Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Vĩnh biệt một nhà văn, một dịch giả đầy tài năng, một kịch tác gia tâm huyết

Hoàng Quốc Hải
Thứ sáu ngày 30 tháng 3 năm 2012 3:04 PM
         
               Thật lạ! sáng 26 tháng 3 (2012) tôi lục tủ để tìm bản Công ước của Liên hợp quốc về luật biển UNCLOS chưa thấy, thì từ đâu đó rơi ra bản photocopy bài thơ “Lời trên bãi cát” ( Paroles sur les dunes ) của Victor Hugo khóc người con gái đầu bạc mệnh của mình do dịch giả Hoàng Hữu Đản gửi tặng đề ngày 5.10.1990.
              Mở đầu bài thơ đã khiến ta nghĩ đến cái chết:
                        Giờ đây như ngọn đuốc tàn
                    Tháng năm tắt lụi, nợ nần không vương
                        Tuổi dày tang tóc đau thương
                    Cheo leo đời sắp bước sang cạnh mồ…
             Chợt nghĩ đến tối qua được tin ông đã rất mệt, người thân đã đưa từ bệnh viện về nhà. Với cái tuổi ngoài 90, lại đang như ngọn đèn dầu sắp tắt, phải chăng đây là dấu hiệu báo trước điềm chẳng lành…Và chỉ khoảng 10 phút sau, tôi nhận điện thoại từ con gái ông, cô Hoàng Bích Nga báo tin với giọng đẫm nước mắt: “Anh ơi, ba em đi rồi, lúc…”.
           1 giờ 20 phút sáng ngày 26 tháng 3 năm 2012 nhà văn hóa, nhà văn, dịch giả Hoàng Hữu Đản vĩnh biệt người thân, vĩnh biệt thế gian- nơi ông tạm trú 91  năm với biết bao hạnh phúc , vui, buồn.
          Thuở nhỏ, ông Hoàng Hữu Đản học trường Dòng , ông theo Kito giáo, dòng Francesco, tên thánh của ông là Jose Maria.
          Jose Maria Hoàng Hữu Đản sinh ngày 3 tháng 4 năm 1922, suốt đời làm nghề dạy học tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh. Và tới những năm tám mươi của thế kỷ trước, ông bà chuyển vào thành phố Sài Gòn định cư cùng các con.
          Yêu văn chương và dịch thuật, ông về hưu từ tuổi 53 (1975) để chuyên tâm sáng tác và dịch thuật.
          Phần dịch, chủ yếu nhà văn Hoàng Hữu Đản dịch văn học Pháp từ cổ, cận đến hiện đại. Ông chọn lọc khá kỹ các tác phẩm tiêu biểu của các tác giả nổi tiếng như Victor Hugo, Corneille, Gustave Flaubert, Emille Zola, Jacqueline Pagnol, Philippe Devillers…trong đó có thơ, kịch, tiểu thuyết.
         Đặc biệt phải kể đến mảng dịch văn học Hy Lạp như hai tuyển tập bi kịch và hài kịch của các kịch tác gia Eschyle, Sophocle, Euripide, Aristophane và hai trường ca Iliade và Odysse’ của Homere.
          Với hai trường ca bất hủ của Homere, ông dịch rất thành công, chuyển thể bằng thơ như nguyên tác với lối cấu trúc câu thơ sáu nhịp của thơ ca cổ đại Hy Lạp.
          Quả thật với hai tác phẩm ngót hai ngàn trang, gồm hơn 30.000 câu thơ chứa đựng nhiều thể loại như sử thi, trữ tình, bi kịch, hùng biện, tự sự, miêu tả là cả một sự thách đố với người dịch.
          Hai trường ca vĩ đại này trước ông chưa có ai dịch được và nó sẽ làm nản lòng những ai muốn làm một bản dịch khác. Các thế hệ học sinh, sinh viên sẽ mãi mãi biết ơn ông, bởi trước đây họ chỉ được đọc theo bản tóm tắt bằng văn xuôi, với khoảng trên dưới 100 trang của nhà giáo Phan Thị Miến dùng làm giáo trình giảng dạy ở cấp đại học.
         Sơ lược về sự nghiệp dịch thuật của ông là như vậy, còn điểm sang sự nghiệp sáng tác, dường như nhà văn Hoàng Hữu Đản thiên về thể loại kịch. Năm 1980, ông viết vở kịch lịch sử đầu tay: “Bí mật vườn Lệ Chi”. Vở kịch được Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trao giải kịch bản. Nhưng không có đoàn nào dựng. Mãi sau đoàn kịch nói IDCAP thành phố Hồ Chí Minh đưa lên sân khấu, lập tức trở thành một hiện tượng với hàng trăm đêm diễn, đêm nào khán giả cũng kín rạp.
         Tôi mê vở “Bí mật vườn Lệ Chi” vì kính trọng bản lĩnh sáng tác của nhà văn Hoàng Hữu Đản. Tuy là tác phẩm kịch đầu tay, nhưng ông khám phá lịch sử và lật tung nó lên để tìm ra bộ mặt thật của nó chứ không cả tin vào những điều mà các sử gia đã viết. Trong lời đề từ nơi trang 8, ông đã khả nghi tới vị chủ biên bộ Đại Việt sử ký toàn thư : “Sử thần Ngô Sĩ Liên có thể là không biết, hoặc là có thể biết mười mươi mà không dám nói ra”(sự thật).
        Nhà văn đi vào cốt lõi của vấn đề, ông viết : “ Vụ án này không phải là vấn đề “oan hay không oan” của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, bởi đây thực chất không phải là một vụ án. Cái mà lịch sử gọi là “Vụ án vườn Lệ Chi” chính ra là một vấn đề khác”.
       Rồi ông kết luận: “Vụ án vườn Lệ Chi thực chất là màn kết thúc sơ bộ của một âm mưu đảo chính, giành giật và củng cố ngôi báu, do một người đẹp trong nội cung chủ trương”.
       Và nhà văn lần gỡ những điều khuất lấp trong lịch sử theo hướng này. Do xác định đúng hướng, nên vở “Bí mật vườn Lệ Chi” của nhà văn Hoàng Hữu Đản đã giải mã  những điều khuất lấp của lịch sử, vì vậy mà được khán giả hâm mộ.
       Còn một vở kịch khác của nhà văn Hoàng Hữu Đản tuy chưa được công diễn, nhưng tôi nghĩ sức hấp dẫn của nó chắc không thua vở “Bí mật vườn Lệ Chi”. Đó là vở “Bằng quân công Nguyễn Hữu Chỉnh”.
       Ta nhớ trong Hoàng Lê nhất thống chí”, các tác giả của Ngô gia văn phái đã vẽ ra một Nguyễn Hữu Chỉnh như là một nhân vật phản diện. Nhưng Hoàng Hữu Đản kiên quyết gạt bỏ: “Cần dứt khoát xóa bỏ những nhận xét chủ quan sai lầm, mâu thuẫn, thành kiến của Hoàng Lê nhất thống chí, từng làm cho bao người suy nghĩ méo mó rằng Nguyễn Hữu Chỉnh là một người xảo quyệt, gian trá, gian hùng, cơ hội, đáng ghét, nghĩa là một người xấu xa của xã hội… Nhận xét như vậy là sai, là hồ đồ, là oan, là vô căn cứ, là có tội với lịch sử, với các vị tiền bối của chúng ta”.
         Nguyễn Hữu Chỉnh đã từng có lời phê phán nghiêm khắc với Ngô Thì Nhậm: “Bác bỏ mệnh của cha trước triều đình, phô bầy lỗi của cha với cả nước, đó là việc đại bất hiếu”. Theo nhà văn Hoàng Hữu Đản: “Có thể chính cái giọng gay gắt kia của Ngô gia văn phái đối với Nguyễn Hữu Chỉnh là xuất phát từ câu phê phán của ông đối với Ngô Thời Nhậm, tác giả chính của Ngô gia văn phái”.
         Tôi ao ước sẽ có một ngày vở “Bằng Quân công Nguyễn Hữu Chỉnh” được công diễn. Đương nhiên nhà văn Hoàng Hữu Đản còn sáng tác nhiều vở kịch cũng như thơ văn khác, nhưng tôi đặc biệt lưu ý tới hai tác phẩm “Bí mật vườn Lệ Chi” và “Bằng Quận công Nguyễn Hữu Chỉnh”.
        Nhà văn hóa, nhà văn, nhà dịch thuật tài năng Hoàng Hữu Đản quả là một người có bản lĩnh học thuật, bản lĩnh cả trong sáng tác và trong dịch thuật. Những cống hiến đầy ấn tượng của ông trong sự nghiệp văn chương sẽ còn sức sống trường tồn với thời gian .
         Trước giờ lâm chung, ông nhìn các con âu yếm và khẽ mấp máy đôi môi với lời nói nhẹ như sương khói : Bây giờ ba phải về với Chúa!.
          Nhà văn Hoàng Hữu Đản ra đi trong sự tiếc thương của người thân, bạn bè và độc giả. Kính chúc hương hồn ông an lạc trong xứ sở thanh bình của Chúa.
 Và xin mượn lời thơ của thi hào Victor Hugo cũng trong bài “Lời trên bãi cát” để vĩnh biệt hương hồn ông:
                                             Tắt rồi hình dáng yêu thương
                                     Lòng ta trĩu nặng chiều buông bóng dài
                                              Đất ơi! Sương phả núi đồi…
                                                      Hà Nội 27.3.2012
                                                             HQH