Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TỰ TRỌNG NGHỀ NGHIỆP

Qua Loa
Thứ sáu ngày 6 tháng 1 năm 2012 8:02 PM

        Theo Từ điển Tiếng Việt thì, tự trọng thuộc động từ, có nghĩa là coi trọng và giữ gìn phẩm cách, danh dự của mình. Như thế, có thể nói, tự trọng chỉ có ở con người, trong xã hội loài người.
 Từ xưa cha ông ta vẫn nói “áo rách phải giữ lấy lề”, là dạy con người sống phải có phẩm cách, dù trong hoàn cảnh khó khăn như thế nào cũng không được vứt bỏ cái cơ bản của chính mình; hoặc “trâu chết để da, người chết để tiếng”, là dạy con người sống phải có ý nghĩa, phải biết sống vì cái chung; hoặc trong tình yêu có câu “chồng em áo rách em thương, chồng người áo gấm xông hương mặc người”, cũng là dạy con người phải có lòng tự trọng, danh dự, đừng chạy theo, bám theo cái không phải của mình.
 Có thể lấy nhiều thành ngữ, ca dao…Việt Nam để chứng minh trong quan hệ giữa người với người về sự tự trọng.
 Ở đây tôi chí bàn về tự trọng trong nghề nghiệp làm báo.
 Cũng có rất nhiều ví dụ về sự tự trọng. Đơn giản như phóng viên đã hẹn gặp người ta vào giờ G, nhưng đến giờ đó phóng viên vẫn chưa có mặt, tức là phóng viên thiếu tôn trọng người khác. Mà đã thiếu tôn trọng người khác thì không thể nói mình có tự trọng.
 Đài Truyền hình Việt Nam, hôm Tết Dương lịch năm 2012, mục Văn hoá đưa cô Kiều Trinh, một người bị tai tiếng là ăn cắp, lên nói về Văn hoá, đạo đức cũng là thiếu tôn trọng người nghe. Báo chí đã đăng về chuyện này. Bởi vậy, mấy ai lại muốn nghe một người bị tai tiếng về nhân cách lại rao giảng về đạo đức, văn hoá.  Lẽ ra cô Kiều Trinh không nên “chường mặt” trên màn ảnh nhỏ để “dạy”, và Đài Truyền hình cũng không nên, vì bất cứ lý do gì, mà cho cô Kiều Trinh được “chường mặt” lên như vậy. Làm như vậy là thiếu tôn trọng người nghe. Mà đã thiếu tôn trọng người nghe thì cô Kiểu Trinh và Đài Truyền hình Việt Nam cũng không thể nói là có tự trọng.
 Ở Đài Tiếng nói Việt Nam ta, có một giọng đọc trên Hệ vov1. Anh tên là Tùng, giọng thì òm òm, nhịp điệu đọc thì lã chả như “nước lả chan cơm nguội”. Cả trăm người nghe là cả trăm người đều thốt lên “sao cái đài quốc gia hết người đọc rồi sao mà cứ để cái giọng đó “đấm” vào tai người nghe mãi thế”. Người viết bài này cũng có lần nói trực tiếp với lãnh đạo hệ này. Lãnh đạo hệ này cũng thừa nhận như vậy, nhưng lại bảo, “nó là cháu của một lãnh đạo đài ta”.
“À. Là thế”, tôi ngậm ngùi “à” lên. Nhưng lòng tự trọng lại ngậm ngùi thế này: “Vì là cháu của lãnh đạo, nên cứ phải duy trì cái quả “đấm” vào tai người nghe mãi sao?”.
 Trời đất ơi! Vì cậy là cháu của lãnh đạo, nên anh Tùng cứ đọc, dù người nghe rất là không muốn nghe. Như thế là thiếu tự trọng đấy, Tùng ơi. Lãnh đạo đài, do nể nang vẫn để cho Tùng đọc, cũng là lây bệnh về sự tự trọng ở Tùng.
 Cũng ở đài ta, trên Hệ Phát thanh có hình, cũng có một giọng đọc nữ, tên Phương. Chị này lúc thì “chường mặt ra”, lúc thì “ giấu nhẹm đi”, nhưng  tiếng đọc nghe thì lào phào như bà lão, lại chữ nọ đè lên chữ kia, liếu díu, giăng rít làm người nghe chỉ nghe được chữ tác mà không rành được chữ tộ.
 Cũng đã có ý kiến nhận xét tương tự như thế này tại giao ban tuyên truyền của đài ta, nhưng chị này vẫn tiếp tục ngày ngày lào phào, liếu díu. Nghe nói, chị ta không muôn thôi lào phào, liếu díu vì chị là phó cái phòng đọc này.
 Ơ, chỉ vì là phó cái phòng mà có quyền cho người nghe đài cái giọng lào phào, liếu díu của mình, làm người nghe, cứ nghe là khó chịu thì người đọc này, đương nhiên là không có lòng tự trọng, mà cấp lãnh đạo không kiên quyết cho “giọng đọc” thôi đọc thì sự tự trọng đã bị lây nhiễm từ chị ta.
Còn nhiều chuyện hành nghề báo chí liên quan đến sự tự trọng. Hôm nay chỉ nêu vài trường hợp, xem biến chuyển tình hình đến đâu, rồi Qua Loa lại “kể” tiếp.
Q.L
Theo diendan.vov.vn