Một buổi sáng vào đầu tháng 6/2012, như thường lệ, tôi đi bộ cho khoẻ người. Đi được hai vòng qua mấy dãy phố Cavendish, Liberty, Camberidge … thì trời mưa, mưa nặng hạt khi tôi đi trên đường Stanmore - Sydney. Đi ngược với tôi, ngay từ xa, tôi đã nhìn thấy một bà cụ, nhỏ bé hơn tôi, chắc tuổi đã rất cao, bước chậm rãi, hai tay hai gậy, dưới trời mưa, rất cần mẫn. Tôi rất hay gặp bà khi tôi đi bộ, chắc bà cũng đi tập thể dục như tôi. Thấy bà không mũ, không mặc áo mưa ( vì hai tay hai gậy chồng để đi nên không dùng ô được).Tôi quay lại, đến gần bà và chào bà: “ Good morning!”, bà vui vẻ đáp lại: “ How do you do ?”. Tôi đưa ô cao lên che mưa cho bà.
Hôm nay mưa thế mà bà vẫn đi. Đầu không mũ, nước mưa rơi ướt tóc bà. Tôi rảo bước bên bà và đi ngược lại lộ trình đi bộ ban đầu, tôi định đi thẳng xuống cuối đường Stanmore nhưng quay lại để đi cùng bà.
Tôi vẫn có cái thú đi trong mưa. Nay đi cùng bà cũng vui. Người đàn bà gốc Âu, da trắng, nhỏ nhắn, chậm chạp nhưng hầu như ngày nào bà cũng túc tắc đi. Với vốn tiếng Anh ít ỏi của mình, tôi nói, nhà tôi ở gần đây, tôi là người Việt Nam, tôi rất vui được gặp bà (I’m pleased to meet you). Bà nhoẻn miệng cười rất tươi rồi nói một tràng tiếng Anh, tôi nghe lõm bõm, câu được câu không. Cứ thế chúng tôi đi bên nhau. Tôi đoán chắc bà phải khoảng 90 tuổi, chân bà đi không vững nữa nên phải dùng hai gậy mỗi khi ra đường. Còn tôi thì hơn 60 tuổi rồi, đi bên bà giống như hai mẹ con. Bên bà tôi thấy ấm áp, tôi nói, bà như mẹ của tôi.
Tôi nhìn bà và bỗng nhớ nhớ mẹ tôi quá. Nếu như mẹ tôi đi đâu đó, gặp mưa, liệu có ai cầm ô che cho mẹ không nhỉ? Mẹ tôi gầy lắm, cũng gần 90 tuổi, đi lại liêu xiêu lắm rồi nhưng mẹ không bao giờ chống gậy. Phòng của bố mẹ tôi ở tầng 2. Mẹ tôi nhiều khi đi phải vịn tay vào cầu thang, tự đi lên, đi xuống, không cho các con dắt. Bà rất cứng cỏi. Ba tôi mới mất, các con cứ tưởng mẹ sẽ buồn thảm mà khóc lóc suốt ngày. Nhưng, mẹ không thế, mẹ vững vàng hơn chúng tôi tưởng.
Trước đây, cứ vào một giờ nhất định buổi sáng, trưa, chiều, tối, trước khi đi ngủ là những lúc mẹ hay sang phòng ba làm việc ở ngay phòng bên cạnh để đưa cho ba ăn một chút gì đó. Bây giờ ba chẳng còn, cứ giờ ấy, mẹ sang phòng ba để thắp hương. Thỉnh thoảng mẹ nói một mình, như là nói với ba tôi đang hiện diện bên mẹ: “Đang yên đang lành bỏ người ta mà đi, chẳng nói câu gì nhắn nhủ cả !”. Ngày nào cũng vậy. Cứ thế, mẹ quen dần với sự trống vắng. 67 năm, lúc nào cũng như hình với bóng, nay một người đi xa, mẹ buồn lắm. Mẹ vẫn biết là, cả hai, sẽ có người đi trước nhưng rồi, khi một người đi trước thì người ở lại xót xa, nhớ nhung lắm. Chẳng ai có thể quên người đi trước, nhưng chẳng làm gì được, đành cất nỗi đau đi để tiếp tục sống nốt đoạn đường còn lại. Đời người, ai rồi cũng gặp cảnh như thế.
Tôi sang Úc với con cho vơi đi nỗi nhớ mất cha. Bởi vậy, cứ khi nào gặp người cao tuổi là tôi thấy sự gần gũi đến kỳ lạ. Vừa đi, tôi vừa khoác tay bà già người Úc và vuốt nước mưa đọng trên tóc bà cho bà khỏi lạnh. Úc mùa này đã chuyển sang đông Bà nói chuyện với tôi nhiều lắm. Tôi thì lắng nghe bà, nghe không hiểu thì cười với bà, bà nói với tôi: “Nice to see you here” ( rất vui khi gặp tôi ở đây). Và, cuối cùng đọng lại trong tôi mấy chữ bà cứ nói mãi: “People live very Good”. Chia tay, bà cười và cám ơn tôi . Tôi nói, tôi rất yêu bà, bà giống như mẹ tôi
( I love you), nếu gặp bà trong mưa lần nữa tôi lai che ô cho bà.
Khi tôi kể cho các con nghe. Các con tôi ngạc nhiên, sao bà ấy không mang ô. Tôi nói, hai tay bà ấy hai cái gậy, có ô thì cầm ở tay nào?.
Ở đây tôi gặp được nhiều người cao tuổi, họ rất vui vẻ và độc lập, bước đi đàng hoàng, đĩnh đạc. Họ không phải lo miếng ăn như nhiều người cao tuổi cô đơn, nghèo khổ ở những nước đang phát triển và cũng không lo bị bỏ đói, bị lãng quên giữa cộng đồng người của nước họ. Bởi vì phúc lợi xã hội của họ rất cao. Nếu người già cô đơn sẽ được nhà nước nuôi dưỡng chu đáo trong những nhà dưỡng lão. Người giàu có, lo xa thì mua ngay căn nhà đẹp như biệt thự tại các khu dưỡng lão tư nhân. Khi họ mất đi con cháu sẽ được hưởng 80% giá trị ngôi nhà, còn 20% thì chủ khu dưỡng lão được hưởng. Và 24/24 giờ họ được chăm sóc chu đáo, có bác sỹ, y tá túc trực.
Trước đây, tôi cũng hay lo cho sự cô đơn của mình khi về già. Nhưng khi sang bên Úc thăm con thường xuyên, tôi thấy mình phải biết tạo cho mình cuộc sống như thế nào khi ốm yếu, bệnh tật, và cả khi mình không có ai giúp và nương nhờ.
Sống tích cực và độc lập từ lúc còn trẻ, rèn sức khoẻ để sống có ích khi tuổi già đến là điều ai cũng cần làm. Ở đây, các bậc bố mẹ không bao giờ có ý định làm phiền con cái lúc về già nên khi tuổi còn trẻ họ làm việc hết sức mình để có được dư dật và có lương hưu cao khi về già. Sự nỗ lực của họ không bao giờ thừa, bởi, về già không có tiền cho riêng mình thì rất khổ ải. Còn những người con cũng vậy, không ai có ý định bám vào bố mẹ. Ngay khi tròn 18 tuổi, hoặc sớm hơn nữa họ đã muốn rời khỏi bố mẹ để tự lập. Những đứa trẻ được rèn từ nhỏ ý thức tự lập, chúng rất chủ động trong học tập và làm việc sau này.
Thanh niên ở đây khi đi chơi cuối tuần, họ thường đi taxi chứ không đi xe riêng để có thể chơi hết mình, có say rượu thì cũng về được đến nhà, vì đi xe riêng mà có mùi cồn thì bị phạt rất nặng, thậm chí phải ngồi tù, có khi thiệt mạng. Nhìn họ vui vẻ, trẻ trung, thoải mái, nếu ta không được sống ở đây nhiều thời gian thì có thể nghĩ rằng lớp trẻ thích chơi. Nhưng, tiếp xúc với họ mới biết, ngày nghỉ họ chơi hết mình, nhưng lúc làm việc thì họ làm hết sức mình. Họ phải suy nghĩ và vận động không ngừng để có những cái mới trong công việc của mình chọn. Bởi ai không có cái mới trong công việc sẽ bị đào thải ngay hoặc không được tăng lương. Nhiều người trẻ tuổi mới có học vị tiến sĩ rất lo khi đi tìm việc làm. Vì khi đi làm, có bước thử việc, những tiến sĩ trẻ phải có công trình khoa học tiếp theo luận án tiến sĩ của mình. Họ phải làm được những dự án thực thi trong thực tiễn, để từ đó viết được những công trình khoa học đăng trên các tạp chí khoa học có tiếng ở trong nước và ngoài nước. Khi có công trình, họ mới được đánh giá là có năng lực và mới được nhận làm chính thức. Cho nên, khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, đại đa số chỉ coi mới bắt đầu công việc. Trước mắt là đoạn đường phải phấn đấu suốt đời. Họ không bao giờ sĩ diện về học vị mà chỉ hài lòng khi bước 1 đã thành công - bảo vệ được Luận án Tiến sĩ - bước sau là định liệu công việc phải làm. Nhưng họ luôn tìm được niềm vui trong công việc đã chọn.
Nhịp sống của những công dân Australia là vậy. Sống hết mình, làm việc hết mình, không phải đau đáu nỗi lo cơm áo, gạo, tiền, công việc…Nước Australia, được xếp hạng là nước hạnh phúc nhất thế giới năm 2012, tuổi thọ của công dân trung bình là 82 tuổi, người già được quan tâm khá chu đáo nên sức khoẻ của họ rất tốt. Và bản thân người cao tuổi cũng rất cố gắng vận động cơ thể, tập luyện, chăm sóc bản thân.
Chẳng thế mà, mỗi lần gặp những người cao tuổi ở đây , tôi thường nghe được những tiếng cười thoải mái của các cụ ông và nhìn thấy những nụ cười rất tươi ở các cụ bà. Họ đi rất thẳng và luôn hướng về phía trước.
Người Australia sống văn minh, thân thiện trong cộng đồng đa sắc tộc, yêu thiên nhiên, gia đình và bè bạn ./.
Sydney 6/2012