Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Về "Bốn cái giật mình" của Trịnh Công Sơn

Nguyễn Trọng Bình
Chủ nhật ngày 1 tháng 4 năm 2012 4:59 PM

Nói về những cái… “giật mình” trong thơ hẳn những người yêu thơ sẽ không thể nào quên cái “giật mình” của nàng Kiều trong Đoạn trường tân thanh rất nổi tiếng của Nguyễn Du:
Khi tỉnh rượu lúc tàn canh
Giật mình, mình lại thương mình xót xa
Hay cái “giật mình” của Trần Tế Xương trong Sông lấp:
Sông kia rày đã lên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò
Tuy nhiên, trong bài viết này người viết muốn nói đến những lần “giật mình” của nhạc sĩ - “thi sĩ” tài hoa Trịnh Công Sơn. Cụ thể, đó là 4 lần “giật mình” của Trịnh Công Sơn trong “bài thơ” Bên đời hiu quạnh:
- Lần thứ nhất: Giật mình vì tiếng hát của chính mình
Một lần chợt nghe quê quán tôi xưa
Giọng người gọi tôi nghe tiếng rất nhu mì
Lòng thật bình yên mà sao buồn thế
Giật mình nhìn tôi ngồi hát bao giờ
- Lần thứ hai: Giật mình vì tiếng khóc tiếng của chính mình
Rồi một lần kia khăn gói đi xa
Tưởng rằng được quên thương nhớ nơi quê nhà
Lòng thật bình yên mà sao buồn thế
Giật mình nhìn tôi ngồi khóc bao giờ
- Lần thứ ba: Giật mình vì con phố xa lạ với mình
Đường nào quạnh hiu tôi đã đi qua
Đường về tình tôi có nắng rất la đà
Đường thật lặng yên lòng không gì nhớ
Giật mình nhìn quanh ồ phố xa lạ
- Lần thứ tư: Giật mình vì giọt nước mắt trong giấc mơ (về sự chết chóc) của chính mình
Đường nào dìu tôi đi đến cơn say
Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời
Dù thật lệ rơi, lòng không buồn mấy
Giật mình tỉnh ra, ô nắng lên rồi.
***
Nếu như Nguyễn Du giật mình vì sự nghiệt ngã của cuộc đời khi đã nhẫn tâm chà đạp thân phận của những “khách má hồng” trong xã hội cũ; Tú Xương giật mình vì sự “dâu bể thăng trầm” trong buổi giao thời nhốn nháo thì Trịnh Công Sơn có lẽ “giật mình” vì trong một lần “về soi bóng mình giữa tường trắng lạnh câm” mới ngậm ngùi nhận ra rằng mình đã bị lưu lạc, tha hương tự bao giờ - một sự lưu lạc và tha hương tồn tại ngay trong tiềm thức của người nghệ sĩ vốn hiểu rất rõ trần gian này thật ra chỉ là cái quán trọ (ta nay ở trọ trần gian)! Thử bàn về lần “giật mình” thứ hai của Trịnh Công Sơn trong “bài thơ” này sẽ thấy:
Rồi một lần kia khăn gói đi xa
Tưởng rằng được quên thương nhớ nơi quê nhà
Lòng thật bình yên mà sao buồn thế
Giật mình nhìn tôi ngồi khóc bao giờ!
Đọc những “câu thơ” này của Trịnh Công Sơn chợt nhớ đến hai câu thơ trong bài Tràng giang nổi tiếng của cố nhà thơ Huy Cận: “Lòng quê dợn dợn vời con nước/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”. Dù phải thừa nhận Tràng giang là một trong những bài thơ hay của thơ ca hiện đại Việt Nam, tuy nhiên nếu để so sánh riêng về ý thơ, về cách thể hiện tâm trạng nhớ nhà, nhớ quê của chủ thể trữ tình, với quan điểm cá nhân xin phép được chọn cách thể hiện của Trịnh Công Sơn.
Quả là một cách thể hiện nỗi nhớ nhà, nhớ quê rất độc đáo: nói về sự nhớ thông qua tâm trạng “tưởng rằng được quên”! Thử hình dung, “khăn gói đi xa” là để mong “được quên thương nhớ nơi quê nhà” nhưng nào quên được mà ngược lại nỗi nhớ nhà càng thêm day dứt hơn. Day dứt đến nỗi một lần kia bỗng “giật mình” vì tâm trạng nhớ nhà đã “chuyển hóa” thành tiếng khóc tự bao giờ, khóc mà không biết mình đã khóc, đang khóc! Lưu lạc, tha hương và nhớ nhà dường như đã tồn tại tâm tưởng, trong tiềm thức lâu lắm rồi! Có thể nói không ngoa rằng, với “câu thơ”, “tứ thơ” này, Trịnh Công Sơn đã chạm đến cái nỗi niềm sâu kín, dễ vỡ, dễ chạnh lòng, dễ xúc động, dễ bật khóc thậm chí dễ bị tổn thương nhất của những người vì lý do nào đó phải lâm vào cảnh tha hương, lưu lạc! Phải là người nghệ sĩ có trái tim lớn – trái tim đa mang và luôn biết thổn thức trước những cảnh ngộ của cuộc đời mới có thể viết hay như vậy!
***
Tóm lại, có thể nói, cả bốn lần “giật mình” của Trịnh Công Sơn trong Bên đời hiu quạnh là cả bốn lần tiềm thức lên tiếng: “giật mình nhìn tôi hát”, “giật mình nhìn tôi khóc”, “giật mình nhìn con phố xa lạ”; “giật mình vì giấc mơ và sự chết chóc không có thật”. Dường như mỗi lần “giật mình” là mỗi lần “kẻ du ca” thấm thía sự cô đơn lạc lỏng của chính mình giữa mênh mông cuộc đời. Và phải chăng, cái làm cho âm nhạc, làm cho ca từ - “lời thơ” của Trịnh Công Sơn có sức ảnh hưởng và “công phá” (nhẹ nhàng nhưng không kém phần quyết liệt) vào tâm hồn của nhiều lớp người Việt Nam chính là nhờ những lần “giật mình” rất nhân văn này. Những lần “giật mình” giúp mọi người phần nào hiểu thêm cái “không gian tâm tưởng” mang “thương hiệu”… Trịnh Công Sơn. Đó là cái “không gian” riêng của người nghệ sĩ luôn biết “tự vấn bản thân” sau mỗi biến cố của cuộc đời; lúc nào cũng biết “thu” mình lại (tôi thu tôi bé lại); biết “lắng nghe ta” (đôi khi ta lắng nghe ta); biết “soi bóng mình” (Người về soi bóng mình/ Giữa tường trắng lặng câm); biết “nghiêng đời xuống/ Nhìn suốt một mối tình/Chỉ lặng nhìn, không nói năng”... để mà sống mà cư xử với con người với cuộc đời một cách có trách nhiệm. Bởi dù sao thì:
“Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”!
--------------------------------------------
Nguyễn Trọng Bình
moingaymotbaitho.blogspot.com