Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ VĂN KIM LÂN LẠI TRỞ VỀ THUẦN HẬU NGUYÊN THỦY

Vi Thuỳ Linh
Thứ tư ngày 4 tháng 1 năm 2012 9:22 PM
 
TNc: Ngày mai (5-1-2012) lễ khánh thành Nhà lưu niệm nhà văn Kim Lân do các con nhà văn tổ chức tại 99 Võ Thị Sáu, Hà Nội. Nhân sự kiện này, xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Vi THùy Linh về nhà văn yêu mến của chúng ta,


 Bốn năm rưỡi sau ngày ra đi, nhà văn Kim Lân (1921 - 2007) lại “trở về” với những người yêu mến ông, sống động, gần gũi và đôn hậu. Vẫn là Kim Lân ấy, mảnh khảnh, hay cười, nụ cười độ lượng, thích chơi với người trẻ và những quan niệm rất mới. Công trình nhà lưu niệm Kim Lân mà các con ông xây dựng cho cha tại 35 ngõ 424 Trần Khát Chân, Hà Nội, khánh thành sáng 5/1/2012, là nơi Kim Lân hiện hữu với độc giả xa gần.
Có thể coi cuộc khai mạc nhà lưu niệm Kim Lân ngày mai là ngày hội, festival của các nghệ sĩ nhiều lĩnh vực. Hội Nhà văn VN cùng phối hợp với gia đình nhà văn tổ chức sự kiện này mà người gánh trọng trách tổ chức, chủ lực kinh tế chính là người con gái cả - HS Nguyễn Thị Hiền.
Cống hiến đa dạng của Kim Lân đã khiến ông trở thành một nhà văn có sức sống lâu bền và tầm ảnh hưởng rộng. Nhà báo Hồ Quang Lợi - Uỷ viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội khẳng định:  “Kim Lân là một nhà văn lớn”. Ông có bài phát biểu ấn tượng mở đầu, tiếp đến:  nhà thơ Hữu Thỉnh (Chủ tịch Hội Nhà văn VN), ạo diễn NSƯT Đặng Xuân Hải (Chủ tịch Hội Điện ảnh VN), HS Trần Khánh Chương (Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN), nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN), nhà thơ Bằng Việt (Chủ tịch Hội LHVHNT Hà Nội), TS Chu Văn Sơn (ĐHSP Hà Nội)  bày tỏ nhận định, cảm tưởng về những đóng góp của Kim Lân trong lễ khai mạc tại Công viên Tuổi trẻ, 99 Võ Thị Sáu.
 Nhà văn của phong tục
Kim Lân viết không nhiều, song hầu hết các tác phẩm của ông đều trụ với thời gian. Làng quê trong văn Kim Lân dẫu với các nhân vật nghèo, dân lao động thô sơ vẫn không bao giờ bị lam lũ, thô mộc, tuềnh toàng vây bủa. Những thú chơi phong tục của làng chợ Giàu, Phù Lưu ánh lên trong các trang văn ăm ắp trải nghiệm quan sát, miêu tả tinh sành hấp dẫn, chất chứa tình tự Kinh Bắc hiếm có. Kim Lân không chỉ là nhà văn của làng quê, của kẻ nghèo khổ, thiệt thòi, khốn quẫn, ông chính là một nhà tiểu thuyết phong tục có thứ hạng (Từ tiểu thuyết dùng theo Lỗ Tấn, chỉ thể loại văn xuôi có tính tự sự). Làng của Kim Lân là Phù Lưu phong lưu tài hoa nức tiếng, làng duy nhất miền Bắc còn đá xanh lát những con đường dọc ngang mà mỗi viên đá là một trang album in những số phận chồng lớp. Kim Lân tự hào về làng, làng - tỉnh tự hào có ông như một danh nhân Tâm hồn Kim Lân quyện hồn làng, mà mỗi trang viết là trang đời của ông và người thân bạn bè, hàng xóm. Sự “ít” mà “tinh” trong sáng tạo đa dạng của Kim Lân khiến ông thành của hiếm. Một văn sĩ - nghệ sĩ được nhiều thế hệ, nhiều tầng lớp nhớ tới. Kim Lân có độc giả và chiếm được nỗi nhớ khán giả nhiều đến mức các diễn viên chuyên nghiệp, có tiếng cũng khát khao. Kim Lân là diễn viên có nghề, dù ông chỉ tham gia điện ảnh cho vui với bạn. Từ  Pụ Pạng trong Vợ chồng A  Phủ (ĐD Mai Lộc - Hoàng Thái) tới lão Hạc trong Làng Vũ Đại ngày ấy, đều thành vai để đời. NSND Phạm Văn Khoa quả tinh đời khi mời Kim Lân vào vai Lão Hạc. Không ai hợp hơn và thay thế được Kim Lân. Nhân vật ốm yếu vẻ gày gò, khắc khổ, thương xót vật nuôi, đó là con người Kim Lân. Cảnh Lão Hạc dỗ con chó vàng để nó chịu bán đi, vỗ về nó ăn bữa cuối, khiến triệu người rơi nước mắt.
 Kim Lân gần gũi với các thế hệ độc giả cũng nhớ kênh điện ảnh. Cách đây 3 năm, Hãng phim Phương Nam liên kết với Hãng Phim truyện Việt Nam ấn bản các phim kinh điển phát hành dưới dạng DVD. Loạt phim có Kim Lân đều là các tác phẩm xuất sắc được khán giả chú ý. Khởi từ mặc cảm thân phận, Kim Lân đã vượt lên để sống một cuộc đời lớn và đẹp, bằng văn tài của người vùng Đông Ngàn: “Đất hun tú khí, đời tạo văn nhân / Văn vật rõ ràng, nhân tài nảy nở” (văn bản cổ Nhập tịch cầu phúc về hội Phù Lưu - chợ Giàu).
Đặc thù văn chương là tưởng tượng và hư cấu từ thực tế. Chàng trai Nguyễn Văn Tài lấy bút danh Kim Lân, cho cả niềm đam mê ấy vào nhân vật kép tuồng già trong truyện Ông lão hàng xóm. Bố ông chơi chim giỏi, nên ông được hưởng gen này mà viết Đôi chim thành, Tông chim Cả Chuống; thú chọi gà (Con Mã Mái), chơi chó (Chó săn); đánh vật đánh võ: Trạng vật, Trả lại đòn, Ông Cản Ngũ; chơi pháo (Ông pháo, về Hội pháo Đồng Kỵ). Những thú chơi toát lên thuần phong mỹ tục, tinh hoa văn hoá dân gian hiển hiện và được gìn giữ trong văn Kim Lân nét hào hoa, mã thượng. Con người tác giả kiềm toả kín đáo, với tâm hồn đằm thắm, trong sáng tình cảm lạc quan, đau đáu chữ Tâm (Anh hiệp sỹ gỗ).
 Thân mẫu Kim Lân vốn là dân cấy thuê, từ Kiến An Hải Phòng về ngụ cư ở Phù Lưu. Bà là vợ ba, sinh được hai mụn con: Tài và Uyên. 20 tuổi, Tài muốn bỏ vượt thoát tủi phận đời anh thợ sơn quốc ở làng bằng các truyện ngắn trên Tiểu thuyết thứ bảy và Trung Bắc chủ nhật. Anh thích vẽ, diễn kịch nói, kịch thơ từ nhỏ. Chính Vũ Bằng viết thư mời Kim Lân ra Hà Nội khuyên ông hãy viết về phong tục tập quán, thú chơi. Và Nguyên Hồng là người dẫn dắt Kim Lân vào con đường văn chương. Họ là bạn thân của nhau tới đời con cháu.
Tình bạn, hội hoạ và điện ảnh
NSƯT Thuý Hường tâm sự: “Thầy Kim Lân u Tám hay về quê, gặp tôi chất phác tươi tắn, khi đang là học sinh trường VHNT tỉnh, nhận làm con. Thầy gần gũi với cả đoàn quan họ các thế hệ, thuộc nhiều làn điệu. Thầy vào Thị Cầu, Y Na nghe hát, sưu tầm lời cổ. Không ít lần, thầy còn tổ chức canh hát tại nhà số 6 Hạ Hồi. Tôi sẽ hát Nhớ mãi khôn nguôi để tưởng nhớ thầy. Lúc nào thầy tôi cũng đau đáu bảo tồn quan họ, nhắc nhở dặn dò các nghệ sĩ, lãnh đạo văn hoá địa phương gìn giữ vốn quý Kinh Bắc”.
Kim Lân có tình bạn với nhiều nhà văn hoạ sĩ lớn, đó cũng là tầm vóc của ông trong mối liên tài. Ông đóng góp cho nền văn nghệ kháng chiến từ ngày báo Văn nghệ ra số 1. ấp cầu Đen, đồi Cháy, Nhã Nam Yên Thế (giờ chỉ con trai thứ của nhà văn Nguyên Hồng còn ở từ những năm chống Pháp). Đó là đồi văn nghệ sĩ, với gia đình của Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Ngô Tất Tố, Đỗ Nhuận...
Chính Kim Lân đã làm mối cô Túc (em vợ nhà văn Nguyên Hồng) lấy nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Trong ký ức HS Nguyễn Thị Hiền, bác Đỗ Nhuận là người đầu tiên kéo violin và chỉ huy dàn nhạc quân đội tại đồi Cháy. Kim Lân vẫn sống bao năm qua, những dòng chữ đẫm tình trong các trang sách giáo khoa, những nhân vật trong trí nhớ công chúng. Các luận án thạc sỹ gần đây đã nghiên cứu về: Kinh Bắc và phong cách nghệ thuật Kim Lân, Văn hoá làng trong truyện ngắn Kim Lân... Trong sự giữ gìn hồn làng, nhà văn làm bừng sáng, rạng rỡ quê  hương xứ sở.
Kim Lân cho rằng: “Người viết văn phải là người tử tế, nhưng không phải cứ tử tế” là có văn hay, muốn văn hay phải có tài”. Kim Lân là người tài tử tế. Ông ký thác tình yêu quê hương ở tầng sâu văn hoá vào văn chương. Yêu hội hoạ mà chỉ theo đuổi được nghiệp văn, ông truyền đam mê hội hoạ cho các con từ thơ bé. Kim Lân đã tạo nên những tác phẩm bất hủ. Hiếm nghệ sĩ nào cùng lúc sinh tạo các truyện ngắn bậc thầy và những người con hoạ sĩ nổi tiếng. Văn chương, vai diễn để đời trong cuộc đời không ngừng lại. Ông đã hoá thân thành nhân vật của Nam Cao và tương lai tới đây, những nhân vật của ông sẽ lên màn ảnh. ĐD NSƯT Phạm Nhuệ Giang đang muốn chuyển thể truyện ngắn Vợ nhặt thành kịch bản để làm phim truyện nhựa.
 Gặp Kim Lân qua các kỷ vật vô giá
Suốt hơn 1 năm qua, HS Nguyễn Thị Hiền đã cật lực sưu tập, sao chụp, in ấn hình ảnh, bút tích của cha từ nhiều nguồn, cùng lượng tư liệu phong phú. Bà đã dày công lưu trữ bao năm, nhằm chuẩn bị cho công trình nhà lưu niệm tại chức nhà riêng 35 ngõ 424 Trần Khát Chân, Hà Nội. Trên diện tích 60m2, ngôi nhà 4 tầng được trưng dụng từ phòng khách, theo cầu thang gỗ lên các tầng trưng bày tranh, ảnh kỷ vật của nhà văn. Chị em HS Nguyễn Thị Hiền là  những người chơi đồ cổ có tiếng, họ được cha truyền lại các sinh thú, sự hiểu biết với những gì thuần hậu mà tinh tế của đồ gỗ, gốm từ xa xưa.
HS Nguyễn Mạnh Đức - chuyên gia dựng nhà cổ và hiện là HS thiết kế  bối cảnh điện ảnh hàng đầu, cất công mua nhà cổ gỗ xoan từ Ba Vì về dựng trên tầng 5 ngôi nhà của chị gái. HS Nguyễn Việt Tuấn thì làm cầu thang bằng gỗ lim. HS Từ Ninh cùng chị mua chim, cây cảnh. Trong gian nhà gỗ xoan là tượng đồng Kim Lân của nhà điêu khắc Lê Liên, phía trước có bể cá, cây si. Tiếng ríu ran của đôi cu gáy, chim khuyên, sẻ đá; không gian thơm và tươi sáng nhiều hoa. Nào cúc vàng, loài hoa mùa Thu nhà văn sinh ra, mạc lan, thanh lan, hoa đá, đỗ quyên, mai quế, hồng tú cầu, mẫu đơn, xương rồng và khóm hoa giấy hệt như ngôi nhà Hạ Hồi 50 năm gắn bó.
Các tủ cổ đời Nguyễn trưng bày bản thảo, bài viết, của Kim Lân. Mang giá trị trong các tủ cổ trang viết của ông, là hồi ức về đời văn, bạn văn. Kim Lân còn giữ được rất nhiều bút tích của các nhà văn, hoạ sỹ bậc thầy,  các bức minh hoạ của Bùi Xuân Phái, Văn Cao, Phan Kế An...
Mảng ảnh cũng là một giá trị quý hiếm mà nhà lưu niệm Kim Lân sở hữu. Tiến trình của Hội Nhà văn VN, những gương mặt văn nghệ sỹ từ kháng chiến tới đương đại qua hàng nghìn ảnh chụp cùng Kim Lân, cho người xem biết bao điều.
Ngày hội Kim Lân
Từ nhiều băng tư liệu, phim ảnh, đạo diễn Phạm Việt Thanh dựng bộ phim có độ dài gần 2 tiếng về cuộc đời Kim Lân. Bộ phim không lời bình, chỉ có lời các nhân vật. Âm nhạc trong phim là các bài quan họ cổ: Ăn ở trong rừng, Thân lươn bao quản lấm đầu, Con ếch do Thuý Hường hát. Bộ phim được chiếu liên tục tại Công viên Tuổi trẻ trong khi diễn ra các phát biểu và qua 2 tivi plasma lắp tại phòng lưu niệm Kim Lân. 400 giấy mời được phát ra, khách đến sẽ được thưởng thức ẩm thực làng quê, bánh giày giò chả, nghe chèo và đặc biệt, NSƯT Thuý Hường con gái nuôi của ông bà Kim Lân (từ 1986) cùng các liền chị Thuý Cải, Khánh Hạ, Lan Hương, Thanh Hiếu cùng các nhạc công, sẽ hát các bài quan họ cổ. Đây cũng là tấm lòng tri ân với nhà văn, người đã dày công bảo vệ quan họ.
Cảnh Kim Lân “nude” với mảnh quần đùi che nghịch ngợm bên bờ biển Vĩnh Linh thuộc series ảnh Kim Lân đi công tác cùng Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân vào mặt trận. Cùng Nguyên Hồng thăm mộ Ngô Tất Tố, rồi nhiều lần thăm mộ Nguyên Hồng. Cảnh về làng lần cuối, ngồi bậc thềm nhà cũ, xà nhà gãy và la liệt ngói vỡ dưới chân. Kỷ vật của Kim Lân để lại, có mảnh ngói vỡ từ ngôi nhà thơ ấu, điếu cày, ấm chén, bài viết, bàn trà, điếu bát, gối mây và tấm phản lim lên nước đen bóng. Tủ kính trưng bày bộ quần áo nhà văn về quê lần cuối, với áo len cổ lọ do con gái cả đan từ 1971 mà ông giữ dùng gậy, đôi giày đen, tất xù và mũ, “Đồ chơi” của nhà văn là hàng trăm ấm đất các cỡ, lọ đất nung, bình men rạn từ thế kỷ 4. Vò rượu, bình vôi, nồi đất, bếp lò nhỏ, hoành phi câu đối.
Về Kim Lân, nhà văn Tô Hoài: “Thương tiếc một nhà văn bao giờ cũng đương độ” Kỹ tính và cầu toàn nên viết mà không cho in, sáng tác không ưng thì ngừng lại Kim Lân chỉ muốn xuất hiện những gì “đương độ”. Cả đời ông không màng lợi danh, xa lạ bon chen tham vọng, như Nguyên Hồng viết về tri kỷ: “Một lòng đi về với đất, với người, với thuần hậu nguyên thuỷ”.
Sống ở Thủ đô, ông vẫn thao thức nhớ thương Phù Lưu. Tình quê, hồn làng tụ về thiên nhiên hiền hoà mà ông chăm chút, lão nhà văn mát tay chơi hoa chơi cây, nuôi chim hót hay, nuôi sáo biết nói.
Tôi tâm đắc đoạn văn nhà thơ Lê Đạt viết về Kim Lân khi tiễn biệt: “Tôi quý anh như một nhà văn ngồi nhầm lớp đặc biệt trong giới văn học Việt Nam. Anh ở cấp Đại học ngồi nhầm ghế trung học. Anh có cách tự học độc đáo. Văn hoá của một nhà văn không dựa vào bằng cấp. Người ta chê Kim Lân viết ít, đó là một nhận xét không đúng. “Người anh em” chỉ muốn trình làng những tác phẩm mà ông lượng định là đáng trân trọng” xem nhất. Đó là một thái độ lễ phép với công chúng và tự lễ phép đáng trân trọng”.
Bệnh hen suyễn mãn tính và huyết áp thấp, Kim Lân từ trần chiều 20/7/2007. Giờ ông nằm trong đất làng Phù Lưu, cái làng đẹp nhất Việt Nam trong trí tưởng và tình yêu của ông.
Nhưng ngày mai 5/1/2012, nhà văn Kim Lân lại trở về với chúng ta, gần gũi như ngày nào, nối kết những nối nhớ yêu thương của ông với cuộc đời, giữa mọi người. Tình yêu cha nơi các con ông, không chỉ là tạo nên một công trình vinh danh và tưởng nhớ cha, cuộc đời giàu bạn của cha, mà là mở ra một chốn để chúng ta có thể đến. Đến, để bình yên, để suy ngẫm, để phiêu lãng, để trở về sự thuần khiết, bản nguyên đẹp đẽ của tinh thần. Kim Lân “ngồi nhầm lớp” nhưng chưa bao giờ sống nhầm. Ông đã sống kỹ 87 năm. Và không dừng lại.
ảnh: Nhà văn Kim Lân trên đường làng Phù Lưu, Xuân 2007, lần cuối về thăm quê.
Nhà văn Kim Lân bế con gái Nguyễn Thị Hiền bên anh vợ - NSND Nguyễn Đăng Bảy.
Nhà văn Kim Lân, nhà quay phim Nguyễn Đăng Bảy cùng con cháu trong ngôi nhà số 6 Hạ Hồi (đã bán 2008).
HS Nguyễn Thị Hiền và cha bên bức sơn mài vẽ chân dung ông.