Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Gặp người "lang thang" dưới chín tầng trời

Hoài Giang
Chủ nhật ngày 1 tháng 4 năm 2012 1:42 PM
 
 Chiều nay 22/3/2012 sau khi Lễ trao giải Văn Nghệ Hạ Long lần thứ VII kết thúc tốt đẹp. Hoài Giang đã có cuộc trao đổi với nhà văn Dương Hướng - người đoạt giải Nhất về Văn học của giải (VNHL) với tác phẩm Dưới chín tầng trời.
- Hoài Giang (HG): Thưa nhà văn! Trước hết xin chúc mừng nhà văn lần thứ hai đăng quang ngôi “Vương” trong giải Văn nghệ Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh.
- Nhà văn Dương Hướng (DH): Cám ơn bạn đã có lời chúc Hoành tráng… (cười)
- HG: Thưa nhà văn! Nếu tôi không nhầm thì từ khi công bố kết quả chấm giải Văn nghệ Hạ Long lần thứ VII đã có không ít lời dị nghị trái chiều về tác phẩm Dưới chín tầng trời của ông, nên việc trao giải mới bị kéo dài cho đến tận hôm nay (22/3/2012), ông nghĩ sao về điều này?
- DH : Lời dị nghị ở các giải thưởng văn chương là chuyện thường tình tôi không quan tâm! Chuyện khen chê cũng là quyền của mỗi người! Thật đáng buồn khi tác phẩm của mình ra đời lại chả có ai quan tâm. Tôi tin lẽ phải đúng sai sẽ được dư luận đông đảo cả nước đánh giá công bằng. Sự khen chê một tác phẩm văn học nó chứng minh cho trình độ cao thấp, và cả đẳng cấp của người đọc nó. Chỉ có điều đáng buồn là sang thế kỷ hai mốt mà vẫn còn có người “soi” văn như của cái thời “Nhân văn giai phẩm”…Phải mất thời gian công sức của lãnh đạo hội và tỉnh phải làm những thủ tục cho việc xét giải nó sáng rõ ra... Trong thực tế đã có những dị nghị lại nằm ngoài yếu tố văn chương…Điều quan trọng những người làm công tác lãnh đạo văn nghệ phải công tâm và sáng suốt đánh giá cho đúng…
- HG: Thưa nhà văn! Nếu so sánh giữa hai nhân vật: Bí thư tỉnh ủy Hoàng Kim với cái ông “Thái thượng hoàng” Trần Tăng trong hai cuốn tiểu thuyết Bí thư tỉnh ủy của nhà văn Vân Thảo và Dưới chín tầng trời của ông, người đọc có thể thấy sự trong sáng đến tuyệt vời của nhân vật Nguyên mẫu là ông Hoàng Kim Ngọc Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc và sự đồi bại, tha hóa biến chất, đểu giả đến kinh tởm của ông “cốp” Trần Tăng. Có nhân vật nguyên mẫu nào không thưa ông?
- DH: Ngay khi tác phẩm xuất bản đã có tới hàng chục người trực tiếp hỏi tôi nhân vật Trần Tăng là ai? Người bảo có phải là ông A? Người bảo có phải ông B ? Người lại hỏi có phải ông C không?... Tôi giật mình nghĩ sao lại có lắm kẻ giống Trần Tăng thế. Nếu đọc tiểu thuyết mà suy luận kiểu đọc ký hay đọc báo cáo tổng kết thì nguy! Như nhân vật Chí Phèo của Nam Cao xưa thì thử hỏi nước Nam mình có bao nhiêu Chí Phèo?...(Cười)
Còn đem so sánh hai nhân vật Kim Ngọc và Trần Tăng thì tôi tạm gọi là sự đối lập giữa Sáng và tối như “Bóng đêm và mặt trời vậy”.
- HG: Khi viết về nhân vật Trần Tăng và một số nhân vật điển hình khác trong tác phẩm, ông có lo ngại khi nghĩ đến búa rừu dư luận bởi những  quan điểm bảo thủ, quy chụp săm soi đối với mình không thưa nhà văn?
- DH: Là nhà văn chân chính thì không được phép né tránh hiện thực. Nếu sợ sự săm soi thì không thể viết được tác phẩm có giá trị. Có sợ chăng là sợ sự hèn kém của mình và sợ sự coi thường của độc giả.
- HG: Thưa nhà văn! Là người cầm bút viết văn ở Quảng Ninh cho tới thời điểm này ông có thấy sự trở ngại gì trong việc tự do sáng tác hay không?
- DH: Không! Chưa có sự can dự chính thức nào của cơ quan pháp luật đối với tôi. Chỉ có điều mình cũng phải lựa chọn cách thể hiện thế nào, và tới tầm nào cho nó “êm” để thể hiện những vấn đề nhạy cảm, và những hạn chế của thời đại, hạn chế của lịch sử... nói tóm lại nhà văn có tài phải vượt lên trên mọi rào cản…
 
- HG: Thưa nhà văn! Sau khi đoạt giải nhất về Văn học trong giải Văn Nghệ Hạ Long lần thứ VII, ông nghĩ gì về sự quan tâm của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đối với đội ngũ văn nghệ sĩ Quảng Ninh?
- DH: Thú thực trong những ngày xét giải, tôi cũng nhận được rất nhiều thông tin khác nhau về kết quả của giải thưởng. Nhưng khi công bố kết quả giải thưởng trên báo chí, và có một vài ý kiến của cá nhân khiếu nại lên tới chủ tịch tỉnh. Nhưng cuối cùng giải thưởng đã đi đến thống nhất như đã công bố. Kết quả này phải nói tới sự sáng suốt của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo hội văn nghệ đã có cái nhìn rất đúng đắn, rất mới của những người làm công tác quản lý văn nghệ sẽ được dư luận  đồng tình. Tôi cho đây cũng là điều đáng mừng cho giới văn nghệ sỹ tỉnh nhà.

- HG: Là một nhà văn “gạo cội” trong làng văn nghệ, ông muốn nói gì với những người cầm bút sáng tác ở Quảng Ninh?
- DH: Tôi chỉ có một ước muốn duy nhất là tất cả các văn nghệ sỹ chúng ta có nhiều tác phẩm hay. Còn chuyện của làng văn nghệ thì luôn có những mâu thuẫn vui buồn chẳng bao giờ hết.
- HG: Vâng ! xin cảm ơn nhà văn, chúc nhà văn có thêm nhiều tác phẩm đặc sắc hơn nữa trong sự nghiệp văn chương của mình.
HG thực hiện