Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỌC THỨC MỘT MIỀN XANH

Trần Phò
Thứ ba ngày 31 tháng 1 năm 2012 9:44 PM

(Thơ Huệ Triệu, NXB Thanh niên, 2011)

     Thức một miền xanh (NXB Thanh niên, 2011) là  tập thơ thứ hai của Huệ Triệu  sau Mùa cây thay lá. Chỉ sau hai năm lại có tác phẩm mới, điều đó chứng tỏ niềm say mê của Huệ Triệu đối với thơ.
     Tôi là người dạy văn nên đặc biệt quan tâm đến những người cầm bút vốn xuất thân từ nghề “cầm phấn”. Trước đây ở miền Nam, Thẩm Thệ Hà, Võ Hồng, Doãn Quốc Sỹ… là những nhà văn từng làm nghề dạy học như thế. Nhưng thật ra, các bậc tiền bối ấy là những nhà văn chuyên nghiệp. Còn hiện nay, Nhật Chiêu, Huệ Triệu… (ở TP. HCM) có sáng tác nhưng thực chất vẫn là những nhà giáo chuyên nghiệp. Dường như A. Camus (Pháp) cho rằng ai theo ngành sư phạm sẽ làm cụt hứng con đường văn chương. Nhắc thế để thấy những anh chị đứng trên bục giảng mà say mê sáng tác và sáng tác thành công là một hiện tượng thú vị.
    Trở lại với Huệ Triệu, từ Mùa cây thay lá đến Thức một miền xanh, tôi thấy nhà thơ nhất quán trong cách tư duy - xin tạm gọi là tư duy nội quan. Ở đây cần phân biệt phương thức tư duy với công cụ tư duy. Khi nói hiện nay nhà văn thường viết trên máy tính, chứ không dùng bút, không có nghĩa là nhà văn tư duy theo lối hậu hiện đại, vì thực chất đó chỉ là những công cụ tư duy chứ chưa phải là phương thức tư duy. Cũng như nói “học sinh này rất giỏi ngoại ngữ, em có thể tư duy bằng tiếng Anh”, thì tiếng Anh là công cụ ngôn ngữ tư duy chứ cũng không phải là phương thức tư duy. Một cách tổng thể nhất, có thể nói thơ nhân loại cho đến nay được thể hiện bằng hai phương thức tư duy chính: ngoại quan và nội quan, cộng với sự kết tinh của hai phương thức đó. Thơ hiện nay tỏ ra lúng túng trong cách muốn làm mới mình, muốn có một tiếng nói hậu hiện đại thật xứng đáng nhưng chưa đạt được có lẽ vì chưa tìm ra một phương thức tư duy mới cho riêng mình.
   Xuất phát từ điểm tựa tư duy nội quan, cho dù sáng tác ở địa điểm cụ thể nào, Thức một miền xanh ít để lại dấu ấn cảm xúc ngoại tại, mà tác giả thích đối diện với chính mình :
Em trách hạt mưa rơi
Chạm sâu vào nỗi nhớ
Chạm sâu vào cách trở
Đã nghĩ là nguôi ngoai …
Thế mà em quên mất
Rằng một điều nhỏ thôi
Chính em đang khẽ chạm
Khoảng nhói đau không lời !
         (Khoảng nhói đau không lời)
    Mải mê đối diện với chính mình, nên nhiều lúc tác giả cảm thức được điều đó, tự nhận ra một cái gì đó chật chội và muốn thoát ra:
Trong căn phòng chật
Có bước chân của nắng và gió
Soi vào góc tối muộn phiền
Hất lên bụi bặm lưu cữu
Bông hoa trên bàn đã khô
…… 
Thổi lên đi
Ngút ngàn
Tro lửa
Không xanh xám ơ hờ
Không tối sẫm dối lừa mặc cả
Không buốt nhói sao đêm
Không vỡ vụn bình minh trễ nải
Chỉ còn ta thành thật yêu người
Nào đứng lên ủ rũ tôi ơi
Ra khỏi căn phòng chật !
                 (Chợt nghĩ trong căn phòng chật)
    Tôi có cảm giác dư thừa mấy chữ  “muộn phiền”. “lưu cữu”, cả dòng thơ “Nào đứng lên ủ rũ tôi ơi” và chợt nhớ đến nhà văn Guy de Maupassant (Pháp): “Nghệ thuật viết văn là tìm cách vứt đi chỗ nào có thể”. Nhưng dẫu sao, tôi vẫn thích bài thơ trên của Huệ Triệu vì nó thể hiện độ chân thật đáng yêu của người sáng tác. Căn phòng chật ở đây có thể là căn phòng ngoại tại chiếm một vị trí nhất định trong không gian, nhưng hơn nữa có thể là căn phòng chật trong tâm tưởng của mỗi chúng ta. Rất có khả năng ai đó may mắn được một cơ thể khỏe mạnh, ít bệnh tật, nhưng không ai thoát khỏi bệnh trạng tâm lí ích kỷ, tham, sân, si thuộc về ngã chấp. Tôi nghĩ đến căn phòng chật như thế và ước ao ai cũng khát khao “Ra khỏi căn phòng chật”, nhất là đối với người nghệ sĩ, nhà khoa học và người thầy.
   Như nhận xét ngắn gọn mà tinh xác của nhà thơ Trương Nam Hương, Thức một miền xanh “Vẫn tiếp nối mạch thơ trữ tình nồng hậu, đằm thắm và tinh tế của Mùa cây thay lá, ở tập thơ này người đọc còn nhận ra những vỉa tầng của tư duy và thẩm mỹ sáng tạo qua sự thể hiện của bút pháp hiện đại và giàu suy tưởng”. Nói một cách giản dị, thơ Huệ Triệu thể hiện dáng nét suy tư trong cảm xúc trữ tình. Bằng sự kết tinh đó, tác giả nhận diện được “khuôn mặt thời gian”:
Thời gian làm gì có tuổi
Khi cha dắt ta đến trường
Ban mai tung tăng thắt bím
Đốm nắng lò cò. Giọt sương…
….
Khuôn mặt thời gian hiện lên
Trong tiếng thở buồn của mẹ
Gói đau cả một phận người 
Từng đêm cha ngồi lặng lẽ
    Trải suốt tập thơ là những suy tư rất gần gũi, thân thương của con người. khi thì nghĩ về Sen, lúc Đời tằm, khi Dã tràng, Phượng, Chợt nghĩ trong căn phòng chật, … Còn đây là hai khổ cuối trong bài Trái tim nhỏ bé :
Trái tim ngạo nghễ
Trước dửng dưng mờ mịt mặt người
Ngân rung một nốt lặng
Lúc thì thầm lời yêu !
Tan đi như sương rơi
Sáng nay
            Em gọi tên nỗi buồn thành thật….

TP. HCM, tháng 12/ 2011
                   T.P
* Ghi chú : bài viết đã đăng trên tạp chí Thế Giới Mới số 2 ngày 9/1/2012