Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nhân vật Thơm và chú Hắn trong truyện ngắn “Cửa bể chiều hôm” của Kiều Xuân Thủy.

Lê Lanh
Thứ hai ngày 16 tháng 4 năm 2012 7:34 PM

Đọc “Cửa bể chiều hôm”của Kiều Xuân Thủy gây ấn tượng nhất trong tôi là nhân vật Thơm. Cô gái mới tốt nghiệp đại học ra trường đang có yêu cầu xin việc làm. Cô là con nhà nông “quần cộc, áo cánh nâu,gầy xo,da xám”, chăm chỉ công việc “thoăn thoắt băm bèo, hót phân,…dọn chưồng lợn…”.Do cuộc sống vất vả khi học đại học gặp khó khăn nên dễ dàng vượt qua. Sẵn sàng đem sức lao động cơ bắp đi làm thuê, đỡ đần bố mẹ, “lè lưỡi, lắc đầu” khi “chúng bạn rủ rê đi làm dịch vụ nhà hàng”.Biết quan tâm đến hình thức bên ngoài,nhưng “tùng tiệm”sắm được vài bộ áo cánh, giặt chờ khô lại mặc diện, khi cần.Cô bé “ mới lớn” có “đôi mắt… dịu hiền,luôn cười mỉm”, ôm ấp nhiều hoài bão. Bản chất chân quê, Thơm luôn sống và nghĩ theo nếp nhà. Tin vào những lời thày cô dạy bảo trong nhà trường_Cứ học giỏi, chăm ngoan là có công ăn việc làm. Không dám tin vào những lời đồn đại của bạn bè “xin việc bây giờ cao giá lắm, không cứ học giỏi…”. Tuy nhiên, cô chấp nhận cách xưng hô với các sếp khi cần giao tiếp_Đáng “bác”thì “thưa chú”, đáng “chú”thì “thưa anh”. Đối tác chú Hắn là người nhận Thơm vào thử việc ở công ty. Chú có một “ nụ cười rất là…”và được chú khen “Khuôn mặt cháu tôi sao mà hiền”thì “mặt Thơm ửng đỏ, nóng bừng, ngơ ngác…’.Những hành vi “ thân mật”của sếp được mọi người tán thưởng, cô đâu dám nghĩ chú sàm sỡ mà “chỉ còn một cảm giác hởi lòng, hởi dạ”. Mới chập chững bước vào đời, Thơm chưa đủ khả năng cảm nhận được những ngõ ngách yêu ma của cuộc sống. “Do vậy, mà mỗi ngày sống ở đây đối với cô là trời mỗi ngày lại sáng…”.Thơm viết thư về báo tin vui cho bố mẹ: “…các cô chú, anh chị ở đây yêu quí con lắm. Đặc biệt là chú Hắn…chú rất thương người. Chú khen con…”. Hằng ngày Thơm được đi công tác với chú Hắn, được chú giới thiệu là “nhân viên”là “thư ký riêng”. Đi tới đâu sếp có phong bì thì “thư kí” cũng có phong bì. Thơm nghĩ đẹp, vẽ đẹp trong mắt mình về chú Hắn như một vị thánh, vị thánh bao dung và độ lượng”.
 Mọi thuận lợi đến với Thơm như có “ trời phật phù hộ”. Cô tin vào lẽ công bằng của cuộc đời. Việc Thơm viết thư về nhờ bố mẹ nói chuyện với chú Hắn giúp đỡ thêm là thể hiện đạo đức của một người con có nền nếp, gia giáo. Sống theo sách vở, tin vào qui luật cuộc đời, từ cái “nhân” này tất sẽ có cái “quả” kia. Thấy màu sắc sặc sỡ thì nghĩ là hoa thật có ngờ đâu lại là hoa giả. Khi bị chú Hắn dồn vào cái thế “thỏ nằm trong cũi”thì chất bi hài của nhân vật được lộ ra: “con xin bố…”, “bố tha cho con…con còn trẻ”.Đã là “con”mà phải xin “bố” tha cưỡng dâm thì không còn gì để nói. Tác giả đã đưa nhân vật tới sự tận cùng của sự nhục nhã. Hóa ra chi tiết nhận con nuôi đã có vai trò đáng kể trong việc xây dựng tính bi hài trong tác phẩm.
 Tình huống đã đến lúc vỡ toang không gì cứu vãn nổi thế mà Thơm vẫn “chú cháu”, “bố con”. Phải chăng cô là người không biết trọng nhân cách? Sự đời đã rơi vào hoàn cảnh ô nhục như thế sao không nổi cơn “tam bành”, chửi bới, cấu xé rồi lui về quê sống cho sạch. Làm như thế, chắc dễ dàng hơn, nhưng cũng là đồng nghĩa với “mất cả chì lẫn chài”. Thơm vốn là người có tình có nghĩa, sống có trách nhiệm, nhất là đối với bố mẹ và các em vì thế cô đã chấp nhận một “hiện diện” “kinh tởm”để có việc làm. Mỗi lần bị Hắn “tàn phá”là mỗi lần cô lại nài nỉ : “bao giờ”… “thì được” “tuyển dụng?”.Cả khi chú đã “no đủ”rồi Thơm vẫn mong sao “được chú tiếp tục…”để “được nuôi hy vọng…”. Nếu như Thúy Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du tự nguyện bán mình chuộc cha và em thì Thơm đã biến cuộc cưỡng dâm thành cuộc trao đổi việc làm, mong đắp điếm phần nào công lao cha mẹ nuôi mình ăn học. Cô cố rượt đuổi còn chú Hắn thì cố gỡ ra trong trạng thái sinh lý đã nhàm chán. Cuộc rượt đuổi được tính theo cái mốc Thơm không còn nguyên vẹn. Hành động “cố đấm ăn xôi”của cô cũng giống như  một kẻ “đuổi hình bắt bóng”.Cho tới khi chú Hắn tuyên bố dõng dạc: “sa thải sinh viên thử việc Vũ Thị Thơm…”vì đã đánh mất phẩm chất…”thì cô mới hoàn toàn tuyệt vọng. Cô phải hứng chịu mọi sự mai mỉa của người đời và người yêu thì tránh mặt. Hình ảnh Thơm “chạy trốn cộng đồng” “như một con hủi”đã găm vào huyết mạch bạn đọc như những mũi kim châm.
 Trớ trêu thay, người ngay bị kẻ cắp phán tội. Đau đớn thay, số kiếp những “ đứa trẻ mới lớn”tốt nghiệp ra trường đi xin việc làm đã bị những ông sếp như chú Hắn lợi dụng, lừa gạt trắng trợn. Tâm trạng Thơm đã vượt quá ngưỡng “ khóc”. “Bây giờ thì cô cười tràn, cười như sinh ra để cười( Chí Phèo của Nam Cao sinh ra để chửi). Chấp nhận mọi luật chơi của nhà hàng bán dâm và Thơm sợ đuổi việc như Thúy Kiều sợ làn roi của mụ Tú Bà ở lầu xanh trong Truyện Kiều.. Nhận ra sếp cũ, “Thơm dự tính bóp cổ Hắn”, nhưng  “giật mình nhớ lại nội qui, lại cười, giọng dịu dàng…”
 Mục đích cuối cùng là xin  việc làm, Thơm đã thực hiện được, nhưng là việc ô nhục. Cô bưộc phải chấp nhận vì đã bị dồn vào cái thế chân tường. Mọi suy nghĩ đẹp đẽ lúc đầu đều đổ vỡ. Cuộc sống hiện thực nhỡn tiền hoàn toàn trái ngược với ước mơ của cô. Hình ảnh Thơm bằng xương bằng thịt hiện lên trước mắt ta. Đó là giá trị nghệ thuật chân thực của nhân vật. Có thể do hoàn cảnh cưộc đời riêng mà tác giả đã có được sự thành công trên.
 Đối lập với nhân vật Thơm là nhân vật chú Hắn. Hắn xuất hiện ngay ở đầu câu truyện, là sếp trong một công ty và cũng là “ khách làng chơi cao cấp”. Dĩ nhiên là sử dụng “ tiền chùa”. Một người cứ nhìn thấy gái là tít mắt lại. Có lẽ Hắn quan tâm đến đàn bà hơn là công việc. Ở hội nghị “ văn hóa doanh nhân” Hắn đọc tham luận “phác thảo nhanh”thì có khác chi là đọc báo cáo bịa . Y đứng đầu một tổ chức kinh tế chứ không giống Xuân Tóc Đỏ quảng cáo thuốc lậu trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng. Hắn ưa nịnh hót, trù dập những người thẳng thắn, dám nói ra sự thật, có tính chất xây dựng. Có “tài” “thao tác”sàm sỡ phụ nữ như một “nghệ sỹ”. Hắn bất chấp đạo lý truyền thống, lừa dối, nhận làm bố nuôi Thơm, nhưng vẫn cưỡng dâm cô. Tráo trở hơn là đẩy sự việc do mình gây nên sang người khác, làm nhục Thơm và sa thải cô ra khỏi công ty để giữ thể diện cho mình. Bạn đọc như thấy thấp thoáng bóng dáng Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến trong Truyện Kiều.
 Nhân vật chú Hắn hội tụ tất cả những gì xấu xa, bỉ ổi của một ông sếp đứng đầu công ty. Tuy nhiên ta còn thấy sự thô lỗ, kệch cỡm, vô văn hóa ở hắn đã được tác giả giành cho những tiếng cười nhiều cung bậc. Tôi nghĩ, nếu như nhà văn quan tâm đến một vài ưu điểm nào đó của Hắn thì bạn đọc sẽ thấy cách nhìn của ông khách quan hơn.
 Tóm lại, hai nhân vật Thơm và chú Hắn đã làm nên tính bi hài của tác phẩm. Chất bi nghiêng về Thơm. Chất hài ngả sang chú Hắn. Chất bi hài chính là tiếng khóc cười được vang lên giá trị nhân văn trong truyện ngắn “Cửa bể chiều hôm”của Kiều Xuân Thủy.
        L.L