, ông nào sức khoẻ tốt, vật chất đầy đủ lại dễ tìm thú vui nơi ngoài tình vợ chồng. Các ông thì, cũng hiểu vợ mình hơn nữa, nhớ những kỷ niệm đẹp đẽ của vợ chồng mà thể tất cho các bà có lúc làm trái ý các ông, cho cửa nhà êm ấm, đỡ phải “ Chia nồi” khi có trục trặc, mâu thuẫn.
Khi còn khả năng tính dục, người già cần được thể hiện trong quan hệ vợ chồng. Nếu có khó khăn hãy tìm đến các nhà tư vấn sức khoẻ tình dục để khắc phục. Người cao tuổi cần khắc phục tâm lý xấu hổ hoặc quan niệm sai lệch về tình dục để giữ được sự cân bằng về tâm, sinh lý là cơ sở có được sức khoẻ tốt. Khi người bạn đời khuất núi trước mình, nếu có thể, người còn lại nên giao lưu bè bạn, tìm tri kỷ và ý trung nhân của mình nếu gặp được. Con cháu phải ủng hộ, bản thân người trong cuộc phải quyết đoán, dũng cảm tiếp nhận và xây đắp tình cảm mới tốt đẹp.

 Tuổi thọ của con người ngày càng cao, vấn đề Người cao tuổi mang tính nhân loại nên việc chăm sóc người cao tuổi chính là chăm sóc cho người ít tuổi, cho họ những suy nghĩ và hành động đúng đắn cho tương lai. Để có hạnh phúc khi già, mỗi người phải cố hết mình lúc còn trẻ. Người Việt Nam có truyền thống “ trẻ cậy cha, già cậy con”rất đẹp. Liệu truyền thống này có duy trì được không?
 Hiện tại có rất nhiều cảnh đau lòng và những xung đột thế hệ diễn ra khá phức tạp. Có những đứa con bất hiếu, hoặc thiếu hiểu biết nên không có sự cảm thông với hoàn cảnh và tính nết của cha mẹ cao tuổi. Có bà mẹ chồng mất sớm, ở vậy nuôi con. Khi con trưởng thành tìm được ý trung nhân thì con cản ngăn, nói năng hỗn lão làm tổn thương đến mẹ. Có bà mẹ đã tự tử  vì con bêu riếu mối quan hệ của mình với người mà bà định chọn làm bạn đời ở tuổi xế chiều. Lúc ấy, mẹ không còn nữa, con ân hận có ích gì!

 Hạnh phúc tuổi già là được quây quần bên con cháu, bên người chồng, người vợ thân yêu của mình. Khi người già hạnh phúc, con cháu sẽ rất yên tâm xây dựng cuộc sống riêng của mình. Tuổi già của mỗi người có thể buồn, vui, đau khổ, nghèo khó hoặc dư dật do sự chuẩn bị của mình thời trai trẻ chu đáo hoặc không chu đáo, hoặc số phận của mỗi người gặp được may mắn hay không may mắn, hoặc gặp phải rủi ro, bất hạnh. Bản thân mỗi người đều phải nỗ lực và dũng cảm khắc phục những khó khăn của riêng mình trong cuộc sống. Nhưng tuổi già lực bất tòng tâm, con cháu và Nhà nước phải có sự chăm sóc và chia sẻ, đỡ bớt gánh nặng cho tuổi già, nhất là những người già cô đơn, bệnh tật, ốm đau. Theo thống kê Bộ Lao động- thương binh và xã hội, nước ta hiện có trên 8 triệu người từ 60 tuổi trở lên, số người thuộc các đối tượng cứu trợ xã hội là người già cô đơn, tàn phế, ốm đau, sống lang thang không nơi nương tựa ngày một nhiều.
 Trong một xã hội tốt đẹp người già được chăm sóc, trân trọng, trẻ thơ được nuôi dưỡng chu đáo là cái đích cho nhân loại hướng tới. Chăm lo cho người cao tuổi chính là chăm lo cho bản thân trong tương lai. Người trẻ tuổi hiểu được điều đó thì xã hội ổn định và bình yên./.