Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÍ THƯ “ KHOÁN HỘ” VỚI VĂN NGHỆ SỸ

Nguyễn Cảnh Tuấn
Thứ tư ngày 4 tháng 1 năm 2012 5:32 PM
 
   Năm 1990, tôi có may mắn được bà Lê Thị Liên, người đồng chí bạn đời thủy chung của cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc, cho xem cuốn nhật ký ông ghi trong thời gian từ năm 1957 đến năm 1970. Nhật ký đề cập nhiều vấn đề, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp… Đầu năm 1961, nghĩ về phong trào HTX nông nghiệp của Vĩnh Phúc, ông đưa ra nhận xét : “HTX cấp thấp đã triển khai tốt trên các địa bàn. Đã đến lúc xây dựng HTX cao cấp hay chưa? Cần chú ý, tiếng kẻng của hợp tác, các buổi bình công chấm điểm đối với xã viên quá phiền hà. Phải dè chừng hiệu lực của tiếng kẻng”. Đi kiểm tra đồng ruộng, ông đã nêu thực trạng làm ăn theo cách diễn đạt từ ngữ quá quen thuôc với người từng là tá điền : “Cấy chay, cày gãi, bừa chui. Mất mùa thì rõ kêu đời làm chi”. Bàn về của công dùng chung, ông nhận xét: “Chiếc xe đạp công ví như cái điếu cày tập thể ở cơ quan. Ai dùng cũng được, ruồng bỏ cũng không ai hay. Có nên duy trì chiếc xe đạp công nữa hay không?”. Ông hóm hỉnh đưa ra nhận xét: “Xe tư thì giữ như vàng. Lau từng mắt xích, kẽ nan tai hồng”. “Xe công về quẳng xó nhà. Quét bằng chổi xẻ, dội vào ba thau”. Một nhận xét chung, ông ghi nhật ký rất cô đọng, rất thực tế và có chút hóm đượm chất dân gian. Anh Kim Nam từng  chiến đấu ở chiến trường B đã tâm sự: “ Bố đã làm rất nhiều thơ tặng tôi. Nhưng bố chỉ đọc cho mẹ nghe. Đến khi tôi về, thì mẹ mới đưa những bản thảo đó cho tôi đọc.Thật tiếc, không hiểu sao những bài thơ đó tại sao lại không còn. Tôi đã làm thất lạc chúng, năm bố tôi ốm đau. Bố làm thơ, nhân ngày nhận được lá thư duy nhất tôi gửi từ B2, mẹ tôi thỉ thoảng bây giờ vẫn đọc: “Hôm nay nhận được thư con/Khác nào nắng hạn gặp cơn mưa rào/ Bao mùa chinh chiến gian lao/Nhưng con đã lớn đã cao với đời/ Mênh mông trái đất vòm trời/ Vừa qua mới chỉ bước đời phải đi/Khuyên con giữ trí kiên trì/ Ta đi đâu phải chỉ vì mình ta/ Tin vui ta viết vài câu/Gửi người đồng chí bấy lâu xa nhà...”.
    Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, nguyên thường vụ Hội VHNT tỉnh Vĩnh Phú có kể lai mấy trường hợp về Bí thư Kim Ngọc. Ông tỏ ra rất thông cảm với cách sinh hoạt của văn nghệ sỹ thường bị không it người gán với cụm từ: lạc điệu, cần đưa vào khuôn phép của tổ chức. Ông khẳng định : “Chúng ta đã nghèo không lo cho họ  cho tử tế, kỷ luật mấy người đấy thì lấy ai vẽ tranh  áp phích, làm thơ viết văn, hát hò động viên phong trào đây?”. Ông Kim Ngọc đã chỉ bảo cách ứng xử cho cán bộ cấp dưới: “Anh em văn nghệ sỹ về với tỉnh, không phải là tìm miếng chín của chúng tạ. Nhưng không vì thế mà chúng ta sơ lược trong mối quan hệ với anh ẹm…”.Có cán bộ chỉ đạo phong trào HTX, phân vân tâm sự : “Tình cảnh HTX nông nghiệp như hiện nay, nhà thơ vẫn viết:Dân có ruộng dập dìu hợp tác/ Lúa mượt đồng trải ấm áp làng quê/ Chiêm mùa cờ đỏ ven đê/ Sớm hôm tiếng trống đi về trong thôn”. Ông điềm tĩnh nêu ý của mình : “Các cậu cần thông cảm: Nhà thơ muốn đẹp, muốn hay người ta phải tả con sông cong, đường cái vằn vèo uốn lượn. Còn người làm kinh tế thì lại thích con sông, con đường phải thẳng tắp”
   Là thành viên ngành thơ trong Ban vận động thành lâp Hội VHNT tỉnh Vĩnh Phú, Vào một đêm mùa đông giá buốt năm 1973, tại đồi Sỏ Búa nơi cơ quan Ty văn hóa đóng ngày sơ tán, đã ra mắt Ban vận động. Khách của Trung ương có các nhà văn Bảo Định Giang, Hà Mậu Nhai, Hà Minh Tuân, họa sỹ Hồ Quảng…Cuộc họp đang trao đổi về sự cần đồng thuận khái niệm “Một nhà hai mái(  Ty văn hóa , Hội văn nghệ) chung một mục đích hoạt động”theo cách ví von của nhà thơ Cù Huy Cận Thứ trưởng Bộ Văn hóa. Sự trao đổi về mối quan hệ văn nghệ địa phương với văn nghệ trung ương. Có người quan niệm văn nghệ trung ương là sản phẩm hạng nhất, văn nghệ địa phương là hạng nhì. Bí thư Kim Ngọc chợt xuất hiện. Ông cáo lỗi với hội nghị  lý do cuộc họp ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa kết thúc nên đến muộn. Ông Kim Ngọc đã trực tiếp gõ vào điều chúng tôi đang tranh luận : “Một nhà hai mái nhưng  chung một chiến hào là chiến sỹ trên mặt trận văn hóa văn nghệ’. Mối quan hệ văn nghệ địa phương, văn nghệ trung ương ông dí dỏm đặt vấn đề : “Tiếp khách của Trung ương hôm nay, ở trên bàn tôi chỉ thấy có chè Hồng đào, kẹo bánh Hải châu, thuốc lá Thăng Long ; những thứ ấy các anh ở Trung ương không còn xa lạ. Đáng lý ra trên bàn phải có quýt Hạ Hòa, Bưởi Chí Đám, chè móc câu Phú Thọ, thuốc lá Làng Chanh sợi vàng… sản vật nổi tiếng của tỉnh đã có tiếng vang cả nước. Văn nghệ địa phương tỉnh ta góp cho văn nghệ Trung ương các tác phẩm phải na ná như quýt bưới, chè, thuốc lá. Điều nôm na tôi nêu lên không biết các văn nghệ sỹ có đồng tình không?”. Tiếng vỗ tay, nét mặt hân hoan lúc ấy còn lưu mãi trong tôi.đến tận hôm nay khá sâu sắc.Ngày Đại hội thành lập Hội VHNT tỉnh vào quý I năm 1975. Vừa bước vào hội trường, ông vui vẻ,cởi mở hỏi; “ Hội nghị các đồng chí có gì ăn tươi không? Văn nghệ cũng phải góp sức làm nhiều thức ăn chứ?”.Ông căn dặn lãnh đạo hội: “ Các đồng chí nhớ thực hiện đúng đường lối và đừng quên chế độ “Chiêu hiền đại sỹ”. Nhớ thực hiện  “đơn đặt hàng” cuả tỉnh này đấy nhé”
   Văn nghệ sỹ, viết về ông “Bí thư khoán hộ” ở nhiều thể loại: thơ, văn xuôi ( tiểu thuyết, truyện ngắn, ký), nhac ,điện ảnh và đặc biệt có gần bốn chục bài báo được đăng tải trên  các báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Đại đoàn kết , Tiền Phong, Lao động, Đài TNVN, Đài Truyền hình Việt Nam, An ninh thế giới…
   Khi làm cuốn sách: “ Những bài viết về Đồng chí Kim Ngọc”, ban biên soạn đã nhận được nhiều bài về thể loại văn học. Sóng Hồng (bút danh của đồng chí Trường Chinh ) đã có thơ tặng đồng chí Kim Ngọc : “ Phù lập làm phân thật khác thường / Phương Trù thủy lợi đáng nêu gương /Chăn nuôi tập thể Hòa Loan giỏi /Cây rợp bên đường thôn Lạc Trung…” ( Từ trên núi cao nhìn xuống Vĩnh Phúc ).Tại hội nghĩ về nông nghiệp tổ chức ở tỉnh Thái Bình năm 1970. Giờ giải lao hai ông Lê Duẩn, Phạm Văn Đòng chụp chung ảnh với Kim Ngọc. Trong câu chuyện ngoài lề nói về sự sâu sát của cán bộ với cơ sở, Kim Ngọc đã lẩy một câu Kiều như sau: “Đừng để sân rêu chẳng vết dấu dày. Lê Duẩn và Phạm Văn Đồng đã cảm khoái cao hứng chung tay bế Kim Ngọc tung lên cao mà hô: Đây rồi, nhà thơ của chúng ta, nhà kinh tế của chúng ta đây rồi. Trên mộ người cộng sản: “ Sống ở trong dân, chết chôn cùng dân / Hoạn nạn vì miếng cơm manh áo của dân / Trên mộ anh, gió lúc nào cũng mát / Xanh biếc bốn mùa đều là gió mùa xuân” (Trần Nhuận Minh). Nhà thơ Thi Hoàng viết: “ Thời ấy cháu trẻ trai thường hay nghĩ đến ăn / Cứ thấy cái gì ăn được là thèm / Nào biết ở đâu có một ông Kim Ngọc / Quên cả công danh mà nghĩ về hạt thóc...”. Bài :Nhớ ông Kim Ngọc : “ Sách không làm nên Đời mà Đời làm ra sách /Tay cầm lõm seo cày nên ông thấu lòng dân /Giọt mồ hôi mặn đồng những tháng năm khoán hộ / Ấm bao gia đình chỉ cay một mình ông…” ( Nguyễn Bùi Vợi). Viết về Bí thư Kim Ngọc, có một số bài ký có dư luận tốt những năm bước vào công cuộc đổi mới. Gần đây có tiểu thuyết: Bí thư Tỉnh ủy, của nhà văn Văn Thảo khá dày dặn và đã được hãng phim Đài truyền hình VN (VFC) dựng thành phim dài 50 tập lấy cùng tên tác phẩm văn học.Nhà văn Thùy Linh-phó giám đốc Hãng phim Đài THVN (VFC) đã nhận xét :” Càng tìm hiểu tài liệu, càng gặp gỡ với các nhân chứng là những người nông dân bình thường, chúng tôi càng thấy cảm phục, kính yêu và ngưỡng mộ Kim Ngọc. Chính vì thế mà chúng tôi quyết tâm làm cho được bộ phim về ông. Bí thư tỉnh ủy, không chỉ là một chức danh mà là một trách nhiệm, một nghĩa vụ và danh dự của một con người đi trước thời đại”. Phim Bí thư Tỉnh ủy đã được giải thưởng cao về tác phẩm cùng nhân vật sắm vai chính. Nhưng độ xúc động của người viết bài này, chừng mực nào đó nghiêng về mấy dòng ghi vắn tắt của trẻ nhỏ.Tổ bán báo xa mẹ ở Hà Nội dâng tặng câu đối đặt trang trọng ở nhà lưu niệm ông Kim Ngọc; “Ruộng đất công bằng nghĩa hiệp, thăng trầm người mở lối. Ý tưởng tuyệt vời của ông Kim Ngọc còn mãi với thời gian”. Các cháu mồ côi, lang thang, xa mẹ số 13 Ngô văn Sở-Hà Nội, trong một chuyến hành hương về đất Tổ đã vào viếng “ Ông khoán hộ’ và đặt lên bàn mấy dòng chữ “ Ý tưởng tuyệt vời của ông Kim Ngọc còn mãi với thời gian”.
   Một Bí thư tỉnh ủy hiểu tâm tư văn nghệ sỹ; được các thế hệ văn nghệ sỹ viết bài ngợi ca; kể ra cho đến nay ở nước ta cũng là chuyện hiếm thấy.

Đ/C; Nguyễn Cảnh Tuấn nhà 3 ngõ 12
 đường Trần Phú Thành phố Vĩnh Yên tỉnh Vĩnh Phúc.
Đt 0912.358719