Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Bộ trưởng Đinh La Thăng – Một chính khách hồn nhiên

Bùi Hoàng Tám
Thứ ba ngày 17 tháng 4 năm 2012 6:12 AM

Kính gửi Bác Hà Phạm Phú và anh em bè bạn!
 
Thưa các bác, các anh, gần đây tôi có viết một số bài về những chủ trương của Bộ GTVT của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Tôi và chắc cũng như nhiều đồng nghiệp rất bức xúc trước những đề xuất chưa thấu đáo của Bộ GTVT. Từ thâm tâm, tôi rất ấn tượng với Bộ trưởng Đinh La Thăng đơn giản vì ông là con người hành động mà tôi vốn rất ghét loại người “Mũ ni che tai, ngậm miệng ăn tiền”. Bài này tôi viết cách đây mấy tháng, đến nay nhiều thông tin đã lỗi thời. Tuy nhiên, tôi xin cứ để nguyên những gì mình đã từng viết,
Xin cám ơn Tiên sinh Hà Phạm Phú và các anh các chị đã đọc bài của tôi.
 
I - Nghệ thuật hướng được số đông ủng hộ điều đúng
 
Cho đến thời điểm này, mình rất quý Bộ trưởng Đinh La Thăng. Trưởng thành từ Đổi mới, ông là con người của ngày hôm nay. Đó là típ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, một phẩm chất được coi là “quý hiếm” trong cái cơ chế lãnh đạo tập thể, trách nhiệm tập thể vào thời điểm “Mũ ni che tai, ngậm miệng ăn tiền” đang có nguy cơ trở thành phổ biến này. Mình cũng hiểu và đồng cảm với tâm trạng của ông. Ông xót xa trước tình hình tai nạn giao thông gia tăng, mỗi ngày cướp đi sinh mệnh của hàng chục con người. Ông bức xúc trước nạn ùn tắc giao thông đang làm trì trệ nền kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân. Ông day dứt trước những công trình giao thông không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và không đúng tiến độ. Ông trăn trở trước những con đường biên giới chưa được đầu tư đúng mức, hệ thống giao thông miền núi xập xệ, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và phát triển kinh tế của đồng bào các dân tộc, những người đang góp phần xây dựng đất nước và bảo vệ biên cương… Đó là những trăn trở có thật, những bức xúc có thật, rất chính xác và rất đáng trân trọng.
Nhưng bức xúc  là một việc mà giải quyết việc đó lại là một việc khác, rất khác. Nó không giải quyết được bằng cảm xúc của tấm lòng mà cần một bản lĩnh chính trị và nghệ thuật. Đối với một chính khách, nói là nghệ thuật cũng đúng, thủ đoạn chính trị cũng không sai nhưng dù nói bằng ngôn ngữ nào, nó là mưu kế. Xem ra trong lĩnh vực này, chính khách Đinh La Thăng vẫn còn… bồng bột. Ông như bị lạc vào “mê hồn trận” với rất nhiều bức xúc nhưng chưa tìm thấy lối ra. Xin lỗi vì mình đã có những suy nghĩ như thế nhưng đó là suy nghĩ thực, rất thành thực của mình.
Để chứng minh cho nhận định này, xin được chứng minh.
Từ khi nhậm chức, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã gây nhiều cú “sốc”. Từ việc thay thế ông Trưởng ban quản lý dự án ở sân bay Đà Nẵng vì chậm tiến độ đến chuyến vi hành trên xe buýt với tuyên bố yêu cầu tất cả lãnh đạo Bộ Giao thông – Vận tải một tuần đi xe buýt một lần. Rồi đến qui định cấm cán bộ Bộ GT - VT chơi gôn, đề nghị cách chức Chủ tịch tỉnh nếu để xảy ra tai nạn giao thông 3 năm liên tiếp... Đặc biệt là ba ý tưởng gây xáo trộn đời sống xã hội. Một là đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Hai là đổi giờ học, giờ làm và ba là cấm các bãi đỗ xe dưới lòng đường. Cho đến hôm nay, cả ba đề xuất này hoặc chưa được chấp thuận hoặc chưa mang lại hiệu quả. Đề xuất thu phí giao thông đang gặp sự phản ứng khá mạnh từ dư luận. Dự án thay đổi giờ học giờ làm đang gây nỗi khốn khổ cho học sinh, đảo lộn nhịp sinh học và xáo trộn nếp sinh hoạt của nhiều gia đình. Đề nghị TP Hà Nội cấm bãi đỗ xe đang gây trở ngại cho cuộc sống người dân Hà Nội, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đặc biệt là đến phát triển kinh tế.
Thế nhưng hậu quả là xã hội rối loạn mà đường tắc vẫn… hoàn tắc.
Vì sao hầu như tất cả các ý tưởng của Bộ trưởng Đinh La Thăng đều chưa mang lại kết quả như mong muốn? Theo mình, chính là sự “bồng bột” có phần nóng vội của chính khách Đinh La Thăng. Một ý tưởng dù tốt đẹp đến mấy nhưng không đi vào cuộc sống đều là ý tưởng sai. Những bức xúc của Bộ trưởng Thăng là đúng. Những trăn trở của ông là tốt. Nhưng nó chưa (hoặc không) thành công là bởi ông chưa có cái gọi là nghệ thuật xử lý của một chính khách. Nói nôm na là không cao mưu. Mưu lược, mưu kế hay nghệ thuật… thì tóm lại cũng là mưu.
Một chính khách thực thụ không bao giờ quyết định chỉ dựa theo ý số đông. Chính khách dựa theo ý kiến số đông là chính khách hoặc là mị dân, hoặc là nhu nhược. Nếu thấy điều đó là đúng, dù một ngàn người phản đối hay một triệu người phản đối cũng không lay chuyển. Nhưng một quyết định mà không được số đông chấp nhận là một quyết định không đi vào cuộc sống. Một quyết định vứt vào sọt rác. Tất nhiên, có những ngoại lệ vì số đông bị ép buộc nhưng nó sẽ không tồn tại lâu hoặc để lại hậu quả xấu. Vì vậy, một chính khách tài năng là hướng được số đông ủng hộ điều đúng. Đó chính là nghệ thuật của một chính khách. Bộ trưởng Thăng đã chưa có được điều này. 

II - Nghệ thuật biết chấp nhận và chờ đợi
 
Không hiểu sao khi nghĩ về những việc Bộ trưởng Thăng đã làm, tôi lại nhớ đến ngày mình mới vào nghề báo. Đi thực tế, thấy điều gì cũng bức xúc, điều gì cũng muốn lên tiếng, cũng muốn viết. Tâm thế khao khát được đóng góp, được cống hiến với tinh thần xả thân nhất. Hơn một lần, tôi đã dốc tất cả những gì mình nghe, mình thấy cộng với sự xúc động của mình vào bài viết với khát vọng nó sẽ là… tác phẩm báo chí vĩ đại nhất. Nhưng bi kịch thay, hầu hết các bài báo đó không được sử dụng. Sau này, khi đã có một chút kinh nghiệm, tôi hiểu rằng mình đã quá ôm đồm đến mức.. lan man. Tôi như người đầu bếp, cái gì cũng thấy ngon, thấy bổ, thấy lạ… nên tống tất cả vào nồi và hậu quả là có một nồi lẩu thập cẩm chả món gì ra món gì, vị gì ra vị gì. Lại nhớ lần viết truyện ngắn đầu tiên, hí hửng mời Nhà văn Lê Lựu đi ăn sáng và nhờ bác Lựu đọc giúp. Bác Lê Lựu đã kiên nhẫn ngồi nghe gần 2 tiếng đồng hồ. Tôi vừa đọc vừa liếc mắt quan sát những biểu hiện trên khuôn mặt ông nhưng chỉ thấy ông ngồi nghe lặng lẽ, thỉnh thoảng đầu lại gật gật. Chờ mình đọc xong, ông mới thốt lên: “Chú tài thật”. Mình sung sướng run run hỏi lại: “Anh nói gì ạ?”. “Chú tài thật. Một truyện ngắn của chú bằng ba bốn cái truyện của tôi - Lê Lựu thủng thẳng, mấy giây sau mới nói tiếp – Nhưng vì thế mà nó… không ra truyện ngắn”.
Cái khó nhất của người cầm bút và có lẽ một chính khách cũng giống nhau (có lẽ trừ các… nhà thơ), đó là điều chỉnh mối quan hệ giữa cảm xúc và lý trí. Cái cảm xúc đã cho chúng ta những khao khát nhưng chỉ có lý trí mới đem lại cho ta sự thành công.
Trở lại vấn đề của Bộ trưởng Đinh la Thăng. Theo mình có lẽ Bộ trưởng bị tình cảm chi phối nên đã đặt cho mình những mục tiêu quá lớn trong một thời gian quá ngắn. Đó là điều phi thực tế đối với thực trạng nước ta hiện nay. Bộ trưởng không thể cùng một lúc giải quyết được tất cả các yếu kém, bất cập đã tồn đọng từ nhiều năm nay trong lĩnh vực giao thông vận tải. Đặc biệt là những đòi hỏi ngày càng cấp thiết ở lĩnh vực này trong tiến trình phát triển mạnh mẽ của đất nước ngay bây giờ và cả những ngày sau. Vì vậy, nên chăng trong thời gian tới, Bộ trưởng chọn một khâu đột phá, tập trung vào một việc cụ thể và giải quyết rốt ráo, dứt điểm rồi sau đó, triển khai sang các việc khác?
Có thể Bộ trưởng lập luận rằng những việc ông làm vừa qua đều đã quá bức xúc. Rằng ông không thể đang tâm ngồi nhìn tai nạn giao thông ngày một gia tăng, mỗi ngày cướp đi hàng chục sinh mạng. Rằng ông chấp nhạn nền kinh tế bị trì trệ, đời sống nhân dân bị đảo lộn vì nạn tắc đường… Vâng. Đúng là như thế nhưng vậy là Bộ trưởng lại thiếu bình tĩnh, để tình cảm chi phối mất rồi. Không phải Bộ trưởng không làm nhưng làm như thế nào và làm vào thời điểm nào để thành công mới là chuyện cần bàn.
Là nhà báo, không phải là chính khách nhưng tôi nghĩ phẩm chất đầu tiên của một nhà chính trị là nghệ thuật biết chấp nhận và nghệ thuật chọn thời cơ. Bộ trưởng đành phải nghiến răng nhận tai nạn giao thông gia tăng bởi vì Bộ trưởng không thể giải quyết nó bằng quyết tâm cộng với các mệnh lệnh hành chính và các biện pháp phong trào. Có thể biện pháp cách chức Chủ tịch tỉnh của Bộ trưởng sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm của một số người đứng đầu các địa phương còn thiếu trách nhiệm. Nhưng giả sử có cách chức cả 63 chủ tịch các tỉnh, thành phố thì cũng không vì thế mà tại nạn giao thông giảm bởi đơn giản, hầu hết họ đã rất có ý thức và điều đó xảy ra ngoài ý muốn của họ. Vả lại, mình không tin một mệnh lệnh hành chính có thể thành công nếu nó không tuân theo những qui luật khách quan của nó.
Đây là bài toán khó, thưa Bộ trưởng. Vậy giải bằng cách nào?

III - Nghệ thuật chọn thời cơ
Theo tôi, trước hết Bộ trưởng nên tìm cho ra một khâu để đột phá và lượng sức mình để chắc chắn làm thành công. Bước này rất quan trọng đối với Bộ trưởng bởi nó sẽ giải quyết một loạt các vấn đề. Thứ nhất, là người mới về lãnh đạo Bộ GT - VT, Bộ trưởng sẽ khẳng định vị thế xứng đáng của mình ở cương vị này trước hết là với tập thể văn phòng bộ, lãnh đạo các sở và cán bộ nhân viên trong toàn ngành. Phải nói thẳng, việc Bộ trưởng từ đơn vị khác về làm lãnh đạo, không phải ai cũng vui vẻ cả dù họ không hoặc không dám nói ra. Điều đó cũng là bình thường Bộ trưởng ạ, con người cả. Vì vậy, không phải ai cũng thật lòng mong Bộ trưởng thành công. “Tề gia, trị quốc” là bài học đầu tiên của một chính khách. Thứ hai, việc thành công sẽ làm tăng thêm uy tín của Bộ trưởng trước những cơ quan đã đề cử và phê chuẩn cho chức danh của Bộ trưởng. Đó là Đảng, Chính phủ và Quốc hội. Thứ ba, điều cực kỳ quan trọng là niềm tin tưởng của nhân dân vào Bộ trưởng. Người dân không dễ tin vào những điều Bộ trưởng nói mà họ nhìn vào những việc Bộ trưởng đã làm cho họ. Nói tóm lại, người dân được lợi gì từ Bộ trưởng?
Khi đã có cả ba điều trên, Bộ trưởng sẽ nhận được sự tin tưởng và sự ủng hộ to lớn từ nhiều phía. Khi đó, sự thành công của Bộ trưởng là điều tất yếu.
Vậy thì điểm mà Bộ trưởng chọn để đột phá là gì?
Theo tôi, Bộ trưởng nên chọn dự án xây dựng đường giao thông biên giới. Vì sao vậy? Vì làm tốt việc này, Bộ trưởng cùng một lúc gặt hái được nhiều kết quả. Một là thực hiện và cụ thể hóa tình cảm của nhân dân cả nước với đồng bào vùng sâu, vùng xa. Là thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo và đặc biệt là việc bảo vệ biên cương Tổ quốc. Hiện nay và chắc chắn mãi mãi về sau này, vấn đề lãnh thổ quốc gia luôn là lĩnh vực được quan tâm nhất và nhận được sự ủng hộ cao độ nhất từ nhân dân. Nếu chọn khâu này làm đột phá, chắc chắn sẽ đảm bảo đem lại sự thành công cho Bộ trưởng. Được biết ngay đầu xuân vừa qua, Bộ trưởng đã có chuyến thị sát vùng này. Bộ trưởng nên dốc tàn tâm, toàn lực để thực hiện thành công trong thời gian sớm nhất.
Bộ trưởng có thể đặt câu hỏi: Vậy cứ để đường ùn tắc và tại nạn giao thông gia tăng? Thưa Bộ trưởng, như đã nói ở trên, Bộ trưởng phải học cách chấp nhận dù đó là điểu đau xót. Thậm chí, đành phải chấp nhận đến thời điểm mà cả xã hội đều không thể chấp nhận được nữa, buộc phải cùng tham gia giải quyết. Nghệ thuật làm chính trị là nghệ thuật chọn thời cơ.

IV - Nghệ thuật điều chỉnh số đông theo điều đúng

Bất cứ việc gì cũng không tách rời điều kiện xã hội của nó, thưa Bộ trưởng. Ví như một người mạnh khỏe có thể ăn cả một con gà nhưng một người ốm yếu mà bắt ăn cả con gà là chết, chết tức thì. Trong một xã hội cũng vậy, nó chỉ tiêu hóa được bằng đúng thực lực của nó. Và không phải cái đúng, cái tốt nào cũng dễ dàng được chấp nhận và dùng bao nhiêu cũng được. Điều tốt cũng giống như thuốc bổ, không phải cứ dùng mà không cần biết đến liều lượng. Nhà chính trị là người cho dân chúng ăn đúng những thứ họ cần với liều lượng phù hợp thể tạng của họ và vào đúng thời điểm.
Xin minh chứng bằng một câu chuyện nhỏ nhưng nó đã phản ánh khá rõ luận điểm này. Đó là trường hợp thày giáo Đỗ Việt Khoa. Là người đứng trên bục giảng, thày mong muốn sự trung thực trong thi cử, học tập. Không ai có thể nghi ngờ động cơ tốt của thày Khoa. Thế nhưng vì sao việc làm tốt của thày lại không được chấp nhận, thậm chí phản tác dụng dù Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khi đó là Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo đã về thăm thày Khoa? Đơn giản vì nó đã đụng chạm đến quyền lợi của số đông. Người này gian dối, người kia gian dối, lớp này gian dối, lớp kia gian dối, trường này gian dối, trường kia gian dối… và cả một nền thi cử gian dối. Trong đảo người gù, ai thẳng lưng sẽ là dị dạng. Và tất nhiên, người dị dạng khó mà có thể tồn tại hay được công nhận. Nếu muốn tồn tại, họ chỉ còn một cách duy nhất là tự còng lưng xuống. Số phận thầy Khoa chính là bài học cho những nhà quản lý. Họ không và không thể thành công nếu ảnh hưởng đến lợi ích số đông dù điều đó là đúng. Nghệ thuật chính trị còn là nghệ thuật điều chỉnh số đông đi theo con đường đúng. Những nhà chính trị lọc lõi họ rất giỏi làm những việc hợp lòng dân dù điều đó nhiều khi không phải là chân lý.
Trở lại với những việc gần đây của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Tôi không đánh giá cao vụ “trảm tướng” ở sân bay Đà Nẵng và chuyến vi hành xe buýt của Bộ trưởng. Lý do là nó chỉ giải tỏa sự ức chế đám đông hơn là để giải quyết tận gốc sự việc. Thay thế một ông trưởng ban này bằng một ông trưởng ban khác có thể là giải pháp hay nhưng nó chỉ mang tính cục bộ. Vấn đề là làm thế nào để các công trình giao thông không xảy ra tình trạng chậm trễ trên phạm vi cả nước mới là việc làm của Bộ trưởng. Tất nhiên, việc thay thế ở đây đã mang lại hiệu quả tích cực và nó có tính làm gương, răn đe, thể hiện thái độ là điều cần thiết nhưng nếu sa vào đó thì không ổn. Nói thật là mình càng không hài lòng với cách hành xử vói mấy bác tài xe buýt. Đành rằng họ cũng có lỗi nhưng họ cũng bị quá nhiều áp lực. Áp lực đường đông, áp lực thời gian,. Áp lực hành khách… Tầm của một Bộ trưởng không phải là vi hành để xử lý người này hay người kia mà là làm thế nào để hành khách vui vẻ trên mỗi cung đường, bác tài vui vẻ phục vụ hành khách… Vả lại, cái cách “trảm tướng”, “vi hành” này đầy dẫy trong lịch sử, thời mà mỗi ông vua trị vì vài ba chục vạn dân. Nó đậm mùi vị phim dã sử Trung Quốc gần đây được chiếu rộng rãi trên truyền hình.
Tuy nhiên, mặt tích cực của những việc làm này ở chỗ nó thể hiện tư duy quyết tâm hành động và sự cảm thông chia sẻ của người đứng dầu ngành giao thông vận tải. Đó là điểm nổi bật nhất của Bộ trưởng Đinh La Thăng tính đến thời điểm này. Cái ông cần hiện nay là nghệ thuật điều chỉnh số đông đi theo con đường đúng.

V -  Nghệ thuật tìm tiền và đôi lời vĩ thanh

Không thực không vực được đạo. Làm gì cũng phải có tiền. Vậy tiền lấy từ đâu? Câu hỏi này chắc Bộ trưởng biết rất rõ và có lẽ  cũng là câu hỏi khó nhất với Bộ trưởng hiện nay. Theo tôi, ngoài những khoản kinh phí dành cho giao thông, Bộ trưởng ngay lập tức nắm lấy một số cơ hội. Thứ nhất tiền từ ngân sách. Trước những đòi hỏi từ sự phát triển và việc lấy năm 2012 làm năm An toàn giao thông, chắc chắn Quốc hội và Chính phủ không thể không “mở hầu bao” dù cả nước đang rất khó khăn. Vấn đề là Bộ trưởng thuyết trình như thế nào để thuyết phục bằng cả lời nói và hành động. Cái nhìn thấy là khoản tiền 1 tỉ USD từ nguồn ODA Nhật Bản cam kết cho vay. Thứ hai là nguồn thu từ nhân dân. Nếu Bộ trưởng dùng nguồn tiền thu từ phí giao thông để giảm phương tiện cá nhân thì dư luận không đồng tình nhưng nếu thu vào mục đích làm đường cho đồng bào dân tộc và bảo vệ biên cương thì chắc chắn dễ dàng được chấp thuận. Thậm chí, Bộ trưởng phát động phong trào quyên góp để xây dựng đường biên giới cho bà con dân tộc sẽ có nhiều doanh nhân hưởng ứng. Tình tương thân cộng với lòng yêu nước sẽ làm nên tất cả. Thứ ba, nguồn tiền còn dư dôi từ các ngành khác. Việc thất bại của Bộ trưởng khi thuyết phục Quốc hội dành khoản tiền dư thừa của Dầu khí sang cho Giao thông là bài học của sự thuyết phục. Cốt lõi là Bộ trưởng chọn mục tiêu chưa “khôn ngoan” và chưa có sự tin tưởng cao nơi nghị trường Quốc hội.
Đây chỉ là tâm sự, tâm sự của một công dân với một vị Bộ trưởng. Tôi không biết Bộ trưởng có đọc không và nếu đọc, có hài lòng không. Thực ra, điều đó cũng không quan trọng. Điều quan trọng ở đây là mình cảm thấy hài lòng vì đã nói lên được những suy nghĩ đích thực của mình.