Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Khi được sông giữa thế giới trẻ thơ

Lưu Văn Khuê
Chủ nhật ngày 3 tháng 6 năm 2012 7:49 AM


(Đọc tập thơ Dắt biển lên trời của Hoài Khánh, NXB Kim Đồng, 2012)
Là người làm thơ cho thiếu nhi, nhiều năm trong Ban văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Định Hải đã có một nhận xét chí lý ở Lời giới thiệu tập Dắt biển lên trời: “Khoảng vài chục năm gần đây, Hoài Khánh là một trong số hiếm hoi những nhà thơ viết cho thiếu nhi có dấu ấn đậm nét, có bản sắc riêng biệt khó nhầm lẫn”.
Đầu tiên nói về sự hiếm. Truyện viết cho thiếu nhi còn nhiều đôi chút chứ thơ cho thiếu nhi chưa bàn đến hay dở mà ngay số lượng đã hiếm. Nhưng  chẳng cứ gì hiện nay và ở nước ta, từ xưa đến giờ và trên thế giới thơ cho thiếu nhi đều hiếm. Tôi không nhớ nổi trước năm 1945 nước ta có nhà thơ nào viết cho thiếu nhi. Còn sau đấy, dù tuyển tập Văn học cho thiếu nhi 1945 - 1995 (NXB Văn học, 1995) đưa ra danh mục khá đông đảo: 121 tác giả thơ (Hoài Khánh có một bài trong tổng số 217 tác giả) nhưng phần đông chỉ ghé qua thiếu nhi một hai bài, ví dụ Tố Hữu (bài Lượm), Phạm Tiến Duật (bài Cái cầu). Nói thật công bằng thì thơ cho thiếu nhi những năm đó đáng kể chỉ có Phạm Hổ, Định Hải và Trần Đăng Khoa. Đúng thôi, vì người lớn quả là đáng quan tâm, đáng viết hơn trẻ em. Còn trẻ em, cả cái hay cái dở cái tốt cái xấu đều hồn nhiên, các em không biết âm mưu, không có thủ đoạn, không mấy so đo tính toán, không thể làm giàu hoặc làm nghèo cuộc sống vật chất. Nhưng cũng cần phải thấy viết cho thiếu nhi có cái khó, cuộc sống của các em đơn giản, mà viết về cái đơn giản bao giờ cũng khó hơn cái phức tạp. 
Các tác giả có thơ cho thiếu nhi ở Hải Phòng từ trước đến nay đếm được trên đầu ngón tay thì Đào Cảng, Thọ Vân, Trần Công Hữu đã khuất; Nguyễn Thanh Toàn, Trần Lưu, Ngô Cẩn viết ít hơn trước; chỉ Nguyễn Hồng Văn là còn hăng hái. Hoài Khánh thì sao? Anh viết không phải là nhiều nhưng nếu đặt trong đội ngũ làm thơ thiếu nhi hiện nay thì anh vào loại sung sức. Những năm gần đây tham gia các cuộc thi thơ cho thiếu nhi trên toàn quốc lần nào Hoài Khánh cũng được giải cao và Dắt biển lên trời là tập thơ thứ tư của anh.
Thơ cho thiếu nhi khác với thơ cho người lớn. Có thấy được sự khác biệt mới thấy cái hay hoặc không hay của thơ cho các em. Bài Sao không về vàng ơi ! của Trần Đăng Khoa và Mèo con đi học của Phan Thị Vàng Anh chỉ như một câu chuyện, chẳng câu chữ nào cao siêu cả nhưng trẻ em rất thích. Văn chương tất nhiên không để mua vui nhưng “lên lớp” các em cần phải khéo, phải hiểu được tâm lý tuổi thơ. Nhà thơ Định Hải tâm đắc với Viện sĩ Vavilov: “Khi con trẻ đánh hơi thấy mùi giáo huấn, chúng sẽ bỏ chạy thật xa!”. Trẻ em hiếu động, thích tình cảm, khoái những gì dí dỏm, ngộ nghĩnh, ưa phiêu lưu, thích chuyện hoang đường, huyền bí. Chúng là chúa sợ ma nhưng lại thích nghe kể chuyện ma; biết rõ chẳng có chuyện phù phép, hô mưa gọi gió nhưng lại ra vẻ mình có thể làm được điều kỳ diệu đó. Phút nghỉ giữa hai tiết học với người lớn gọi là giải lao còn với trẻ em cứ phải gọi là ra chơi.
Hoài Khánh nắm được tâm lý trẻ em, anh biết trẻ em thích gì, muốn gì, anh biết cách chơi với các em, biết hoà nhập với thế giới trẻ thơ nên nói lên được cách nghĩ cách cảm của các em. Đường ở đảo trong con mắt người lớn khác, trong con mắt trẻ em lại khác và Hoài Khánh nói lên được cái nhìn của con trẻ: 
                           Lon ton quanh vách đá
                           Bỗng trốn vào thung chơi
                           Rồi tót về bến cá
                           Đường chạy thẳng ra khơi
                            Từ làng chài vào lớp
                            Đường nằm trong khoang thuyền…
Còn đây là điện về đảo:
                            Đường điện về đảo
                            Bày dê cũng mừng
                            Cuồng cẳng tưng tưng
                            Be be khắp xóm
Và biển buổi sáng:
                              Sáng ra biển hoá trẻ con
                              Sóng lắc ông trời thức dậy
                              Dã tràng cõng nắng lon xon
                              Mắt thụt mắt thò hấp háy
Đi tắm biển người lớn chắc chắn chẳng hoài công quan tâm đến đám dã tràng; bơi đùa với sóng và ngắm nhau mới là điều thu hút họ. Chỉ trẻ em mới để ý đến những con dã tràng chạy thế nào, mắt miếc ra sao và chỉ chúng mới thấy đám ấy lon xon, mắt thụt mắt thò!
Với Hoài Khánh và cũng là với trẻ em thì hoa xuyến chi“Chẳng đánh phấn, thoa kem/ Hồn nhiên cười với nắng/ Mặt trời ngó xuống xem/ Tưởng nhầm đàn bướm trắng”; quả bưởi nấp trong nó “Một đàn tép con”; sấm tháng ba thì “Nấp trong mây đen”, “Khua ầm đồng ruộng”. Còn “bài học” dưới đây về chim gõ kiến chắc chắn dễ vào các em hơn so với “bài giáo huấn” đơn thuần của các thầy cô giáo môn sinh vật:
                                  Chẳng hề tốt nghiệp trường y  
                                  Chú thành bác sĩ từ khi ra ràng
                                  Không đeo túi thuốc khẩu trang
                                   Miệng khua “cốc… cốc…” rộn vang khắp rừng
                                   Sớm khuya khám bệnh không ngừng
                                   Bắt sâu, tỉa lá, chăm từng cành cao…
Nói về “giáo huấn” thì bài Đồng dao chính là thơ dạy trẻ biết yêu trường lớp, phố xá, ruộng đồng, đất trời, cây cỏ nhưng đảm bảo trẻ không hề “đánh hơi thấy mùi giáo huấn”:“Dung dăng dung dẻ/ Dắt trẻ đi chơi/ Qua ngõ nhà trời/ Vào trường mẫu giáo/ Cô giáo hiền từ/ Hệt như cô Tấm/ Tay cô tài lắm/ Làm nhiều đồ chơi”, “Ô tô phía trước/ Lời chào pim pim/ Nhộn nhịp  hàng kem/ Long lanh mắt trẻ”, “Lúa chín vàng hươm/ Béo tròn hạt thóc”…
Hoài Khánh khéo sử dụng biện pháp nhân hoá và ẩn dụ nên từ con đường, con vật, bông hoa đến nắng mưa, trời đất đều hiện lên sinh động,  ngộ nghĩnh rất hợp với trẻ. Câu chữ cũng vậy, một số từ thực sự sáng tạo nhưng chỉ khiến trẻ thú vị chứ không làm chúng phải mệt óc suy đoán, như lon xon (Dã tràng cõng nắng lon xon), nhuênh nhoang, túng tắng khi tả chú bê (Nhông nhông theo mẹ/ Khoác bộ áo choàng/ Chân bước nhuênh nhoang/ Vẫy đuôi túng tắng).
Trẻ em có tuổi mẫu giáo, tuổi nhi đồng, tuổi thiếu niên, với tuổi nào Hoài Khánh cũng có thơ hợp với chúng. Đây là thơ cho lứa tuổi mà Hoài Khánh gọi là chanh cốm:
                                            Bạn gái nào vừa thổn thức
                                            Giữa ngàn mắt lá vẫy mời
                                            Gió xuân phập phồng ngực áo
                                            Chớm hè vàng rộm nắng cơi.   
Hoài Khánh đưa ta sống giữa thế giới trẻ em bằng giọng thơ giàu bản sắc. Đặt thơ anh bên cạnh thơ thiếu nhi của các tác giả khác dễ thấy nét riêng khó nhầm lẫn, đó là sự dí dỏm, cái nhìn tinh tế, câu thơ mượt mà, chữ dùng gợi tả.
Trong tập có một bài khá đặc biệt, chẳng những dành cho trẻ em mà chắc còn dành cho cả người lớn, thậm chí người lớn còn phải nghĩ ngợi nhiều hơn khi đọc nó: Nếu Hải Phòng chỉ toàn người lớn. Một tưởng tượng“kỳ quặc”! Nếu điều này xảy ra thì sao nhỉ? Thì sẽ không có, không còn, sẽ thiếu vắng rất nhiều thứ, từ những gì vẫn thường thấy hằng ngày: Trường Mầm Non, dàn kèn đồng Nhà thiếu nhi, cửa hàng kem đến “Đêm Trung thu chẳng ai ngồi phá cỗ”; vắng luôn nỗi cáu kỉnh: “Bác bảo vệ chẳng có người để mắng/ Biết tìm ai hái trộm táo ông trồng”; vắng cả những gì huyền ảo, mộng mơ: “Phượng vĩ phố Ga bớt giọng ve sôi”," Chuyện cổ tích ngủ lì trên cánh võng/ Ai nhặt nắng rơi trong giấc mơ hồng”, “Biển Đồ Sơn con sóng bớt nhong nhong”… Trước đây có một truyện thiếu nhi của Liên Xô tưởng tượng kỳ quặc không kém: Vì con cái hư quá nên người lớn bực mình, bảo nhau rời khỏi thành phố để mặc chúng muốn làm gì thì làm. Chưa bao giờ được thoải mái như thế nên bọn trẻ tha hồ quấy phá, chúng hò hét và kéo vào cửa hàng thực phẩm ăn uống thả cửa, tới trường học đập phá bàn ghế tung hê sách vở. Nhưng rồi ăn kem nhiều quá đâm ra viêm họng, đốt giấy tí nữa cháy nhà, phóng xe lao cả lên vỉa hè tí chết. Rồi ốm không ai khám bệnh và săn sóc, quần áo bẩn không ai giặt giũ, đêm không ngủ được vì sợ ma và nhớ bố mẹ. Cuối cùng đám trẻ phải kéo nhau đi xin lỗi bố mẹ và khóc lóc mời họ về! Nếu Hải Phòng chỉ toàn người lớn như một phản đề với câu chuyện trên nhưng rõ ràng nhân văn, nhân ái hơn, làm chúng ta yêu con trẻ hơn.
Vâng, nếu không có trẻ em, cuộc sống của người lớn sẽ buồn tẻ, vô vị biết chừng nào; nếu không có thơ cho trẻ em chẳng cứ gì tâm hồn trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn cũng sẽ nghèo đi rất nhiều. Hoài Khánh đã giúp chúng ta được sống giữa thế giới trẻ em.