(NHÀ VĂN ĐÌNH KÍNH TRẢ LỜI BÁO NÔNG NGHIỆP)
PV: Theo dõi phim truyện truyền hình dài tập “Chủ tịch tỉnh” do ông viết kịch bản, biết ông rất quan tâm đến vấn đề nông thôn và nông dân, vậy theo ông, vấn đề gì là nhức nhối nhất đối với người nông dân ở nông thôn hiện nay?
ĐK: Tư liệu sản xuất chủ yếu của người nông dân là đất, nên vấn đề nhức nhối nhất hiện nay không gì khác hơn là vấn đề ruộng đất. Ruộng đất cho nông dân là mục đích xuyên suốt trong quá trình thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ mấy chục năm qua. Người nông dân hăng hái đi theo cach mạng, đi theo đảng cũng bởi khâu hiệu “người cày có ruộng”. Khẩu hiệu đó hợp với lòng người, phù hợp với mong muốn, ước nguyện của nông dân. Và nông dân tin vào đảng bởi đảng đã thực hiện được mục tiêu đề ra.
Bao đời nay người nông dân chỉ biết dựa vào đất để sống, để phát triển. Người nông dân yêu đất nên đất không phụ họ. Nay để tiến hành hiện đại hóa công nghiệp hóa, không ít nông dân mất đất. Hiện đại hóa, công nghiệp hóa là quy trình tất yếu để phát triển, một số đất nông nghiệp cần được sử dụng để thực hiện mục tiêu đó. Nhưng có nhất thiết thu hôi những mảnh đất màu mỡ để làm quá nhiều sân gôn rồi bỏ hoang không? Rất nhiều nơi giải quyết việc thu hồi đất, và những việc hậu thu hồi đất chưa hợp lý, chưa bình đẳng, không có tình, đền bù chưa thỏa đáng… Không còn đất, người nông dân đi về đâu? Hết tiền đền bù, cuộc sống trước mắt, lâu dài của họ và tương lai con cái họ sẽ ra sao? Và vân vân. Đó là nhức nhói nhất của người nông dân. Người nông dân được hưỏng quyền lợi gì trong sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa là một câu hỏi lớn cần nghiên cứu kỹ lướng. Rất cần một chủ trương mang tính chiến lược đối với nông dân, nông thôn, và nông nghiệp trong quá trình tiến lên hiện đại hóa, công nghiệp hóa.
Từ vấn đề nhức nhối về đất đai sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nhức nhối khác.
PV: Có một nhà văn từng nói rằng: Bây giờ sống ở làng sợ quá. Tệ nạn nhan nhản, nhà cửa được rào bằng thép gai, nhưng sểnh ra là mất cắp... Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Và đâu là nguyên nhân.
ĐK: Vấn đề cơ bản vẫn là vấn đề Văn hóa. Văn hóa truyền thống tốt đẹp của người nông dân ở làng xã, quan hệ giữa con người và con người, quan hệ giữa con người và thiên nhiên và nhu cầu tâm linh đang bị phá vỡ. Lối sống giản dị, thanh sạch, nền nếp, quy củ bao đời nay theo tinh thần lá lành đùm lá rách, tắt lửa tối đèn có nhau … đang dần dần mất đi. Văn hóa gốc, phong tục tập quán đang bị xuống cấp, biến dạng, bóp méo… Văn hóa xuống cấp là mảnh đất màu mỡ để các tệ nạn có đất sống, phát triển. Chúng ta đang quá chú trọng đến phát triển kinh tế mà ít quan tâm đến vấn đề văn hóa. Nên nhớ rằng văn hóa là gốc của mọi sự. Văn hóa là giá đỡ để tồn tai, ổn định và phát triển một dân tộc. Mất văn hóa là mất tất cả. Những mặt trái của cơ chế thị trường đang ào ạt tấn công vào người nông dân và nông thôn, đang phá vỡ văn hóa làng xã. Nông thôn và nông dân bao lâu nay sống trong yên bình, êm ả của văn hóa làng xã, nên khả năng đề kháng, chống đỡ trứơc sự xâm nhập của thứ văn hóa khác rất yếu, nên trước thế lực của những mặt trái ấy, lại được sự tha hóa của không ít người trong tầng lớp có chức có quyền làm đồng minh, nên sự quỵ ngã của Văn hóa làng xã tốt đẹp là khó tránh.
Nguyên nhân của các tệ nan, suy cho cùng vẫn là vấn đề Văn hóa.
Còn tại sao văn hóa xuống cấp, ta bàn vào dịp khác.
PV: Ông đánh giá thế nào về thực trạng người nông dân khiếu kiện vượt
cấp ngày càng nhiều như hiên nay?
ĐK: Khi các cấp chính quyền ở cơ sở làm mất lòng tin của người dân thì việc khiếu kiện vượt cấp là tất yếu. Nếu chính quyền cấp cơ sở công minh, chính trực, dân chủ, công tâm, và công khai, giải quyết mọi việc ở địa phương mình quản lý như tuyên ngôn: của dân, do dân và vì dân thì sẽ không còn tình trạng khiếu kiện vượt cấp.
Việc khiếu kiện vượt cấp ngày càng nhiều, chứng tỏ lòng dân đang ngao ngán và giảm đến mức báo động lòng tin của người dân vào chính quyền cấp cơ sở . Nếu gọi chính quyền là ngân hàng niềm tin thì để ngân hàng không phá sản, rất cần nhiều niềm tin gửi vào đó .
PV: Cám ơn nhà văn.