Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BẠN TÔI, MỘT BÀI THƠ HAY

Lê Tự
Thứ tư ngày 4 tháng 1 năm 2012 2:20 PM
Lê Tự

Bạn Tôi

Về thăn bạn cùng quân ngũ
hỏi hết chuyện gần chuyện xa
hưu rồi làm gì cho xã?
bạn cười: Thổi kèm đám ma
tớ vốn là dân văn nghệ
không quen sổ sách giấy tờ
vợ con gàn – tớ mặc kệ
bỏ ngoài tai đến bây giờ
tiếng khóc hòa trong tiếng nhạc
tiếc thương tăng gấp bội lần
có người nhờ tớ khóc hộ
nỗi đau như thể vơi dần
những khi ngồi chơi xơi nuớc
phồng mồm trợn mắt cho vui
vợ con lén sang hàng xóm
mang theo cả chuỗi tiếng cười
lắm lúc nhớ đồng đội cũ
chết có trống kèn gì đâu
tớ thổi Chiêu hồn tử sĩ
bỗng thấy tim mình quặn đau
trung tá hưu đã từ lâu
vẫn còn máu văn nghệ sĩ
chẳng có điều gì vô lý
khi mình thổi kèn đám ma!
Quốc Toản

Tác giả bài thơ này là nhà thơ Quốc Toản, ông nguyên là sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu được mấy năm nay. Những người từng là lính, từng chiến đấu ngoài mặt trận thì rất thích bài thơ này, nhất là những người trở về với đời thường sau bao nhiêu năm binh nghiệp. Còn tôi thi thoảng lại mở tập thơ “Nửa đêm thức giấc” của Quốc Toản ra để đọc duy nhất bài này mà thôi. Đọc để nhớ về một thời là lính, một thời lang thang khắp chiến trường miền Tây Nam Tổ quốc thân yêu. Những trận chiến diễn ra bất ngờ âm thầm mà vô cùng khốc liệt, những người lính chiến binh, đồng đội của tôi đã ngã xuống, được anh em trong đơn vị đưa đi chôn cất vội vàng, không có áo quan, không có điếu văn và không một bài kèn vĩnh biệt. Khổ thơ: “Lắm lúc nhớ đồng đội cũ/ Chết có trống kèn gì đâu/ Tớ thổi Chiêu hồn tử sĩ/ Bỗng thấy tim mình quặn đau” trong bài này như một lưỡi dao vô hình cứa vào trái tim những người một thời là lính chiến khiến đau quặt thắt.
Quốc Toản viết bài thơ này trong tâm trạng của chính mình với cuộc sống sau ngày giải ngũ. Với hàm đại tá thì lương hưu cũng đủ sống rồi nhưng ông vẫn không thể ngồi yên nên đã nhậm chức tổ trưởng dân phố Hậu Thái phường Lê Lợi thị xã Sơn Tây. Bao nhiêu năm là người lính, máu trong hệ thống tuần hoàn lúc nào cũng sôi sùng sục, cũng muốn phục vụ muốn cống hiến, và ông đã mang nguyên dòng máu ấy để đảm nhiệm chức trách mà theo ông là “tối quan trọng”. Trong tất cả các chức “quan” thì chức tổ trường dân phố là gần dân nhất, chính những người thân trong gia đình mình, trong dòng họ mình cũng là đối tượng cần được quan tâm. Tuy nhiên Quốc Toản đã gặp không ít khó khăn bởi chính cái máu sôi sục của người lính khi về với đời thường, điều này phải mất mấy mấy ông mới quen. Những kiến nghị, khiếu nại của bà con trong tổ dân phố được ông chuyển lên trên nhanh chónh, yêu cầu trả lời nhiều khi bị ngâm tôm vô hạn mà chẳng có lý do. Có những khi Quốc Toản thấy bất lực, ông đã thể hiện sự bức xúc và đã bị cấp trên đặt dấu hỏi về động cơ làm việc của ông đại tá tổ trưởng dân phố này.
Cũng như Quốc Toản, người bạn đồng ngũ của ông cũng là sĩ quan quân đội khi giải ngũ rồi thì làm nghề thổi kèn đám ma, có gì đâu chứ. Với cuộc sống của con người thì không có việc gì cao sang hơn việc gì cả, một ông tướng chỉ huy với một người thổi kèm đám ma trong đội nhạc hiếu đều quan trọng như nhau. Đưa tiễn một linh hồn về với cõi vĩnh hằng bằng những bài nhạc hiếu có ý nghĩa nhân văn làm sao. Những người còn sống cũng cảm thấy yên lòng khi nghe những bài kèn “Chiêu hồn tử sĩ” tiễn biệt người thân của mình, một sự ra đi có nhạc, thanh thản và siêu thoát linh thiêng.
Với những câu thơ bằng từ ngữ rất đơn giản như chính tiếng nói trong đời sống thường ngày, câu từ giao tiếp hiện sinh, Quốc Toản đã họa lên chân dung một người lính trở về sau trận chiến với người thân, bè bạn, hàng xóm. Vẽ lên hình ảnh người cựu sĩ quan thồi kèn đám ma trong đám hiếu và bỗng liên hệ tới những cái chết không kèn trống của đồng đội một thời mà thấy sót sa trong tim. Cuộc chiến vệ quốc của dân tộc đã đi qua mấy chục năm, đất nước đã thanh bình và đang trên đà phát triển, tuy nhiên chúng ta vẫn chưa thể thống kê hết có bao nhiêu chiến sĩ hy sinh không kèn không trống. Đó chính là trách nhiệm của toàn Đảng toàn dân, trách nhiệm của thế hệ mai sau đối với những người đã chiến đấu và hy sinh vì Tổ quốc.
Những chiến binh trở về sau chiến trận, mỗi người tìm cho mình một việc phù hợp với khả năng, cuộc sống là như vậy. Hình ảnh một cựu chiến binh làm nghề thổi kèn đám ma như người bạn đồng ngũ của nhà thơ Quốc Toản kia đã gây ấn tượng mạnh cho người đọc.
Bài thơ Bạn Tôi cũng chính là một trong những bài thơ tiêu biểu trong 5 tập thơ đã xuất bản và hàng trăm bài chưa in ra của Quốc Toản trong suốt những năm tháng sáng tác của mình. Thơ và đời quện với nhau làm một, câu chữ và giai điệu thơ của Quốc Toản cũng bình dị, sâu lắng và suy tư như chính cuộc đời ông.
Lê Tự
ảnh: Quốc Toản