Lần đầu tiên tôi đọc bài thơ Sự thật gần sự thật của nhà thơ Đặng Huy Giang in trên báo Thơ (Hội nhà văn Việt Nam) bị cuốn hút bởi cách lập tứ khá độc đáo. Mới đọc thấy ngồ ngộ, ngẫm lại thấy sâu sắc. Trong tư duy của con người hiện đại trước các bít thông tin đa chiều thì sự tương phản bao giờ cũng gây được chú ý bởi những cách nói ngược; những hình khối: to, nhỏ; những tốc độ: chậm, nhanh... các cặp phạm trù luôn đối chọi nhau để tồn tại, để phát triển. Ở đây nhà thơ đưa ra một loạt hình ảnh của sự thật: Đó là cây hoa, là con dơi, là sóng biển và cao hơn hết là con người tự đối diện với mình: Con người soi gương, con người xem ảnh, là anh và em. Sự tồn tại song song ngỡ như không có sự đối lập ấy lại ẩn chứa đằng sau đó bao mâu thuẫn nội tại. Thơ hiện đại tiếp cận đời sống bằng ngôn ngữ thơ gần với lời nói thường ngày, bóc tách các ẩn khuất biểu tượng để nhanh chóng đến cái lõi hạt nhân, tạo ra từ các lớp sóng từ trường cộng hưởng. Thơ hiện đại không lệ thuộc vào một thứ âm nhạc có sẵn để khớp lời vào từ những quan sát thuần tính thị giác mà tạo ra các gốc mở trực giác từ sự chiêm nghiệm sống của mình. Đặng Huy Giang phát hiện bằng thị giác: Cây trạng nguyên, cây hoa giấy, lá giống hoa, hoa giống lá nhưng đến: Con dơi, nhang nhác chim, nhang nhác chuột đã chuyển dịch cao hơn ở hai từ nhang nhác tạo ta một độ mờ cảm giác cần thiết trước những tính toán chính xác của khoa học công nghệ. Người soi gương từ người mặt nhăn đến người nhăn mặt không có gì khác nhưng: Người trong ảnh nhìn người ngoài ảnh, cười - Người ngoài ảnh nhìn người trong ảnh, khóc đã có một bước nhảy đột biến tâm trạng. Chúng ta thường dễ nhìn thấy: Ở ngoài ta, (sóng) xô nghiêng ngã con thuyền mà ít người nhận thấy: Ở trong ta (sóng) lật đời ta chao đảo. Từ anh với em là hai mà một đến em với anh là một lại là hai đã là một khoảng cách bất an khá lớn. Sự hòa hợp sự chia ly cứ ẩn khuất đâu đó chực xen vào đời sống thường ngày. Khi mức sống được nâng cao thì chất lượng sống cần phải được xem lại. Các mối quan hệ tình, nghĩa; các ứng xử với thiên nhiên trước sự thay đổi chóng mặt của đô thị hóa đang lên tiếng báo động. Nhà thơ là người nhạy cảm trước những dị ứng ấy. Đặng Huy Giang gần đây có những tìm tòi cho mình giọng điệu thơ riêng. Sự lặp lại các hình ảnh ngỡ như rời rạc với tần số cao đã tạo cho kênh tiếp nhận những nốt nhấn bởi tư duy con người hiện đại trước quá nhiều thông tin ồ ạt của các phương tiện nghe nhìn, giải trí cần phải chọn lọc để găm vào bộ nhớ những thông tin cảm xúc thì sự láy lại đó thật cần thiết. Nét trầm tĩnh đầy trách nhiệm cũng là một ứng xử của nhà thơ trước: Sự thật vốn vậy - Sự thật từ tốn - Có người đi tìm - Có người bỏ trốn. Đặng Huy Giang là người đi tìm và anh mấp mé đã tìm được sự thật thơ hiện nay là thế nào.
ĐẶNG HUY GIANG
SỰ THẬT GẦN SỰ THẬT
Sự thật gần sự thật
Ví dụ: Cây trạng nguyên, cây hoa giấy
Lá giống hóa
Hoa giống lá
Sự thật gần sự thật
Ví dụ: Con Dơi
Nhang nhác chim
Nhang nhác chuột
Sự thật gần sự thật
Ví dụ: Soi gương
Người ngoài gương nhìn người trong gương mặt nhăn
Người trong gương nhìn người ngoài gương nhăn mặt
Sự thật gần sự thật
Ví dụ: Xem ảnh
Người trong ảnh nhìn người ngoài ảnh, cười
Người ngoài ảnh nhìn người trong ảnh, khóc
Sự thật gần sự thật
Ví dụ: Sóng
Ở ngoài ta, xô nghiêng ngả con thuyền
Ở trong ta, lật đời chao đảo
Sự thật gầ sự thật
Ví dụ: Chúng mình
Anh với em là hai mà một
Em với anh là một lại là hai
Sự thật gần sự thật
Ví dụ như... ví dụ
Cái này giống cái kia nhưng không phải cái kia
Cái kia giống cái này nhưng không phải cái này
Không phải...
Sự thật vốn vậy
Sự thật từ tốn
Có người đi tìm
Có người bỏ trốn