Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LỄ LẬP TỈNH CỦA NGƯỜI DAO QUẦN CHẸT

Cầm Sơn
Thứ sáu ngày 6 tháng 1 năm 2012 3:09 PM
 Cầm Sơn         
   Út Mười mời tôi dự buổi liên hoan khánh thành hệ thống nước sạch với anh em công nhân xây dựng. Trong buổi liên hoan tôi được Dương Trung Đức mời dự lễ Lập Tỉnh của anh. Nhà Đức hiện đang cư trú tại xóm Quyết Tiến xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn tỉnh Phú Thọ. Trước ngày Lập Tỉnh nửa tháng, Đức phải ở nhà không được đi đâu xa, tôi lên thăm và lấy tư liệu được Đức cho biết:  Đức sinh năm 1973 đã có vợ và một con trai 14 tuổi đang học lớp 8, tôi hỏi con lớn thế sao không đẻ đứa thứ hai, Đức bảo chỉ cần một đứa đủ rồi, cố nuôi nó cho tốt thôi, hiện nhà Đức có hai sào đất thổ cư, 7 sào ruộng, 7 Ha rừng keo các độ tuổi 3 và 5, nhà có hai con trâu, một đàn dê và nuôi 10 con lợn. Những việc này chủ yếu do vợ Đức đảm nhận còn Đức thì đang đi làm công nhân thợ xây cho công ty của Út Mười. Lễ Lập Tỉnh của Đức được tổ chức ở nhà ông Dương Trung Thành là trưởng chi tộc được gọi là Nhà Cái. Dương Trung Thành sinh năm 1952 có một con trai làm nghề lái xe Taxi ở Hà Nội và một cô con gái học hết phổ thông đang ở nhà chuẩn bị lấy chồng. Nhà ông Thành tọa lạc trên mảnh đất rộng khoảng 2 Ha có vườn trồng chè, trồng cây ăn quả và một hệ thống ao nuôi cá nối tiếp nhau, có một dãy chuồng trâu dài với đàn trâu 8 con, một chuồng lợn hơn chục con, một đàn bò, một đàn dê làm chuồng trên rừng và 14 ha rừng keo ở nhiều độ tuổi.
 
  Người Dao có nhiều dòng, ở Phú Thọ có hai dòng chính là Dao Quần Chẹt và Dao Đeo Tiền được di cư từ Trung Quốc sang, cụ Tổ của người Dao Quần Chẹt là Bàn Văn Hội và cụ Tổ của người Dao Đeo Tiền là Đặng Thị Hành. Phong tục cơ bản giống nhau nhưng mỗi dòng lại có cách làm khác nhau. Thanh niên người Dao đều phải trải qua lễ Lập Tỉnh mới được coi là người trưởng thành để đảm đương việc nhà, việc làng. Người Dao Đeo Tiền thì có thể làm lễ Lập Tỉnh từ lúc 10 tuổi trở lên còn người Dao Quần Chẹt thì phải lấy vợ rồi mới làm lễ Lập Tỉnh. Người Dao ở Địch Quả và người Dao ở Nga Hoàng bên Yên Lập đều là Dao Quần chẹt. Xưa nay, một số người cho rằng Nga Hoàng là tên gọi một dòng người Dao là không đúng, thực chất là người Dao Quần chẹt trước khi đội khăn phải quấn tóc và cài một cái trâm bằng ngà màu vàng nên còn có thể gọi Dao Quần chẹt là Dao Ngà Vàng chứ không phải là Dao Nga Hoàng. Gia đình nhà Đức có đông anh em nên bây giờ mới có điều kiện làm lễ Lập tỉnh. Lễ Lập Tỉnh hay còn gọi là Lễ Cấp Sắc là một nghi lễ đặt tên cúng cơm cho người đàn ông trưởng thành. Tên này sẽ được dùng làm tên để con cháu sau này thờ cúng khi qua đời, việc làm lễ Lập Tỉnh không nhất thiết bắt buộc mọi người phải làm. Khi nào gia đình có điều kiện thì làm và cách làm cũng do gia đình chọn chương trình tùy theo điều kiện và khả năng tài chính, có thể làm chương trình một ngày một đêm thì gọi là lễ “Tồ Tàng”, có thể làm chương trình ba ngày ba đêm thì gọi là lễ “Chày Phị Đàng”. Lễ Lập tỉnh của Đức làm theo chương trình  “Chày Phị Đàng”. Trước ngày làm lễ một tuần, gia đình sẽ chọn mời ông Thầy phù hợp với tuổi của người được làm lễ ( gọi là Con trò ). Kể từ lúc mời ông Thầy chủ lễ, con trò phải đến Nhà cái ở không được tiếp xúc với vợ con để giữ mình trong sạch. cả nhà bận rộn với việc mua giấy về để cắt lá bùa và làm vàng mã, phải làm đầy ba cái sọt đan bằng nứa. Tùy từng dòng họ mà các lá bùa nhiều, ít khác nhau nhưng nhiều nhất cũng không quá 12 lá. Trước ngày làm lễ, gia đình phài dùng lá cây quyét sạch tường nhà  để đuổi ma tà. Lại dùng cây lúa nhổ cả rễ rửa sạch bện bên dưới một cái chiếu đặt lên gác nhà để làm lễ dải chiếu cho Con trò nằm. Chỉ ở Nhà Cái mới có Giương thờ. Giương thờ là một cái tủ đan bằng tre hoặc nếu nhà khá giả thì đóng bằng gỗ gồm có hai ngăn, ngăn dưới để các vật dụng đồ thờ như ấm chén, bát đũa. Ngăn trên được trang trí đẹp hơn,  bưng gỗ kín ba bề và dán tranh biểu tượng của dòng họ, tùy từng dòng họ mà tranh có thể có 5 vai, 7 vai hoặc 9 vai. Những ngày lễ trọng thì có thêm một cái bàn gỗ để sát tường chính giữa nhà để bày đồ lễ gọi là Ban thờ.
 
Được sự đồng ý của gia đình Dương Trung Đức, tôi gọi điện mời phòng Văn Nghệ Đài Truyền hình Phú Thọ vào lấy tư liệu. Sáng ngày 30 tháng 12 năm 2011, mặc dù mưa rét nhưng Quỳnh Hoa và Lam vẫn ôm Camera đi xe máy vào, lại còn bị nhầm đường lạc sang tận Võ Miếu thế mà vẫn đến kịp trước khi ông Thầy làm lễ. Đội ngũ các ông Thầy gồm có hai ông Thầy cả, ông Triệu Cao Tuyền đại diện cho bên Nội, ông Triệu Văn Lưu đại diện cho bên Ngoại. Ngoài ra còn có năm ông Thầy phụ tế. Hai ông Thầy cả có trang phục riêng, áo dài màu xanh hoặc màu vàng có in hình hoa lá, phía trước và phía sau có tấm thổ cẩm thêu hổ phù, ngựa, chó, đội mũ  trang trí giống như các quan lại thời phong kiến. Các ông Thầy phụ tế thì không quy định trang phục, do yêu cầu của chúng tôi nên các ông Thầy này mới bỏ áo rét để mặc áo chàm người Dao. Con trò mặc áo dài màu chàm thắt dải yếm ngang lưng, đầu cũng đội mũ tế nhưng khác với mũ ông Thầy. Các ông Thầy không đến cùng một lúc mà người đến trước, người đến sau. Ngay từ lúc mới bắt đầu vào ngõ, ông Thầy cả cầm một  thanh gậy gỗ nhỏ đầu bịt bạc có tua  ở chuôi gậy giơ lên ngang đầu vẽ vòng niệm chú đuổi ma tà, sau đó vào trước sân khua mấy vòng vào một cái chậu to dùng để đốt vàng mã  rồi đi vào nhà theo hướng cửa bên, trên đường đi đều dùng cây gậy khua vòng chỉ xuống đất để dẫn lối. Mọi giao tiếp trong buổi lễ đều dùng ngôn ngữ của người Dao, Rất may cho chúng tôi được Triệu Tiến Cai-anh rể Đức là người hoạt bát và rất nhiệt tình hướng dẫn, giải thích tường tận từng chi tiết của chương trình. Việc đầu tiên của các ông Thầy là mang những giỏ đựng vàng mã và bùa chú ra kiểm tra, căn cứ vào cuốn sách viết bằng Hán tự hướng dẫn mà đặt các lá bùa theo từng nhóm tùy theo dòng họ nhà Con trò. Việc kiểm tra này mất khá nhiều thời gian tùy thuộc vào độ thành thạo của các ông Thầy. Sau khi kiểm tra xong là lễ ăn chay, các ông Thầy làm lễ xong thì mâm bàn được dọn ra cho mọi người cùng ăn uống. Ăn xong là đến phần lễ chính -  lễ Sheng hung ( Dâng hương). Hương của người Dao là một loại vỏ cây có mùi thơm. Trong lễ dâng hương có rất nhiều thủ tục, trước tiên là  “ Diều Chăng”- chõ xôi nếp được mang ra, những người giúp việc gói xôi vào những chiếc lá dong như những cái bánh xếp vào một cái hông rồi đem để lên gác nhà, theo Triệu Tiến Cai nếu là đám cưới thì phải gói cả thịt và thức ăn.  Tiếp theo là “Pủng miên” - treo tranh lên tường nhà. Mỗi một dòng họ có một bộ tranh do Nhà cái nắm giữ. Bộ tranh này chỉ được treo trong những ngày lễ trọng, sau đó lại cuộn lại để lên Ban thờ, bộ tranh của nhà ông Thành đã có cách đây trên 100 năm. Trong khi mọi người treo tranh lên tường thì một ông Thầy ngồi mang sớ ra viết. Thầy viết sớ cho Đức là một thanh niên sinh năm 1981 tên là Triệu Sinh Tân, Tân đã từng sang Trung Quốc 2 năm để học chữ nên viết sớ bằng bút lông rất thành thạo. Sớ viết xong được đặt lên  Ban thờ, ở trên đó đã được đặt một cây đèn dầu, hai bát gạo cắm một cái đũa tre, hai bát đốt vỏ thơm (Hương), 10 chén rượu, những cái lá chít có đính những viên xôi , chuông đồng, tù và bằng sừng trâu và những thẻ bài dùng cho việc hành lễ. Phía dưới cái Ban là một mẹt đựng lúa nguyên cả bông, một cái chiếu cói, lọ muối, chai dầu và các giỏ đựng vàng mã. Các ông Thầy và Con trò bắt đầu chuẩn bị trang phục, nhất thiết là phải có việc quấn xà cạp vào cổ chân. Lễ đặt tên bắt đầu được khởi hành, hai ông Thầy cả cùng Con trò nhẩy múa trong điệu nhạc của trống, chiêng và kèn, Thủ tục này được gọi là  “ Phảo Tồng”. Cứ mỗi một hồi múa nháy dừng thì các Thầy phụ tế lại lấy một vật bùa cài trong tấm thẻ các Thầy cả và Con Trò đặt lên Ban thờ, tất cả có 12 lần múa. Ông Thầy cả xin Âm Dương bằng hài mẩu nứa chẻ làm đôi, nếu sau khi gieo cả hai mẩu nứa đều ngửa phần bụng lên là được, Con trò sẽ được đặt tên, trong trường hợp này, Dương Trung Đức được đặt tên cúng cơm là Phặt Sinh. Sau khi được đặt tên là thủ tục “Thăng Lương”-  thủ tục này là rắc gạo và đặt các đồng tiền kim loại vào một dải vải nối từ Ban thờ đến đầu gối Con Trò ngồi trước Ban thờ rồi lần lượt hai ông Thầy cả và Con trò đứng đậy đi lên trên tấm vải đó, tượng trưng cho việc dẫn đường chỉ lối cho Con trò làm ăn sung túc. tiếp theo là “Pó Bủa”- làm bùa cho Con Trò, năm cháu bé tay cầm cái chén đựng ngọn nến đứng cạnh Con Trò, bẩy ông Thầy miệng đọc bài văn cúng trong điệu nhạc kèn, trống, chiêng phụ họa đi vòng quanh, sau mỗi lần, hai ông Thầy cả lại làm phép trên đầu Con trò, cả thảy 12 lần. Tiếp đến là thủ tục “ Piếu Phiển”- bàn giao dấu ấn và các vật dụng cho Con trò. Việc múa nhẩy vẫn tiếp tục kéo dài suốt đêm và được gọi là “ Piêu Lam Pồ”.
  Khoảng 3 giờ sáng, Lễ được đem ra ngoài trời để tạ ơn trời đất, một ông Thầy đọc bài tạ ơn trời đất tổ tiên từ một cuốn sách Hán tự, các ông khác vừa múa vừa đọc theo, thỉnh thoảng một ông cầm cái tù và bằng sừng trâu ngửa cổ lên trời thổi có ý báo cáo với trời. Con trò đội một cái mẹt trên đó đốt các lá bùa rồi các ông Thầy đọc  bài văn cúng tạ ơn trời đất, đốt vàng mã lần thứ nhất rồi quay lại cho người vợ Con trò  vận trang phục truyền thống của người Dao đi từ buồng ra để nhận Thầy, Trò. Con trò đứng lên, quỳ xuống lậy hai ông Thầy cả 12 lần, mỗi lần Con trò quỳ xuống thì người vợ Con trò cũng chùng gối nhún một cái. Sau đó ông Thầy cả vào nhà làm lễ “Đíp Panh”- sau một hồi cầu khấn, ông Thầy cả kẹp một mũi kiếm nhỏ ở kẽ ngón chân đá vào ô trên của cái Giương thờ, nếu kiếm chưa vào thì lại phải cúng khấn rồi đá tiếp. Trường hợp của Đức ông Thấy phải đá 10 lần kiếm mới vào được ô Giương thờ. Sau khi mũi kiếm đã vào được ô Giương thờ là thủ tục lấy chiếc chiếu từ gác nhà xuống dải ra cho Con trò nằm. Lần lượt các ông thầy từ ông có vai nhỏ nhất đến ông Thầy cả làm thủ tục yểm bùa rồi nhẩy qua người Con trò. Tiếp đến là giải bùa cho Con trò ngồi dậy rồi tiếp tục lại nhẩy múa để làm thủ tục “ Xsúng Panh”- hạ cái hông xôi trên gác nhà xuống. Tiếp đến là lễ “Plồ Pải” để đốt vàng mã ý nghĩa như cúng hóa vàng của người Kinh. Cuối cùng lại tiếp tục mổ một con lợn để nguyên cả con, trên lưng phủ tấm mỡ chài đặt lên Ban thờ cùng với ba bát măng khô nấu thịt sóc và một khay đựng 6 cặp đùi sóc sấy khô. Lễ này được gọi là “ Nhận Bày Hay”, trong suốt thời gian này, các ông Thày thay phiên nhau đọc lịch sử của người Dao để răn dạy con cháu ăn ở có nghĩa có tình, chịu khó làm ăn  vượt qua gian khổ như cha ông đã từng trải qua phải ăn măng khô, thịt sóc để tồn tại và phát triển.
 
  Lễ “Lập Tỉnh” hay còn gọi là “Cấp Sắc” của người Dao xảy ra vào dịp cuối năm  trùng vào thời gian của tết Nguyên đán, nhằm vào lúc nông nhàn, khi đất trời vào xuân, thời tiết mát mẻ. Lễ Lập tỉnh cho một người nhưng là lễ hội của cả làng, mang tính cộng đồng rất cao. Trong lễ Lập Tỉnh của Đức, các ông Thày đều là người đến từ bên xã Võ Miếu và có rất nhiều anh em họ mạc cả từ Yên Bái, Hòa Bình sang dự. Trước đây, có quan niệm cho  là một hủ tục mang màu sắc mê tín dị đoan, gây tốn kém. Nhưng tìm hiểu kỹ thì thấy rằng đây là một phong tục hoàn toàn mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Dao. Những người có hoàn cảnh khác nhau có thể chọn cách làm khác nhau phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện kinh tế của mình. Với mức sống như hiện nay của bà con người Dao thì việc tổ chức một cái lễ Lập Tỉnh hoàn toàn nằm trong tầm tài chính của gia đình. Để làm được ông Thầy phải trải qua sự rèn luyện học tập khá công phu, ít nhất là phải đọc được mấy tập sách hướng dẫn và học thuộc những bài văn cúng bằng  Hán tự, sau đó là phải có sức khỏe để có thể thức và nhảy múa suốt hai đêm ba ngày liên tục đối với chương trình “ Chày Phị Đàng” và một ngày, một đêm đối với chương trình “Tồ Tàng”. Trả công cho những việc làm ấy, ông Thầy cả được Con trò tạ lễ bằng một cái thủ  và hai cái xương sườn lợn, các ông Thầy khác thì mỗi người được vài cân thịt lợn, khi mang về nhà lại phải làm lễ ở nhà mình, nếu đông anh em còn phải mua thêm thức ăn để thết cơm, tuyệt nhiên không có chuyện Con trò trả tiền công cho ông Thầy. Vì vậy không thể nói đây là trò mê tín do ông Thầy đặt ra để thu lợi, mặt khác, dân trí bây giờ đã cao, chẳng ai có thể đem trò mê tín ra để bịp bợm. Tôi và nghệ sĩ nhiếp ảnh Tiến Hải đã bám trụ theo dõi suốt chương trình lễ Lập Tỉnh của Dương Trung Đức đều có nhận xét: Nếu các điệu múa và các bài hát trong lễ Lập Tỉnh này được ngành Văn hóa và các cấp chính quyền quan tâm giúp đỡ cải biên, nâng cấp và hướng dẫn thành những điệu múa chính thức cho các đội múa của làng bản người Dao phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng hay sử dụng làm dịch vụ để phát triển du lịch cộng đồng nhằm nâng cao đời sống cùa đồng bào miền núi thì tốt biết bao.
 Thanh Sơn- Ngày đầu năm 2012
 C.S