Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

“MỘT MILIMET” - MỘT KHOẢNG TRỜI THƠ LUNG LINH THANH LONG

Xuân Thu
Thứ ba ngày 31 tháng 1 năm 2012 9:10 AM

(Nhân đọc tập thơ “Một milimet” - Nxb Văn học 2011 của Nguyễn Thị Thanh Long)

            Trước Tết, tôi được một công tác viên không hề quen biết gừi tặng một tập thơ có tựa đề khá gợi “Một milimét”. Tác giả chỉ nói qua điện thoại rằng: “Em quê ở thị xã Phú Thọ, hiện đang sinh sống và công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh, em có tập thơ đầu tay tặng anh và bè bạn gọi là tấm lòng của người con xa quê hương gửi về quê mẹ nhờ anh và các bạn đọc giúp và góp ý”. Rất giản dị, chân thành. Tôi bỗng thấy trọng trách của mình hơn. Cái nghề biên tập tạp chí văn nghệ địa phương này thường xuyên tiếp xúc với tác phẩm văn học, được tặng khá nhiều sách tôi đều trân trọng các tác phẩm của họ, huống hồ đây lại là một tác giả của quê hương. Những ngày tết đến xuân về, nỗi nhớ quê cha đất tổ da diết hơn bao giờ hết họ đã gửi gắm cả vào tập thơ mà lại là tập thơ đầu tay nữa thì tôi càng quý trọng và thấy trách nhiệm của mình hơn.
Cầm tập sách trên tay, cảm nhận đầu tiên về hình thức tập sách là rất đẹp, trang nhã, không cầu kỳ nhưng lại khá ấn tượng. Sách dày 90 trang gồm 50 bài thơ do nhà xuất bản Văn học ấn hành tháng 12-2011. Điều đó có nghĩa là vẫn còn “nóng hôi hổi”. Đúng là món quà xuân thật ý nghĩa của Nguyễn Thị Thanh Long (tên tác giả).
“Một milimét” - tên tập thơ này khiến tôi nghĩ đến tên một bộ phim “Đẹp từng xăng ti mét” mà tôi đã xem trước đó. Hình thức tập thơ đẹp thì rõ rồi, đẹp từng mi li mét ấy chứ, song nội dung, cái quan trọng nhất làm nên diện mạo một nhà thơ liệu có đẹp như thế không? Hồi hộp, tò mò, tôi lật giở từng trang và đọc lướt nhanh một lượt. Linh tính mách bảo tôi: Đẹp! Đẹp đấy! Thơ này đẹp, đọc được đấy! Và tôi đọc chậm lại từng bài, đánh dấu những bài hay, những câu hay định sẽ viết luôn cảm nhận của mình về tập thơ này nhưng công việc cuối năm bận bù đầu khiến cho mãi tới hôm nay, mùng 6 Tết, mới có dịp ngồi đọc lại thơ Thanh Long. Nhâm nhi chén rượu xuân nồng ấm, nhấm nháp từng câu thơ của “Một-mi-li-mét” khiến tôi không dừng lại được vội bật laptop ra gõ những con chữ đầu tiên của năm mới.
Phải nói ngay rằng 50 bài thơ trong tập thơ Một-mi-li-mét là 50 lát cắt của đời sống tâm hồn tác giả và tập thơ này dù tác giả không đề gì cả thì đó vẫn là tập thơ tình theo đúng nghĩa của nó. Những lát cắt trong cuộc sống, tình yêu của tác giả đều rất chọn lọc, rất thăng hoa. Mỗi bài, mỗi câu đều chứa đựng những thông điệp tình cảm sâu lắng mà tác giả gửi gắm.
“Hóa thân” là bài đầu tiên của tập thơ. Bài thơ chỉ có 4 câu lục bát dường như tác giả ý tứ dẫn người đọc vào thế giới thơ của chị - một thế giới đầy huyền ảo mà bao nhiêu chữ nghĩa vẫn chưa thể diễn tả hết được. Câu chữ vẫn như đùa với người viết, cứ ỡm ờ vậy thôi. “Đẫm mình trong những trang thơ/ Mới hay chữ nghĩa ỡm ờ trả vay/ Đỏ bao nhiêu ớt thì cay/ Suối bao nhiêu thác mới gầy lãng du”. Hai câu nghi vấn sau thật hay. Chỉ mười bốn chữ thôi mà tác giả đã nói được cái điều suốt đời ta vẫn không trả lời được. Suối cứ chảy, ớt cứ đỏ nhưng chẳng biết bao nhiêu thì “gầy lãng du”, thì “cay”. Bài thơ như lời đề từ dắt độc giả lãng du cũng thế giới thi ca của chị.
Thơ Thanh Long khắc khoải trong nỗi cô đơn, trong niềm yêu thương nhớ. “Không còn gì để quên/ Cũng chẳng gì đáng nhớ” để “Bởi thương ngày nên đêm tự chặt mình đi” (Khúc đêm). Viết cứ tửng từng tưng ấy vậy mà da diết người đọc mới lạ. Bảo thế mà không phải thế, cho nên đêm mới tự chặt mình đi. “Đêm tự chặt mình đi” là rất giỏi, rất hình ảnh. Ta thử xem tác giả “đêm tự chặt mình đi” thế nào nhé.
Này đây, ở bài “Vốc sóng”, Thanh Long viết: “Người đàn bà lấp đêm/ bằng từng vốc sóng…”, “gom bình minh đầy một một góc nhà qua rất nhiều đêm vỡ”, rồi “dùng máu tim mình viết những vần thơ/ ru nỗi đau yên nghỉ/ dỗ sự thực rêu xanh/không dỗ được lòng mình/ đêm vỡ”. “Sự thực rêu xanh”, “nỗi đau yên nghỉ”, “đêm vỡ”. Hay! Phải đau lắm, yêu lắm, trắng đêm nhiều lắm mới viết được những câu thơ ám ảnh đến thế.
Và đây bài “Câm”, Thanh Long viết: “Chiều buông/ Mây trắng ngả đầu vào giấc mơ xanh/ Dòng trăng thanh vỡ vụn bởi thưa dần/ màu gió/ Có vần thơ mất ngủ/ Sà xuống cánh đồng chữ nghĩa/ gọi nhau…/ Gió vô tình như kẻ mộng du/ Mang mùi nắng về thăm căn phòng cũ/ Vẽ chân dung những dịu ngọt muối gừng/ Nuôi chút tĩnh lặng cho riêng mình/ Không muốn nói những điều rất thật/ Tan chiều…/ câm”. Thế mới biết ở đời có bao nhiêu điều rất thật mà phải giữ kín ở trong tim, giữ cho cái bề ngoài tưởng bình yên, hạnh phúc lắm, phải “câm” để nuôi chút tĩnh lặng cho riêng mình. Vẫn biết ai cũng có phút giây ngoài chồng ngoài vợ như một nhà thơ đã nói nhưng với Thanh Long, phút giây ấy hóa thành thơ thật đáng thương và tội nghiệp biết chừng nào.
“Nửa đời vấp phải tương tư/ Cái duyên mắc cạn/ bây chừ trách ai?/ Trời cao/ ngắn cánh tay dài/ Người gieo nhung nhớ miệt mài đường xa/ Thương mà chẳng dám nói ra/ Vu vơ hờn dỗi như là/ chưa yêu…/ Tựa vai vào vạt nắng chiều/ Muốn người hò hẹn/ thử liều một phen/ Đêm về/ đêm/ cứ gọi tên…” (Tương tư). “Tựa vai vào vạt nắng chiều/ Muốn người hò hẹn thử liều một phen” là rất hay, rất mãnh liệt và rất thơ. Thì thế chăng nên “Giữa chiều” tác giả gặp “Biển xanh thăm thẳm sóng/ Cồn cào như tình anh/ Bỗng một cơn gió lạ/ Đan những lời biếc xanh”. “Cơn gió lạ”, “lời biếc xanh” đã làm trái tim đa cảm của thi sĩ thêm một lần “Thuyền tình mơ chắp cánh” nữa rồi.
“Tương tư” rồi “Góc lặng”: “Trong tâm thức của em/ Miền sâu thẳm riêng anh trú ngụ/ Bỗng dưn đến rồi anh đi - đi mãi/ vẹn nguyên buồn trước vực hoàng hôn”. Và rồi cuối cùng tác giả vẫn “Đành không”. Ở bài “Đành không” Thanh Long viết: “…Không thể cùng anh trên một con đường/ Và không thể cùng anh nhóm lửa/ Dù chiêm bao vẫn mơ về đôi lứa/ Em dặn mình thương lắm cũng đành không/ Có bao nhiêu cũng để trong lòng/ Kiếp sóng kia ngàn đời vẫn vỗ/ Đêm đêm phập phồng mong nhớ/ Em vẫn dặn mình thương lắm cũng đành không”. Nghe mới xa xót và thương cảm biết chừng nào. Thế nhưng, Thanh Long buông một câu kết rất triết lý trong bài “Sợ” rằng: “Không sợ mất nhau/ Sợ tự đánh mất mình”. Phải, tình yêu là thế! Dẫu có trói buộc bởi trăm ngàn giáo lý, khoảng cách, thời gian và không gian thì quan trọng nhất vẫn là nỗi sợ “tự đánh mất mình”. Mà đâu chỉ tình yêu mới vậy, phải không Thanh Long?
Sống ở nơi xa, trong một khoảng thời gian dài đăng đẵng, ấy vậy mà Thanh Long vẫn khôn nguôi nhớ về mùa heo may quê hương, nhớ hoa xoan tím, nhớ “Dáng mía gầy như dáng mẹ/ Oằn lưng cõng những ngọt ngào”, nhớ dòng Lô xanh, nhớ anh ngày ấy. “Bây giờ đang mùa heo may/ Em nơi phương trời xa lắc/ Muốn gửi về anh chút nắng/ E than đỏ bếp ai cời? Cải ngồng lá ngọn heo may/ Em nghiêng bên nào cũng lạnh/ Ước nỗi nhớ này có cánh/ Khẽ khành đậu nhẹ vai anh”. Một nối khắc khoải nhớ thương hoàn toàn chính đáng, hoàn toàn cảm thông và sẻ chia.
Vẫn tâm trạng chơi vơi đó, vẫn niềm yêu khắc khoải da diết đó, Thanh Long đau đáu hằng đêm xa vắng người yêu. “Những đêm/ chăn gối dỗ dành nhau/ tấm drap nguyên nếp gấp/ đám thạch sùng đùa rỡn/ tiếc! tiếc! tiếc!/ giật mình/ Vắng anh/ Khói thuốc cũng ơ hờ lãnh lẽo/ trang thơ em nhòe… sũng bình minh” (Khói). Và để tự an ủi mình, Thanh Long đóng vai người mình yêu. “Cho em”, tác giả viết: “Anh hỏi/ Người đàn ông nào trong trái tim em/ Câu trả lời/ cúi mặt”. Ở bài thơ “Viết cho anh”, Thanh Long viết thế này: “Anh sẽ buồn/ nếu ngoài anh ra/ không có người đàn ông nào khác…/ Người đàn ông thứ nhất yêu em/ bởi hình hài vóc dáng/ bình minh ngủ trên má em cười/ Người đàn ông thứ hai yêu em/ Bời mùa thu biết nói/ gom lá vàng gói gió heo may/ Người đàn ông thứ ba yêu em/ bởi trái tim nồng ấm/ lòng thủy chung nhân hậu bao dung/ Anh hiểu được tại sao ho yêu em/ Vì vậy anh yêu em hơn tất cả những người đàn ông khác”. Bài thơ có 5 khổ, mỗi khổ có từ 1 đến 3 câu nhưng đưa ta từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Giật mình bởi khổ thơ đầu, tác giả làm cho người mình yêu vui bằng việc yêu nhiều đàn ông khác ư? Người thì vóc dáng thể xác, người thì lãng mạn tâm hồn, người thì nhân ái bao dung nhưng chung quy lại anh vẫn là số một, là duy nhất bởi “anh yêu em hơn tất cả những người đàn ông khác”. Viết như thế là giỏi, là chắc tay. Người đàn ông nào được Thanh Long yêu thì yên tâm quá đi rồi.
Bên cạnh những bài thơ tình yêu đôi lứa, Thanh Long có một số bài thơ nữa về kỷ niệm nhà trường, về quê hương, về những địa danh mà tác giả đã đến. Tuy nhiên, ở những bài thơ dạng này (rất ít) tôi chưa thấy thích lắm. Nổi trội hơn cả có bài lục bát “Em về”. “Em về xanh lại tóc anh/ Sông Thao ngâm khúc/ ngọt lành/ ngày xưa/ Đất cằn/ khát/ một mùa mưa/ Hạt em mỏng quá/ gieo chưa hết đồi”. Hai câu cuối rất hay. Hoặc như bài “Về Trung du” có hai câu nổi trội “Say câu hát ghẹo ngọt ngào/ Dao cau ai liếc ngã vào hát xoan”.
50 bài thơ của Thanh Long đều để lại những ấn tượng sâu sắc trong tôi, nhất là những bài thơ tình, mà chủ yếu thơ chị là thơ tình. Có 14 bài trong số đó là thơ lục bát. Dù chị có cố tình ngắt câu, bẻ chữ thì đọc lên nó vẫn là lục bát. Lục bát Thanh Long nhuyễn vần, chặt tứ và hay ý, có câu xuất thần (ví như 2 câu cuối trong bài Hóa thân ở đầu bài viết này và hai câu cuối trong bài Em về trên chẳng hạn). Chỉ có 2 bài thơ văn xuôi: “Tự vấn” và bài “Chưa xa”. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ, ngắt câu thì hai bài này cũng chưa hẳn là thơ văn xuôi mà là thơ tự do có vần, tác giả cố tình viết liền các câu đó lại. Thế nên, thơ Thanh Long trong tập “Một mi-li-mét” này chủ yếu là thơ tự do. Ở thể thơ này tác giả tha hồ tung bút, triển khai cảm xúc và đã đạt được hiệu quả nhất định. Mặc dù dùng thể thơ tự do nhưng tác giả vẫn chú ý đến vần điệu, cho nên thơ chị đầy tính nhạc, giàu hình ảnh, không cầu kỳ đánh đố câu chữ mà ngược lại rất dễ thuộc, dễ nhớ, dễ đi vào lòng độc giả.
Xin mượn chính bài thơ “Đá” của chị để kết thúc bài viết này. “Thơ người như khúc ru êm/ Lén đêm thả nhớ vào em. Tự tình…/ Vườn buồn khát một lung linh/ Ơ hay tượng đá giật mình tương tư”. Phải, tôi cũng đang giật mình tương tư thơ chị đây. Không biết Thanh Long có phải sinh năm rồng không? Nếu phải thì năm Nhâm Thìn này rồng sẽ cất cánh bay, rồng mây gặp hội, Thanh Long sẽ thăng hoa để có thêm nhiều tác phẩm thơ hay hơn nữa. Thời cơ và vận hội đến với Thanh Long rồi đó. Xin chúc mừng tác giả với tập thơ “Một mi-li-mét” đầu tay chững chạc này.
 
X.T

Địa chỉ: Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Phú Thọ
              Đ.T: 0912 940 316.