Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHUYỆN QUÊ

Nguyễn Đăng Minh
Thứ sáu ngày 6 tháng 1 năm 2012 3:48 PM
 
Cách đây mấy chục năm khi còn tuổi thanh thiếu niên, thường không mặn mà với câu chuyện của thầy (quê tôi gọi cha đẻ bằng Thầy) tôi, bởi các anh chị bảo các cụ già thì hay có nhiều chuyện nên kể cả ngày không hết. Nghĩ cũng lạ, đến hôm nay khi bản thân đã vào lớp người cao tuổi, lại hay nói nhiều, chuyện nhiều… Có lẽ tôi lặp lại cái gien của thầy tôi. Tôi để ý trong rất nhiều câu chuyện thầy tôi đã kể với các con, có một câu chuyện làm tôi còn nhớ đến bây giờ. Câu chuyện ấy thế này:
“Chính ở cái làng ta từ hồi ông nội, có ông Nỏ xuất thân từ gia đình khá giả, được ăn học chút đỉnh ở trên trường huyện, do va vấp vào chuyện phải lòng gái rồi học hành bỏ bễ nên gia đình bắt về làm ruộng. Không chịu được khổ với công việc cấy cày bùn đất, ông Nỏ đã bứt ra khỏi gia đình thành người lang thang trong vùng. Hồi ấy, ở mỗi làng, mỗi tổng đều có những kẻ trộm cắp, lưu manh và đây chính là những bạn bè của ông Nỏ; sau đó được ông Nỏ tập hợp bí mật thành những nhóm bí mật với tiêu chí chỉ ăn cắp của những nhà giàu có, nhất là các gia đình có nhiều tá điền, nhiều kẻ hầu người hạ... Của cải lấy được sẽ được chia làm ba phần, trong đó một phần để dành cho nhóm để làm vốn khi xẩy ra bất chắc và tiền đi chơi ngoài huyện, ngoài tỉnh, phần quỹ này do ông Nỏ giữ. Những năm đầu hội của ông Nỏ thu nhập được nhiều của cải tiền bạc vì họ đã lấy trộm được như vàng, bạc, đá quý ,tiền và có cả đồ cổ nữa. Sau đó cứ ít dần, ít dần… và trong những đồ vật của các đệ tử trộm được đã có nhiều tư trang, quần áo của những người nông dân nghèo. Qua tìm hiểu thực tế ông Nỏ đã thấy các gia đình giầu có ngày một giầu thêm và họ đã tăng cường bảo vệ tư gia bằng hào sâu, tường cao, rào thép, trang bị vũ khí cho đội quân bảo vệ cùng đàn chó giống nhập về từ Tây, Tầu và có cả giống chó quý hiếm đảo Phú Quốc, với tất cả trang bị ấy thì các đệ tử của ông Nỏ đã quay ra trộm của nông dân là vậy. Sau đó, ông Nỏ đã tuyên bố với các đệ tử là giải tán chứ không thể lấy trộm của cải của những người nông dân là thầy u (quê tôi gọi mẹ đẻ là U) là bà con anh em họ hàng, thôn xóm của mình!”
Thầy tôi có lời bàn thêm: “Cảm phục ông Nỏ đã biết dừng đúng lúc khi mà ông cảm nhận được bắt đầu ăn vào mồ hôi nước mắt của người lao động chân lấm tay bùn, hai sương một nắng…”
Nguyễn Đăng Minh