Ngày 28/12/2011, khoảng 800 tiểu thương đồng loạt đóng cửa hàng, kéo đến UBND phường Bỉm Sơn (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) để tham dự cuộc họp với chính quyền. Tại cuộc họp, UBND thị xã Bỉm Sơn tuyên bố đã bán chợ cho Công ty Đông Bắc mà không thông qua ý kiến của tiểu thương, việc làm này đã khiến cho bà con nhân dân vô cùng phẫn nộ.
Ngày 09/01/2012, chính quyền tiếp tục thông báo các hộ kinh doanh phải gia hạn hợp đồng trong thời hạn 7 ngày, nếu không sẽ tổ chức cưỡng chế, phá dỡ các quầy hàng. Hành động này đã gây một làn sóng bất bình. Sáng mồng 1 Tết Nhâm Thìn có hàng ngàng người dân vẫn biểu tình ờ khu vực chợ. Dù là những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, nhưng bà con vẫn không nghỉ Tết mà đi biểu tình chống sự giải tỏa chợ tùy tiện của chính quyền vì mục đích tư lợi cá nhân mà đưa ra lý do rất vô lý, mất dân chủ. Nhiều hộ dân kéo cả nhà ra chợ, mang theo chăn chiếu cùng canh giữ không cho chính quyền tổ chức phá chợ.
Trước áp lực của đông đảo người dân, đến ngày 29/01/2012 (mồng 7 Tết), đại diện phía chính quyền buộc phải tổ chức một cuộc họp đối thoại với các hộ kinh doanh. Trong lúc hai bên đối thoại, phía chính quyền đã tỏ ra quanh co, tránh né, vì thế cuộc họp không đi đến kêt quả.
Hiện nay, do người dân đồng lòng đấu tranh, lý lẽ cứng cỏi, đúng pháp luật, chính quyền thị xã Bỉm Sơn buộc phải dừng lại việc giải tỏa chợ, buộc phải khất lần việc giao mặt bằng cho Đại Gia (Công ty Đông Bắc). Nhưng việc buôn bán tại chợ Bỉm Sơn vẫn chưa trở lại hoạt động bình thường. Những hợp đồng mờ ám của Đại Ca và Đại Gia có còn đe dọa bát cơm của người dân hay không? Điều đó còn phụ thuộc vào vai trò lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa trước vụ việc vi phạm dân chủ và lờ tịt pháp luật này ở Thị xã Bỉm Sơn.
Có thể thấy, việc các quan chức UBND Thị xã Bỉm Sơn đi đêm với doanh nghiệp trong việc bán chợ, không thông qua ý kiến người dân chính là hành vi mờ ám, tước đoạt trắng trợn mồ hôi công sức của người dân. Trong thời buổi kinh tế ngày càng khó khăn, ngoài nỗi lo cơm áo gạo tiền, người dân vẫn phải sống chung nỗi lo sợ bị cướp đoạt bởi những thế lực cường hào ác bá mới.
* Vậy, có thơ rằng:
Đại Ca móc nối Đại Gia
Xem ra chỗ chợ là còn đất ngon
Chỉ một thông báo con con
Tiểu thương ở chợ hỏi còn quyền chi?
Ông lo dự án nhanh đi
Đã xong dự án tức thì “mần” ngay
Tiền nhiều, rạng rỡ mặt mày
Quan Phường, quan Thị bắt tay cùng làm
Họp dân tuyên bố nghêng ngang
Nghỉ, thôi họp chợ, khỏi bàn mất công
Có quyền móc nối lòng vòng
Đại Ca hăng hái thông đồng Đại Gia
Mặc cho dân chúng kêu ca
Có tiền bỏ túi thì ta sướng đời
Họp dân thông báo mấy lời
Hẹn một tuần nữa sẽ xơi mặt bằng
Nhưng dân chợ Bỉm cũng hăng
Dễ gì lại sợ mấy thằng quan tham?
Cùng nhau sát khí đằng đằng
Quan tham đâu giám lằng nhằng với dân
Biết mình ăn ở không cân
Biết mình đuối lý khất lần cho qua
Khen cho dân Bỉm quê choa
Đấu tranh giữ chợ quả là đồng tâm
Đại ca hết “được đằng chân
Thì đâu còn dám mà lân đằng đầu”
Đảng ta khuyến khích làm giàu
Dùng quyền dân chủ là câu nhớ đời
Hết đường vơ vét, quan ơi
Khi dân đoàn kết, quan thời phải co
Qua sông có lái có đò
Muốn yên cuộc sống phải lo giữ gìn
Quan tham hết cớ để vin
Khôn hồn lùi bước “ăn mìn” như chơi
Dân ta có khắp mọi nơi
Quan mà tham chiếm phải đòi lợi chung
Đại Ca quyền chức ung dung
Đừng vị tham nổi máu khùng hại dân.
Bùi Văn Bồng