TNc; Mặc dù một số đảng viên có tiêu cực nhưng chúng ta tin rằng Đảng ta luôn bách chiến bách thắng lại có chủ nghĩa Mac-Lê vô dịch thì không gì chúng ta không làm được
* (Giữ gìn “Pho lịch sử bằng vàng”)
Tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng (5-1-1960), Bác Hồ đã đọc mầy câu thơ:
Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao,
Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình
Đảng ta là đạo đức, là văn minh…
Ba mươi năm lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng.
Từ khi Bác Hồ phát biểu ngợi khen và rất tin tưởng Đảng ta như “cả một pho lịch sử bằng vàng”. Nay, toàn Đảng phải làm gì để xứng với pho lịch sử đầy niềm tự hào ấy?
Nay đã 82 năm, Đảng ta đã có hơn 3 triệu Đảng viên, gấp 6 lần năm 1960. Đó là một đội ngũ đã rất đông đảo. Nay tuy đã đông, nhưng có mạnh không? Câu hỏi này có lẽ các đảng viên tự trả lời thì hay hơn. Đừng để người đời truyền nhau quan niệm và đánh giá là “đảng viên thì nhiều, nhưng cộng sản lại ít”. Số lượng phát triẻn Đảng rất cần thiết, nhưng chất lượng càng quan trọng hơn nhiều. Đảng lãnh đạo cốt ở chất lượng và sự khẳng định uy tín trước nhân dân, như người ta vẫn nói: “Quý hồ tinh hơn quý hồ đa”.
Tại Hội nghị lần thứ 4, Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), sau khi nêu những thành tựu, những mặt mạnh, đem lại những thành công trong lãnh đạo xây dựng và bảo vệ đất nước của Đảng ta, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ thực trạng: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, chưa được đẩy lùi mà thậm chí ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn lòng tin đối với Đảng…”.
Đúng thế! Lòng tin là quý nhất trong cuộc sống, trong các mối quan hệ chính trị-xã hội đừng để bị rơi vào trạng huống ngày càng bị “xói mòn lòng tin”, bởi mất lòng tin là mất tất cả. Đồng chí Tổng bí thư đã nêu rõ những mặt tồn tại, những yếu kém kéo dai rất cốt tử đó, đã nêu lên thực trạng lo ngại và đáng báo động đó. Vậy thì vấn đề cấp bách trong lúc này là phải làm sao để xây dựng, chỉnh đốn Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh. Thực tế hiện nay trong Đảng với chất lượng đảng viên, chất lượng lãnh đạo, sức mạnh chiến đấu có lẽ buộc chúng ta phải đặt ra câu hỏi: Cái “Pho lịch sử bằng vàng” như Bác Hồ đã phong tặng như thế, nay có còn xứng đáng được gọi như thế không? Đó chính là câu hỏi đang bức thiết đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân ta. Nhân dân đang coi đây là việc cần làm ngay, với mong muốn tạo ra được những kết quả cụ thể, rõ rệt để củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, như đồng chí Tổng bí thư đã thẳng thắn và chân tình phát biểu, nhận định.
Trước thực trang biểu hiện rất rõ nét về “suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên” hiện nay, trước thực trạng uy tín Đảng lãnh đạo và chính quyền trong đối nội và đối ngoại bị suy giảm, mất lòng dân, xói mòn niềm tin, người ta đang đặt câu hỏi: Do lỗi hệ thống, hay đã đến mức hệ thống đã bị hỏng nặng? Từ lỗi hệ thống đã lâu không được sửa chữa kịp, nguy cơ đưa đến hỏng cả một hệ thống chỉ trong gang tấc (dù hệ thống đã bền lâu trên 2/3 thế kỷ). Nhìn những bộc lộ tha hóa, suy thoái, mất đi phẩm chất cộng sản của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, người ta dễ nhận ra nguyên nhân chính vẫn là nguy cơ đưa đến tình huống “tự diễn biến” trong chính đảng của ta, do bản chất giai cấp công nhân không được vun đắp và giữ vững, do lối sống thực dụng, cá nhân chủ nghĩa mà sinh ra tham lam, cơ hội, vơ vén cá nhân, tàn dư của lối sống và cách cai trị thời phong kiến, cái đuôi “lối sống tiểu nông” tự tư tự lợi, ích kỷ, bon chen, những dộng cơ, mục đích cá nhân, nhỏ hẹp. Những lối sống đó hoàn toàn xa lạ với bản chất cách mạng của giai cấp công nhân. Người đảng viên cộng sản chân chính sao lại có thể bàng quan với cuộc sống nhân dân, thấy người dân khổ mà không xót, thấy bất công trắng trợn mà không màng lên tiếng, lặng nhìn mà làm ngơ khi thấy “người đồng chí” của mình có quyền, có chức mà còn nhuốm tàn dư “trị dân” kiểu phong kiến (cường hào mới) đang chà đạp nhân dân, chà đạp pháp luật. Thế thì quan điểm, lý tưởng, mục đích vào Đảng nay để ở đâu? Vũ khí đấu tranh phê bình và tính chiến đấu của một đảng cầm quyền ở đâu?
Đã làm lãnh đạo rất cần chữ “tín” làm đầu. Nhưng khi chữ “tín” lặn mất tăm, mất dạng thì làm sao mà hệ thống đứng vững được? Làm sao mà hệ thống vận hành được? Những nỗ lực xây dựng, củng cố, phê bình, tự phê bình cho dù mạnh tay đến mấy, nhưng không thường xuyên, thiếu kiên quyết, có sự nương nhẹ hoặc bao che vì mục đích vụ lợi nào đó, thì sớm muộn cũng bị biến thành những “phần mềm” lạc hậu, quá đát, hết giá trị. Hầu như những lời huấn dạy về đạo đức đã bị chai lỳ, mất tác dụng, không thấm vào đâu. Đây là sự cố tình vì cá nhân, vì nhóm lợi ích trong chính hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo. Họ chỉ nhằm mục đích cá nhân chủ nghĩa, tự hạ nhân cách, coi thường pháp luật và bất chấp cả chân lý, bất cần đến cộng đồng xã hội, bất cần cả sự tồn vong đất nước. Họ khồng cần phải giữ uy tín cho một Đảng cầm quyền mà họ đã là đảng viên nhiều năm, nhờ đó mới có chức này cấp nọ. Họ vì lòng tham mà cái gì cũng chỉ thấy lợi trước mắt, kéo bè kết cánh để trục lợi thành cái dây “nhóm lợi ích”. Đó cũng là hậu họa sinh ra từ thực trạng kém phẩm chất, thiếu văn hóa trong đội ngũ lãnh đạo, dẫn tới suy thoái, xuống câp “văn hóa lãnh đạo”, hậu quả là làm mất giá trị văn minh vốn có của một Đảng cầm quyền.
Cán bộ, đảng viên bị xuống cấp nhiều về đạo đức và lối sống với những biểu hiện rõ nét nhất từ khi nào? Nhiều người cho rằng: Khi đất đai còn hoang hóa, giá trị trên thị trường chưa cao, ít ai chú ý, tiêu cực ít, tham nhũng chưa xuất hiện nhiều. Từ khi bung mở “phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”, đồng thời với thị trường bất động sản rộ lên, đã xuất hiện đầu cơ, trục lợi. Đã là thị trường thì tự nó vẫn phát triển theo quy luật đương nhiên, nhưng hầu như trước sự chuyển đổi đó Đảng và Nhà nước lại có sự buông lỏng quản lý, thậm chí không ít cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên ngành, chuyên môn còn lợi dụng vai trò quản lý để “thị trường hóa” ngay trong công tác tổ chức, điều hành, lợi dụng chức vụ, quyền hành để chiếm dụng đất công, bao chiếm đất của dân, bồi hoàn giải tỏa với giá quá rẻ mạt như cướp không đất của dân. Không ít cán bộ bỏ bê việc công, khoán trắng cho cấp dưới và cơ quan chuyên môn, còn bản thân thì đêm ngày chỉ lo chạy mánh, móc nối làm giàu trên thị trường bất động sán. Thị trường gắn với tiền tệ, đồng tiền đã làm phân hóa giàu nghèo rất nhanh, làm biến đổi nhân cách, đi đến mất nhân cách, làm đảo lộn các giá trị đạo đức, làm mất lòng dân, thậm chí gây phẫn uất, oan khốc đối với dân. Cũng từ đó hình thành các nhóm lợi ích, cục bộ, bản vị, chạy theo đồng tiền, coi tiền là trên hết, làm giàu bất chính, tha hóa lối sống, mất hết tư cách và tác phong của cán bộ, đảng viên.
Đã bắt nhập với cơ chế thị trường, mở rộng đô thị hóa, công nghiệp hóa đòi hỏi phải phát sinh và phát triển các loại hình quy hoạch, dự án. Và tất nhiên là quy hoạch, dự án nào cũng phải có đất. Đất đai và dự án đã làm các cán bộ có chức có quyền mất chất cộng sản quá nhanh. Có nhiều tiền mới phát sinh chạy chức, chạy quyền. Có nhiều tiền mới sinh ra ăn chơi sa đọa, trụy lạc, suy thoái đạo đức, lối sống. Người ta nói là những cán bộ, đảng viên như thế coi như đã tự trở ngược con đường đã chọn, bẻ quẹo lối rẽ, giã biệt giai cấp vô sản, trở thành “tư sản đỏ” không có gì là áp đặt hoặc ngoa ngoắt.
Dễ nhận ra nhất là từ khi đất đai có giá trị ngày càng cao, sinh lời nhanh, người ta đua nhau chạy vạy, tìm đủ mọi thủ đoạn, mánh lời, vơ vét, buôn bán lòng vòng quỹ đất. Không ít cán bộ lãnh đạo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, tranh thủ thời cơ, dip may, bám vào các dự án để kinh doanh địa ốc. Không có tiền thì tìm cách vay, mượn tièn ngân hàng. Tiền ngân hàng trở thành thứ “mượn đầu heo nấu cháo” của một số quan chức sống theo kiểu thực dụng, cơ hội. Không có tiền thì lạm dụng công quỹ, trốn thuế, xoay xở “hợp thức hóa” để lấy tiền công quỹ làm vốn kinh doanh đất đai kiếm lời. Và cũng từ đó sinh ra nhiều mánh lới “quỹ đen, quỹ đỏ”. Vì thế, dư luận cho rằng: “Ngày xưa, làm cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc để giánh đất, giành dân. Nay, cán bộ, đảng viên lại “đi vào vết xe đổ” của chế độ phong kiến, giành đất, cướp đất của dân, và bị mất lòng dân”. Nguy cơ sinh ra lỗi hệ thống, hỏng hệ thống phần nhiều cũng từ chủ nghĩa cá nhân như đã nêu trên. Vụ án Nông trường Sông Hậu, vụ Tiên Lãng mới đây và nhiều vụ, nhiều nơi khác vi phạm dân chủ, làm trái pháp luật, cũng cái gốc “từ đất dấy lên”. Quan chức móc nối với đại gia, gây nhiều thiệt thòi, oan khốc cho dân chúng, vi phạm dân chủ nghiêm trọng. Nhiều vụ trắng trợn đến mức lộ rõ chân tướng của lòng tham chiếm đoạt đất: “Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”.
Sự xuống cấp chất lượng đảng viên phải được nhìn nhận từ cá nhân mỗi đảng viên đến tổ chức Đảng từ chi bộ trở lên, gắn với chất lượng công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên, công tác cán bộ và chất lượng công tác kiểm tra, giám sát. Bảo vệ chính trị nội bộ lâu nay dường như thiên lệch về lý lịch, ít khi thường xuyên xem xét, chú ý đến phẩm chất, lối sống, uy tín đảng viên trong nội bộ Đảng và đối với nhân dân. Cùng với trình độ giác ngộ, quan điểm tư tưởng, nhận thức và ý thức tự giác của mỗi đảng viên, tổ chức cơ sở đảng có vai trò rất quan trọng. Sự yếu kém tồn tại và ngày càng lan tỏa là do những nguyên nhân sau: Tự bản thân mỗi cán bộ, đảng viên thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện, học một đường, làm một nẻo, nói hay mà làm dở; chế độ sinh hoạt đảng không được duy trì thường xuyên, chất lượng sinh hoạt đảng kém, cái lối qua loa đại khái, đối phó, làm để báo cáo còn khá phổ biến; vũ khí đấu tranh phê bình và tự phê bình không được phát huy, nguyên tắc và điều lệ Đảng không được xem trọng.
Từ chỗ quan điểm, tư tưởng lệch lạc, lập trường không vững, thiếu ý thức tự giác rèn luyện, lại thêm tự buông lỏng bản thân của mỗi đảng viên đã dẫn tới những vi phạm, sai lầm. Trong khi đó, sự gương mẫu bị bỏ qua, cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy không những quan liêu mà có khi còn hành động như một sự “vào hùa” với những sai lầm, công tác kiểm tra, giám sát yếu, người đứng đầu cấp ủy không làm gương và “dĩ hòa vi quý”, làm cho cái mầm sai lầm ngày càng lớn lên trở thành nghiêm trọng. Thậm chí, có những cấp trên và người đứng đầu không những thực hiện sai chức năng, bàng quan với chức trách, nhiệm vụ, thấy đảng viên sai mà không thực thi kỷ luật kịp thời, có khi còn bao che, làm cho sai lầm từ nhỏ thành lớn, từ cá nhân thành bè, nhóm, ê kíp, sinh ra yếu kém cả tổ chức Đảng một cách có hệ thống. Sự yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, vai trò cá nhân là người đứng đầu cấp ủy còn rất mờ nhạt cũng phải xem công tác cán bộ làm tốt hay chưa? Từ việc tạo nguồn, bối dưỡng nguồn, chon lọc nhân sự, bổ nhiệm, đề bạt, cất nhắc, giao quyền đã khách quan, chính xác chưa?
Trong bài “Sửa đổi lề lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Khi cất nhắc một cán bộ, cần phải xét rõ người đó có gần gũi quần chúng, có được tin cậy và mến phục không”. Và: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng”. Nhắc lại 52 năm trước, trong dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng 1960, chỉ sau Cải cách ruộng đất vài năm, nhưng do Đảng ta kịp thời nhận ra sai lầm, mạnh dạn và kiên quyết sửa chữa, mà Bác Hồ là người nhận lỗi đàu tiên, nên Đảng được dân tin yêu hơn. Với quan điểm và chính kiến biết phê bình, tự phê bình, có khuyết điẻm biết kịp thời sửa khuyết điểm, xin lỗi dân, thì Đảng sẽ có thêm kinh nghiệm và vững mạnh hơn, cho nên Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn khẳng định: “Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng”.
Đầu xuân năm Nhâm Thìn này, kỷ niệm 82 năm thành lập Đảng, nhìn lại chặng đường đã qua, không thể phủ nhân công lao và thành tựu trong lãnh đạo cách mạng qua các thời kỳ của Đảng ta. Bác Hồ cũng đã khẳng định: “Thắng đế quốc và phong kiến là tương đối dễ; thắng bần cùng và lạc hậu còn khó hơn nhiều. Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hoá lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hoá tiên tiến, đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tưng cà mắm muối cần thiết cho đời sống hằng ngày của nhân dân. Cho nên Đảng ta vĩ đại vì nó bao trùm cả nước, đồng thời vì nó gần gũi tận trong lòng của mỗi đồng bào ta. Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”.
Từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, Bác Hồ đã kêu gọi các cán bộ, đảng viên: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Mới đây, trong bài “Muốn Đảng mạnh phải loại bỏ chủ nghĩa cá nhân”, nguyên TBT Lê Khả Phiêu đã viết: “Nếu từng người không tự mình soi mình thì không thể giữ được sự trong sạch. Soi mình, chính là tự mình phát hiện ra cái gì nó làm cho mình làm trái với đạo đức cộng sản…, chúng ta cần kiên quyết và nhanh chóng loại bỏ chủ nghĩa cá nhân, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân vào Đảng…”. Muốn xây dựng, chỉnh đốn Đảng cần phải biết sửa chữa nhanh và có hiệu quả cao những khuyết điểm, những yếu kém còn tồn tại và phát sinh, cần tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động; củng cố tổ chức chặt chẽ, tăng cường mối liên hệ mật thiết với nhân dân; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, coi đây là vấn đề sống còn của Đảng ta, chế độ ta. Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự thông suất về tư tưởng. Khi tư tưởng đã thông suốt thì khó khăn gì cũng vượt được, công việc to lớn mấy cũng làm được. Lời Bác năm xưa còn đó: “Mỗi đảng viên và cán bộ của đảng chân chính cầm quyền phải luôn luôn nâng cao đạo đức cách mạng, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, bồi dưỡng chủ nghĩa tập thể của giai cấp vô sản, cần kiệm xây dựng nước nhà, liên hệ chặt chẽ với quần chúng lao động, một lòng một dạ phấn đấu vì lợi ích tối cao của cách mạng và Tổ quốc”.
Nghị quyết Đại hội XI của Đảng xác định rõ: Công tác xây dựng Đảng luôn là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã nhiều lần khẳng định, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Đại hội XI của Đảng tiếp tục yêu cầu phải xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ, phương thức lãnh đạo… nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đại hội đã đề ra 8 nhiệm vụ cơ bản có tính hệ thống, toàn diện về xây dựng Đảng cần phải thực hiện có hiệu quả.
Mong sao, qua kết quả của Hội nghị TW 4 (kháo XI), “Đề án một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay” khẳng định được quyết tâm cao từ Bộ chính trị đến từng cán bộ, đảng viên, nhât là cán bộ giữ trọng trách ở các cương vị lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Vấn đề này đang thực sự là mối quan tâm lớn của toàn Đảng, toàn dân, mong Nghị quyết chuyên đề về chỉnh đốn Đảng sẽ sớm được triển khai thực hiện nhanh, với biện pháp tổ chức thực hiện kiên quyết và lấy hiệu quả làm trọng, nhằm khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta, thiết thực gìn giữ “pho lịch sử bằng vàng”, thực sự được nhân dân tin tưởng, mến phục. Ba vấn đề mà Bộ Chính trị đã xác định đang được coi là thực sự cấp bách, cần làm ngay, rất cân có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để khắc phục. Trong các biện pháp đó, thiết nghĩ biện pháp tăng cường mối liên hệ mật thiết với nhân dân, thực sự coi trọng phát huy dân chủ rộng rãi cần được coi là quan trọng hơn hết, thường xuyên tăng cường mối liên hệ mật thiết với nhân dân, tôn trọng dân và dựa vào dân để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vũng mạnh./. Bùi Văn Bồng
Nguồn: