Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Thể thao chính trường

Phan Nguyễn
Thứ bẩy ngày 31 tháng 3 năm 2012 4:29 AM
 
      Các cuộc đua tranh quyền lực thời hậu khủng hoảng kinh tế-tài chính trong “Thế giới phẳng” vừa sôi động vừa đầy kịch tính. Ở nước Nga trận đấu đã ngã ngũ. Đương kim Thủ tướng Putin đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 3 với kết quả gần như đã dự liệu được từ trước vì đại đa số cử tri Nga đã trải nghiệm và thấy rõ được tài năng và đức độ của ông Putin trong hai nhiệm kỳ tổng thống (2000-2008). Ông đã đưa nước Nga trở lại chính trường thế giới với sự phát triển kinh tế tương đối khả quan. Nổi tiếng là đanh thép nhưng ông cũng đã không kiềm chế nổi nước mắt trong đêm 4/3 trước bàn dân thiên hạ khi tuyên bố chiến thắng ở trung tâm Mátxcơva với kết quả gần 64% số phiếu bầu trong khi người về nhì là Chủ tịch đảng Cộng sản Gennady Zyugano cũng chỉ có được 17% số phiếu.
Trong cuộc đua tranh vào Điện Kremlin lần này ông Putin có 4 đối thủ là tỷ phú Mikhail Prokhorov, Chủ tịch Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF) Ghennady Ziuganov, Chủ tịch đảng Tự do-Dân chủ Nga (LDPR) Vladimir Girinovsky và thủ lĩnh đảng Nước Nga Công bằng (SR) Sergei Mironov. Cho dù ông Putin với cương vị Thủ tướng đang ở thế thượng phong, nhưng trong “thể thao chính trường” đôi khi vẫn có sự cố “ngã ngựa” ở phút chót, đặc biệt là khi phe đối lập muốn có “mùa xuân Mátxcơva” vì nước Nga cũng đang còn có quá nhiều vấn đề cấp bách và nhức nhối cần phải giải quyết. Để chinh phục cử tri Nga, ngoài tranh luận công khai trên truyền hình, lần này ông Putin còn liên tiếp trình làng các bài báo để bày tỏ cương lĩnh tranh cử tổng thống cùng quyết tâm chính trị của ông. Ưu tiên hàng đầu mà ông nhấn mạnh là dân chủ hóa hệ thống chính trị Nga vì đây là điều kiện tiên quyết cho phát triển kinh tế bền vững trong thế kỷ XXI khi Nga đã trở thành hội viên của câu lạc bộ WTO vào cuối năm 2011.
Ngày 19/3, Tòa án Hiến pháp của nước Pháp đã công bố danh sách chính thức 10 “vận động viên” sẽ tranh đua vào điện Elysé vào ngày 22/4 và 6/5 tới, trong đó có đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy. Tổng thống Sarkozy đã gây được ấn tượng bới những nỗ lực của ông cùng các đồng sự đặc biệt là Thủ tướng Đức Merkel trong cuộc chiến cứu đồng euro trong cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng tiền chung châu Âu. Ông cũng đã ghi điểm trong vai trò trung gian hòa giải quan hệ của Nga với Grudia trong cuộc chiến tháng 8 năm 2008. Tuy nhiên tiêu điểm của cuộc đua tranh vào Điện Elysé lần này lại là các vấn đề trong nước trong đó mũi nhọn là làm sao có thể đưa nước Pháp thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn còn đang chưa dừng ở châu Âu. Trong 9 ứng cử viên còn lại thì đối thủ nặng ký nhất của Tổng thống Sakozy là ông Francois Hollande - nhà lãnh đạo Đảng Xã hội PS từ năm 2008. Dư luận đang chờ đợi xem ứng cử viên cánh tả này liệu có thể dẫn đầu trong vòng một của cuộc bầu cử vào ngày 22-4 tới như một số dự đoán hay không.
Cuộc chạy đua vào Nhà trắng ở Mỹ cũng đã khởi động. Hai đảng lớn là Dân chủ và Cộng hòa đã bắt đầu cuộc đua tranh ngay trong nội bộ từng đảng để bầu chọn 1 ứng cử viên đại diện ra tranh cử Tổng thống vào tháng 9 tới. Các ứng cử viên có thể lựa chọn tham vấn các cử tri thông qua một cuộc họp kín (gọi là caucus) hoặc qua một cuộc bỏ phiếu sơ bộ. Tại “caucus”, các cử tri tập hợp lại vào buổi tối thành các nhóm nhỏ trong các khu dân cư, trường học hoặc tại nhà của thành viên nào đó để tranh luận và lựa chọn một trong những nhân vật “ngấp nghé” đủ tiêu chuẩn ra tranh tài, có thể bằng cách giơ tay biểu quyết hoặc bằng cách bỏ phiếu. Rồi các đại biểu lựa chọn ra người đại diện đi tham dự đại hội. Năm nay, 14 bang của nước Mỹ tổ chức các cuộc họp kín như vậy. Còn bầu cử sơ bộ là cuộc bầu cử truyền thống bằng phiếu kín, diễn ra trong một ngày cho phép cử tri bỏ phiếu ủng hộ một trong các ứng viên tiềm năng.
Ứng cử viên sáng giá của đảng Dân chủ hiện là đương kim Tổng thống Obama, do vậy mà các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ chắc hy vọng sẽ thuận buồm xuôi gió trong năm 2012. Ở một số bang, nhất là tại New Hampshire, một vài nhân vật không nổi tiếng đã quyết định tham gia tranh tài với ông chủ hiện tại của Nhà Trắng để cho cuộc đua tranh trong đảng này đỡ vắng lặng. Còn kết quả của đại hội đảng từ ngày 3-6/9 tới tại Charlotte ( Bắc Carolina) để chọn một đại biểu của đảng Dân chủ ra tranh cử Tổng thống thì dường như là đã rõ: sẽ không ai khác ngoài đương kim Tổng thống Obama nếu như không có sự cố đột biến nào trong thời gian tới vì trong lịch sử chính trị Mỹ đã từng xảy ra vụ hạ sát Tổng thống John F. Kennedy.
Lúc đầu đã có tới 7 anh tài tuyên bố tham gia vào cuộc đua giành ghế đại biểu của đảng Công hòa để ra đấu với đại biểu của đảng Dân chủ.  Đó là các ông Mitt Romney, Michelle Bachmann, Rick Perry, Rick Santorum, Jon Huntsman, Ron Paul và Newt Gingrich.  Nhưng hiện nay chỉ còn có 4 ngôi sao là ông Mitt Romney - cựu thống đốc bang Massachusetts, ông Newt Gingrich - nguyên Chủ tịch Hạ viện, ông Ron Paul - Chủ tịch Tiểu ban công nghệ và chính sách tiền tệ trong nước thuộc Ủy ban các vấn đề tài chính của Hạ viện và ông Rick Santorum - cựu Chủ tịch Hội nghị thượng nghị sĩ Cộng hòa. Trong cuộc vận động tranh cử tại Illinois ngày 20/3 vừa rồi, hai ứng cử viên hàng đầu mà Mitt Romney và Santorum liên tục tấn công nhau. Cựu thượng nghị sỹ Santorum tập trung vào các vấn đề xã hội, chỉ trích chính sách bảo hiểm y tế của ông Romney, phủ nhận đối thủ của mình không theo trường phái bảo thủ, không tạo ra được nhiều việc làm hồi còn là cựu thống đốc bang Massachusetts. Còn Romney lại gọi ông Santorum là đối thủ hạng nhẹ, không có kinh nghiệm gì về vấn đề quan trọng của nước Mỹ hiện nay là kinh tế.
Các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa đã khởi động từ ngày 3/1/2012 tại Iowa và sẽ kết thúc vào ngày 26/6 tại Utah. Trong các cuộc bầu cử sơ bộ đóng của đảng Cộng hòa, chỉ có các cử tri đã đăng ký là người Cộng hòa mới có thể tham gia. Còn các cuộc bầu cử sơ bộ nửa đóng cho phép các cử tri không phải là thành viên đảng Cộng hòa cũng có thể tham gia chẳng hạn một cử tri đăng ký là người Dân chủ có thể bỏ phiếu cho các đại biểu Cộng hòa. Mỗi ứng cử viên đảng Cộng hòa phải giành tối thiểu 1.144  trong tổng số 2.284 suất ghế đại biểu tham dự đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa vào cuối tháng 8-2012 tại bang Florida. Đến ngày 20/3, ông Romney đã nhận được 521 suất ghế đại biểu, gấp đôi ứng cử viên đứng ở vị trí thứ hai là cựu thượng nghị sỹ Santorum mới nhận được 253 suất ghế đại biểu. Người đứng ở vị trí cuối cùng là hạ nghị sỹ Ron Paul chỉ giành được 50 suất ghế đại biểu. Cuộc đua vẫn tiếp tục, chưa có “vận động viên” nào có ý định bỏ cuộc. Đại hội của đảng Cộng hòa năm 2012 sẽ diễn ra tại Tampa, Florida từ ngày 27 đến ngày 30/8. Để giành được chiến thắng, ứng cử viên phải thu được đa số phiếu, tức là ít nhất 1142 số phiếu của các đại biểu có mặt. Bình thường thì chỉ một vòng duy nhất là đủ, nhưng năm nay thì cũng chưa dự đoán được.
Sau đại hội đảng, ứng viên duy nhất của đảng Cộng hòa và Dân chủ mới bắt đầu trực tiếp đối đầu trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, đặc biệt là trong các cuộc đấu khẩu trên truyền hình. Các ứng viên độc lập không thuộc đảng Cộng hòa hoặc Dân chủ cũng có thể tiến hành tranh luận trên truyền hình nhưng không bắt buộc. Cả thế giới đang hồi hộp chờ đợi xem ai sẽ là ông chủ của nước Mỹ trong 4 năm tới vì điều này sẽ có ảnh hưởng lớn tới các chiều hướng chính trị và an ninh quốc tế.