Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

XUÂN VỀ - THI TỬU – TỬU THI

Trần Trung
Thứ sáu ngày 6 tháng 1 năm 2012 3:52 PM

Ngày xuân, người ta – nhất là các thi nhân kim – cổ hay tìm thi hứng từ chất men chưng cất: tửu(rượu). Và, hình như có thăng hoa từ rượu mới thành thơ(phi tửu bất thành thi!). Cũng chính bởi thế, thi tửu hay tửu thi dường như là hai chị em sinh đôi – đồng hành, nương tựa và bổ sung cho nhau trên lộ trình Nghệ - Thuật – Thơ…
*
*        *
Lời say, bất kì ở đâu, với ai bao giờ cũng gắn với chất ngông thành thực của con người nghệ sĩ. Say để có bạn. Say để có tình. Say để là Mình. Say để có đời. Đây là ví dụ của tình say bằng hữu – ngay giữa thời của cơ chế thị trường. Gặp bạn mà thương bạn. Gặp bạn mà hóa ra thương chính mình: “Dòng đời xoay tất tưởi; chóng mặt những lo toan; Mấy khi ngồi bên bạn; E phút giây chóng tàn”(Nghiêng – Trần Trung).
Nhà thơ Hoài Anh, trong một lần nào đó từ đời, mà cũng có thể là cơn say – tâm tưởng , đã tìm ra những tấm lòng bầu bạn. Trong tập thơ mang tên “Thi tửu”(Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ), tôi thích những câu thơ đậm mùi rượu, mùi tình bạn của Hoài Anh:
“Với trăng xuống giữa cơn say
Tỉnh ra đầu ấp cánh tay bạn bè
Bước đi lệch cả phố hè…”
(“Gặp bạn ở Hà Nội” – Hoài Anh)
Truyện cổ tích “Trương Chi” hay và thấm thía bởi tình yêu trong chén khi nàng Mị Nương uống trà(mà cũng có thể là uống rượu!) chợt nhìn thấy bóng chàng “Người thì thật xấu, hát thì thật hay”. Với Hoàng Trần Cương, anh lại tìm thấy sức quyến rũ của rượu – nhất là quyến rũ từ “Dáng em”:
“Nhìn thế nào mà anh thấy dáng hình em
Như chai rượu đang nghiêng vào miệng chén!
Ngăn ngắt trời thu trong mắt đen
Tươi với làn môi màu lửa bén”
Cũng theo chiều hướng cảm hứng ấy, ta lại tìm đến thi nhân Nguyễn Khuyến để mà đọc vị, mà nhân chân ra niềm riêng tư thành thực của nhà thơ:
“Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy
 Độ dăm ba chén đã say nhè!...”
(“Thu ẩm” – Nguyễn Khuyến)
Thậm chí, trong niềm vui say tới độ, với thi sĩ – những tửu đồ rất dễ chạnh lòng mà đa cảm với thân phận của kẻ sĩ cô đơn. Ngỡ là “cái say sướng thế” mà sao nỗi cô đơn cứ thăm thẳm bủa vây:
- Tản Đà say sướng:
“Việc trần ai, ai tỉnh ai lo
Say túy lúy nhỏ to đều bất kể
Trời đất nhỉ? Cái say là sướng thế”
(“Lại say” – Tản Đà)
- Rồi Vũ Hoàng Chương say:
“Em ơi Lửa tắt bình khô rượu
Đời vắng em rồi say với ai?”
(“Đời vắng em rồi say với ai” – Vũ Hoàng Chương)
- Lại nữa, Nguyễn Thị Ngọc Hà – “vớt” lên những câu thơ say – tỉnh; được – mất; thực – mơ…mong manh tâm trạng:
“Tiếng cười rơi trong bát rượu
Vớt lên
Bỗng hóa thành sương…”
(“Tiếng cười rơi trong bát rượu” – Nguyễn Thị Ngọc Hà)
Với người nghệ sĩ nói chung, trong phút “thăng” của sự sáng tạo nghệ thuật, có một cái giá riêng, thậm chí là “độc nhất vô nhị”(có một không hai). Cảm hứng tuyệt vời đó được lưu lại trong tuyên ngôn nghệ thuật và nhất là hiện diện trong những tuyệt phẩm của người nghệ sĩ. Thế nên, những khoảnh khắc Giời cho của sáng tạo nghệ thuật, người nghệ sĩ, thi sĩ đã thực sự gặt hái những – mùa – đầy: đầy sắc màu. Đầy thanh âm. Đầy đường nét…Và, nhất là đầy tình ái:
“Lên ngang dốc núi
Chợt thấy mình say
Người ơi hoa tím
Đầy rừng hoa bay”
(“Ngang dốc núi” – Vũ Cao)
“Mây đa tình như thi sĩ ngày xưa”(Xuân Diệu). Thi sĩ cổ - kim vốn dĩ đa tình, nòi tình – Tất nhiên! Phẩm chất đa tình ấy – tất kéo theo vô số “đa”: đa cảm, đa suy (tư)…mà có thể cả đa thê nữa, chưa biết chừng!
Trong lãnh địa sáng tạo thi ca, dường như thi nhân rất cần những trạng thái lưỡng tính đồng hiện và đan cài: Say – Tỉnh; Thực – Mơ; Nồng – Đạm…tất thảy dâng đầy và chứa chan trong con – mắt – thơ:
“Rượu đa tình
Mắt đa tình
Núi
Mây
Lất khất say
Rượu nhen vào tôi bỏng rát vị cay
Mắt tít miền Đất Hứa…”
(“Rượu đa tình” – Nguyễn Việt Bắc)
Nếu như các chàng thi sĩ nương tựa cảm hứng vào “Nước lửa – mê ly”(chữ của Ma Văn Kháng) của thứ rượu chưng cất, thì các Nàng thi sĩ lại dậy sóng tình từ thế men, thứ rượu tự chưng cất. Ai bảo những lời thơ sau của Lan Hoàng Miên không say – có điều đấy là cơn say trong những khoảnh khắc huyền diệu, thánh thiện của thế giới tinh thần:
“Ly rượu thơm
Cất từ tiếng suối
Vắt ra từ những quả vú đồi
Hoa Tứ Quí dịu dàng thanh khiết”
(“Gặp lại” – Lan Hoàng Miên)
Vẫn là tiếng thơ say. Vẫn là lời thơ say tràn đầy và sung mãn chất nữ tính, nhà thơ Nhật Quỳnh lại tìm thấy và rung động bởi thú men say lạ. Và, thế là có sự bắt gặp niềm say đắm, tương giao từ hồn thi sĩ:
“Trời sinh lắm gió nhiều mây
Sinh thêm anh để đọa đày duyên em
Thơ anh cũng hóa thành men
Để em say đến đảo điên đất trời
(“Say” – Nhật Quỳnh)
Quả là những cơn say thơ, say rượu thành thực mà thăng hoa một đi không trở lại, không gặp lại.
Những cơn say của thiên hạ từ cổ chí kim; Những cơn say của thi sĩ lại càng cần một thứ men rạo rực, thắp lửa, ủ men nồng từ thế giới khách quan. Nhất là mỗi độ tết đến – xuân về. Xuân về đánh thức sự sống thanh tân. Đánh thức sự sinh sôi. Và, các thi nhân – với thứ Ăng - ten tâm hồn bén nhạy đã tìm thấy con người – thơ của chính mình; từ chính mình. Nguyễn Bính tìm thấy cảm hứng xuân trên mái gái chưa chồng”:
“Đã thấy xuân về với gió đông
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn Giời, đôi mắt trong”
(“Xuân về” – Nguyễn Bính)
Mùa xuân của sự sống mang vẻ đẹp êm nhẹ và dịu như chút mùa xuân, nắng xuân thanh nhẹ. Và, ngoại giới xuân về, với thi sĩ – khi “tửu nhập” là “ngôn xuất” tức thì:
“Phút buông chén xuống lặng ngồi
Ngước lên đã khắp một trời hoa xuân”
(“Rượu xuân” – Nguyễn Sĩ Đại)
Nhờ vào, tựa vào những chén rượu xuân đã thực sự đánh thức cảm hứng chứa đựng cả thực và mơ, cả ngọt ngào và cay đắng trong tâm hồn vốn dễ buồn vui, dễ ngả nghiêng… của thi nhân:
“Tháng giêng lên xứ anh đào
Mùa xuân như mở lối vào Thiên Thai
Ngàn hoa nụ đẫm sương mai
Ngả nghiêng chén rượu chỉ hai chúng mình”
(“Với Đà Lạt tháng giêng” – Lương Định)
Những kẻ sĩ đa tình và nhạy cảm nên cũng dễ xúc động. Mà xúc động nên dễ thổn thức mà bật lên tiếng lòng cảm ơn – cảm ơn mùa xuân; cảm ơn trời đất sinh thành nên mùa xuân:
- “…Heo may qua ngõ mà hay xuân về
Cạn nào!
Dốc lên đam mê
Lỡ say
Say…
Một câu thề lên men.”
(“Rượu xuân” – Đoàn Xuân Hòa)
- “…Dâng xuân một chén rượu đầy
Tạ ơn trời rộng đất dầy cho yêu”
(“Uống rượu ở quê đêm 30 Tết  - Đặng Vương Hưng)
- “Hạt sương say cỏ dại
Giọt mưa say chân đê
Chai rượu say trời đất
Trăng say dáng em kề”…
(“Say” – Cao Ngọc Thắng)
Cổ - Kim còn biết bao nhiêu cơn say của các thi nhân mà thành thơ. Và, trong thi hứng dồi dào sinh lực ấy luôn mang đậm hương vị thơm thảo, thơm tho, thơm nồng…của cảm quan nhân thế.
*
*            *
Thi tửu – tửu thi(thơ rượu – rượu thơ) thật khó mà phân định rạch ròi: thơ nhờ rượu mà thăng hoa; hay rượu dâng men mà làm cho thơ say - tỉnh. Thế nên, mỗi khi tết đến, xuân về, với thi nhân lại tạo tên cảm hứng đặc biệt. Khi uống rượu mà đề thơ, mà thành thơ. Để rồi, từ chất men của rượu, men của Mùa xuân – Đất trời mà ghi lại những thông điệp cho đời, cho Người – Những thông điệp cất lên từ trái tim say của thi sĩ.
Chẳng biết tự bao giờ, xứ sở phương Đông hay phương Tây, Ai(viết hoa) đã chưng cất ra rượu, chưng cất ra thứ “Nước Lửa mê ly” mà rót vào lòng Người, hồn Người những khoảnh khắc thăng hoa kì diệu và tuyệt vời đến thế…