TNc: Hôm nay là ngày cuối tuần, theo thông lệ trang nhà TNc đưa bài vở hình ảnh vui nhộn cho thư giãn. Nhưng vụ Tiên Lãng đã kích hoạt bầu bạn khắp bốn phương gửi bài tới tấp nên trang nhà hôm nay hơi đậm chất Tiên Lãng. Xin bạn đọc đồng cảm...
Vụ Đoàn Văn Vươn, một tâm điểm nổi cộm, một cơn sốt nhức nhối, thu hút sự chú ý của người dân cả nước, dù nhiều việc vẫn còn phải tiếp tục, nhưng về cơ bản, mọi đen trắng cũng đã sáng tỏ qua buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ cùng với các cơ quan chức năng chiều 10 tháng 2 vừa qua. Có thể xem đó như một việc làm rất đẹp của Chính phủ.
Cũng có thể nói rằng, trong thời gian qua, Chính phủ ta đã làm được nhiều việc tốt đẹp. Và đẹp nhất là hai vụ việc rất cần được ghi nhận. Đó là cuộc giải cứu hơn một vạn người Việt Nam trong cuộc chiến tranh đẫm máu ở LIBI. Lần đầu tiên, chúng ta đã tổ chức thành công đưa hơn một vạn người dân Việt Nam thoát khỏi lửa đạn. Một công việc không thể nói là dễ dàng, nhất là trong sự suy thoái toàn cầu và những khó khăn chồng chất ở ta. Vậy mà chúng ta đã làm được một cách ngoạn mục. Và mới đây nhất là vụ việc Tiên Lãng, Hải Phòng. Kết luận của Thủ tướng là hợp tình, hợp lý. Chính phủ đã thực sự vì dân, đã lấy dân làm gốc. Và nói như một người dân Tiên Lãng: “Niềm tin vào Đảng và Chính phủ của chúng tôi đang dần được hồi sinh”. Câu nói ấy đã làm ta vui, dù niềm vui còn ít nhiều đắng đót.
Còn nhớ cách đây hơn nửa tháng, khi vụ Đoàn Văn Vươn đang thành việc nổi cộm, gây nhức nhối trong dư luận xã hội, nhiều phóng viên đã tìm đến tôi, hỏi chuyện, dù tôi chỉ là một anh “nghệ sĩ a ma tơ”, nhưng lại quan tâm đến nông dân và viết nhiều về nông dân. Tôi đã nói rằng, ông Vươn sai thế nào thì rồi sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật. Nhưng ông Vươn không phải là một nông dân thuần túy, cũng không phải là người u mê, không hiểu pháp luật. Ông Vươn là trí thức. Là kỹ sư, lại được quân đội rèn luyện trong những năm ở quân ngũ. Ông ta cũng không phải kẻ càn quấy, dám cả gan đối chọi với pháp luật. Tôi nghĩ rằng, đó là việc cực chẳng đã. Và ông ta rất hiểu cái giá mình sẽ phải trả. Biết vậy mà vẫn làm vậy. Một phản ứng tuyệt vọng và dại dột. Suy cho cùng, đó cũng chỉ là cách ứng xử quẫn bách của một anh nông dân ở bước đường cùng. Nhiều nhà phân tích và nhà tâm lý cho rằng, đó là phản ứng của anh Pha và chị Dậu. Ở thời còn tăm tối, khi bị dồn đảy đến “bước đường cùng”, chị Dậu nện lý trưởng, chánh tổng bằng bàn tay liễu yếu đào tơ của đàn bà: “chúng mày giết chồng bà thì bà cho chúng mày một trận!”, và anh Pha rút đòn càn phang bọn cường hào ngay trên thửa ruộng đẫm mồ hôi nước mắt của mình, rồi sau đó sẵn sàng tra tay vào còng, đi nhà lao. Thời hiện đại hôm nay, “ông Pha” Vươn và “bà Dậu” Hiền nện lại mấy anh “cường hào mới” theo quan niệm của ông bằng đạn hoa cải và mìn tự tạo. Những người tỉnh táo và khôn ngoan không ai làm thế. Vậy ông Vươn tỉnh hay mê? Tỉnh. Hoàn toàn tỉnh. Tỉnh nhưng lại chọn phương án xấu nhất. Phương án của kẻ mê muội, là nổ súng vào chính quyền địa phương. Nói gì thì nói, đây cũng vẫn là phương án tồi tệ nhất mà ông Vươn phải trả cái giá đắt nhất. Bản thân ông ta sẽ phải tù tội, tiếp theo nữa là tan nát cả một gia đình và phá sản cả một cơ nghiệp. Nhưng hình như ông Vươn đã chọn phương án tồi tệ nhất này để gióng lên một tiếng chuông báo động, không phải báo động về vụ việc Đoàn Văn Vươn mà là vấn đề Đoàn Văn Vươn. Đó là vấn đề đất đai. Những khuất tất sau chuyện đất đai. Chính tiếng mìn tồi tệ của Đoàn Văn Vươn, đã làm ta giật mình, tỉnh ngộ để nhận ra rằng, sự việc không đơn giản như chúng ta nghĩ. Hãy xem cách ông Vươn chọn luật sư bào chữa cho mình. Trong khi các cơ quan chức năng giới thiệu luật sư, rồi chính vợ ông Vươn cũng đã chọn luật sư. Nhưng ông đều từ chối hết, dù những người đó đều ủng hộ ông, muốn bảo vệ quyền lợi hợp pháp tới cùng cho ông. Nhưng ông Vươn chỉ chọn duy nhất một luật sư thôi, và đó là người rất hiểu ông ta, hiểu được lý do vì sao ông ta phạm tội. Ông Vươn đã trả lời phóng viên Dân Trí: “Tôi có đủ trình độ hiểu biết nhận thức rõ về sai phạm của bản thân, song tôi muốn bào chữa rõ cho tôi về nguyên nhân tôi sai phạm. Tôi đề nghị cho phép tôi được mời đích danh luật sư Nguyễn Việt Hùng - trưởng công ty luật Đông Đô, Hà Nội, là người bào chữa cho tôi trong quá trình tôi chấp hành điều tra xét xử”. Và ta hãy nghe bà Hiền, vợ ông Quý, em ruột ông Vươn nói với phóng viên báo chí, dẫn theo Giáo sư Tương Lai trên tạp chí Thế giới mới, rằng bà “không ân hận” về những gì xảy ra và gia đình bà “chấp nhận mất” để “xã hội được”. Bà biểu tỏ một thái độ rất đàng hoàng và đúng mực khi không coi vụ cưỡng chế đất đai hôm 5 tháng Giêng ở Tiên lãng vừa rồi là thi hành công vụ mà là “cướp ngày”, vì vậy gia đình bà chỉ “tự vệ quá giới hạn ”.
Vấn đề là như vậy. Đây là một bài học cay đắng. Thật tiếc cho gia đình ông Vươn và cũng tiếc cho những người quản lý ở huyện Tiên lãng. Thực tình, câu chuyện này không có gì là mới. Những việc tương tự như thế này cũng đã từng xảy ra. Theo các nhà phân tích, có đến 70% các vụ việc khiếu kiện đều liên quan đến chuyện đất đai. Theo Giáo sư Tương Lai, nhiều vụ việc đau lòng xảy ra, không phải từ những người “đày tớ của dân” mà là “những ông trời con” đang nắm lấy “cán cân công lý” vào buổi nhiễu nhương pháp luật như trò đùa, muốn nghiêng bên nào cũng được, điển hình là vụ Ba Sương, anh hùng thời kỳ Đổi mới cả cha lẫn con trên Nông trường Sông Hậu, được phong tặng danh hiệu “người phụ nữ tiêu biểu Châu Á ”, là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, vì “lực hút của đất”, từ đất nông nghiệp thành đất dự án với lợi nhuận khổng lồ, mà người phụ nữ ấy bị đẩy vòng lao lý hơn bốn năm trời, để rồi trước sức ép của dư luận người ta phải buông tha, hủy bỏ bản án! Nhưng dù sao thì Ba Sương cũng là người có “danh phận nổi trội để có thể gọi dậy dư luận, còn biết bao thân phận thấp cổ bé miệng khác thì biết kêu ai như bà Vũ Thị Hải ở Nho Quan, Ninh Bình mà báo Đại Đoàn Kết số ra ngày 30.1.2012 vừa nêu. Bà Hải cùng chồng khai hoang, trồng rừng, chồng chết vì tai nạn lao động lúc đào đất, nhưng rồi đất khai hoang của hai vợ chồng bà bị cướp sạch để rồi bà Hải lại trở thành người làm thuê ngay trên mảnh đất rừng vợ chồng bà khai hoang giờ đây chủ mới là ông ..Bí thư xã !
So với bà Hải và rất nhiều người dân đau khổ, oan ức còn chìm khuất trong bóng tối khác, ông Đoàn Văn Vươn còn có phần may mắn, vì được công luận chú ý và đích thân người lãnh đạo cao nhất của Chính Phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào cuộc và mọi việc đã được sáng tỏ. Nhưng rồi, chả lẽ, việc gì ở địa phương, muốn giải quyết được dứt điểm, Thủ tướng cũng lại phải “xắn tay” lội ruộng ư? Qua vụ việc cụ thể này, mới biết cán bộ ở cơ sở của chúng ta rất yếu kém. Một việc cỏn con như thế mà không làm được, lại để phình ra thành vấn đề lớn, đã vượt ra ngoài khuôn khổ cụ thể, đe dọa đến cả sự ổn định của quốc gia. Dư luận cũng ủng hộ cách xử lý của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, nhưng đằng thẳng mà nói, cách xử lý ấy còn quá chậm, và điều đáng buồn là việc xử lý lại chỉ diễn ra sau khi Thủ tướng đã vào cuộc. Giả sử nếu Thủ tướng không nhập cuộc, không yêu cầu Hải Phòng phải trả lời ba vấn đề rốt ráo thì liệu Hải Phòng có “ra tay” ngay không? Đành rằng việc xử lý sai phạm phải có “quy trình”, nhưng nếu quy trình mà cứ chùng trình thì chính quyền có yên được không khi lòng dân đang sôi sục? Hơn 800 bài báo viết về vụ việc, rồi đích danh ông Phó Chủ tịch Thành phố nói loanh quanh rồi đổ tội cho dân phá nhà ông Vươn, chả lẽ Lãnh đạo Thành phố lại không biết sao?
Rồi việc chỉ giải tỏa một khu đất con con mà huy động đến cả trăm công an, quân đội, biên phòng cùng với cả chó nghiệp vụ thành một cuộc tao loạn, dẫn đến 6 chiến sĩ bị thương, may mà anh em không ai bị chết oan, rồi người chỉ huy lại còn coi đó là trận đánh đẹp có thể viết thành sách thì quả thật là đã hết điều để nói. Theo trung tướng Nguyễn Quốc Thước, vụ Tiên Lãng chỉ là một vụ việc đơn giản, có thể “tháo ngòi nổ” không khó khăn gì. Từ thế kỷ trước, năm 1992 đã diễn ra việc tranh chấp đất đai kéo dài giữa hai xã thuộc huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An, dẫn đến tình trạng lãnh đạo hai xã huy động lực lượng dân quân vũ trang do hai xã đội trưởng chỉ huy xây dựng công sự hầm hào để bảo vệ vùng đất tranh chấp. Đã xảy ra đấu súng giữa hai bên. Huyện, tỉnh không thể vào tiếp cận được, cán bộ nào vào cũng đều bị bắt giữ, làm tắc nghẽn tê liệt giao thông cả quốc lộ Một. Cán bộ tỉnh còn yêu cầu tướng Thước đưa xe tăng vào dẹp loạn. Nhưng tướng Thước đã bàn lại với lãnh đạo tỉnh. Quân đội sinh ra để đánh địch chứ sao lại đánh dân? Đưa xe tăng ra bắn ai? Nếu không may nổ súng chết một người dân thì sự việc không dừng lại ở vụ tranh chấp mấy mảnh ruộng con mà sẽ biến thành một vấn đề chính trị lớn. Và rồi thay cho súng đạn, xe tăng, ông chỉ cử một đồng chí Đại tá Tham mưu trưởng, không mang theo vũ khí, chỉ với một cái loa pin, đến giải thích cho dân hiểu rồi cùng dân giải quyết mọi vấn nạn. Và rồi, với tư cách của một người lãnh đạo vũ trang, đại tá hạ lệnh hai bên buông súng. Ngòi nổ đã được tháo kíp an toàn.
Bản chất nông dân rất tốt. Chẳng ai có thể tốt hơn dân. Tôi chợt nhớ lần về quê, sang thăm bà cô, thấy trên tường ngổn ngang những vệt vôi quệt. Cái dấu cộng (+). Cái dấu trừ (-). Tôi ngạc nhiên: “Hợp tác xã tan rồi, sao cô vẫn còn ghi công điểm gì thế này?”. “Công điểm gì đâu cháu. Đây là những món nợ đấy!” Thấy tôi ớ ra, bà cụ mới giải thích cặn kẽ: Đây là bát riêu cá nhà Độ. Đây là khúc cá rán nhà Toán. Còn đây là bát canh rau ngót nhà Thiều. Thì ra có món gì ngon, bà con hàng xóm thương cụ, cho bà cụ miếng gì, bà cụ lại quệt một vệt vôi lên vách. Để nhớ đấy là một món nợ. Thế rồi nhà có món gì ngon, cụ cũng lại sai con cháu mang sang biếu lại, rồi quệt lên vách dấu trừ. Coi như ơn nghĩa đã được trả xong.
Nông dân là thế đấy. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Đảng, chính phủ chia cho họ một cái nồi đồng, một cái chảo gang, một cái cối đá trong cải cách ruộng đất, cũng đủ để họ nhớ suốt đời, biết ơn suốt đời. Rồi họ mang xương máu của chồng, của con, của chính họ ra để trả nghĩa. Hàng triệu người chết trong mấy cuộc chiến tranh. Hàng vạn người cho đến tận hôm nay vẫn không tìm thấy được hài cốt. Họ chiến đấu hi sinh để bảo vệ Tổ quốc, dĩ nhiên là như vậy rồi, nhưng không hẳn chỉ có như vậy. Sự đền ơn trả nghĩa ấy mới thiêng liêng và dữ dội biết bao. Nông dân mình thế đấy. Họ tốt vô cùng. Vì thế bây giờ, không còn chiến tranh, không còn bom đạn, đất nước đã yên hàn mà người dân lại thấy bất an, khổ hạnh là chúng ta có lỗi. Trong tòa án lương tâm này, chẳng ai vô can cả.
Mọi việc làm của Đảng và Chính phủ cũng đều hướng đến dân. Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp giải quyết vụ Tiên Lãng là một việc làm rất đẹp. Văn phòng Chính Phủ cũng đã có Cổng Điện tử, để minh bạch mọi công việc của mình cho Dân biết. Nhân dịp này, tôi thiết tha đề nghị Thủ tướng mở một con đường điện tử dành riêng cho dân, để bất cứ một người dân oan ức nào cũng có thể đến được với Thủ tướng và những đồng chí Lãnh đạo Đảng, nhà nước chỉ bằng một cú “nháy chuột”. Có như thế, nói theo ngôn ngữ Giáo sư Tương Lai, các ông “Trời con” sẽ bớt tác yêu tác quái, vì những việc làm khuất tất có thể sẽ được dân báo cho những người Lãnh đạo cao nhất. Nhờ thế, cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp và chúng ta mới thực sự lấy lại được niềm tin của đông đảo nhân dân.