Xung quanh vụ việc thu hồi đất của dân, dẫn đến vụ nổ súng chống người thi hành công vụ tại Tiên Lãng (TP Hải Phòng), Đoàn giám sát của UBTƯ MTTQ Việt Nam đã về cơ sở tìm hiểu. Những thông tin thực tế từ cơ sở đã cho thấy và càng thêm khẳng định chính quyền, đoàn thể cơ sở, cán bộ cơ sở chưa thực sự tôn trọng, thực thi tốt pháp luật, đặc biệt chưa gần dân, hiểu và thương dân, thậm chí coi thường dân. Chỉ khi xuống với dân, sát dân, người ta mới "vỡ” ra nhiều điều. Đi tìm những lời giải, rằng tại sao những người nông dân chân lấm tay bùn, những người dân vốn chăm chỉ, cần cù chân chất sao lại liều lĩnh, đùa với pháp luật? Sự việc không đơn giản, khi nghĩ rằng họ thiếu hiểu biết pháp luật, liều lĩnh?
Thực tế, vấn đề vụ việc đã diễn qua hàng chục năm, từ đề nghị, kiến nghị rồi khiếu nại, tố cáo... thậm chí ra Toà và người dân đã và vẫn đang tiếp tục đi tìm lẽ công bằng. Vì sao những tiếng "kêu” của người dân, những cái "vướng” của vấn đề đã không thấu đến "trời cao”? Hàng chục năm, sự việc đã không được giải quyết thấu đáo. Cái bức màn u ám vẫn cứ lơ lửng, không ai tháo gỡ. Cái gì đang vướng ở đây: Pháp luật, cơ chế, cán bộ, sự tiêu cực, tham nhũng hay những uẩn khúc nào khác? Mỗi sự việc xảy ra chỉ có một thực tế, một sự thực… Theo bà Phạm Thị Hiền (em dâu ông Vươn) cho biết, gia đình bà đã gửi đơn tố cáo đến Tổng Thanh tra Chính phủ về hành vi hủy hoại tài sản công dân của UBND huyện Tiên Lãng.
Trong đơn gửi các cơ quan chức năng, bà Hiền đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ hành vi hủy hoại ngôi nhà, và các tài sản trên phần đất không thuộc diện bị cưỡng chế. Bà Hiền cũng cho biết, gia đình bà không chỉ bị thiệt hại về ngôi nhà và các tài sản trong nhà mà sau khi vụ án xảy ra, nhiều người lạ còn tháo cống và dùng kích điện để vét sạch tôm, cua, cá vược, cá trắm trong khu đầm gia đình ông Vươn nuôi thả, trị giá nhiều tỷ đồng... Công bằng ở đâu? Nhiều người dân khi được hỏi đều trả lời sẵn sàng hy sinh quyền lợi vì sự phát triển của đất nước, vì xã hội, nhưng không thể chấp nhận khi quyền lợi của họ bị tước đoạt chuyển sang tay của những kẻ tham lam, cậy quyền thế. Quyền lợi của họ phải được pháp luật bảo hộ, thực hiện đúng theo pháp luật. Khi có công bằng, có dân chủ mọi vướng mắc sẽ được giải quyết triệt để… Vấn đề đặt ra là thực thi dân chủ ở cơ sở còn tắc, vướng những gì? (Báo Đại đoàn kết số ra ngày 30-1-2012)
***
Lâu nay tôi cứ băn khoăn một điều: “Trong các nghị quyết của Đảng đều nêu rõ mực tiêu phấn đấu là xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Vậy ta đã xây dựng như thế nào, hiệu quả thực sự đến đâu?” Nói về dân chủ, trước hết là nói về quyền thực thi dân chủ, quyền được thụ hưởng nền dân chủ của người dân trong một thể chế chính trị-xã hội.
Dân chủ luôn luôn là ước vọng của con người trong mọi thời đại, mọi dân tộc. Nó cần như cơm ăn, áo mặc, nước uống hằng ngày. Dân chủ là thước đo chất lượng cuộc sống văn minh xã hội và năng lực quản lý của một nhà nước. Dân chủ không phải tự nhiên mà có. Lịch sử đất nước ta đã chứng minh, muốn có một xã hội thực sự dân chủ, thực sự văn minh, lành mạnh phải đấu tranh, thậm chí phải hy sinh biết bao xương máu. Dân chủ và cuộc đấu tranh vì dân chủ hay dân chủ hóa, cũng như hòa bình, độc lập dân tộc, hợp tác và phát triển, là một xu thế lớn của thời đại. Cuộc đấu tranh vì dân chủ, cũng như vì hòa bình, độc lập dân tộc, hợp tác và phát triển mặc dù còn gặp nhiều khó khăn và thử thách, nhưng đã và đang có những bước tiến mới. Một thực tế phải ghi nhận là từ cán bộ, đảng viên đến quần chúng lao động đều chưa thực sự biết sử dụng và phát huy quyền dân chủ của mình. Điển hình như vụ cưỡng chế nhà ông Đoàn Văn Vươn mới đây ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng). Nhìn nhận diễn biến và hậu quả của vụ này, tôi thấy tự mỗi đảng viên và mỗi người dân nơi đây đã tước bỏ (hoặc bị tước bỏ) mất đi quyền dân chủ của mình.
Trong vụ thực hiện lệnh cưỡng chế để giải quyết đất đai quá mạnh tay và liều lĩnh, vi phạm dân chủ nghiêm trọng ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), cả việc thực thi dân chủ và sử dụng quyền dân chủ đều đặt ra những vấn đề cần xem lại. Thử đặt vấn đề: Nếu như một mình ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, và nếu thêm một vài cán bộ chức quyền nào đó có làm được chuyện cưỡng chế “quá nặng tay” gây tai tiếng này hay không? Trước hết, những sĩ quan công an và quân đội chấp hành lệnh cưỡng chế này có cả đảng viên. Lại thêm Đảng ủy xã Vinh Quang có bao nhiêu đảng viên? Chi bộ nơi hiện trường xảy ra vụ này có bao nhiêu đảng viên? Hệ thống chính trị cơ sở cồng kềnh, đảng viên đông mà được mấy ai là cộng sản. Đông, đủ bộ xậu, nhưng hiệu quả vì dân rất kém, chưa nói đến biểu hiện đã bị “quyền lực đen” vô hiệu hóa, tê liệt, dân hết biết trông cậy vào đâu.
Trong vụ này, Hội đồng nhân dân huyện và xã, một loại hình hệ thống do dân bầu cử, cơ quan đại diện cho quyền lợi của người dân đã thực hiện chức năng, nhiệm vụ, vai trò đến đâu? Rồi các đoàn thể quần chúng như đoàn thanh niên cộng sản, hội nông dân, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ…tai sao không ai lên tiếng, tại sao không ai phản đối? Đã có quyền dân chủ, được Hiến pháp thừa nhận, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, người ta tự đánh mất quyền dân chủ. Có khi phê binhg nhau lại sợ “đụng chạm”. Cấp dưới phê bình, đấu tranh với cái sai của cấp trên sợ bị trù dập, bị đì, sợ mất chức vụ, mất ghế, sợ không được cất nhắc, lên lương, lên cấp chức. Sự “dĩ hòa vi quý” đó là vì cá nhân bản thân họ, không vì dân chủ, không vì cộng đồng, “cái tôi” quá lớn đã che lấp hết. Lối an phận thủ thường vô hình trung đã thủ tiêu công lý, đánh tráo khái niệm đúng-sai, phải-trái, trắng-đen.
Nhận thức của các cán bộ, đảng viên cấp thừa hành và tại cơ sở về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thế nào? Tại sao một mệnh lệnh sai trái, một hành động sai pháp luật rành rành mà không ai lên tiếng? Vũ khí đấu tranh để bảo vệ công bằng, lẽ phải, bảo vệ chân lý ở đâu? Thừa hành mệnh lệnh mà gây ác, hoặc lờ đi trước tội ác cũng là tiếp tay cho tội ác. Những đảng viên là sĩ quan công an, quân đội, những chỉ huy dân quân là đảng viên, trước hết phải tự xem xét cái chất đảng, bản lĩnh người đảng viên thế nào, có còn xứng đáng hay không? Nhiệm vụ thứ 3 của người đảng viên là: “Luôn luôn thắt chặt mối liên hệ với quần chúng, phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng, hết lòng, hết sức phục vụ quần chúng, đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân… Phải tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng, chăm lo đời sống của quần chúng... Phải thường xuyên làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, phát triển ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, mệnh lệnh, độc đoán, chuyên quyền, xa rời thực tế, xa rời quần chúng”.
Vụ ở Tiên Lãng, riêng cá nhân ông Chủ tịch huyện có quyền và đủ toàn quyền ra chủ trương được không? Mà khi chủ trương, mệnh lệnh sai, có hại cho người dân, thì các đảng viên thừa hành nhiệm vụ xử trí thế nào? Trong vụ này, Ban Thường vụ Huyện ủy có trách nhiệm gì không? Đã có ai dám phản ứng khi chủ trương, mênh lệnh sai, vi phạm pháp luật và dân chủ một cách nghiêm trọng?
Lời Bác dặn còn đó: “Cái gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, cái gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh”. Giữa ban ngày mà tung lực lượng, cả máy ủi, máy xúc đập phá nhà dân, giữa ban ngày mà công khai kéo hàng chục tấn cá trong hồ của dân, thế mà cũng gọi là “thi hành công vụ” ư? Người nào đó đọc lại câu ca dao chống xâm lược, chống phong kiến: “Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”, liệu có đúng với hiện trạng vụ việc này không?
Có một lý giải xem ra cũng đúng với thực tế trong xã hội, hình như dân ta đã quá khổ vì các tầng áp bức của nhiều chế độ xã hội cũ, cho nên, được sống trong xã hội có dân chủ, được quyền dân chủ, nhưng vẫn còn tâm lý sợ chính quyền, sợ công an, thấy bắt bớ, giam cầm là sợ. Cho dù khi biết người đại diện cho chính quyền, mấy anh công an làm sai trật lấc, không đúng đường lối, ngược chính sách của Đảng, không đúng pháp luật, nhưng lại ít có bản lĩnh, không biết hợp sức bà con đồng lòng đoàn kết lại để đấu tranh bảo vệ quyền dân chủ của mình, cứ im lặng ngó qua cho xong chuyện, thậm chí căn răng mà chịu và tự khuyên nhau: “Họ có quyền, có thế, là người Nhà nước, dân mình thấp cổ bé họng, làm sao cho lại?”. Những cán bộ, đảng viên cấp dưới thuộc quyền thì như “thiên lôi”, chỉ đâu đánh đấy, thậm chí còn hành động như muốn lập công với cấp trên, thể hiện cái gọi là “ý thức phục tùng”. Sự nhu nhược, thiếu bản lĩnh ấy đã dẫn tới tạo điều kiện buông cho cái sai được dịp sai nặng hơn, cái ác thêm lộng hành, cửa quyền càng phát sinh. Rồi cuối cùng, người dân bị tước quyền dân chủ một cách trắng trợn.
Dư luận xã hội đã rất phổ biến một thực trạng là: “Hiện nay, it có ai quan tâm đến việc phát huy quyền dân chủ, mà chỉ nặng về thủ (giữ) cho cá nhân”. Chữ “thủ” ở đây là giữ cho riêng mình, có lợi cho riêng bản thân mình. Cá nhân chủ nghĩa thể hiện trong lối “thủ” này rất rõ nét. Cán bộ có chức có quyền do động cơ, lối sống “thủ cá nhân” mà thẳng tay vi phạm dân chủ, dọa nạt, ức hiếp, trù dập, trả thù những người dân dùng quyền dân chủ để tố cáo sai phạm. Những người này rất sợ, rất ái ngại dân chủ, tìm cách né tránh dân chủ. Bới vì, theo đường lối dân chủ thì họ không dễ dàng qua mặt quần chúng để “thủ lợi” cho cá nhân và nhóm lợi ích. Nói về dân chủ, Bác Hồ đã dạy rất chân tình, giản dị và dễ hiểu: “Dân chủ là hãy để cho người dân mở miệng”, nhưng các vị đương chức đương quyền đã “suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống” chỉ lo tìm cách bịt miệng dân, dối trên lừa dưới. Thế là thủ tiêu dân chủ. Thực tế trong các thể chế chính trị đã có nhiều bài học đau xót do mất dân chủ, đàn áp dân chủ, độ chênh lệch về công bằng xã hội tạo sự phân hóa lớn.
Còn trong các tầng lớp quần chúng cũng có những người chỉ chăm chắm lo “thủ” cho cái tôi bé nhỏ, sinh ra co lại, trùm chăn an phận, sống theo kiểu “mũ ni che tai, đèn nhà ai nhà ấy rạng”, “chuyện ai kệ ai, mặc gai trước mắt”, từ đó sinh ra hiện tượng lối sống vô cảm. Do đó, sức manh đoàn kết cộng đồng bị dần dần yếu đi, thậm chí như bị triệt tiêu. Một số vụ thấy người hành xóm, người trong cơ quan, đơn vị bị ức hiếp quá đáng, nhưng không ai ra mặt can thiệp, chuyện ai người ấy gánh, phận ai người đó chịu, đấu tranh-tránh đâu, nói có ăn nhằm gì. Hoặc không ít người quan niệm: “Họ mất chất cộng sản rồi đấy, nhưng dây vào họ làm gì, chỉ sinh phiền toái, chẳng phải đầu cũng phải tai”. Tâm lý sợ bị trù dập, sợ trả thù, hoặc tâm lý tự ti là dân không quyền hành nên không dám lên tiếng là rất phổ biến và tai hại.
Có những cán bộ, đảng viên biết là nói sai, nói và làm sẽ có hại cho dân, sẽ ảnh hưởng uy tín Đảng, nhưng ỉ vào cấp trên, nịnh cấp trên, muốn cái lợi trước mắt gì đó, mà vẫn cố tình nói liều, nói ẩu, làm sai, bao che cho cái sai. Thực hiện quyền dân chủ, đấu tranh vì nền dân chủ thực sự nhiều khi rất cần bản lĩnh, dũng khí, chính kiến rõ ràng. Những biểu hiện đó, suy cho cùng là chính mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cũng chưa phát huy quyền dân chủ của mình. Mặc kệ những đau khổ, thiệt thòi, oan khốc của người khác; mặc kệ cho sự vi phạm dân chủ một cách trắng trợn, tưởng như được an toàn cho ban rthân, gia đình, nhưng đến lúc nào đó cái nạn đến với chính mình, rồi cũng đành phải cam lòng gánh chịu.
Nếu như mọi cán bộ, đảng viên và người dân biết hưởng quyền dân chủ đã được Hiến pháp cho phép và bảo vệ, biết và dám sử dụng quyền dân chủ, có bản lĩnh, ý chí đấu tranh chống mọi sự bất công thì sẽ tạo sức mạnh tổng hợp toàn xã hội để vươn tới xây dựng được một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Có như vậy mới tránh được nguy cơ sụp đổ của chính quyền và những trở ngại khác đối với một cuộc sống công bằng và đoàn kết với cơ hội sống an khang, thịnh vượng cho tất cả mọi người. Chỉ có sự tham gia công bằng, tự do và dân chủ vào đời sống chính trị- xã hội và kinh tế của một nhà nước hay một cộng đồng mới có thể tăng cường an ninh cho cuộc sống và mỗi con người. Chỉ có đảm bảo đầy đủ các quyền con người, tôn trọng dân chủ, quản lý nhà nước có sự tham gia của người dân thì mới có an ninh cho mỗi cá nhân và cộng đồng, mới đi tới phát triển xã hội thực sự “dân chủ, công bằng, văn minh”.
Tất nhiên tình hình hiện nay đã khác xưa rất nhiều. Người dân đã ý thức hơn về quyền dân chủ và thực thi quyền dân chủ của mình. Nhưng, để thực hiện được quyền dân chủ như lời Bác Hồ đã nói, để “làm cho nhân dân biết thụ hưởng quyền làm chủ, biết dùng quyền làm chủ của mình, dám nói, dám làm” thì trước mắt còn rất nhiều việc phải làm. Dân chủ thường được hiểu là quyền lực của nhân dân, nhưng quyền lực đó phải được pháp luật bảo vệ mọi lúc mọi nơi thì mới phát huy được hiệu quả, nếu không thì số đông cũng bị một vài cá nhân quyền lực trấn áp một cách vô lý và oan ức. Cho nên, khi người dân không được giáo dục, tạo điều kiện để nâng cao nhận thức “biết thụ hưởng quyền làm chủ” hợp pháp thì quyền được sống, quyền được mưu cầu hạnh phúc vẫn rất khó đến được với họ.
Quá trình thực hiện cải cách hành chính gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đang được tiến hành đồng bộ, rộng rãi. Quy chế dân chủ cơ sở nhằm đảm bảo cho người dân thực hiện quyền làm chủ của mình trực tiếp ở cơ sở nơi cư trú và cơ quan, đơn vị công tác. Tư tưởng chỉ đạo của Trung ương Đảng về mở rộng dân chủ, dân chủ trực tiếp được cụ thể hoá và đưa vào khá nhiều trong các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản của các tổ chức chính trị - xã hội. Quá trình thực hiện cải cách hành chính gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đang được tiến hành đồng bộ, rộng rãi. Đặc biệt là từ khi Chính phủ ban hành Quy chế dân chủ cơ sở xã kèm theo nghi định 79/2003/NĐ -CP.
Để “Quy chế dân chủ cơ sở” được phát huy rộng rãi, thực sự đi vào cuộc sống, trước hết cần thường xuyên tăng cường giáo dục cho mọi cán bộ, đảng viên có quan điểm tư tưởng, có lập trường cộng sản kiên định, nhận thức thật đúng đắn và sâu sắc về mối quan hệ Đảng lãnh đạo với thực thi dân chủ. Cần phát hiện và xử lý kỷ luật kịp thời và nghiêm minh những cán bộ, đảng viên vi phạm dân chủ. Muốn thực hiện dân chủ xã hội rộng rãi, trước hết phải thực sự dân chủ trong Đảng. Nếu như ngay trong nội bộ Đảng cũng bị mất dân chủ, thì chẳng thể mong thực hiện dân chủ toàn xã hội. Dân chủ trong Đảng phải gắn chặt với thực hiện nguyên tắc, điều lệ Đảng, gắn với tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về dân chủ. Cũng cần chống lại những biểu hiện dân chủ giả hiệu, mị dân, lừa dân, hô khẩu hiệu một chiều mà tự xưng lên là tôn trọng dân chủ.
Mặt khác, cần phát hiện và đấu tranh không khoan nhượng với những hiện tượng lợi dụng quyền dân chủ để làm cản trở việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, lợi dụng dân chủ, mượn “con bài dân chủ” để chống lại Đảng, Nhà nước, chống chế độ xã hội chủ nghĩa.
Đối với người dân cần có chính sách giáo dục nâng cao dân trí, làm cho mọi người dân đều hiểu biết sâu rộng các quyền lợi, nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp, pháp luật, bảo vệ những người dân bị cán bộ đảng, chính quyền lợi dụng chức vụ, quyền hạn trù dập do đã mạnh dạn đấu tranh thực hành quyền dân chủ vì mục đích chung; đồng thời cần quan tâm khuyến khích người dân khi thu hưởng quyền dân chủ phải có trách nhiệm đấu tranh và vận động nhau xây dựng tốt đời sống văn hóa ở khu dân cư, sẵn sàng và trực diện đấu tranh với mọi hành vi sai trái, vi phạm dân chủ. Dân chủ xã hội càng đi vào lòng người thì đó là nguồn sức mạnh vô biên để xây dựng ngày càng vững chắc thể chế chính trị do Đảng lãnh đạo, cũng là thiết thực nâng cao khả năng lãnh đạo, sức chiến đấu, uy tín và độ bèn vững của một Đảng càm quyền./.
Bùi Văn Bồng