Yêu sân khấu, hoạt động sân khấu cùng với thơ, ca và âm nhạc từ tuổi 20, trong ba thập kỷ qua qua Đỗ Minh Tuấn đã viết và đọc cho mấy đoàn kịch vài chục kịch bản đủ các thể loại: chính kịch, hài kịch, kịch phi lý, kịch tư liệu, opera nhưng hầu hết đều không được dựng, hoặc sắp dựng lại thôi vì lý do chung là… gai góc quá! Cơm không ăn, gạo còn để đấy. Đến tuổi 50 Đỗ Minh Tuấn mới bắt đầu bén duyên sân khấu trên sàn diễn của Nhà hát Tuổi trẻ. Từ năm 2001 đến nay anh đã cho ra mắt hàng chục vở hài kịch sâu sắc, gai góc và rất ăn khách, gây tiếng vang cả trong và ngoài nước như: Sống nhờ Telephon, Con một, Mượn răng, Chữa ngọng, Sống chết theo Mốt, Củ khoai vĩ đại, Internet về làng, Cuội buôn quan, Lễ nhận huân chương, Loa phường thời chứng khoán…
Tình yêu sân khấu đơn phương trong hơn 20 năm
Nhà thơ Đỗ Minh Tuấn say mê sân khấu từ khi còn ngồi ghế sinh viên khoa Văn đại học Tổng hợp. Anh cho biết, hai bộ môn chiếm nhiều thời gian và tâm trí nhất ở tuổi 20 của anh không phải là thơ ca như nhiều người vẫn tưởng, mà là âm nhạc và sân khấu. Ngoài việc say mê học sáng tác âm nhạc với các thầy Vĩnh Cát, La Thăng, Hồng Đăng, Tân Huyền, dàn dựng Hội diễn sinh viên với sự cộng tác của các nhạc sỹ Nguyễn Cường, Cát Vận, Đỗ Minh Tuấn giành say mê viết nhiều kịch bản sân khấu có tính thể nghiệm, tham gia đội kịch sinh viên đóng các vai thầy triết trong kịch “Trưởng giả học làm sang” của Molie, vai Edop trong kịch “Con cáo và chùm nho” (đạo diễn Ca Lê Hồng), vai chính trong kịch “Con Rệp” của Maiakopxki (Đạo diễn Đoàn Bá) gây được nhiều tiếng cười sảng khoái cho khán giả sinh viên.
Từ cuối thập kỷ 70 đến giữa thập kỷ 80, khi làm công tác nghiên cứu ở Viện Triết học và học đạo diễn ở Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội Đỗ Minh Tuấn vẫn tiếp tục say mê viết kịch bản hài và kịch nói. Năm 1978 anh đã đọc một số vở dân gian cho Nhà hát Tuổi trẻ trước đạo diễn Hà Nhân, đạo diễn Phạm Thị Thành và toàn bộ diễn viên của nhà hát khi Nhà hát này mới dựng một vài vở đầu tiên. Các kịch bản đầy chất thơ và chất trí tuệ của anh đã gây được thiện cảm của Ban giám đốc và các diễn viên, nhưng cũng khiến họ băn khoăn trước sự phức tạp về phục trang, hóa trang và sự tính ẩn dụ của hình tượng nhân vật kịch.
Đầu thập kỷ 80, Đỗ Minh Tuấn đọc một số vở chính kịch cho Nhà hát kịch nói Hà Nội như “Một vụ lừa Thủ tướng”, “Nhân danh cá nhân tôi”, “Cuội buôn Vua”. Đạo diễn Hoàng Quân Tạo - Giám đốc Nhà hát rất thích các kịch bản của Đỗ Minh Tuấn, khi nằm bệnh viện cũng gọi anh vào bàn bạc sửa chữa để dựng, nhưng rốt cục kịch bản vẫn không thể lên sàn vì Sở Văn hóa Hà Nội không duyệt vì kịch bản gai góc quá. Đạo diễn Tạ Xuyên cũng muốn dựng kịch “Vành móng ngựa đầy hoa” cho Nhà hát kịch Quân đội, nhưng có lẽ vì phá cách quá nên đã sửa đi sửa lại cắt bỏ những gì gai góc dữa dội quá, cuối cùng cũng kế hoạch dàn dựng cũng không thành. Năm 1983 Đỗ Minh Tuấn tham gia Trại sáng tác của Nhà hát kịch Việt Nam, viết vở “Tảng đá ngầm” về Sông Đà, được khen, nhưng cũng không dựng được.
Sau khi về Hãng phim truyện Việt Nam năm 1985, Đỗ Minh Tuấn tạm quên mối tình đơn phương với sân khấu để 15 năm liền tập trung vào làm phim. Đó là thời gian anh cho ra đời các tác phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước như các phim nhựa: “Ngọn đèn trong mơ”; “Dịch cười”; “Người đàn bà nghịch cát”; “Hoa của Trời” và các phim video “Thằng Cuội”; “Tôn Ngộ Không đến Việt Nam”; “Đi bầu Thành hoàng”; “Tết sớm”; “Đón khách”; “Dạy chồng”; “Sứ giả làng”; “Công ty co giãn mênh mông”…
Sang thế kỷ mới, nhà biên kịch sân khấu Đỗ Minh Tuấn đổi vận. Năm 2001 anh bắt đầu được sân khấu đáp lại tình yêu mòn mỏi của mình khi Nhà hát Tuổi trẻ dựng chùm hài kịch Đời cười 3 với hai kịch bản “Sống nhờ Telephon” và “Con một” của anh.
Các chương trình hài kịch ăn khách gây tiếng vang
Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, tên tuổi tác giả Đỗ Minh Tuấn đã gắn liên với một loạt vở hài kịch sâu sắc, gai góc và rất ăn khách như “Đời cười 3”; “Internet về làng”; “Cuội buôn quan”; “Loa phường thời chứng khoán và Lễ nhận huân chương” do Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát kịch nói TW dàn dựng, với bàn tay đạo diễn của các NSND Lê Hùng và NSƯT Chí Trung.
Trước đây, các chùm hài kịch “Đời cười 1” và “Đời cười 2” toàn dựng theo kịch bản của Trung Quốc. Với chùm hài kịch “Đời cười 3” (Lê Hùng dàn dựng), Đỗ Minh Tuấn đã khơi mào cho sự ra đời của các chùm hài kịch “Đời cười” dựng từ kịch bản của các tác giả trong nước sau này. Vừa mới ra đời, “Đời cười 3” đã hút khách, diễn 3,4 suất một ngày. Hơn hai chục bài báo giới thiệu, khen ngợi với những cái tit như: “Đời cười 3 cười ra nước mắt”, “Hiện tượng Đời cười 3: 450 ngàn một cặp vé vẫn hết!”. Điều đáng nói là các vở “Sống nhờ Telephon” và “Con Một” trong “Đời cười 3” đã được khán giả tiếp nhận nồng nhiệt không phải bằng các ngón cù cơ giới, hời hợt và thô thiển, mà bằng sự chia sẻ đầy nhân văn và trí tuệ với những số phận bi hài kịch nạn nhân của sự tan vỡ gia đình và rạn nứt nền tảng đạo đức xã hội trong bối cảnh kinh tế thị trường.
Khán giả đã cười rộ lên rồi lại lặng đi trước cảnh ngộ ông bố trong “Sống nhờ Telephon” bị con “nhốt” sống một mình trong một căn hộ chung cư rộng với một mớ cacvisit ghi số điện thoại của các nhà hàng, các cửa hàng dịch vụ để ông có thể gọi cơm hộp, gọi người làm các dịch vụ trong sinh hoạt. Tình huống bi hài kịch xảy ra khi hàng cơm hộp theo địa chỉ quen thuộc mang đên hàng chục hộp cơm vì trươc đây ông con hay gọi để cho cánh bạn chơi tá lả ăn. Nhân viên mang cơm đến kiên quyết không cho trả lại, thế rồi sau đó cô hàng đồng nát đến, ông già nhờ đổ đi, cô đang đói tiếc rẻ ăn ngẫu nghiến dăm bảy hộp rồi bị bội thực phải nằm lại nhà ông già, rồi chồng đến đánh ghen và nhiều chuyện buồn cười khác… Kịch “Con Một” cũng làm khán giả cười từ đầu đến cuối khi theo dõi câu chuyện một ông bố có thằng con một hỗn láo, được đồng đội cũ cố vấn phải lấy vợ khác đẻ ra một đứa nữa cho nó hết cậy thế con một hõn láo với bố. Thế rồi cuộc se duyên cho ông với cô gái lỡ thì răng vẩu, chuyện hai bố con lọt vào chung khảo cuộc thi con Một thế giới đã làm khán giả cười ra nước mắt và nghĩ ngợi sâu xa về xã hội, con người và văn hóa Việt Nam. Chùm hài kịch kết bằng cảnh xúc động hai bố con chiến thắng cùng múa theo nhịp bài hát về gia đình trong ánh nến. Âm hưởng bài hát còn âm vang trong lòng khán giả khi ra khỏi rạp…
Năm 2005, NSƯT Chí Trung dựng chùm hài kịch Interrnet về làng của Đỗ Minh Tuấn với các vở “Sống chết theo mốt”; “Củ khoai vĩ đại”; “Mượn răng”; “Chữa ngọng và Internet về làng” đề cập đến những vấn đề xã hội trong bối cảnh hội nhập với bao nhiêu trò lố lăng quái gở như việc bày mưu đánh lừa các ông Tây đến kiểm tra dự án đưa internet về làng, với những trò ảo thuật cộng đồng hết sức tinh vi và láu cá, khiến cho các vị khách quốc tế tưởng làm là tất cả dân làng đã thành thạo internet trong khi đó thì chẳng ai biết gì; hay chuyện mở dịch vụ cho Tây Tàu chữa ngọng cho người Việt gây ra những hậu quả tức cười, chuyện một nhà thơ đi tiếp khách quốc tế bị quên răng giả, phải rẽ vào cửa hàng nha khoa để mượn răng dẫn đến chuyện cãi nhau làm nhà thơ tức giận đau khổ vì thấy thời nay người ta coi thi sỹ chẳng ra gì, so với ngày xưa thì một trời một vực; rồi chuyện chạy đua theo Mốt ngay cả trong chuyện tang lễ. Có cả chuyện vừa tức cười vừa cảm động sâu sắc như chuyện hai ông bà già nghèo ở quê đào được củ khoai lang khổng lồ, gánh lên Thủ đô biếu Viện bảo tàng nghĩ rằng sẽ có ích cho đất nước nhưng đến đâu cũng bị đá bóng khéo sang nơi khác, hai cụ phải gánh củ khoai chịu nhịn đói vì không còn tiền ăn, cuối cùng gặp một anh chàng trợ lý giám đốc của một cơ quan làm bộ vui vẻ nhận củ khoai cho hai cụ để tống hai cụ đi cho nhanh. Hai cụ hân hoan nghĩ củ khoai đã đến tay nhà nước, biết đâu khi mình vừa quay đi củ khoai vĩ đại dã bị anh chàng trợ lý kia tống ra hàng cơm bụi…
Internet về làng ăn khách và gây tiếng vang lớn đến nỗi nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội và Đại biểu dự Đại Hội Đảng X đã tổ chức đi xem. Nhiều văn nghệ sỹ có tên tuổi cũng kéo nhau đi xem. Nhà văn Nguyễn Đình Chính xem xong trố mắt sửng sốt: “Nó toàn cười giễu các vấn đề vĩ mô thôi!” Đài Truyền hình NHK đã làm một phóng sự về hiện tượng ăn khách của “Internet về làng” để vừa phản ánh một hiện tượng văn hóa xã hội của Việt Nam, vừa giúp cho khán giả nước ngoài hiểu thêm về thái độ và tâm lý của người Việt Nam trong thời kỳ đất nước đổi mới và hội nhập. Những người Nhật đến quay phim rất ngạc nhiên thấy cứ một hai phút cả rạp lại cười rộ lên, cả trẻ con và người lớn đều cười hết cỡ.
Hai vở hài kịch “Lễ nhận huân chương” và “Loa phường thời chứng khoán” của Đỗ Minh Tuấn được ra mắt và trình diễn liên tục tại Nhà văn hóa Sinh viên Hồ Thuyền Quang từ tháng 9-2009, cũng là một chương trình cười ra nước mắt khá ăn khách. “Lễ nhận huân chương” kể chuyện bác cựu chiến binh rủ các đồng đội cũ đến nhà để tụ tập nhau trong ngày con trai chủ nhà đi vắng, chia sẻ niềm vui được nhận Huân chương sau bao ngày kiện cáo đấu tranh, nhưng niềm vui muộn ấy cũng bị dội nước lạnh bởi bao nhiêu chuyện bất ngờ xảy đến - từ chuyện anh bưu điện đến không gặp chủ nhà đã gài Huân chương trước cửa để các cự chiến binh chờ mãi, đến chuyện mấy ông bạn già bàn nhau làm thịt con chó Nhật bị ngắc ngoải để ăn mừng thắng lợi, vừa đỡ phi, vừa thỏa nỗi ước mơ xưa khi còn ở chiến trường: mơ có ngày được ăn một miếng thịt chó Tây! Thế rồi cả mấy bác già bị cậu con trai chủ con chó là doanh nghiệp mắng cho, lên lớp về ứng xử! Cậu ta nói toẹt ra rằng: “Con là sếp, lẽ ra bố cứ để con tổ chức làm đám ma cho con chó, thì nhân viên của con nó còn có cớ dến phúng viếng để trả ơn con, lấy lòng con!Đời bây giờ là thế!” Đến nỗi, ông bố phải chua xót thốt lên: “Một con chó chết chúng nó cũng biến thành lễ hội!”. Vở kịch không chỉ cười ra nước mắt, nó còn thể hiện một cái nhìn nghiêm khắc và đau đớn tột cùng trước sự suy đồi trong cuộc sống xã hội hôm nay...
Nhìn chung, hài kịch của Đỗ Minh Tuấn có tính trí tuệ, đặt ra những vấn đề sâu sắc, vừa tràn đầy những cảm xúc nhân văn, vừa có sức mạnh phê phán mang hơi thở nóng hổi của đời sống hôm nay, vừa có chiều sâu triết lý với những ẩn dụ có tính nhân loại. Tiếng cười trong hài kịch của Đỗ Minh Tuấn là tiếng cười trí tuệ, là cái hài tình huống và cái hài tính cách. Với tư duy của một nhà thơ, một đạo diễn điện ảnh, tác giả kịch bản Đỗ Minh Tuấn cũng đã tạo nhiều đất, nhiều cảm hứng cho đạo diễn sân khấu và các diễn viên sáng tạo nhiều trò hấp dẫn, vừa sinh động, trữ tình, vừa trí tuệ, bất ngờ và hoạt náo, làm nên một phong cách riêng cho hài kịch của anh./.