Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Phạm Quỳnh và Phan Thanh Giản

Nguyễn Văn Thịnh
Thứ tư ngày 26 tháng 9 năm 2012 9:28 PM


Giữa tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt, nhằm dịp lễ Vu lan, đêm 30/8/20012 (14/7ÂL), Hội đồng họ Phạm ở Thừa Thiên-Huế tổ chức ra mắt tập II cuốn sách “Phạm Quỳnh – Một góc nhìn” của Tiến sỹ sử học Nguyễn Văn Khoan. Trước đông đảo cử tọa, có nhiều nhà nghiên cứu và văn nghệ sỹ, trong bài phát biểu “Điều gì còn băn khoăn về Phạm Quỳnh”, ông Tô Nhuận Vỹ, sau khi giảng thuyết rằng: “Khái niệm địch ta, bên này bên kia trong nhiều trường hợp phải hết sức cẩn trọng”, ông nói: “Chúng ta đã trả lại đúng giá trị cho Phan Thanh Giản, Nguyễn Văn Tường, một số tác giả trong nhóm Nhân văn – Giai phẩm, cho Léopold Cardière…” để rồi kết lại: “Với Phạm Quỳnh, tôi nghĩ với nhiều lý do chính xác, đã đến lúc Nhà nước, ở đây là Bộ VHTT&DL cần kết luận và vinh danh chính thức sự đóng góp lớn lao cho văn hóa dân tộc của ông”.
Xin được tách ra một Phan Thanh Giản trong số các nhân vật ông Vỹ đã nêu. Người viết thật sự chưa hiểu ý của ông về cái gọi là “đúng giá trị” của Phan nhân cụ thể ở chỗ nào? Cũng là dịp may được tìm hiểu sâu về nhân cách, tài năng, công và tội với dân với nước của hai nhân vật lịch sử đều là đại quan đầu triều này trong những điều kiện lịch sử rất trái nghịch nhau.
Phan Thanh Giản đỗ Tiến sỹ lúc 30 tuổi, làm đại quan hơn 40 năm (1826-1867), trải ba triều vua Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức. Ngược tới Gia Long, có thể coi bốn triều vua này là thời kỳ hưng vượng nhất của triều đại Nguyễn – Một nhà nước phong kiến tập quyền độc lập, cai quản một quốc gia thống nhất từ Bắc vào Nam trong điều kiện tương đối yên ổn, ngoại trừ những cuộc nổi dậy bởi những sự bất bình của nhân dân mà nhà nước chính thống nào cũng coi là bất chính, như loài giặc cỏ gây rối xã hội, làm loạn triều đình. Thế nhưng Phan Thanh Giản lại là người có công đầu với nước Pháp trong việc dối vua lừa dân, tích cực triệt tiêu lực lượng kháng chiến và tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Ngay từ buổi đầu đã đứng về phái chủ hòa dẫn tới chủ hàng. Từ việc lược quyền vua ký hàng ước nhục nhã 1862 để mất ba tỉnh miền Đông đến việc thông đồng với giặc, năm 1867 mở rộng cửa thành giao nốt ba tỉnh miền Tây cho giặc, coi như xóa sạch công lao 300 năm các triều vua chúa Nguyễn mở mang bờ cõi ở phía Nam, đẩy nhanh quá trình xóa quốc danh Việt Nam trên bản đồ thế giới. Cái tội “mại quốc” cả trong sử sách và bia miệng lưu truyền không là quá đáng và không sao xóa được.
Phạm Quỳnh thông minh học giỏi, 15 tuổi đã được tuyển vào làm việc ở Viện viễn đông bác cổ danh giá của nước Pháp văn minh tân tiến hàng đầu lúc ấy. Với ý chí ham học hỏi tìm tòi càng sớm nổi danh là người hiểu sâu biết rộng. Vào đời bằng nghề làm báo, 24 tuổi đã làm chủ tạp chí Nam Phong, càng có dịp mở rộng các mối quan hệ xã hội, nhậy cảm với thời cuộc và vốn kiến thức càng phong phú. Ở tuổi “nhi bất hoặc”, ông hăm hở “dấn thân vào hoạn lộ tưởng sẽ làm được rất nhiều việc mà trước kia tôi chỉ phụng sự được trong mực đen giấy trắng” để rồi hối hận vì đã lỡ lầm. Theo nhà văn Nguyễn Công Hoan thì nhân vật Kép Tư Bền nổi tiếng của ông là để chia sẻ cảnh đời dở cười dở khóc với Phạm Quỳnh.  
Quan Thượng thư Bộ Học sau qua Bộ Lại Phạm Quỳnh nhậm chức trong cảnh dân nước điêu linh dưới ách nô lệ của đại quốc Phú-lang-sa. Mọi việc triều chính nhất nhất đều dưới quyền điều hành của viên Khâm sứ người Pháp. Cả vua và quan đều biết rõ chỉ là thân bù nhìn. Dân tình ngột ngạt trong cảnh cá chậu chim lồng. Người có tâm thì đau lòng miễn cưỡng lựa lách theo thời thế. Kẻ háo danh trục lợi thì an phận tay sai. Trong hoàn cảnh ấy thì với thần dân trăm họ cả vua lẫn quan đều phải làm ngơ bỏ ngoài tai trước lời thị phi là “phường bán nước buôn dân”. Phạm Thượng thư than thở: “Khi tôi ra đời nước đã mất rồi còn đâu mà bán!”. Đúng ra tội bán nước, trước hết vua quan triều đình Tự Đức phải gánh lấy trong đó Phan Thanh Giản mang trọng tội. Sự biến đã qua rồi, các lớp hậu sinh mỗi người ứng xử tùy theo thế sự và tài năng, nhân cách của mình. Những ai nặng lòng với nước đi tìm con đường cứu quốc khác nhau và không tránh khỏi sự trấn áp tàn bạo của ngoại bang thống trị. Như Trần Quý Cáp với phong trào Duy Tân. Phan Bội Châu với phong trào Đông Du và Hội Việt Nam quang phục. Lương Văn Can với trường “Đông kinh nghĩa thục”. Phan Châu Trinh với chủ trương “Bất như học”, thức tỉnh dân bằng việc “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh” để mau tiến kịp bằng người. Nguyễn Thái Học quyết liệt với chủ nghĩa “tam dân”. Hai người bạn vong niên đồng cảnh đồng môn Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh đều là những nhà văn hóa xuất chúng, cùng yêu tiếng ta, một lòng với tiếng ta nhằm giữ nguyên hồn nước, hoạt động rất hăng hái, về chính trị cùng ôn hòa mà mỗi người một cách. Ông Vĩnh sôi nổi muốn kéo cả nước cùng chui vào cái rọ “trực trị” mong được bình đẳng với người Tây. Ông Quỳnh mềm dẻo với tài khéo nói tích cực vận động cho một chính thể “quân chủ lập hiến” lấp lửng với ông vua mà quyền hạn do dân kiểm soát, vừa giữ được thể diện quốc gia và bản sắc văn hóa dân tộc lại vừa có độc lập tự do. Dịp viên Tổng trưởng Bộ Thuộc địa Pháp P.Reynaud qua Hà Nội, ông gửi thư thỉnh nguyện: “Hãy cho chúng tôi một Tổ quốc để tôn thờ vì đối với dân tộc Việt Nam, Tổ quốc đó không phải là nước Pháp”. Lời lẽ thì ôn hòa mà ý chí thì quyết liệt. Viên Khâm sứ Trung kỳ Haelewyn gửi báo cáo lên Toàn Quyền Đông Dương Jean Decoux nhận xét như sau: “Thượng thư Bộ Lại cực lực phiền trách chúng ta về việc trưng dụng lúa gạo để cung cấp cho Nhật… Những yêu sách của Phạm Quỳnh cứ là thiết lập một nền tự trị toàn diện cho Bắc kỳ và Trung kỳ, đồng thời chấm dứt chế độ thuộc địa Nam kỳ, tiến tới hình thành một quốc gia Việt Nam… Phạm Quỳnh tuy nhã nhặn, hòa hoãn nhưng ông ta là một phần tử bất khả phân trong chủ trương giành độc lập cho Việt Nam và chúng ta đừng mong làm gì với lòng ái quốc chí thành bất di bất dịch nơi ông ta”. Trong khi một thế hệ trẻ khác theo trào lưu mới tin vào sức mạnh của sự liên minh giai cấp cần lao toàn thế giới chủ trương cách mạng triệt để vì muốn giành độc lập cho tổ quốc và dân tộc thì không thể nào ngửa tay xin ai được.     Thời thế tạo anh hùng! Thất bại thảm hại cùng với sự sụp đổ của nền Đệ tam cộng hòa ở chính quốc Pháp và thắng lợi của phe dân chủ trước chủ nghĩa phát xít thế giới tạo điều kiện cho sự nổi dậy của các dân tộc bị áp bức là thời cơ ngàn năm có một để tổ chức Việt minh do Đảng Cộng sản làm nòng cốt chớp thời cơ tiến hành cuộc CMT8 thắng lợi mau chóng trong cả nước.
Sự thể ấy là đại thắng lợi cho quốc gia dân tộc nhưng cũng là sự bất hạnh cho một số người! Cụ Hồ từng chia sẻ với một đại quan có thân nhân bị sát hại: “Khi dân chúng bị ức hiếp nổi dậy, lỗi lầm không thể tránh khỏi và chuyện bi thảm xảy ra!”. Nhưng vì không chế ngự được cái “tiểu khí” ông ta không nhìn ra “đại nghĩa” mà theo ngả khác. Cuối cùng thảm họa còn lớn hơn! Vào lúc giao thời ấy, dù học giả Thượng Chi đã về ở ẩn tại tư gia cặm cụi mải mê dịch thơ, viết ký… thì cả bên này bên kia vẫn nhìn ở vị cựu Thượng thư Bộ Lại Phạm Quỳnh còn tiềm ẩn tài năng lớn! Đó là mầm mống cho nỗi oan nghiệt với con người “kinh luân chứa một túi đầy” này. Ngay lúc được tin cụ Phạm bị bắt, Cụ Hồ đăm chiêu nói với những người giúp việc: “Bất tất nhiên!”, nghĩa là không nhất thiết phải làm như thế. “Không thể đem chuyện cũ ra mà làm án mới!”. Sau Cụ Hồ lại nói với hai người con gái lớn của cụ Phạm rằng: “Tôi đã từng gặp, từng giao tiếp với cụ Phạm. Đó không phải là một người xấu. Trong lúc cuộc khởi nghĩa bùng nổ khó tránh được sự lầm lẫn. Các con cháu cụ cứ vững tâm đi theo cách mạng”. Ông Hoàng Hữu Nam vừa là thân hữu với gia đình họ Phạm lại đang giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Nội vụ lúc bấy giờ đã khuyên hai bà con gái đại ý là: Bọn Pháp đang tìm cụ để lợi dụng nên phải giữ cụ tại một nơi yên ổn. Các chị không nên vào Huế vì nhân dân đang nổi dậy có khi lại bị bắt giữ lôi thôi. Ông Nam nhận sẽ “tư” vào Huế đưa gia đình cụ ra Hà Nội. Kết cục là toàn bộ gia đình cụ Phạm gồm 14 người cả nam và nữ, từ con nít và người đang tuổi thanh xuân đến bà già được đưa ra Hà Nội đoàn tụ gia đình an toàn cùng nguyên vẹn các đồ đạc tư trang. Riêng cụ Thượng Chi thì bị “khử” chưa rõ trong hoàn cảnh nào. Nhận được tin này, Cụ Hồ thốt lên: “Giết một học giả như vậy thì nhân dân ta được gì? cách mạng lợi lộc gì?... Thật là không may cho cụ Thượng Chi, không may cho gia đình cụ Phạm!”. Cách mạng là sự đổi thay khởi nguồn từ những mâu thuẫn xã hội sâu xa. Cuộc cách mạng nào cũng nhân danh sự công bằng bác ái nhưng bị kích động cực đoan hoặc vì tư thù hay vụ lợi đã xảy ra không ít điều bất nhẫn làm mờ đi cái thiện căn của nó và hằn sâu những hận thù. Thực tế là từ cấp trung ương tới thành phố Huế của chính quyền mới không từng lập một phiên tòa nào kết án “Phạm Quỳnh làm tay sai cho giặc Pháp” để ghép tội tử hình. Tình trạng lộn xộn trong những ngày đầu khởi nghĩa, không chỉ ở một nơi là điều hiển nhiên ai cũng biết. Vậy có thể coi cái chết của vị học giả lớn này như một trong những tai họa giữa “phen thay đổi sơn hà”! Tất nhiên là với những người thân thích ruột rà thì nỗi thương đau cứ đeo đẳng mãi và cũng là sự thiệt thòi lớn khó bù đắp được cho nền văn hóa nước nhà. Còn việc đánh giá các trước tác của người quá cố lớn mức nào và ảnh hưởng xã hội tới đâu không chỉ là công việc của vài người trong một thời gian. Cái chết của cụ Thượng Chi được mọi người, mọi giới trong xã hội thật lòng thương tiếc thì việc phục hồi danh dự cho nhà văn hóa Phạm Quỳnh dù có gặp lực cản nào cũng dễ vượt qua. Như Cụ Hồ đã nói: “Cụ Phạm là người của lịch sử sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này”. Đã đến lúc lịch sử cần đánh giá và khó có lý do nào để khắt khe trước đạo đức và tài năng của cụ.
Khác hẳn cái chết của ông Tiến sỹ họ Phan 78 năm về trước. Sau khi đã giao hết đất lại lệnh cho thuộc hạ mở rộng cửa kho và ngân khố lấy lúa gạo bạc tiền nộp cho quân phản phúc gọi là thanh toán “bồi thường chiến phí” tới mức không còn gì để giao vào tay giặc nữa! Phan biết tội mình quá lớn khó thoát cái án phản quốc khi quân sẽ phải chịu nhục hình đớn đau khủng khiếp. Ông ta mưu tính dùng cái chết của mình để rửa nhục minh oan. Đến nay không ít người vẫn nghĩ là ông chịu chết để “tránh họa cho dân” mà quên điều ông đã chuốc họa lớn vào cho nước. Người ta tô điểm cho cái chết của ông thật bi tráng nhưng thực ra nó rất bi hài. Dù nói rằng “lá cờ ba sắc không thể phất phới bay trên một thành lũy mà nơi ấy Phan Thanh Giản còn sống!” nhưng không như Hoàng Diệu treo cổ chết ngay trong thành Hà Nội, Nguyễn Tri Phương không chịu chữa trị vết thương để chết theo khi Hà thành thất thủ, Võ Duy Ninh tự thương chết ngay trước thành Gia Định, mà Phan thủng thẳng ra sống tại một ngôi nhà tranh ở ngoại thành Vĩnh Long, tỉnh táo nghe ngóng và sắp xếp mọi việc gần xa chu đáo. Ông gởi một lá sớ lên vua Tự Đức trần tình: “Nghĩ tội đáng chết, không dám sống cẩu thả để cái nhục lại cho Quân phụ”. Gần một tháng sau thì ông “tuyệt cốc” (nhịn ăn). Nửa tháng không chết, ông uống á phiện pha với dấm thanh. Theo thơ tường trình của Thiếu tá Ansart gởi lên Tổng tham mưu trưởng quân viễn chinh kể về những giờ cuối đời của ông quan này: “…Trong thời gian nhiều quan lại cả tây và ta đến thăm, cho thuốc ông một mực từ chối. Nhưng ngay khi được biết là các quan đã bỏ đi và chỉ còn có mình ông với chúng tôi (mấy sỹ quan Pháp) thì ông đã thuận mọi điều. Hai lần ông hỏi cha Marc: Tôi có thoát được chăng? Than ôi, khi đó đã quá muộn!”. Chết vì nghĩa thì tráng. Chết thường tình thì thương. Chết vì toan tính thì hài! Phan nhân cũng là người của lịch sử và lịch sử cũng ghi lại đầy đủ những việc ông đã làm để hậu thế xét soi.
Trong bài viết, ông Tô Nhuận Vỹ dẫn lời của triết gia J.P.Sactre rằng: “Yếu tố thời gian lịch sử nếu bỏ qua sẽ là acide sulfuric phá hủy hết mọi giá trị”. Tuy nhiên với lịch sử thành văn, nó lại như một base mạnh làm vô hiệu mọi loại acide, cụ thể là những ý đồ xuyên tạc sự thật lịch sử nhằm đạt mục tiêu của ai. Người viết xin được dẫn ra vài lời nói mang tính tiêu biểu của hai nhân vật lịch sử này còn được giữ trong thư tịch để tùy bạn đọc suy ngẫm:

Thượng thư Phan Thanh Giản:
- Trong thơ gửi Hải quân Trung tướng Bonard, quan Khâm sai viết: “Trương Định đã đóng quân “vi pháp”(!) trên đất Tân Hòa (Gò Công), tự đặt vào vị thế chống lại chính phủ An Nam. Y đã tự xưng là “Tổng tư lệnh nghĩa quân dũng cảm”. Ngày 18 tháng này (5/2/1863) có tên Quang do y sai đem tới một văn thơ yêu cầu tôi tường lãm (Nội dung thơ bày tỏ sự phẫn nộ và thất vọng của nhân dân về hòa ước 1862 và tuyên bố: Thà chết chứ không chịu làm tôi tớ cho giặc! Kêu gọi tất cả các quan chức tham gia nghĩa quân và mộ binh khắp các nơi hoặc đóng góp bằng công của vào diệt giặc. Mỗi lần đụng độ với giặc cả hai bên đều có quân chết và bị thương, vì vậy chúng ta không sợ địch - NV)… “ Quân đội thuộc quyền Các hạ mà còn chưa diệt trừ được tên ấy thì lòng kiêu hãnh của y cứ gia tăng… Tôi đã cho bắt giữ tên Quang và giam giữ ngặt để đưa ra xét xử. Tôi xin đính theo mật văn này và bản Tuyên ngôn đã nhận được để Các hạ tri tường”!    
- Trước khi mở rộng cửa thành Vĩnh Long cho quân Pháp kéo vào chiếm đóng không tốn một viên đạn, Phan đã bắn tin: “Chúng tôi sẽ không ngăn cản sự xâm lược bằng một sự kháng cự mà chúng tôi hiểu là vô ích”! Sau đó Phan gửi tiếp công thư cho các quan trấn giữ thành An Giang, Hà Tiên lời lẽ như sau: “…Người nào thuận theo lòng trời thì còn, người nào nghịch theo lòng trời thì chết mất… Trời đã cho con người có lý trí. Con người phải sống tùy theo ý chí ấy… Chúng ta yếu ớt không thể chống nổi người Phú-lang-sa, tướng soái lính tráng đều bị đánh bại… Người Phú-lang-sa muốn đến đâu cũng đặng. Không người nào có thể chống lại… Mình còn ngốc khi mình đánh người Phú-lang-sa bằng vũ khí, cũng như con nai muốn bắt con cọp… Các quan văn cũng như các tướng võ hãy bẻ gãy giáo gươm và giao thành trì khỏi chống lại…!”. Ông ta biện lẽ: “Bản chức tùy theo thiên ý mà tránh đỡ giùm dân đen tai họa rớt trên đầu họ” và khuyên dụ dân hãy tin vào giặc vì “những người này chỉ đáng sợ trong lúc chiến tranh mà thôi (!)”. Viên Đại tá Thomazi hoan hỷ viết trong nhật ký: “Đến tháng 6/1867, binh lính ta đi chơi một bữa thế là xong hết cuộc chinh phục toàn xứ Nam kỳ, công cuộc khó nhọc bắt đầu từ năm 1858”.
- Tóm lược vài ý trong thư Phan gửi cho các quan Phú-lang-sa thổ lộ tâm can trước lúc biết mình không thể nào sống được: Ca ngợi hải quân Trung tướng Bonard với “những võ công hiển hách chinh phục xứ này (!), là người đồng chung một ý tưởng từ lâu (!) về vấn đề lấy xứ Nam kỳ làm thực dân địa!... Trong 5 năm sau này (1862-1867) những đêm nằm mơ tôi thấy người ấy (tướng Bonard – người ký chấp nhận hàng ước của Phan 1862) đã đến gần tôi. Rất tiếc là người đã ra đi trước. Bây giờ tử thần sẽ cho hai ta gặp mặt trong sự vĩnh cửu, sẽ sung sướng vô biên giới và tình huynh đệ không thể tan rã được”! Ca ngợi Đề đốc Rigault De Genouilly “có tầm nhìn xa biết chiếm lấy Sài Gòn để xây dựng thành trung tâm bền bỉ lâu dài”! Ca ngợi Đề đốc De Lagrandière là người “tạo lập ra thuộc địa Nam kỳ”! Rõ ràng rằng chủ mưu đầu hàng đã thành ý thức chủ đạo trong viên đại thần lá mặt lá trái này. Vậy thì con người ấy khác chi là tay trong của giặc?!

Thượng thư Phạm Quỳnh:
- Người An Nam không thể coi nước Pháp là Tổ quốc được vì chúng tôi đã có một Tổ quốc…             - Chính trị và văn hóa một đàng là gốc, một đàng là ngọn. Gốc có vững thì ngọn mới tốt được. Nước Nam ta hiện chưa được là một nước chân chính, hiển nhiên ai cũng biết. Sở dĩ chưa được là một nước chân chính là bởi vì không có chủ quyền về chính trị. Điều đó hiển nhiên ai cũng biết. Một nước đã mất quyền chính trị mà muốn thu phục lại thì chỉ có hai cách: một cách là bạo động, một cách là ôn hòa.
- Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn… Tiếng là nước. Tiếng còn thì nước còn, tiếng mất thì nước mất, mà mất đó mới thật là mất hẳn không sao vãn hồi được nữa.
- Khi sang Paris được mời diễn thuyết tại trụ sở Viện hàn lâm ông khéo chọn đề tài “Sự tiến hóa của dân An Nam từ khi đặt ách bảo hộ Pháp” để nói lên ý chí của mình: “Người Pháp phải tôn trọng truyền thống văn hóa Việt Nam. Dân tộc Việt Nam chúng tôi không thể ví như một tờ giấy trắng ai muốn viết gì lên cũng được. Mà là một quyển sách cổ đầy đặn những chữ viết bằng một thứ mực không phai đã từ mấy mươi thế kỷ. Quyển sách ấy chỉ có thể đóng lại theo lối mới cho hợp với thời trang chứ không thể đem một thứ chữ khác in lên những trang đã đầy chữ rồi”, đã được những cử tọa vào hàng danh giá tinh hoa của nước Pháp lắng nghe và vỗ tay tỏ lòng biệt đãi khách phương xa là điều chưa từng thấy.
- “Công bộc” là làm đầy tớ chung, không cho riêng ai, nghĩa là cho dân cho nước. Cái tiếng “công bộc” vẻ vang biết chừng nào. Muốn làm một kẻ “công bộc” cho xứng đáng phải có sự nghiệp gì cho ích quốc lợi dân, không phải là dễ dàng. Chứ muốn bề ngoài giữ lấy cái hư danh “công bộc” cho dân mà bề trong làm đầy tớ riêng cho một ông “quan thầy” nào để mong che chở cho những hành vi bất chính đáng của mình thì thật là dễ lắm mà cũng hèn lắm. Cho nên ai ôi! Làm “công bộc” mới khó chứ làm “tư bộc” vẫn dễ , làm “công bộc” mới danh giá chứ làm “tư bộc” thật đê hèn. Cái huy hiệu “công bộc” đã tốt đẹp như thế , cái địa vị “công bộc” đã vẻ vang như thế, các ngài trong quan trường ta không phải ngu gì mà không biết đem đổi cái tên “phụ mẫu” của dân cũ rích kia lấy cái tên “công bộc” của dân mới mẻ này. Các ngài làm như thế  để tỏ ta là người thức thời, một là cứu vớt được cái đoàn thể quan trường đương đắm đuối, hai là thuận được cái phong trào tự do bình đẳng thời nay và bớt được lòng oán hận của công chúng.
- Khóc bạn Nguyễn Văn Vĩnh: Sống lại như tôi là sống nhục – Chết đi như Bác chết là vinh – Suối vàng Bác có dư dòng lệ – Khóc hộ cho tôi nỗi bất bình.
Cả hai ông quan đầu triều này lúc sinh thời được dư luận khen là sống liêm khiết và thanh bạch. Khi chết đi, cụ Thượng Chi để lại gia tài là cái biệt thự tư Hoa Đường trong đó có một thư viện sách cổ kim đủ loại vào hàng lớn nhất kinh thành Huế bấy giờ. Còn vị Đại học sỹ thì sao? Ông chết trong ngôi nhà cỏ đơn sơ dưới cái sắc chỉ vua khen “LIÊM-BÌNH-CẦN-CÁN” và quan Khâm lược dấu kín nỗi lòng tới lúc lâm chung mới tỏ chân tình với viên quan giặc Ansart rằng ông dành dụm được mấy ngàn quan (1.000 quan lúc bấy giờ tương đương với 700 lạng bạc) và mong muốn ký thác cho các quan Tây đưa mấy đứa cháu lên Sài Gòn học thành tài! Sử liệu ghi Phan được vua giao chức Khâm sai đại thần trấn giữ ba tỉnh miền Tây còn lại, ông Tiến sỹ Phan Hiển Đạo làm Đốc học tỉnh Định Tường có ra hợp tác với giặc vì mơ hồ tin lời quan trên về “tình thân ái giữa các dân tộc bên hai bờ đại dương”. Nhưng sau nhận ra mình lầm lỡ nên lánh qua tỉnh Vĩnh Long (vì Định Tường không còn thuộc Nam triều nữa). Ông đưa thơ xin diện kiến trình rõ sự tình, bị Phan xổ toẹt với lời phê độc: “Thất thân chi nữ, hà dĩ vi trinh” (Con gái đã bị thất thân, sao cho là trinh được). Ông Tiến sỹ Đạo hổ ngươi trở về quê Mỹ Tho, viết cáo trạng tạ lỗi với dân chúng rồi uống thuốc độc mà chết! Phan có là người “liêm-chính-thanh-bần” như đời ca tụng thật không?

Rõ ràng rằng về cả tài năng và nhân cách, Phan Thanh Giản không thể sánh với Phạm Quỳnh. Một kẻ gây họa và một người muốn gỡ khỏi tai ương mà chuốc họa! Mượn chuyện cụ Phạm để đề cao Phan là cột thêm vào một nỗi hàm oan càng làm cụ Phạm đau hơn! Công tâm mà nói, hơn mười năm làm quan nhất phẩm của một triều đình tay sai lệ thuộc ngoại bang thì họ Phạm không thể không có những điều đáng chê trách, nhưng tựu chung ông vẫn là người nặng lòng với nước, với hồn dân tộc. Khác hẳn với họ Phan làm thượng quan hơn bốn mươi năm qua ba vương triều độc lập thì ngoài mấy lần bị biếm chức mà chẳng giúp gì được cho vua trong việc yên dân, gặp khi quốc gia vong biến lại tỏ ra bạc nhược ươn hèn trí trá, từ thỏa hiệp tới thông gian với giặc đẩy dân nước vào họa vong quốc nô.  

VĨ THANH:
Trong lịch sử Việt Nam, Phan Thanh Giản là viên quan đại thần để lại nhiều tai tiếng nhất bởi những điều tệ hại ông đã gây nên cho quốc gia dân tộc. Tuy nhiên bên sự đánh giá chính thống như thế vẫn có những thế lực bênh vực thậm chí còn bốc thơm đơm đặt đủ điều cho nên con người ông, việc làm của ông, cái chết của ông vẫn là đề tài cho hậu thế tranh cãi dài dài. Vậy những ý kiến trái chiều kia có tự bao giờ và xuất phát từ đâu?
Thật ra khi người Pháp đem quân xâm chiếm Việt Nam thì lực lượng họ không phải là quá mạnh, chiến trường xa lại rải quân phân tán trên địa bàn rất rộng mà nội tình vương triều Paris cũng lắm chuyện rối ren. Thế nhưng bối cảnh xã hội Việt Nam lúc đó cực kỳ bê bối: Chính triều thối nát, loạn lạc khắp nơi, nhân tâm ly tán lại thêm sự bành trướng của giáo hội Thiên Chúa cùng với đám vua quan triều Nguyễn bạc nhược cầu an mà phong trào yêu nước thì không có chỗ dựa và không hợp thành một liên minh chặt chẽ thì những người có chức sắc lại dễ giao động là tác nhân thúc đẩy mau chóng quá trình mất nước. Trong khi bộ máy chiến tranh của Pháp dày dặn kinh nghiệm đối phó, lợi dụng những yếu tố xã hội và con người ở các quốc gia xa xôi lạc hậu. Những kẻ “yếu bóng vía” như Phan Thanh Giản tất nhiên lọt vào tầm ngắm để đội quân viễn chinh ấy khai thác và điều khiển bằng đủ những mưu mô thâm trầm xảo quyệt.
Trong Văn khố Bộ Ngoại giao Pháp quốc còn lưu báo cáo của viên Trung tướng tư lệnh Bonard từ chiến trường gửi về: “Có hai dư luận chi phối đại sự ở Huế. Một phe gồm những người thức thời (không muốn phá hoại trật tự ở Nam kỳ sau khi Pháp đã lấy được ba tỉnh miền Đông và đang tích cực chiếm nốt ba tỉnh miền Tây - NV) đứng đầu là Phan Thanh Giản. Phe khác bị mê hoặc vì sẵn lòng thù ghét người Âu tây và hiện thời phe này có vẻ lấn át… Tính mạng của Phan Thanh Giản bị đe dọa kịch liệt, dù ông ta còn làm Kinh lược các tỉnh miền Nam, tôi cũng sẽ không lấy làm ngạc nhiên nếu thấy ông phải xin lánh nạn trong khu vực của chúng ta”. Sau khi Phan trút hơi thở cuối cùng, viên tướng kế nhiệm là Phó thủy sư Đề đốc Thống soái Nam kỳ De Lagrandière chăm sóc chu đáo tận tình: Cử một chiếc tàu đồng kéo thuyền chở linh cữu cùng đội lính kèn và lính chiến tống tiễn về tận nơi chôn cất như một chiến sỹ trận vong đúng theo nghi thức truyền thống Pháp. Kèm theo thư gửi tới gia đình rất mực khen Phan và chê khinh triều đình Tự Đức: “Nơi triều đình Huế trừ một mình ngài thấy rõ đâu là ích nước lợi dân… Người Pháp quốc hằng bền một lòng tôn trọng quan lớn Phan Thanh Giản và gia đình của ngài. Bổn trấn hứa sẽ hết lòng bảo bọc cho con cháu ngài hoặc muốn ra mà giúp việc nhà nước hay là muốn tước lộc chi thì bổn trấn cũng vui lòng ban ơn theo như ý”. Và người Pháp đã làm đúng như lời hứa.
Trong khi từ triều đình tới dân chúng đều coi Phan là kẻ phản thần “mại quốc”. Lần đầu vua quở trách: “Theo họ thì có nước cũng như không, đã chịu nhục mà đời đời bị vạ”! “Hai người (Phan-Lâm) không những chỉ là tội nhân của triều đình mà còn là tội nhân muôn đời của hậu thế”! Lần thứ hai xỉ vả nặng hơn: “Đến như Phan Thanh Giản thì thủy chung đều quanh quất, lời nói không theo được việc làm, đem học vấn danh vọng một đời trút sạch ra bể Đông, thật là tán tận lương tâm, quá đỗi phụ ơn. Mặc dù đã lấy cái chết tự phạt nhưng cũng chưa đủ đền bù cho trách nhiệm nên Trẫm đem giao cả cho Tôn nhân Phủ và đình thần xem xét công tội để bàn định việc xử trí”. Và ngày 17/4/1868 triều thần luận tội: “Đối với trách nhiệm giữ gìn đất đai mà lại ươn hèn đến thế còn thì ngoài ra chỉ thấy muối mặt với cái sống thừa đành tìm lấy một cái chết lấy làm hân hạnh sẽ phải phân biệt xử trị để răn khí tiết bề tôi!”. Vua Tự Đức trên cơ sở đó ra chỉ dụ “truy đoạt chức tước, phẩm hàm và đục bia Tiến sỹ, để lại muôn đời cái án trảm hậu”. Sau đó các phong trào yêu nước tiếp nhau nổi lên chống Pháp đều coi việc làm của Phan Thanh Giản như vết nhơ lịch sử. Nhà chí sỹ đại ái quốc Phan Bội Châu kết tội Phan là hạng “gan dê lợn mà mưu chuột cáo”!
Sau khi tạm bình định được xứ Đông Dương, kẻ được coi như một “sản phẩm Pháp” tại Việt Nam là Đồng Khánh được người Pháp đặt lên ngôi hoàng đế và là ông vua đầu tiên công nhận nền bảo hộ của nhà nước Đại Pháp. Để được lòng mẫu quốc, tân vương ra sắc chỉ khai phục hàm cũ là Hiệp tá đại học sỹ cho Phan Thanh Giản sau những lời khen: “Phẩm vọng ngươi cao như núi Thái Sơn, văn chương ngươi như mây bay nước chảy, được xưng tụng cao nhất một đời”. Tất nhiên bia được dựng lại sau khi bị đạp đổ đã nhiều năm! Năm 1924, vua Khải Định sắc cho quan dân tỉnh Thủ Dầu Một thờ phụng Phan công như “thần hộ quốc an dân”, ý để thưởng công đã giao ba tỉnh miền Đông cho Pháp! Kế đến năm 1933, vua Bảo Đại cũng sắc cho quan dân tỉnh Vĩnh Long thờ phụng Phan công nội dung như thế, ý để thưởng công đã giao nốt ba tỉnh miền Tây cho Pháp! Việc làm ấy có nghĩa là triều Nguyễn hài lòng đã hoàn tất sứ mạng lịch sử chí ít cũng là giao toàn bộ xứ Nam kỳ vào tay người Pháp!             Gần một trăm năm sau – tháng 8/1963, trong Hội nghị sử học toàn miền Bắc có nhiều nhân sỹ trí thức tiêu biểu và các nhà sử học lớn của cả hai miền Nam Bắc như Trần Huy Liệu, Trần Văn Giàu, Nguyễn Khánh Toàn, Ca Văn Thỉnh, Đào Duy Anh… thống nhất đánh giá như sau: “Để mất nước, các vua nhà Nguyễn là chính phạm, các triều thần trong đó có Phan là đồng phạm. Riêng trong sự kiện hai lần dâng thành giao đất cho giặc để mất cả Nam kỳ thì Phan là chính phạm bởi tính bạc nhược dễ thỏa hiệp dần đi tới đầu hàng – Đó là bản chất của giai cấp phong kiến cầm quyền lúc suy vi”! Thiết nghĩ trong hoàn cảnh xã hội lúc ấy đánh giá như vậy là rất thể tình. Nhiều nhân vật tiêu biểu có ảnh hưởng lớn về văn hóa và xã hội đồng tình. Phan nhân có thể “não phiền trút sạch” để ngàn thu yên giấc. Đó là chính sử.
Thế nhưng năm 2008 trong hoàn cảnh xã hội “yên” mà không “bình” của nền kinh tế thị trường. Giữa bối cảnh “tư duy loạn xạ”, Hội nghị sử học được tổ chức tại Thanh Hóa đặt vấn đề đánh giá lại về chín triều chúa và bốn triều đầu vua Nguyễn. Số người dự thì đông nhưng ít người nói mà người nghe đa phần biết vậy thôi và thiếu hẳn một cái đầu tầm cỡ có uy tín để minh định điều sai đúng. Dưới cái tinh thần gọi là đổi mới, nhiều nhân vật và sự kiện lịch sử được đưa ra bàn luận và có những ý kiến trái hẳn với nhận định trước kia. Chuyện không có gì lạ. Dù sao đây mới chỉ là những quan điểm khuôn trong giới hạn một cuộc hội thảo, chưa phải là sự đồng thuận của xã hội, hơn nữa của Nhà nước để được coi như là chính thống. Những ý kiến còn mang tính một chiều như thế đã được giới truyền thông tức thời  phổ biến (!) trên các phương tiện đọc, nghe, nhìn… thậm chí được không ít người “quen ăn quen nói, quen gói quen mở” tung hỏa mù coi như lịch sử đã đổi chiều theo ý họ! Kể cả vài vị tai mắt vội vàng cho đúc tượng đồng đại quan Phan đưa vào đền thờ các vị thánh sư, bày ra giữa sân trường cho con trẻ học (!) và còn mưu dựng tượng quan đứng nghênh ngang trên giải đất mà ông đã dâng hiến cho giặc còn thấm đẫm máu xương các anh hùng nghĩa sỹ và những thế hệ con cháu họ, làm rối loạn nhân tâm. Tất nhiên bị dư luận công chính phản đối. Hầu như cả năm 2009, một số tờ báo, đặc biệt là tuần báo Văn nghệ TPHCM có nhiều bài viết vạch ra bản chất tiêu cực của triều Nguyễn, trong đó chỉ rõ thực chất phản dân hại nước của con người này. Tuy ít nhận được sự hưởng ứng của nhiều phương tiện truyền thông mà dù sao vẫn có được kết cục hợp lòng người là ngày 16/4/2009, Văn phòng Ban chấp hành TWĐCSVN ra thông báo số 7098-CV/VPTW đề nghị “Hội Sử học VN, các cơ quan thông tấn, báo chí không trao đổi, tuyên truyền những vấn đề liên quan đến các chúa Nguyễn và các vương triều Nguyễn” cũng như “Tỉnh ủy Bến Tre tạm dừng các hoạt động, công trình liên quan đến cụ Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký”. Thế mà người ta vẫn không chịu để cho mấy ông quan già ấy nằm yên. Có vị viết sách hùng hồn: “Từ giờ trở đi nhân dân Việt Nam khỏi phải mất công tranh cãi nhau dài dòng về tư cách tốt xấu của cụ Phan Thanh Giản nữa”?! Bây giờ lại có ông nhà văn nói như đinh đóng cột: “Chúng ta đã trả lại đúng giá trị cho Phan Thanh Giản”?! Còn không ít cái đầu bảo thủ không muốn nhìn thẳng vào sự thật. Xin lưu ý các vị rằng ngoài mấy viên tướng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ca ngợi Phan ân nhân của họ hết lời thì những triều vua chiêu tuyết và khôi phục chức sắc cho viên phản thần ấy đã bị chính Hội nghị sử học năm 2008 loại ra ngoài vòng lịch sử?! Khác hẳn với danh thần Nguyễn Trãi được vua Lê Thánh Tôn – là một trong số hiếm mấy vị vua anh minh nhất trong lịch sử ngàn năm phong kiến Việt Nam chủ vai chiêu tuyết. Vậy đó là chính sử hay là dã sử? Giáo sư Trần Văn Giàu – nhà trí thức cách mạng nổi tiếng ở Nam kỳ, nhà sử học bậc thầy của nhiều thế hệ, nhân vật quan trọng tại Hội nghị sử học 1963 năm ấy duy nhất còn lại, đã ở tuổi sắp tròn trăm, nghe được những điều rối rắm, ông cho đăng lại mấy bài nghiên cứu “Luận về những nguyên nhân mất nước về tay Pháp” và không khỏi phẫn nộ trước việc ai đó bốc thơm Phan, đã khuyên: “Đừng bươi ra làm chi nữa”! Chuyện đã qua thế kỷ rưỡi rồi. Nước mất thì đã đòi lại được. Nhà tan thì anh em quên đi hờn oán cũ, hợp quần lại cùng nhau xây dựng cơ đồ. Tổ quốc như mẹ hiền rộng lòng tha thứ bao dung. Cứ khui những tỳ vết ra để mà ân oán hơn thua sao không thấy hổ lòng với mẹ? Càng làm cho người nằm xuống nhắm mắt không yên!
Thật ra một bức tượng với chất liệu dù bằng đất, gỗ, đá hay đồng suy cho cùng cũng chỉ là một hình nhân. Công đức khi người còn sống để lại cho đời thổi hồn vào mới nên thiêng. Tượng mà không thiêng người ta chửi ai dựng tượng. Người trí thức chân chính nói, viết hay làm đều suy nghĩ tới chuyện lớn nước nhà. Vào giữa thế kỷ XIX, lũ giặc mắt xanh mũi lõ vượt trùng dương nửa vòng trái đất trên chục chiếc tàu đồng với mấy ngàn quân qua cái xứ sở nhiệt đới chết tiệt này, vũ khí là mấy khẩu đại bác cổ lỗ, vài ngàn tay súng kíp chọi với đội quân nón mê chân đất, gươm giáo dao gậy cầm tay mà có cả rừng người sẵn sàng chết không để nước mất vào tay giặc. Vậy mà có những ông vua, ông quan không dám cầm gươm, chỉ biết cầm bút vẽ thơ, cầm quạt phe phẩy, lắc lư cái mũ cánh chuồn, nhìn trước ngó sau mà đái trong quần thì làm sao không mất nước?! Hãy nhìn sức giặc hiện nay: Chỉ một bước chân đã vào tận ngõ. Sân trước vườn sau, trên rừng dưới biển, ba bề bốn bên đâu đâu cũng thấy lũ đầu trâu mặt ngựa. Súng lớn súng nhỏ tầm gần tầm xa đủ loại. Tàu giăng kín ngoài khơi. Máy bay phủ đặc trên trời. Điều này hiển nhiên ai cũng biết. Thế mà đủ cỡ các bậc “nhà” nhân danh cái gọi là “đổi mới” thi nhau trổ tài nói dối ăn gian cố dựng dậy một lũ vua quan hèn nhát, bạc nhược, phản phúc, dối trời lừa dân như Phan Thanh Giản… nhằm dạy lớp trẻ điều gì? Trong khi nước non đang cần những con người trung dũng.