Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Tản văn Đàm Quỳnh Ngọc

Đàm Quỳnh Ngọc
Chủ nhật ngày 3 tháng 6 năm 2012 8:39 PM
 
 
HỘI NƯỚC CHÁT
 
Nước chè xanh, người quê tôi quen gọi là nước chát. Nhớ lại tuổi thơ, vào những đêm trăng sáng, từ chiều mẹ đã ra vườn hái chè. Cơm tối xong mẹ bắc nồi nước lên bếp rồi dặn nhớ đun đều lửa cho chóng sôi. Mẹ ra giếng nhặt chè, bỏ lá già, lá sâu, bẻ chè thành từng đoạn ngắn, rửa sạch. Nước sôi mẹ mang chè vào, vò nhẹ từng nắm, thả vào nồi nước đang sôi sục bốc hơi nghi ngút. Nước chè xanh mẹ nấu, bao giờ cũng xanh mơ, mùi thơm dịu ngọt. Cha đem chục bát sứ Hải Dương ra giếng rửa sạch. Nhìn cha mẹ chuẩn bị, tôi biết ngay tối đó hội nước chát họp ở nhà mình. Thực ra cũng không ai đặt tên hội nước chát cả. Chẳng qua chỉ là tập hợp những người nghiện nước chè xanh ở gần nhau ới một tiếng là tới nhà nhau chuyện trò rôm rả, lâu dần thành quen. Những đêm hội họp, mọi người vừa uống nước vừa bàn luận cách làm ăn, tổ chức hiếu hỉ…Hôm họp nhà này, hôm họp nhà khác. Có khi cũng phải dặn nhau, nhà này nấu, nhà kia đừng, kẻo uổng phí công, uổng phí chè. Nhưng cũng có khi linh động họp liên tục vài ba tối ở nhà những gia đình sắp có việc lớn như làm nhà, xây dựng gia đình, ông bà già ốm nặng…
Mấy năm gần đây, những đêm trăng sáng không hề thấy cha đi uống nước như mỗi khi. Cha ngồi hút thuốc lào vặt rồi xem ti vi. Mẹ cũng không xăng xái trong việc nấu nước chè chát nữa. Mỗi lần về, tôi nhắc mẹ về hội nước chát ngày xưa. Mẹ thở dài nói bây giờ ai cũng bận việc làm ăn cả. Trăng vẫn sáng như ngày xưa. Mẹ đem trầu ra trước cửa ăn một mình. Mấy người hàng xóm đi làm ăn xa, tới  khuya mới về. Vẫn những con người ngày xưa ấy, nhưng bây giờ thấy là lạ thế nào, có khi hàng tháng, hàng năm mới gặp nhau một lần, đôi khi quên cả chào hỏi. Chè xanh ít được uống như ngày xưa. Nhiều người chuyển sang chè Thái, sang trọng, quý phái hơn. Vào những đêm trăng sáng, tôi ngẩng nhìn ánh trăng, lòng vẫn nôn nao, hẫng hụt khi không còn hội nước chát với tiếng cười râm ran khắp làng, khắp xóm.
 
 
  ÁM ẢNH

 
       Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn thương ông Ky. Đó là một ông già, già lắm, gầy quắt queo đen đủi. Ông bao nhiếu tuổi tôi cũng không biết được. Tai sao ông không có vợ, con, nhà cũng không có, chỉ ở trong túp lều tranh liêu xiêu? Câu hỏi đó tôi không trả lời được, vì hồi ấy tôi còn nhỏ lắm. Bao nhiêu câu hỏi thắc mắc về ông Ky không ai trả lời tôi, hay người lớn cũng không biết trả lời như thế nào? Suốt ngày ông đi Ky đi lang thang trên đường làng, ai thuê làm gì, trả công như thế nào ông cũng đồng ý. Thời gian có ngày không ai thuê thì ông đói. Rồi một lần có người bắt quả tang ông đang trộm gà vào ban đêm, cả xóm đỏ điện sáng trưng chạy tới vây quanh, không ai nỡ đánh đập ông, người làng người xóm gặp mặt thường ngày. Ông xấu hổ cúi đầu nói lí nhí, tôi chỉ tạm thôi, rồi có tiền tôi sẽ trả. Không ai tin là ông sẽ trả được, nhưng cũng không ai chưởi mắng, chỉ có điều không ai thuê ông làm việc nữa. Và từ lúc ấy, hễ ai mất gà họ lại nói ông Ky chứ ai vào đây nữa. Vào một buổi chiều đông giá rét, ông Ky đói ngồi co ro bên bờ đàm lầy đầy cây Năn, Lác đê câu cá, thấy tôi đi qua ông gọi, cháu ơi, ông đói quá chỉ mượn tạm con gà có một lần thôi, vậy mà…Ông Ky ấm ức, nghẹn ngào, rồi ông khóc. Tiếng khóc của người già nghe đến sợ, giống như tiếng vọng âm u dội lên từ lòng đất vào những đêm khuya. Tôi sợ quá bỏ chạy.
        Một thời gian ngắn sau đó, ông Ky chết. Gà trong làng vẫn mất trộm, và hình như mỗi ngày mất trộm càng nhiều hơn, những lúc như vậy người làng đều chép miệng, lắc đầu, thật tội cho ông Ky quá.