Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Mạnh ai nấy làm

Đinh Quang Tỉnh
Thứ hai ngày 4 tháng 6 năm 2012 8:27 PM

Bài viết này không có ý lạm bàn và hoàn toàn không có ý phê phán “Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội” mà thành phố Hà Nội đang rốt ráo xây dựng để giải tỏa mật độ tham gia giao thông đã ở quá mức báo động. Tin và ảnh này chỉ phản ảnh một sự thật về cung cách “mạnh ai nấy làm” đến phản cảm và chua chát, hệ lụy thì sắp tới còn hệ quả thì hai công trình đang nằm chềnh ềnh giữa thanh thiên bạch nhật. Quả là “xót tiền dân”. Buồn thay rằng hai thức thể này lại không thể cùng song hành mà chỉ nên chọn một mà thôi.
Qua thông tin đại chúng, người dân Thủ đô đang phấp phỏng đón chờ Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội là một bộ phận của Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Hà Nội đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt. Theo dự án, Hà Nội sẽ có 6 tuyến đường sắt đô thị. Một trong số đó có tuyến: Cát Linh - Hà Đông (tuyến số 3) chạy qua trước mặt Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (Nhạc viện Hà Nội). Tuyến đường sắt này có chiều dài 12,5km với 9,6km đi trên cao và 2,9 km đi ngầm, có 11 ga trên cao, 4 ga dưới ngầm, bao gồm: ga Cát Linh, Đê La Thành, ga Thái Hà, Đường Láng, Ngã tư Sở, ga Đại học KHTN, Vành đai 3, Thanh Xuân, Bến xe Hà Đông, La Khê, ga Văn Khê và ga Hà Đông. Tuyến đường dự liệu sẽ hoạt động từ 5h đến 22h hàng ngày, kể cả ngày lễ. Tàu có chiều dài từ 19 đến 20 mét, lưu thông với tốc độ 80 km/h.
Chúng tôi chỉ nêu những thông số chính của dự án để có thể hình dung ra tiếng ồn và mức độ rung chuyển khi con tàu vận hành trên đường sắt khi chạy ngang qua Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Chúng tôi cũng xin tóm lược những nét chính về Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam được giới thiệu rất đầy đủ trên trang Web riêng của nhà trường: Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (Nhạc viện Hà Nội) được thành lập từ năm 1956, với ba chức năng chính là Đào tạo, Nghiên cứu khoa học và Biểu diễn âm  nhạc. Học viện là một trong những trung tâm âm nhạc lớn, có uy tín của Việt Nam và khu vực. Nơi đây đào tạo các cấp học từ trung cấp, đại học, cao học và nghiên cứu sinh với tổng số gần 1.800 sinh viên trong gần 40 chuyên ngành âm nhạc.
Đội ngũ giảng dạy với hơn 200 giảng viên, trong đó có 19 Giáo sư, Phó giáo sư, 14 Tiến sỹ, 03 Nhà giáo Nhân dân, 26 Nhà giáo Ưu tú, 08 Nghệ sỹ Nhân dân, 28 nghệ sỹ Ưu tú là những người đầu ngành về âm nhạc, có uy tín và kinh nghiệm nhất trong các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp ở Việt Nam.
Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam hiện có nhiều học sinh ngoại quốc theo học như: Lào, Thuỵ điển, Hàn quốc, Nhật bản. Học viện đã được phép đào tạo liên kết sau đại học với Úc và là cơ sở âm nhạc duy nhất trong cả nước đào tạo Tiến sỹ âm  nhạc. Hơn 50 năm qua, Học viện đào tạo hầu hết các nghệ sỹ biểu diễn, các giảng viên âm nhạc, các nhà phê bình, sáng tác, chỉ huy, lý luận âm nhạc của Việt Nam, trong số đó có nhiều người đã giành giải cao tại các cuộc thi âm nhạc trong và ngoài nước. Học viện thường xuyên cử các Giáo sư, giảng viên đến công tác giảng dạy tại các Nhạc viện khác.
Học viện có quan hệ cộng tác với hơn 60 các tổ chức âm nhạc và Nhạc viện có tên tuổi trên Thế giới tại Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ... Đặc biệt là Nhạc viện Quốc gia Maxcơva mang tên Tchaikovsky, Nhạc viện Quốc gia Paris (Pháp), Nhạc viện Trung Quốc (Bắc Kinh), Nhạc viện Thượng Hải, Khoa âm nhạc thuộc trường Tổng hợp Queensland (Úc), Học viện Malmo Thuỵ Điển, Viện Nghệ thuật biểu diễn Hông Kông (APA), Dàn nhạc trẻ Châu Á (AYO), Dàn nhạc trẻ Đông Nam Á, Dàn nhạc Nagoya, các tổ chức âm nhạc quốc tế như CIM; CIMF; FIJM; JOC; ICTM… Học viện là thành viên của Hiệp hội các trường Đại học Châu Âu và Đông Nam Á.
Hàng năm, nhiều giáo sư, nghệ sĩ, dàn nhạc thính phòng và giao hưởng nổi tiếng  của Hoa kỳ, Úc, Pháp, Đức, Nga, Thuỵ điển, Nhật bản … đã sang giảng dạy và biểu diễn tại Học viện. Nhiều nghệ sỹ, giảng viên, sinh viên cuả Học viện đã được mời đi biểu diễn ở các nước như Liên xô và Đông Âu cũ, Pháp, Anh, Bỉ, Hà Lan, Đức, Italia, Thuỵ Điển, Na Uy, Phần Lan, Trung Quốc, Nhật bản, Hàn quốc, Hồng Kông, Đài loan, Thái lan, Malaysia, Singapor…
Học viện với đội ngũ Giáo sư, giảng viên, nghệ sĩ đầu ngành và các sinh viên xuất sắc đã đóng vai trò là nghệ sĩ độc tấu chủ chốt trong các chương trình biểu diễn âm nhạc quan trọng của cả nước. Hàng năm, Dàn nhạc giao hưởng Hà nội, Dàn nhạc thính phòng, dàn Hợp xướng, Dàn nhạc Dân tộc Việt Nam với hàng trăm buổi biểu diễn thuộc nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, đã phục vụ tốt các dịp lễ lớn của đất nước, phục vụ xã hội, tuyên truyền nền âm nhạc dân tộc Việt Nam đối với thế giới cũng như đóng góp tích cực vào việc nâng cao dân trí và đời sống nghệ thuật của đất nước.
Trong những năm qua, nhiều sinh viên và giảng viên của Nhạc viện Hà Nội đã đoạt giải cao, mang vinh dự về cho đất nước. Đặc biệt có NSND Đặng Thái Sơn giải nhất cuộc thi Piano quốc tế mang tên F. Chopin tại Vácxava Ba Lan năm 1980. Tôn Nữ Nguyệt Minh giải ba cuộc thi Piano Quốc tế mang tên  Smetana tại Praha - Cộng hoà Séc năm 1980… Thời gian gần đây, Học viện đã có thêm những tài năng trẻ mới, đã đoạt các giải thưởng quốc tế: Bùi Công Duy, Nguyễn Bích Thuỷ, Nguyễn Hoàng Phương, Nguyễn Quỳnh Trang, Lưu Hồng Quang… cũng như sự thành công nổi bật của một số sinh viên khoa âm nhạc truyền thống đoạt nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế về biểu diễn nhạc cụ Dân tộc.
Theo chúng tôi biết: Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã đầu tự rất lớn để có một môi trường sư phạm đẳng cấp ngang bằng với một số nước trong khu vực và quốc tế. Công trình rất quy mô đang trong giai đoạn hoàn thiện, đồng nghĩa với việc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam sẽ tồn tại ở vị trí này lâu dài, không nằm trong đề án “di dời” ra ngoại thành như một số trường Đại học khác trong nội đô Hà Nội …
Là một họa sỹ, công dân của Thủ đô Hà Nội, mỗi khi đi qua phố Hào Nam, lòng tôi lại bối rối, day dứt và lo lắng với câu hỏi rằng không biết các nhà hoạch định quy hoạch Hà Nội đã có giải pháp gì để xử lí đoạn đường sắt trên cao này, để trả lại môi trường sư phạm, môi trường văn hóa đặc biệt của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, niềm tự hào của nền âm nhạc Việt Nam! (?)
Bài & ảnh - Họa sỹ Đinh Quang Tỉnh
(*) Ảnh:
- Mặt tiền Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đang xây dựng
- Những trụ cầu đường sắt trên cao trước Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam