Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Góp đôi lời vào cuộc tranh biện

Hà Văn Thùy
Thứ hai ngày 16 tháng 4 năm 2012 4:03 PM

Báo Sức khỏe và Đời sống số ra ngày 31 tháng Ba năm 2012 đăng bài viết của ông Hữu Ngọc “Thảo luận về văn minh Trung Quốc”. Bài viết ngắn giới thiệu cuộc tranh luận giữa hai triết gia F. Billeter và F. Julien, cung cấp thông tin bổ ích, cho thấy cách mà các nhà Hán học thế giới nhận định về văn minh Trung Hoa:
“Billeter phê phán Jullien là đã chấp nhận và phát triển một huyền thoại về văn minh Trung Quốc truyền thống, tạo ra từ thế kỷ 17 bởi các nhà truyền giáo dòng Tên (Jésuites), các triết gia Ánh sáng thế kỷ 18, rồi tiếp tục bởi các nhà Hán học phương Tây cho đến ngày nay. Huyền thoại này đưa ra hình ảnh tô vẽ của một nền văn minh ngỡ như hài hòa, minh triết (sage)… Đó là  một hình ảnh phi lịch sử, ai đã đọc Tam Quốc, Thuỷ Hử …thì thấy thực tế đẫm máu vì tranh hùng, mưu mô, xảo trá, nhân dân cơ cực. Hiện nay, chính quyền Trung Quốc vẫn đề cao cơ sở lý luận về quyền lực ấy.
    Nhận định cơ bản của Billeter là: “Cái mà ngày nay ta cho là văn minh Trung Quốc, lại gắn liền mật thiết với sự chuyên chế của đế chế”. Đó là cái gốc của đầu óc thống trị.”
Nếu thông tin của ông Hữu Ngọc chính xác thì rõ ràng, hai triết gia này cùng không hiểu quá trinh hình thành văn minh Trung Quốc nên không có cách nhìn toàn diện về nó. Vì vậy họ đã sa vào cuộc tranh biện không hồi kết, chẳng khác gì cuộc cãi vã giữa hai người mù mà mỗi người chỉ được sờ một mặt của cùng một đồng tiền.
Muốn làm sáng tỏ vấn đề này, phân định ai sai, ai đúng, trước hết cần phải biết chính xác quá trình hình thành văn minh Trung Hoa.
Theo những tài liệu cập nhật nhất thì từ xa xưa, người Việt cổ, thuộc loại hình nhân chủng Australoid đã từ Việt Nam đi lên khai phá đất Trung Hoa. Thiên niên kỷ thứ IV TCN, người Việt với khoảng 65% nhân số thế giới, đã xây dựng trên địa bàn Đông Á nền văn minh lúa nước rực rỡ. Thành tựu nổi bật của nền văn minh này là: phát minh ra Âm Dương, Ngũ hành, Âm lịch, Dịch lý, chữ vuông tượng hình…
Theo triết gia Kim Định, đó là nền văn hóa Việt Nho với bốn đặc điểm:
1. Thế giới quan tham thiên lưỡng địa, cho rằng, vũ trụ do Âm và Dương tạo thành. Để phát triển trong sự hài hòa, yếu tố Dương chiếm 3 phần còn 2 phần dành cho Âm.
2. Nhân sinh quan Nhân chủ - Thái hòa – Tâm linh. Trong ba thành tố làm nên vũ trụ là Thiên, Địa, Nhân thì Con người là trung tâm, là chủ. Do làm chủ nên con người phải thái hòa với nhau và với Trời, Đất. Do vậy, con người phải là con người tâm linh để linh cảm với những lực lượng siêu nhiên tồn tại trong vũ trụ.
3. Bình sản về kinh tế: tạo điều kiện cho mỗi người đều có sở hữu, sao cho không ai quá giầu trong khi người khác quá nghèo. Chế độ tỉnh điền thời cổ và công điền thời cận đại là những hình thức đảm bảo chế độ bình sản.
4. Đạo An vi: từ thế giới quan và nhân sinh quan trên, cộng với bình sản về kinh tế, con người an tâm sống trong sự hài hòa giữa lợi ích của bản thân và cộng đồng. Không hữu vi tranh đoạt cũng không vô vi tiêu cực lánh đời.
Khoảng 2600 năm TCN, người Mông Cổ từ phía tây bắc vượt Hoàng Hà xâm chiếm đất của người Việt, lập vương triều Hoàng Đế với ý nghĩa là vị vua của vùng hoàng thổ. Là những bộ lạc thiện chiến nhưng do nhân số ít và văn hóa chưa phát triển nên sau khi vào Trung Nguyên, người Mông Cổ bị người Việt đồng hóa về di truyền và văn hóa. Họ hòa huyết với người bản địa, sinh ra chủng Mongoloid phương Nam, được gọi là Hoa Hạ. Cả người Mông Cổ và con cháu họ học tiếng nói, chữ viết và những yếu tố khác của văn hóa Việt. Sau vài thế hệ, do sức mạnh của văn hóa Việt nên vương quyền chuyển về tay những vị vua Việt như Đế Cốc, Đế Chí, Đế Nghiêu, Đế Thuấn, Hạ Vũ, Thành Thang. Trong quá trình này, văn hóa Việt mà triết gia Kim Định gọi là Việt Nho vẫn phát triển dẫn tới thời những vị vua như Nghiêu, Thuấn, Vũ được ca ngợi là thời hoàng kim trong lịch sử phương Đông.
Làm cuộc quật khởi tiêu diệt nhà Ân, người Hoa Hạ thay người Việt nắm vương quyền, lập nên nhà Chu. Nhà Chu của Chu công, Khổng Tử, văn hóa Việt Nho được đưa lên đỉnh cao với những kinh sách như Dịch, Thi, Thư, Nhạc, Lễ; đồng thời hoàn chỉnh chữ vuông tượng hình của người Việt từ thứ chữ khắc trên giáp cốt, đồ đồng thành chữ thông dụng viết trên lụa và thẻ tre. 
Sau gần 800 năm tồn tại, văn hóa nhà Chu suy đồi, những yếu tố của văn minh du mục như duy lợi, duy lý, tranh đoạt, tôn sùng đầu lĩnh và gia trưởng, áp chế phụ nữ… trỗi dậy, thúc đẩy các vua chư hầu tranh nhau xưng bá, dẫn tới loạn Chiến quốc. Tần Doanh Chính là dòng người Việt nhưng sống ở phía Tây, tiếp cận với lối sống du mục, lại được các mưu sĩ hướng theo bá đạo nên dùng vũ lực gồm thâu các quốc gia khác vào đế chế Tần. Tiếp thu giang sơn nhà tần, Lưu Bang và một số mưu sĩ tuy là người Việt nhưng đã học theo thủ đoạn của văn minh Mông Cổ để thực hiện nền cai trị bá đạo. Do Tần Thủy Hoàng đốt kinh điển nên khi khôi phục lại những kinh sách của Khổng Tử, các trí thức cung đình đã lược bỏ nhiều yếu tố nhân bản để chế tác những kinh sách phục vụ sự thống trị của vương quyền.
Thêm vào đó, trong hơn 400 năm tồn tại vương triều Hán, loạn lạc liên miên, hàng chục triệu người thuộc nhiều bộ lạc du mục phương Tây gia nhập dân Hán, nhiều người có vị trí cao trong triều đình, tham gia vào quyết sách nên tinh thần du mục trong dân cũng như triều đình ngày càng tăng cường. Điều này làm cho, từ thời Hán, Việt Nho bị tiêu trầm và thay bằng Hán Nho, mang nặng tinh thần của văn minh du mục như Giáo sư Billeter chỉ ra.
Từ phân tích trên, ta thấy, văn minh Trung Hoa trải hai giai đoạn:  giai đoạn đầu từ Nghiêu Thuấn cho tới cuối thời Tây Chu, chủ đạo là văn hóa Việt Nho nhân bản, thái hòa. Từ Đông Chu, tinh thần văn minh du mục vươn dậy, hướng Trung Quốc đi theo con đường đế chế. Từ thời điểm này, Hán Nho manh nha và ngày càng lấn át Việt Nho, trở thành yếu tố chủ đạo của văn minh Trung Hoa cho tới ngày nay.
Như vậy, có thể nói rằng, khi học giả Julien “chấp nhận và phát triển một huyền thoại về văn minh Trung Quốc truyền thống, tạo ra từ thế kỷ 17 bởi các nhà truyền giáo dòng Tên (Jésuites), các triết gia Ánh sáng thế kỷ 18, rồi tiếp tục bởi các nhà Hán học phương Tây cho đến ngày nay. Huyền thoại này đưa ra hình ảnh tô vẽ của một nền văn minh ngỡ như hài hòa, minh triết (sage)…” là không hề sai mà đó chỉ là giai đoạn đầu của văn minh Trung Hoa khi Việt Nho làm chủ thể văn hóa. Nhưng cái sai của ông là không thấy từ thời Tần Hán, văn minh Trung Hoa chuyển theo tư tưởng tôn sùng đế chế, nên ông lại coi văn minh giai đoạn đầu là quán xuyến toàn bộ văn minh Trung Hoa.
Ngược lại, Billeter nhìn văn minh Trung Hoa tại thời điểm quá gần, chỉ từ khi những đế chế Tần Hán được tạo dựng nên không thấy phẩm chất thái hòa, nhân văn lớn của văn minh Trung Hoa buổi đầu mà chỉ biết “Cái mà ngày nay ta cho là văn minh Trung Quốc, lại gắn liền mật thiết với sự chuyên chế của đế chế”. Đó là cái gốc của đầu óc thống trị.” Và ông đã sai khi nhìn nhận đó là toàn bộ văn minh Trung Hoa.
Rõ ràng là hai triết gia lớn đã chặt văn minh Trung Hoa làm hai phần, người nắm đầu, kẻ cầm đuôi rồi cùng tri hô “cái của tôi mới là văn minh Trung Hoa” và lôi nhiều nhà Hán học vào cuộc tranh biện không có hồi kết!
Câu trả lời thỏa đáng ở đây: Văn minh Trung Hoa có hai giai đoạn. Quan điểm của Julien phản ánh giai đoạn đầu còn quan điểm của Billeter phản ánh giai đoạn sau. Nếu gắn hai phần lại, ta có cái nhìn toàn cảnh.
  Tháng Tư năm 2012.