Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NỖI ĐAU NỞ ĐÓA YÊU THƯƠNG

Trần Vân Hạc
Thứ bẩy ngày 11 tháng 2 năm 2012 9:06 PM

KHÔNG GIỜ LÀ ĐÊM CHƯA
Bàng Ái Thơ - (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam)

Giữa vòng quay thế kỷ tôi như kẻ lạc loài
Lại mỗi ngày chùng chân mình quanh quẩn
Con tim nhậy bén cơ hồ như đã mất
Mắt khô đêm nghe tuyệt vọng giằng co
Đêm mòn hao ai tước đoạt những gì
Đêm cồn cào bởi đêm chẳng loãng
Ôm ước mơ chân thật mà cô đơn thảm loạn
Sự sợ hãi nào làm rêu phong đời tôi
Đành quên dần những cảm giác nghỉ ngơi
Điểm từng canh buông mình trôi trên phố
Chợt nhớ về những bước chân đã lỡ
Để quên rồi xưa phố thoảng hoàng lan 
Níu giấc mơ nuối tiếc lại vuột tan
Gom hối hả chuỗi sâu thành mộng mị
Giữa sống đời đặt mình trong hạn chế
Tôi giấu tôi vào kiêu hãnh mặt đời
Úp lòng tay lên mặt cạn khô ý nghĩ rồi
Đêm thật đêm xin một lần về lại
Tôi sẽ bước vào lòng đêm ấy
Dành lại những sát na siêu nhỏ chốn hoài nghi
Lấp đầy những khoảng trống trái tim
Mai trở dậy niềm vui không phờ phạc
Đợi không giờ
 đợi đêm
  loài sâu rên mê mệt
Phố ứa đêm sao vẫn trắng mặt người
( Rút trong tập: "Mắt lặng", NXB Hội nhà văn, năm 2011)
Đôi lời của Vân Hạc:
Tôi hình dung một người phụ nữ nhỏ bé, đơn côi, thảng thốt giữa mênh mông đêm trắng: "Không giờ đã là đêm chưa" ? Cái khoảng khắc của ngày cũ sang ngày mới ấy chất chứa những khổ đau, những hy vọng và tan vỡ, có lúc cả sự tuyệt vọng, đến mức tưởng như tâm hồn đã "rêu phong". Kỳ diệu thay, trong cái tưởng như tận cùng khổ đau ấy lại dồn nén, ấp ủ những khát khao cháy bỏng, như đốm lửa nồng ấm trong tim, cháy lên ngọn lửa tình yêu và cuộc sống.
Có lẽ thời điểm "không giờ" kia không đơn thuần là khoảng khắc chuyển tiếp của ngày mà còn là bước ngoặt của cuộc đời chị, khi số phận nghiệt ngã tưởng chừng đã bẻ gẫy được nghị lực sống của con người:
Giữa vòng quay thế kỷ tôi như kẻ lạc loài
Lại mỗi ngày chùng chân mình quanh quẩn
 Giữa vòng quay của cuộc sống, của tuần hoàn vũ trụ, chị bơ vơ như con thuyền không bến giữa dòng xoáy cuộc đời, không còn nước mắt khóc cho phận người bị số phận vùi dập đến tận cùng đau khổ.
Ôm ước mơ chân thật mà cô đơn thảm loạn
Sự sợ hãi nào làm rêu phong đời tôi
 Câu thơ khiến người đọc gai người. Ước mơ và hiện thực đối lập thật lạnh lùng, đẩy con người vào đường cùng, khiến tâm hồn già cỗi, chai sạn. Có lúc chị như đã buông xuôi, bấn loạn, cam chịu sự sắp đặt khắc nghiệt của số phận, mỗi lúc nhớ lại chặng đường chông gai đến lạnh người, là lại thêm một lần cố quên đi những khát vọng bay bổng của một thời tuổi trẻ.
Chợt nhớ về những bước chân đã lỡ
Để quên rồi xưa phố thoảng hoàng lan
 Mỗi lần hy vọng lại một lần tan vỡ,  mỗi lần mở vòng tay lại một lần  nhận về bao đau khổ đến mức sợ hãi, cứ ngỡ chị sẽ bị con sóng đời cuốn trôi nhưng không, bản lĩnh tiềm ẩn của con người khi bị dồn đến chân tường chợt vùng lên.
Tôi giấu tôi vào kiêu hãnh mặt đời
 Sự kiêu hãnh ấy có được từ niềm tin của một con người không chỉ có nghị lực vững vàng mà còn nồng ấm một trái tim khát sống, khát yêu, đầy lòng vị tha nhân ái.
 Bao chìm nổi trong bể khổ, vẫn le lói một nỗi niềm rất thật của chị: "Đêm thật đêm xin một lần về lại". Cái "đêm thật đêm" ấy phải chăng là tình yêu và hạnh phúc đích thực mà chị hằng khao khát, phấn đấu, thậm chí phải giành giật từ bàn tay lạnh lùng, khắc nghiệt của số phận và nếu có một phép màu trở thành hiện thực, dẫu chỉ một lần thôi, chị sẽ nâng niu và dâng hiến hết mình: "Tôi sẽ bước vào lòng đêm ấy", trân quí từng khoảnh khắc nhỏ nhất của hạnh phúc, gom góp vá lại trái tim trống trải đang ứa máu đớn đau.
Bài thơ khép lại nhưng gợi bao suy tư trăn trở về  thân phận, về tình yêu và hạnh phúc, từ "đợi" được nhắc lại hai lần đầy khắc khoải, khát khao.
Trong thơ chị, cái ảo với cái thực đan xen để diễn tả nội tâm, tạo một hiệu quả mỹ cảm, thấm vào lòng người đọc, mỗi chữ, mỗi câu như chắt ra từ những khổ đau, những trải nghiệm và khao khát của cuộc đời chị. Nỗi đau, nỗi buồn trong thơ chị không bi lụy, yếm thế. Nếu có ai đọc thơ chị mà lòng rưng rưng, xin hãy chia sẻ cùng chị: "Nếu biết khóc, khóc cho trai nhả ngọc" (Những mắt phố buồn).
 

Hà Nội 8.2.2012
         Trần Vân Hạc