Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VĨNH BIỆT NHÀ HÀ NỘI HỌC NGUYỄN VINH PHÚC, THÀY GIÁO CỦA TÔI

Dương Đức Quảng
Thứ sáu ngày 3 tháng 2 năm 2012 2:29 PM

Thầy Nguyễn Vinh Phúc (ngồi ghế, thứ 3 trái sang; học trò Dương Đức Quảng (hàng đứng, thứ 2 trái sang)

Sáng nay, trong tiết trời giá lạnh, mưa phùn gió Bấc thấu tận lòng người Hà Nội, tôi cùng các bạn học sinh lớp 10B, niên khóa 1960-1963 của Trường Phổ thông 3B Hà Nội (nay là Trường Phổ thông Trung học Lý Thường Kiệt), đến Nhà Tang lễ số 5 Trần Thánh Tông để tiễn đưa Nhà Hà Nội học, thầy giáo Nguyễn Vinh Phúc kính yêu của chúng tôi về nơi yên nghỉ cuối cùng.Dù đã hình dung trước nhưng tôi vẫn không thể ngờ số người đến tiễn đưa thầy lại đông đến thế. Tôi cũng đã nhiều lần đến Nhà Tang lễ này để tiễn đưa nhiều nhân vật nổi tiếng, nhiều bạn bè và người quen về nơi vĩnh hằng nhưng hiếm khi thấy bãi để xe máy của người đến viếng lại không còn chỗ, hàng trăm xe máy phải xếp hàng dài dưới lòng đường vào Nhà tang lễ. Đó là không kể xe ô tô các loại phải vất vả lắm mới tìm được chỗ đỗ để mọi người vào viếng thầy.Tôi không biết có mấy trăm vòng hoa viếng thầy, chỉ biết rằng các vòng hoa xếp chật bên trong và xếp kín dọc tường phía bên ngoài Nhà Tang lễ…Thầy Nguyễn Vinh Phúc sinh năm 1926, là một nhà nghiên cứu lịch sử – văn hóa nổi tiếng trong nước. Thầy là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về Thủ đô Hà Nội. Thầy được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, được trao tặng giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội, và là một trong số mười người được vinh danh Công dân Thủ đô Ưu tú năm 2010. Song, mọi người trân trọng, yêu mến và biết đến thầy nhiều nhất thông qua danh xưng Nhà Hà Nội học do Giáo sư sử học danh tiếng Trần Quốc Vượng tặng thầy đầu tiên. Cho tới nay, thầy Nguyễn Vinh Phúc đã in riêng 15 tập sách về Hà Nội, như: Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở Hà Nội; Hà Nội qua những năm tháng; Hà Nội con đường, dòng sông, lịch sử; Hanoi passé et présent; Hanoi past and present; Sites, histoire et légendes d’Hanoi; Hà Nội thành phố nghìn năm; Hà Nội và phụ cận; Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn; Mặt gương Tây Hồ; Phố và đường Hà Nội, Hà Nội - cõi đất con người.Thầy còn là chủ biên 6 bộ sách lớn về Hà Nội: Đường Hà Nội; Hỏi đáp 1.000 năm Thăng Long; Du lịch Hà Nội; Thần tích Hà Nội và tín ngưỡng thị dân; Lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Ngoài ra thầy còn là tác giả của hàng trăm bài báo về văn chương, lịch sử, địa lý, con người Hà Nội.                                    
 
Năm 1960 tôi vào học lớp 8B Trường Phổ thông cấp 3B Hà Nội thì thầy Phúc chưa dạy Văn mà cô Nguyễn Thị Nhã dạy Văn lớp tôi. Năm sau, khi lên học lớp 9 thì thầy Nguyễn Vinh Phúc mới dạy lớp tôi, còn lên lớp 10 thì thầy Mai dạy Văn, thầy Phúc không dạy nữa. Có thể nói cả ba thầy cô dạy Văn ở Trường Phổ thông 3B những năm ấy đều là những thầy cô giáo dạy giỏi, khơi dậy lòng yêu Văn chương cho nhiều học sinh lớp tôi và đã để lại bao niềm yêu thương và quý trọng trong lòng mỗi học sinh chúng tôi. Thầy Nguyễn Vinh Phúc không chỉ dạy Văn mà còn là thầy Chủ nhiệm của lớp, tuy chỉ có một năm nhưng để lại dấu ấn không bao giờ quên đối với mỗi chúng tôi. Những bài giảng Văn của thầy có sức hấp dẫn kỳ lạ, nhất là những bài giảng về Truyện Kiều của thầy. Với giọng nói nhỏ nhẹ nhưng đầy ma lực, nhất là với kiến văn thâm sâu của thầy, thầy đã đưa chúng tôi bước vào lĩnh vực văn chương mới lạ, đầy mê hoặc và cũng thật lãng mạn, bay bổng. Tôi là một học sinh vào loại nghịch ngợm, “cá biệt” nhưng lại được thầy quý mến. Vì là giáo viên Chủ nhiệm nên thầy biết khá rõ về gia đình tôi, thương tôi mồ côi mẹ từ khi còn nhỏ, biết bố tôi cũng là nhà giáo, khi đó là Phó phòng Phổ thông của Sở giáo dục Hà Nội, đang trong hoàn cảnh” gà trống nuôi con”. Nhưng có lẽ cái chính thầy quý tôi là vì tôi là một học sinh yêu Văn, học giỏi môn Văn của thầy. Năm học lớp 9 ấy, tôi được thầy và trường cử đi dự thi học sinh giỏi Văn cấp thành phố và vinh dự là một trong hai học sinh toàn thành đoạt giải Nhì trong cuộc thi này (cuộc thi không có giải Nhất). Sau cuộc thi ấy thầy lại càng quý tôi hơn. Tôi có nhiều  kỷ niệm quý đối với thầy nhưng có một kỷ niệm rất thú vị mà tôi lại không nhớ! Gần 50 năm sau thầy Nguyễn Vinh Phúc còn nhớ và nhắc lại kỷ niệm này. Lần ấy, lớp chúng tôi tổ chức cuộc gặp mặt kỷ niệm 50 năm ngày nhập học Trường Phổ thông cấp 3B Hà Nội (1960-2010). Chúng tôi mời các thầy cô giáo đã dạy lớp 8B, 9B và 10B của chúng tôi ngày ấy đến dự và cũng để nhân dịp này chúng tôi được mừng thọ các thầy cô đều đã quá tuổi “xưa nay hiếm”. Đến dự hôm đó có thầy Thung dạy Lý, thầy Phúc dạy Văn, thầy Thiết dạy Sử, thầy Cảo dạy Toán, thầy Hoan dạy Trung Văn, cô Lý, cô Hanh dạy Hóa, tất cả có 7 người . Các thầy cô đến dự nói vui với chúng tôi là các thầy cô thuộc Nhóm G7, như 7 cường quốc trên thế giới đã cùng nhau thành lập nhóm G7 đầu tiên, mong rằng đừng có ai ra đi sớm để giữ vững nhóm G7 này! Trong buổi gặp mặt vô cùng cảm động đó, thầy Phúc kể với các thầy cô và chúng tôi một chuyện vui: Năm thầy dạy chúng tôi thầy không bao giờ soạn trước giáo án theo quy định của Sở Giáo dục Hà Nội mà toàn “dạy chay”, dạy theo “giáo án có sẵn trong đầu”. Lần ấy, trước khi có đoàn cán bộ của Sở về trường kiểm tra các giờ dạy của giáo viên, thầy gọi tôi, bảo tôi chữ đẹp chép giáo án giúp thầy. Thầy đọc “giáo án có sẵn trong đầu” để tôi chép lại. Năm đó, ngoài giờ học trên lớp tôi vẫn phải đi chép thuê các bản dịch sách từ tiếng nước ngoài, như Sử ký Tư Mã Thiên, Chuyện Làng Nho, Chiến tranh và hòa bình…, cho dịch giả Nhữ Thành, tức Phan Ngọc (Phó Giáo sư, nhà nghiên cứu văn hóa rất nổi tiếng) nên được thầy tin cậy. Tôi thật vui và tự trách mình là, một chuyện tuy nhỏ nhưng thú vị như thế mà tôi lại quên, còn thầy, sau gần 50 năm vẫn nhớ!.Năn 2005 tôi in tập thơ đầu tiên có tựa đề Một chút, trong đó có bài thơ Trước đập Vĩnh Trinh làm năm 1972 khi tôi mới đặt chân tới đập Vĩnh Trinh ở Quảng Đà trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Bài thơ của tôi có câu “Đập Vĩnh Trinh cánh quạ đen ngòm” tôi lấy lại của một nhà thơ nổi tiếng với chú thích là thơ Tố Hữu. Tôi mang tập thơ đến tặng thầy Nguyễn Vinh Phúc. Một thời gian sau đến thăm, vẫn với cách xưng hô thân tình với các học trò cũ, thầy bảo:- Mình đã đọc hết tập thơ của Quảng, có một số bài mình thích. Nhưng này, bài“Trước đập Vĩnh Trinh” cậu đã chú thích nhầm. Câu thơ “Đập Vĩnh Trinh cánh quạ đen ngòm” không phải của Tố Hữu mà là của Nguyễn Bính trong bài thơ “Gửi người vợ miền Nam” đấy! Tôi thật sự xúc động trước tình cảm của thầy dành cho cậu học trò cũ và biết ơn thầy về sự chỉ giáo quý báu này…Cuộc đời của thầy Nguyễn Vinh Phúc là cuộc đời của một nhà giáo và nhà nghiên cứu về Hà Nội miệt mài, cần mẫn làm việc và cống hiến. Quê thầy không phải ở Hà Nội nhưng hiếm có người Hà Nội nào lại yêu Hà Nội và cống hiến sức lực và trí tuệ của  mình cho Hà Nội đến thế! Năm 2010, trả lời nhà báo về dự định công việc của mình, thầy nói: Cụ Tản Đà có nói Trời chưa gọi mình thì mình còn đi!. Tôi đã 84 tuổi rồi nhưng Trời chưa gọi tôi còn đi tiếp, còn làm tiếp những việc dự định sẽ làm về Hà Nội, trong đó có công trình nghiên cứu về địa chí của 13 làng vùng quanh Hồ Tây...Nhưng rồi, sau một thời gian bị trọng bệnh, ngày 28/01/2012 tức Mùng 6 Tết Nhâm Thìn, Trời đã gọi thầy Nguyễn Vinh Phúc ra đi. Hôm nay, ngày 02/02/2012, đến tiễn đưa thầy Nguyễn Vinh Phúc về nơi yên nghỉ cuối cùng tôi được chứng kiến tấm lòng quý trọng và tình cảm tiếc thương của nhiều vị lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước, của nhiều bậc khoa bảng, trí thức, văn nghệ sĩ tên tuổi, của biết bao thế hệ học trò từng học thầy suốt mấy chục năm qua, của biết bao người dân thủ đô yêu mến “Nhà Hà Nội học” của mình…Các thế hệ học trò của thầy có rất nhiều người thành đạt. Chỉ riêng lớp tôi học đã có người là Trung tướng, nguyên Tổng cục trưởng một Tổng cục của Bộ Công an, có người là quan chức của Chính phủ, có người là Chủ tịch một tập đoàn  kinh tế lớn của ngành Xây dựng, có người là Tiến sĩ Toán học, có người là nhà khoa học nữ được Giải thưởng Quốc tế Cô-va-lép-skai-a… Có thể nói đã là học sinh của thầy thì ai cũng muốn được đến viếng thầy, tiễn đưa thầy về nơi yên nghỉ cuối cùng. Một số bạn học cùng lớp tôi từ thành phố Hồ Chí Minh không ra viếng được đã gọi điện nhờ tôi đặt vòng hoa viếng thầy. Điều bất ngờ đối với tôi là tại lễ viếng thầy tôi gặp Nguyễn Thị Lâm, một người bạn học cùng lớp, từ năm 1963 đến nay, nghĩa là 49 năm kể từ ngày ra trường, chưa một lần gặp lại. Từ năm 1990 Lâm sang Mỹ cùng chồng rồi định cư bên đó. Lần này vợ chồng Lâm về Hà Nội và cả hai được tin thầy mất đã cùng đến viếng thầy, cùng bạn bè năm xưa tiễn thầy về nơi yên nghỉ cuối cùng.

Thế là từ nay chúng tôi không còn được gặp, được nghe giọng nói nhỏ nhẹ đầy sức cuốn hút của thầy Nguyễn Vinh Phúc, được nhìn thấy nụ cười và những câu nói thật rí rỏm của thầy. Tôi ân hận không biết được tin thầy mắc trọng bệnh để đến thăm thầy trước khi thầy đi xa, bởi vì thầy không muốn báo tin cho mọi người biết. Chỉ có một hai bạn của lớp tôi biết tin đã đến thăm thầy khi thầy đã quá mệt, không ngồi dậy được nhưng đầu óc vẫn còn tỉnh táo. Vũ Thị Điềm, nhà khoa học nữ từng được Giải thưởng Cô-va-lép-skai-a, kể lại: Trước Tết đến thăm thầy, gửi biếu thầy một chút tiền gọi là thêm vào tiền thuốc thang để thầy chữa bệnh, nhưng thầy không nhận. Thầy cười, nói vui:-Em giữ lấy để hôm nào mang đến 5 Trần Thánh Tông thầy sẽ nhận!
Và hôm nay, Vũ Thị Điềm cùng các bạn lớp tôi đã đến đây, Nhà tang lễ só 5 Trần Thánh Tông,  Hà nội để hòa chung dòng người thuộc các thế hệ học sinh và những người yêu mến, kính trọng thầy – Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, tiễn biệt thầy về nơi yên nghỉ cuối cùng. Xin một lần nữa vĩnh biệt người thầy kính yêu của tôi.

Hà Nội, ngày 02/02/2012