Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đêm thao thưc

Huỳnh Văn Úc
Thứ hai ngày 4 tháng 6 năm 2012 8:25 PM

Cái đêm hôm ấy đêm gì mà gọi là đêm thao thức? Là đêm hoa chúc động phòng của thị với hắn chứ còn là đêm gì. Động phòng hoa chúc thì lục sục cả đêm, thao thức là phải, có gì đáng nói đâu! Không có chuyện lục sục, chỉ mình hắn thao thức thôi, còn thị xong việc thì ngủ say như chết, ngáy như sấm, tệ hơn, chân của thị một cái gác lên bụng, cái còn lại gác lên đến gần ngực của hắn. Nhan sắc của thị tương đương người yêu Chí Phèo nên trong ánh đèn ngủ mờ ảo, khi thị đã trút bỏ hết váy áo phô bày cái bức tượng không mấy hoàn hảo của hoá công thì hắn nhắm mắt lại và tặc lưỡi. Các cụ nhà ta nói chí lý: tắt đèn nhà ngói cũng như nhà tranh. Vẫn còn đèn ngủ mờ ảo lung linh nên hắn nhắm mắt lại thì cũng coi như là tắt đèn và trong trí tưởng tượng nhà tranh đã trở thành nhà ngói. Cho nó xong. Rồi thì cũng xong. Xong rồi thị thì ngủ, còn hắn thao thức.
Đời là sự thống nhất của các mặt đối lập: cao thượng và đểu giả, trung thực và gian dối, trong sạch và tham nhũng… vì vậy đã có người đẹp ắt phải có người xấu. Đẹp như Điêu Thuyền, xấu như Chung Vô Diệm. Đẹp như Thúy Vân, Thúy Kiều, xấu như Thị Nở. Đẹp thì hoa cười ngọc thốt đoan trang/mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da. Xấu như Chung Vô Diệm trán cao, mắt sâu, bụng dài và phệ, chân thô, mũi hếch, tóc thưa, cổ to, lưng gù, da đen. Cụ Nam Cao tả Thị Nở người yêu Chí Phèo rằng thị xấu ma chê quỷ hờn, mặt thị là một sự mỉa mai của hoá công, nó đã ngắn mà hai má hóp lại, mũi vừa ngắn vừa to vừa đỏ vừa sần sùi như vỏ cam sành đã thế lại còn muốn cạnh tranh với cặp môi dày màu thịt trâu xám ngoét. Nhân vật nữ trong câu chuyện của tôi không đẹp. Nếu ta nhìn thấy thị thấp thoáng xa xa thì tưởng là Thuý Kiều, nhưng khi đối diện mới biết là người yêu Chí Phèo. Nói thế có hơi oan cho thị bởi vì so với Thị Nở còn dễ nhìn hơn nhiều. Tại sao khi nhìn từ xa ta lại có thể nhầm thị với Thuý Kiều? Trước hết là do cái dáng thon thả dong dỏng cao, thị cao dễ có đến mét sáu. Sau nữa là dáng đi. Thị chịu khó quan sát dáng đi của người mẫu trên sàn catwalk và chịu khó đi đúng như thế bất kể là trong nhà hay ngoài phố. Thị mặc quần phăng, đi giày cao gót hàng hiệu, áo sơ mi cao cổ vì nếu mặc áo hai dây để hở ngực thì chẳng có gì để khoe. Thế còn lại gần thì sao? Ta sẽ thất vọng chứ còn sao với giăng gì nữa. Thị có khuôn mặt chữ điền là khuôn mặt hay được trông thấy trên cổ đàn ông, phía dưới mũi và trên cằm lún phún có râu. Tóc thưa, cứng và ngắn nên dù có tra cứu hàng trăm catalog ta cũng khó mà chọn cho thị một kiểu làm đầu thích hợp. Mũi dài hơn mũi Thị Nở một ít và không cạnh tranh với cặp môi, vì lạy Chúa lòng lành! Môi thị cũng giống như môi mọi người và có màu hồng, cũng có thể là do son môi. Thị chịu khó trang điểm hàng ngày nên ta khó lòng biết da thị màu gì ẩn sau lớp phấn. Đôi mắt to, lông mày hình lưỡi mác. Nhìn chung thế thì cũng ổn đấy chứ! Thế nhưng trên khuôn mặt của thị có một điều bất ổn, bất ổn nghiêm trọng. Đó là hàm răng, nếu trời mưa một trung đội có thể đến nhờ sự che chở để khỏi bị ướt. Cũng vì thế mà khi thị cười hai môi tạm thời chia xa và phải một lúc lâu sau khi nụ cười chấm dứt chúng mới có cơ hội gặp lại nhau. Sau một đợt điều trị dài ngày tại gia, theo chỉ định của bác sĩ trước khi đi ngủ thị phải đeo một thiết bị bằng thép quanh mồm và ngủ với nó suốt đêm đến sáng tháo ra. Cũng khắc phục được đôi phần. Cũng còn hơn là không can thiệp gì. Còn một điều nữa. Đoạn trên tôi có nói là thị hay mặc quần phăng. Giời ạ! Thị mà mặc váy để lộ đôi chân thì chúng ta phải chạy dài vì lông chân của thị đen và rậm còn hơn của đàn ông. Lại phải nhờ vả y học, bác sĩ can thiệp bằng các thứ thuốc nội tiết tố cũng có thuyên giảm được đôi phần nhưng dẫu sao thị vẫn chưa dám mặc váy.
Cụ Nam Cao viết rằng Thượng Đế chí công nên Thị Nở nghèo, nếu trái lại ít nhất đã có một đàn ông phải khổ sở. Nhân vật nữ của truyện này trái lại rất giàu. Thị là con gái thứ hai của một đại gia. Ta chỉ nói sơ qua là nhà họ có một công ty ăn nên làm ra, ngành nghề gì tôi chưa tìm hiểu. Trụ sở chính là ngôi nhà chín tầng trên diện tích nền tám mươi mét vuông và khuôn viên chung quanh tổng cộng hơn trăm mét vuông ở mặt tiền phố Hoàng Cầu. Ngoài ra còn một ngôi nhà bảy tầng trên diện tích nền sáu mươi mét vuông ở mặt tiền phố Xã Đàn cho một hãng kinh doanh điện thoại thuê với giá ngót một trăm triệu một tháng. Tiền của như nước sông Hằng, đông như quân Nguyên. Vậy thì nhất định phải có một đàn ông phải khổ sở là cái chắc. Người ấy là hắn, một thanh niên hai mươi tư tuổi, kém thị bốn tuổi, là nhân viên của công ty có trụ sở ở phố Hoàng Cầu. Hắn đẹp giai lồng lộng, cao hơn mét bảy, da trắng, tóc mượt, nụ cười tươi. Chỉ phải cái tội nhà nghèo. Nhà hắn ở nông thôn, một ngôi nhà ngói ba gian thấp lè tè và một cái sân gạch nho nhỏ phía trước đầy rơm rạ vương vãi và phân ngan phân gà thả rông. Đã nghèo lại đông con. Hắn là con cả, sau hắn còn một đàn em vừa trai vừa gái bốn đứa nữa. Cũng may mà hắn thông minh, chăm học, bố mẹ chạy vạy vay mượn gửi tiền cho hắn, Nhà nước cũng có chế độ cho hắn vay số tiền chưa đến triệu bạc một tháng. Hắn biết thân biết phận nên lên thành phố trọ học không đua đòi ăn chơi mà chịu khó học giỏi, hai năm cuối đại học còn được học bổng. Cầm tấm bằng đại học hắn đến phỏng vấn xin việc ở công ty có trụ sở phố Hoàng Cầu, hắn trúng tuyển và giữ một chức vụ gì đó tôi không biết, chỉ biết hắn ít khi ngồi văn phòng mà vai đeo laptop lưng dắt mobile cưỡi xe máy chạy rông là chính. Chắc lương cũng khá. 
Đời hắn sang trang sau một buổi ông chủ công ty gọi đến phòng riêng, hai ông con có một buổi nói chuyện cởi mở, lật bài ngửa một cách thoải mái, sòng phẳng. Cái vụ đại từ nhân xưng của tiếng Việt thật rắc rối, nó thay đổi nhanh chóng theo chiến thuật chinh phục đối phương, theo diễn biến tình cảm của câu chuyện. Ban đầu thì: “ Hôm nay tôi muốn nói chuyện nghiêm túc với anh”. Kết thúc câu chuyện lại là: “ Tao bảo thật! Mày mà lấy nó thì đẹp đôi lắm đấy con ạ!”. Đọc thấy sự lưỡng lự và phân vân trên nét mặt của hắn, ông chủ dấn thêm: “ Tao đã tham khảo ý kiến thày bói rồi, tuổi mày với tuổi nó lại hợp nhau, chúng mày lấy nhau rồi thì cứ gọi là lên như diều!” . Nghe vậy thì biết vậy, hắn nghĩ bụng: “ Rồi có được như diều không? Hay là cho nhau đi tàu bay giấy đây!”. Cuộc nói chuyện diễn ra hôm trước thì sáng hôm sau thị mời hắn đi ăn điểm tâm. Ừ! Thì đi, chẳng mất gì của bọ. Hắn nghĩ thế. Hai người đi xe Fiat Albea do tài xế riêng của nhà lái đến nhà hàng của một khách sạn trên đường Láng Hạ. Cả đời hắn chưa từng nghe đến món phở có tên gọi là Kobe Gyu. Thịt bò dùng cho loại phở này vừa mềm lại vừa giòn, miếng thịt tan nhanh khi vừa mới cho vào miệng, khi ăn tự tay khách nhúng miếng thịt bò tươi vào bát phở đang bốc hơi nóng nghi ngút. Mềm, giòn và đầy chất dinh dưỡng! Nói như Xuân Tóc Đỏ, còn phải ngôn! Thịt bò sạch nhập khẩu từ Nhật mà lị. Ăn phở xong hầu bàn bê ra hai tách cà phê. Hắn mở to mắt ngạc nhiên khi ngửi thấy hương vị của loại cà phê này. Thì cũng phải thôi! Hắn đã biết thế nào là cà phê chồn đâu. Đó là loại cà phê đã trải qua một công đoạn chế biến đặc biệt với sự trợ giúp của chồn. Chồn ăn hạt cà phê rồi ị ra phân, người ta thu hoạch phân của chúng và nhặt ra những hạt cà phê, axit trong dạ dày chồn làm cho hạt cà phê lên men khiến cho nó có một hương vị đặc biệt thơm ngon. Giá tiền cũng đặc biệt luôn, 30 đô một tách. Người hầu bàn tính tiền bằng đô la, mỗi bát phở giá 37, 5 đô-đắt gấp năm lần so với giá ở California- mỗi tách cà phê 30 đô, tổng cộng là 135 đô. Thị đặt lên bàn năm tờ giấy bạc, mỗi tờ mệnh giá năm trăm ngàn đồng và hai tờ mệnh giá hai trăm ngàn đồng, tổng cộng là hai triệu chín, gần bằng nửa tháng lương của hắn. Ăn tiêu kiểu Mỹ thật. Vậy mà hơn một trăm chỗ ngồi của nhà hàng đều kín người ngồi!
Sau buổi nói chuyện với ông chủ và buổi đi ăn điểm tâm với cô con gái hắn mất ngủ dễ có đến dăm đêm, ban ngày thở dài thườn thượt. Thở dài nhưng cuối cùng hắn vẫn đi đến quyết định. Tại sao lại thế? Tại vì hắn muốn đổi đời. Đổi đời để có điều kiện giúp đỡ gia đình, hắn là một người con ngoan và có hiếu. Quyết định gì vậy? Lấy con gái thứ hai của ông chủ làm vợ, người con gái mà tôi đã tốn giấy mực để tả sơ qua cho các bạn biết ở đoạn trên. Không có gì quý hơn tự do, chúng ta-những người may mắn có được tự do trong hôn nhân-xin ngả mũ kính chào hắn và trân trọng sự hy sinh thân mình của hắn khi hắn quyết định lấy thị làm vợ. Hỡi ơi! Cũng một kiếp người!
Rồi cũng đến ngày hôn lễ được tổ chức ở khách sạn năm sao Melia, một trong những khách sạn đẹp nhất Hà Nội. Xe limousine gắn đầy hoa chở cô dâu chú rể chạy lòng vòng quanh mấy con phố rồi mới dừng ở sân trước sảnh khách sạn. Quan khách ngồi kín hai phòng, phòng trên có sân khấu là nơi diễn ra các thủ tục của hôn lễ, tầng dưới theo dõi các sự kiện ở sân khấu qua màn hình cỡ rộng. Bố mẹ hắn lóng ngóng bước lên sân khấu sánh vai cùng với nhà gái, chưa bao giờ họ lạc vào một khung cảnh huy hoàng hoành tráng với đủ thứ đèn màu, bốn cây pháo hoa phun trào rực rỡ, rượu rót tràn trề qua chồng cốc mấy tầng, rồi diễn văn, rồi đáp từ, rồi ca nhạc văn nghệ với dàn nhạc sống có nghệ sĩ saxophone danh tiếng số một Việt Nam. Thú thực là hắn cũng có hơi ngỡ ngàng, thêm một chút cảm động, thêm một chút tự an ủi khi nhìn thấy thị trong bộ váy cưới màu trắng tinh khiết. Và kỳ diệu thay là nghệ thuật hoá trang, những nghệ sĩ hoá trang bậc thầy có thể biến Thị Nở trong phút chốc hóa thành Thuý Kiều. Và sau tất cả những ngỡ ngàng, cảm động và tự an ủi của hắn là đêm động phòng hoa chúc-một đêm thao thức. Cái đêm thao thức sao mà dài đến thế!