Nhân có 2 sự kiện trùng phùng của hai nghệ sỹ quen thân nhau và đã “hợp tửu” từ nhiều năm nay.
Có lẽ hai ông đều thấm nhuần và mê con số thiêng 108 (đọc là một trăm linh tám) nên cùng lấy con số này để đặt tên cho công trình nghệ thuật của mình. Năm 2009, Họa sỹ Đinh Quang Tỉnh (Ba Tỉnh) đã vẽ 108 gương mặt văn nghệ sỹ và trí thức, rồi mở triển lãm đặt tên là: “Bản diện Kim cương Bất hoại”. Và nay, năm 2012 - Dịch giả Đoàn Tử Huyến đã chớp một loạt ảnh chân dung, phần nhiều là văn nghệ sĩ, trí thức có tên tuổi - diễn tả đằm thắm những con người của công chúng, rồi cắt cúp rất có chủ ý trong một khuôn khổ vuông vức (20x20)cm. Mấy chục gương mặt tiêu biểu này là khởi đầu của hành trình 108 chân dung “mặt vuông” của lãng tử Đoàn Tử Huyến.
Tất nhiên, cả 2 bộ sưu tập “Tranh sơn dầu” và “Ảnh chân dung” của họa sỹ Ba Tỉnh và Nhiếp ảnh gia Đoàn Tử Huyến không chỉ gói đủ trong số lượng 108 nhân vật; Mà con số 108 vốn là số “mở”, nó được hiểu như một tên gọi mà cũng là mục tiêu đi tới của họ. Nhân 2 sự kiện này, chúng ta thử lược tìm ý nghĩa sâu xa của con số thiêng “108” đầy huyền bí, đã khiến cho nhiều người ngưỡng mộ và tôn thờ.
Theo các học giả và nhà nghiên cứu Hoàng Phước Đại, Nguyễn Phúc Giác Hải… cùng nhiều nhà nghiên cứu khác đã phát hiện ra: Tất cả những người tu hành theo đạo Phật đều đeo một chuỗi tràng hạt, mặc dù các chuỗi hạt đó có thể khác nhau về kích thước, nhưng đều có đúng 108 hạt. Đạo Phật coi số 108 là con số linh thiêng và được lý giải như sau: Nếu ta đem 6 căn, 6 trần và 6 thức cộng lại, thành ra thập bát giới (18) rồi nhân cho 6 món căn bản phiền não (tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến) thành con số 108 (18 x 6 = 108).
Lại có cách giải thích khác: 108 hạt bồ đề, tượng trưng cho 108 phiền não của con người. Theo thuyết nhà Phật, các phiền não xuất phát từ vô minh. Con người có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý thức. Khi mắt tiếp xúc với cảnh vật; tai nghe được âm thanh; mũi nhận thức được mùi hương; lưỡi tiếp xúc và biết được vị mặn ngọt; thân thể cảm giác được sự nóng lạnh; ý thức nhận biết của não bộ sẽ làm cho con người khởi sinh cảm giác hoặc vui (lạc) hoặc buồn (khổ) hoặc không vui, không buồn (vô ký), làm cho thân, tâm chúng ta hoặc thanh tịnh hoặc bị ô nhiễm rối bời, từ đó gây ra 108 phiền ở trong cả 3 thời quá khứ, hiện tại và tương lai.
- 6 thức là: Mắt, tai, mũi, lưỡi thân và ý thức
- 3 cảm thọ là: Lạc, khổ, vô ký
- 2 giới là: Nhiễm, thanh tịnh
- 3 thời là: Quá khứ, hiện tại , tương lai.
Tích của những số này là: 6 x 3 x 2 x 3 = 108
Số 108 thường xuất hiện trong các công trình Phật giáo như: Có 108 cuốn sách Luật (Luật ghi lại lời Phật dạy, để các môn đệ của Ngài noi theo tu học hàng ngày); Ngôi chùa Hải Ấn Tự hay còn gọi là Tàng kinh các ở Hàn Quốc, nơi cất giữ các Bộ Kinh, Luật, Luật của Phật được thiết kế với kiến trúc 108 cột, tượng trưng cho 108 phiền não; Các ngôi chùa lớn thường xây dựng 108 bậc thang để dẫn vào chính điện, hàm ý nhắc nhở chúng ta cần phải vượt qua 108 khổ đau để đến với miền Cực lạc...
Con số 108 dường như không chỉ có ý nghĩa riêng với nhà Phật mà còn xuất hiện khá nhiều trong lịch sử, thiên nhiên và cuộc sống. Ví dụ như:
- Chuyến bay đầu tiên của Gagarin vòng quanh trái đất (ngày 12 tháng 04 năm 1962) hết 108 phút và hành trình chuyến bay được viết lại trong cuốn sách tựa đề 108 phút và cả cuộc đời.
- Dãy Hymalaya với 108 ngọn núi hùng vĩ cao nhất thế giới, làm cho chúng ta chú ý nhiều hơn đến ý nghĩa của con số 108.
- Trong cuốn Kỷ lục Guinness 1971 xác nhận: Dãy Hymalaya có 108 ngọn núi cao nhất thế giới vượt trên mức bình thường.
- Khi Cụ Hồ Chí Minh về nước tổ chức kháng chiến, Người đã đi qua cột mốc 108 ở biên giới Việt – Trung.
- Thiền sư nổi tiếng của Ấn Độ là Maharishi Mahesh (Thế kỷ XX) đã kêu gọi thành lập một chính phủ toàn cầu (World Goverment) để vận động mọi người hướng thiện đã đặt tên cho tổ chức này là Chính phủ toàn cầu của 108 nước” (World Goverment of 108 countries). Con số 108 nước chọn ở đây chỉ có ý nghĩa tượng trưng, còn trong thực tế đã có 192 nước gia nhập Liên Hợp Quốc trong đó có Việt Nam.
...
Cứ cho rằng, những con số 108 đang tồn tại với nhiều bí ẩn, trong số đó có nhiều sự trùng hợp ngẫu nhiên. Thì những số 108 còn lại, phải chăng là con số thật sự linh thiêng có liên quan đến: Con người, Trái đất và Vũ trụ?
Trong đó, số 108 hay được nhắc đến nhiều là: “108 anh hùng Lương Sơn Bạc” các nhân vật trong thiên truyện: Thủy hử của Tác giả Thi Nại Am (La Quán Trung?). Truyện được viết dựa theo sách Đại Tống Tuyên Hòa di sự. Cốt truyện chính là sự hình thành và những thành tích của một nhóm người chống triều đình mà trở thành giặc cướp, thường gọi là 108 anh hùng Lương Sơn Bạc. Tuy nhiên trên thực tế phải là 109 người, nếu tính cả Tiều Cái. Xa hơn nữa, chủ trại đầu tiên là Vương Luân… song Vương Luân không được tính vào hàng ngũ những anh hùng Lương Sơn.
Từ những dẫn sử trên, tôi nghĩ rằng: Con số thần diệu 108 vận vào bộ Ảnh chân dung “Mặt vuông” của Đoàn Tử Huyến sẽ thiên về chất bi tráng mang sức sống của 108 anh hùng Lương Sơn, thuận hơn với ý nghĩa Phật giáo và lịch sử khác.
Ý tưởng về 108 chân dung mặt Vuông “đắt” ở chỗ những chân dung này, những gương mặt VNS sáng giá này - Đoàn Tử Huyến đã rung cảm, chớp bắt đúng thời khắc phát tiết ở đỉnh điểm gai góc của những phẩm hạnh và tài năng phi phàm, dấu ấn tiêu biểu nhất của các nhân vật mà tác giả định phô diễn.
Ta có thể bắt gặp gương mặt đậm nét hài hước, hóm hỉnh, ngộ nghĩnh mà khinh mạn của nhà văn Nguyên Ngọc, khác xa với cách mà người đời nghĩ và phỏng đoán về ông. Rõ ràng đây là một phát hiện mới, một góc nhìn rất khác lạ, chưa từng có về Nhà văn Nguyên Ngọc từ trước đến nay nhưng lại “rất chi là Nguyên Ngọc”.
Hoặc trong sâu thẳm nụ cười hể hả của GS.Đặng Hùng Võ, vẫn cảm nhận được những chất chứa trong tâm can ông, nó như đang muốn vỡ òa ra;
Rồi Đoàn Tử Huyến lại hướng ta nhìn vào sự tương phản sáng-tối của màu sắc, cố ý miêu tả chiều sâu suy tư của Đạo diễn Đào Trọng Khánh, nhưng cũng để hớ ra những nét buồn tê tái trên gương mặt “Lão Phù thủy” – ông Vua của dòng phim “Cúng Cụ” khiến người ta phải rùng mình khi ngộ ra cái nhân tình thế thái: vinh quang đấy mà cũng tê tái đắng cay sâu thẳm cõi lòng…
Còn đây - Gương mặt nhà thơ Nguyễn Duy, có lẽ Đoàn Tử Huyến đã “chớp” được cái khoảnh khắc đắt nhất để minh họa cho câu nói nổi tiếng của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói về Nguyễn Duy: Hình hài Nguyễn Duy giống như đám đất hoang, còn thơ Nguyễn Duy là thứ cây quý mọc trên đám đất hoang đó. Đôi mắt Nhà thơ vẫn đau đáu như ngày “Nhìn từ xa Tổ Quốc”: “Thật đáng sợ ai không có ai thương/ càng đáng sợ ai không còn ai ghét”.
Những khuôn mặt lộ ra từ những khung vuông đều tăm tắp kia, ngắm nhìn từng gương mặt người xem cũng có thể cảm thụ đúng, hoặc chưa chắc đúng với suy nghĩ của tác giả, nhưng chắc rằng bất kỳ chân dùng nào trong đó cũng khiến người xem phải luận bàn, phải để tâm suy xét…
Trong những ngày “công bố” bộ ảnh Mặt Vuông của Đoàn Tử Huyến, tại Café Đông Tây, có rất nhiều chuyện vui, buồn, khen chê như vốn thường có ở những dịp “trình làng” – nó là muôn thuở chẳng thể tránh được. Trong số những người xem đó, có một trường hợp “hết hồn, hết vía” đã xảy ra ở một người khách lạ, như nhập đồng, rú lên khi ngắm gương mặt GS. Đặng Hùng Võ, ông ta ngỡ mình đã nhìn thấy một cái “thủ cấp”!!! Khi biết chuyện, tác giả Đoàn Tử Huyến ngớ ra vì sức cảm thụ nghệ thuật “quái đản” và bất ngờ của ông bạn già này… Nhưng, ở một khía cạnh nào đó hiện tượng này được coi như một thành công ngoài mong muốn.
Trong đa số những tác phẩm “rất ổn” của bộ ảnh này, vẫn còn không ít những chân dung chưa thật với tới sự mong mỏi của những người thưởng ngoạn, của “người mẫu” cũng như của chính tác giả. Như ảnh các chân dung Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Nhà PBNH Phạm Xuân Nguyên…
Công trình 108 gương mặt vuông chưa hoàn thành, thì Đoàn Tử Huyến đã đụng tay vào Dự án: “Một ngàn lẻ một con đường” – Tôi cứ thầm mong rằng ông đừng quá mải “chơi ảnh” mà quên những trang dịch đã làm nên tên tuổi và cấp đẳng của ông.
Nhưng Đoàn Tử Huyến vốn là vậy. Trong laptop của ông đã chất chứa nườm nượp, vun vút những con đường…
BTV. VTN