Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Lệ Thành Klaus và tập thơ Biển nắng

Trần Kim Anh
Thứ năm ngày 28 tháng 6 năm 2012 3:08 PM
 
Chiều hạ. Hà Nội huyền ảo trong lắc thắc mưa. Một người phụ nữ mảnh mai dịu dàng trao cho tôi tập bản thảo với 152 bài thơ và nhỏ nhẹ nói với tôi: Em họ Trần, quê Tuyên Quang, lại sống ở Hà Giang, thôi dạy trường múa, đậu thủ khoa trường sân khấu điện ảnh, sang Liên Xô học xong đại học.Chuyến du lịch qua Đức, tiếng sét ái tình kéo em ở lại. Làm vợ anh chàng họ KLaus nên gọi là Lệ Thành-Klaus. Thời gian trôi, em đã có cháu ngoại bên đó. Nhưng chị ơi! Tuổi thơ và ký ức đầu đời luôn trỗi dậy trong em. Em hát rồi em viết lại thành thơ như thế này …Để làm kỷ niệm.
       Tò mò về suy nghĩ của người Việt Nam lấy chồng châu Âu, tôi quyết định đọc chị.
       Trước hết về hình thức, Chị dùng các thể loại thơ truyền thống, từ ngữ dễ hiểu, không cầu kỳ trong cách dùng từ. Có bài bay bổng lãng đãng( Hương xuân), có bài suy tư triết lý( Hợp tan)…Nhằm chuyển tải nội dung cơ bản là tình yêu, sự trăn trở của người phụ nữ xa xứ đối với nơi mình sinh ra, lớn lên.
       Quê hương đất nước khá nhiều trong suy nghĩ của chị trên mỗi địa danh mà chị từng qua.
       Ấy là đường Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Huế, Điện Biên, Đồng Lộc…Một thời bom đạn…Làm trái tim Lệ Thành Bừng lên trong nắng cả trời thương (Đồng Lộc)
        Ấy là Sa Pa bồng bềnh mây trắng, Rừng thu ẩn hiện la đà khói sương cho tác giả da diết Tình vương tím chiều khi nhìn màu lá đỏ của trời Âu quê chồng.(Bài Sa Pa).
       Lên Tây Bắc huyền ảo thì Lệ Thành canh cánh: khát khao dù có mong manh, dịu trong ký ức ngọt lành hương quê.
        Chị nhắc nhiều đến nơi chôn nhau cắt rốn thật thơ mộng của mình. Sớm chiều lãng đãng làn sương trắng, trải mướt trên sông giải lụa mờ,(Sông Lô), Ở đây khói lam, mõ trâu, rừng cọ, mảng nứa-Thật khác lạ và ấn tượng nên dẫu bao xa cách vẫn đầy nhớ nhung(Nhớ quê.)
       Quê thứ hai của chị là cao nguyên đá Hà Giang với Khâu Vai truyền thuyết, Mã Pì Lèng chạm trời mây trắng đứng hiên ngang…với dòng Nho Quế xanh xanh mướt lặng lờ mà chị từng ví như là chính mình vậy.
     Để khi trở lại Hồ Tây, chị chẳng hề xa lạ mà thốt lên thật giản dị dẫu bao năm vẫn như ngày ban sơ (Tây Hồ). Khi phải xa Hà Nội, chị mộc mạc nói: Hồ Gươm nỗi nhớ của tôi, Dẫu đi xa bốn phương trời vẫn bên! Dấu chấm cảm cuối câu như là lời nhắc nhở người xa xứ?
     Chị phải thế nào đây? Chí ít là tấm lòng, đúng không?
    Và ta thấy hiện lên trong thơ chị sự lo lắng mỗi mùa mưa lũ tới, nước dâng lấn ngập Hà thành (mùa mưa lũ). Chị cũng lo cho đời sống của người lao động Giá đẩy xô tiền động tới lương. Chị hỏi Bao giờ mới hết ngừng xô đẩy, để tiền có giá lương được nương. Sống ở nước ngoài mà nghĩ tới sự vất vả của người lao động ăn lương ở quê hương thì chị là người nhân hậu.Tôi nghĩ vậy.
        Tấm lòng của Lệ Thành, còn thể hiện qua hình ảnh mỗi con người mà chị yêu mến, biết ơn.
       Ấy là với Bác Hồ: Chị dành trọn ba bài viết về Bác bằng tấm lòng kính yêu.
      Ấy là với cô thanh niên xung phong mang tình thương, vá lên từng đoạn đường. Động từ vá đặt giữa tính từ tình thương và danh từ Đường làm câu thơ sống động.
       Ấy là cô thôn nữ : Lúa vàng em gánh cùng mây tím, Muôn ngàn lóng lánh ánh sao sa (Thôn nữ). Người thơ để cô thôn nữ gánh lúa vàng với mây tím. Thực và ảo, giữa lóng lánh sao sa.Tạo cảm giác thôn nữ như cô tiên bước ra từ cổ tích. Yêu lắm Lệ Thành mới viết được như thế.
         Ấy là tình bà, tình mẹ bao la biển trời cho chị nồng ấm niềm vui, tận xứ người.
       Tấm lòng người thơ xa quê này còn thể hiện ở tình yêu thiên nhiên, yêu bốn mùa, yêu hoa lá.
       Ta như cảm nhận được Phấn xuân rắc thắm trên chồi biếc cho mận, mơ, đào hồng trời đất.Ta cũng vui khi tiếng chim ríu rít về làm tổ bên mênh mông cải vàng óng mượt trên sườn núi.( Hương xuân). Ở bài thơ Hương Xuân này Lệ Thành đã vẽ nên  bức tranh xuân rộn rịp, nhiều màu sắc một cách hồn nhiên, mộc mạc, tươi rói.
       Chị cũng hay nhắc tới hương chanh. Thứ hương dịu êm quyến rũ mà con gái Việt Nam ưa dùng gội đầu mỗi khi hò hẹn với bạn tình. Chị ví cây chanh là đỉnh núi, Chùm quả là lâu đài, và chị là hoa chanh, nép mình sau lá, đợi hoàng tử của lòng mình. ( Hoa chanh.). Đẹp và đáng trân trọng có phải không nào?
      Về đề tài tình yêu nam nữ, chị dành phần lớn cho mối tình đầu của mình.
        Hoàng tử đầu đời mà theo chị là chưa một lần cầm tay, nhưng đeo đẳng, nhớ nhung, đau khổ, dận hờn…Và là nguyên do chủ yếu để chị cầm bút gửi vào thơ.
       Chàng xuất hiện đều đều suốt tập thơ đầu tay này:Hai phương trời rộng quá, yêu anh vàng thu nắng, bởi Anh một trời em nhớ, Em một trời anh thương (Mong). Nỗi nhớ gọi, vượt trời Âu về thăm quê. Hình ảnh Lệ Thành đi hái rau bên bến nước thật nền nã, chị thấy người xưa đang câu cá với bạn bè trên sông Lô thơ mộng. Chị sững sờ ,trông sang, tưởng như sao giữa bàng hoàng cõi tiên (đánh cá).
     Nhưng đường về thơ ấu xa vời vợi(khoảng cách) Chỉ biết nói với anh rằng Em như dòng Nho Quế, anh là dãy núi cao, Muôn năm tình vẫn thế, sông bên núi dạt dào.(Không đề). Bằng ngôn ngữ thật thà, trong trẻo, bằng hình ảnh chọn lọc: Dòng Nho Quế và núi cao, là tiêu biểu của thiên nhiên Hà Giang. Chị muốn mượn cái tiêu biểu này để so sánh với tình yêu không đổi của hai người yêu nhau. Thật thú vị.
       Thế cũng đủ cho một tình đầu trên cao nguyên đá hùng vĩ và huyền ảo phải không?
       Tập thơ đầu tay mang tên Biển nắng cũng là tên bài thơ viết cho tình yêu đầu đời. Bốn câu kết Anh như biển mênh mông dằn dỗi đến bạc đầu. Em như nắng chắt chiu gom vị mặn. Hết dỗi dằn biển trở về bình lặng. Nắng chan hoà cho biển biếc ngời lên. Vừa so sánh, vừa triết lý, vừa tin ở ngày mai. Điều này báo hiệu những lời hát tiếp theo thành những bài thơ cho niềm yêu còn nở của chị.
      Niềm yêu của người xa xứ với quê hương, với người thân, với tình đầu… Không chút nguôi quên…Và thật đáng trân trọng. Tôi tin chị sẽ có những bài thơ nói hộ lòng mình hay hơn nữa. Chúc chị thành công.
                                                   
Hà Nội 24 tháng 6 năm 2012