Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KHẨU HIỆU… KHÔNG CHỈ ĐỂ HÔ!

Trần Huy Thuận
Thứ ba ngày 31 tháng 1 năm 2012 3:00 PM

KHẨU HIỆU, nguồn gốc của nó là “khẩu lệnh”, là câu nói ngắn gọn để quân lính dùng trong chiến trận nhằm phân biệt “địch”, “ta”. Thời nay, khẩu hiệu đã mang một nghĩa khác. Gốc của nó là “KHẨU” – cái miệng, nên trước sau gì nó vẫn là một câu nói. Một câu nói mang tính HIỆU LỆNH, nên phải cô động, ngắn gọn – để một người có thể hô to lên được và để ngàn, triệu người có thể hô theo.
“DÂN CÀY CÓ RUỘNG” là khẩu hiệu đầu tiên của Cách mạng vô sản. Chính khẩu hiệu này đã vực dậy cả một dân tộc, một dân tộc đã “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa!” - như câu thơ Nguyễn Đình Thi.
Tương tự như vậy, “ĐỘC LẬP – TỰ DO – HẠNH PHÚC” cũng là khẩu hiệu đầu tiên gắn với Nhà nước cách mạng - Nhà nước “của Dân”, “do Dân”, “vì Dân”. Một số nước khác cũng có khẩu hiệu, như: “Einigkeit und Recht und Freiheit” (Đoàn kết - Công lý - Tự Do)  – Cộng hòa Liên bang Đức. Như : “Liberté, Egalité, Fraternité” (Tự Do - Bình Đẳng - Bác Ái)
 – Cộng hòa Pháp. Như: “Пролетарии всех стран, соединяйтесь!” (Vô sản quốc tế, đoàn kết lại!) – Liên bang Xô Viết.
Khẩu hiệu còn gắn với tên của một tổ chức, một cơ quan… để nói rõ bản chất cũng như mục đích và nhiệm vụ của tổ chức hoặc cơ quan đó. Như “Nhà hát Nhân dân”, “Quân đội Nhân dân”, “Công an Nhân dân”, “Tòa án Nhân dân”,.. là những cơ quan hay tổ chức của Nhân dân, vì Nhân dân. Đã “của Dân, vì Dân” thì không thể chống lại lợi ích của Dân.
Giá trị của khẩu hiệu không nằm ở sự khéo dùng mỹ tự hay chơi chữ. “Khẩu hiệu” phải hình thành từ cuộc sống, vì cuộc sống, đúng lòng Dân. Sức sống của khẩu hiệu nằm ở mục tiêu “phục vụ” cuộc sống, ở khả năng thúc đẩy cuộc sống phát triển, ở sức thuyết phục quảng đại quần chúng. Không dùng khẩu hiệu để mị Dân, lòe Dân hoặc đi ngược lợi ích chính đáng của Dân.
 “Khẩu hiệu” là mục tiêu cho hành động, mục đích của hành động. Gắn khẩu hiệu với tên nước, tên tổ chức, tên cơ quan chính là nêu lên mục đích, mục tiêu mà Nhà nước, tổ chức hay cơ quan đó muốn vươn tới. Nếu không, khẩu hiệu sẽ chỉ là khẩu hiệu, sẽ thành rỗng tuyếch.
Khẩu hiệu thường có tính thời đại và tồn tại theo thời gian. Bên cạnh những khẩu hiệu mang tính nhất thời như “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”, luôn tồn tại những khẩu hiệu có giá trị vĩnh cửu như “Độc lập, Tự do, Dân chủ, Bình đẳng, Bác ái”…
Khẩu hiệu thiết thực nhất, quan thiết nhất, có lẽ luôn luôn là “NÓI ĐI ĐÔI VỚI LÀM”!
Khẩu hiệu gắn với cái mồm, nên dễ thành “nói suông”, “nói một đàng làm một nẻo”, dẫn đến “người nói cứ nói, người nghe không tin”, dẫn đến bệnh “nói theo, ăn leo”, nói mà chả hiểu mình nói gì, nói “thao thao bất tuyệt”, nói để “lấy lòng”, “được lòng” và nói để trốn làm – “mồm miệng đỡ chân tay”! Thực tiễn cuộc sống đã có nhiều khẩu hiệu như thế hoặc gần như thế. Từ bốn năm chục năm trước, chúng ta đã nêu những khẩu hiệu như Cán bộ “là công bộc của dân”, là người “khổ trước dân, sướng sau dân”… nhưng đến nay ai là công bộc, ai khổ ai sướng, thảy đều đã rõ!
Tương tự như vậy, “điện lực đi trước một bước” là loại khẩu hiệu được đề ra từ cuối những năm năm mươi thế kỷ trước, vậy mà đến nay chúng ta vẫn thường xuyên lo thiếu điện. “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa” cũng được nói đến từ khá lâu, nhưng với nông thôn, nông dân vẫn là hình ảnh muôn thuở “con trâu đi trước, cái cày theo sau” (báo đưa tin “Ngày 7 Tết Nhâm thin, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dự Lễ hội xuống đồng năm mới và cùng tham gia mở đường cày đầu tiên tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam” với bức ảnh ngài đang cầm cày đi sau con trâu. Tôi nhìn bức ảnh và tự hỏi: Tại sao ban tổ chức lễ hội tịch điền không thay con trâu bằng chiếc máy cày? Đơn thuần muốn “phục dựng hình ảnh Đức Vua xưa” hay còn muốn phản ánh thực tại?).
Khẩu hiệu rất cần cho cuộc sống cộng đồng. Khẩu hiệu giá trị là khẩu hiệu mà “một người hô, vạn triệu người ứng”. Nhưng KHẨU HIỆU KHÔNG CHỈ ĐỂ HÔ. “Khẩu hiệu” phải là mục tiêu cho hành động, mục đích của hành động!