Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VĂN HOÁ LÀNG NGỌC THAN MỘT BỘ SÁCH QUÝ

Đỗ Quốc Bảo
Thứ tư ngày 4 tháng 1 năm 2012 6:45 AM
 
Ngọc Than là một làng cổ, có lịch sử lâu dài, có truyền thống văn hiến hàng nghìn năm. Từ xa xưa, làng Ngọc Than đã có tên trong nhiều sách vở, tài liệu lịch sử, văn hóa, văn học, địa lí…
Làng nằm ở phía Tây của huyện lị Quốc Oai. Đường cao tốc Láng-Hoà Lạc chạy qua đồng làng. Từ làng ra trung tâm Thủ đô Hà Nội và trung tâm quận Hà Đông đều chỉ trên dưới 20 kilômét, lên thị xã Sơn Tây 24 kilômét.
Ngọc Than là điểm tham quan-nghiên cứu lịch sử-văn hóa ở huyện Quốc Oai gồm núi và động Hoàng Xá (thị trấn Quốc Oai) - chùa Thầy (Sài Sơn) - đình Ngọc Than…
Theo điều tra dân số tháng 7 năm 2011, Ngọc Than có 1870 hộ, số dân là 7246 người. Từ 2006 đến 2011, tổng doanh thu cả làng đều đạt trên 30 tỉ đồng/năm, riêng năm 2011 đạt trên 40 tỉ đồng. Đó là bước tiến rất lớn trên con đường phát triển nông nghiệp, các ngành nghề sản xuất, xây dựng nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân.
Đến hết năm 2011, cả làng có 274 người tốt nghiệp Đại học (và trên 50 người đang học Đại học); trong đó nhiều người có học hàm (1 GS, 4 Phó giáo sư), học vị (10 Tiến sĩ, 29 Thạc sĩ), danh hiệu (6 Nhà giáo Ưu tú, 1 Nghệ sĩ Ưu tú), có người là Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam.... Tất cả đều cố gắng thực hiện lời dạy của cha ông: “Cố học để đẹp nhà, đẹp làng, đẹp nước và rạng danh quê hương”.
Kết thúc năm 2011, nhiều sự kiện quan trọng đối với làng Ngọc Than: Sau gần 60 năm, công trình tả mạc, hữu mạc ở đình làng được phục dựng theo quy cách cũ; văn chỉ làng cũng đã được tu tạo; đặc biệt là đình làng, công trình được xây dựng từ năm 1674, đã được Nhà nước đầu tư trên 30 tỉ đồng để tu tạo tổng thể.
Cùng với đó, việc bảo tồn các giá trị văn hoá phi vật thể cũng được tiến hành, trong đó, trọng tâm là viết Bộ sách 3 cuốn về Văn hoá làng ngọc Than. Vào dịp đám làng Ngọc Than cuối năm 2011, bộ sách đã được phát hành rộng rãi.
Ghi chép vừa xuyên suốt vừa chuyên sâu các nội dung lịch sử, văn hoá, xã hội của làng, Bộ sách Văn hoá làng ngọc Than chia làm 3 cuốn:
1. Văn hóa làng Ngọc Than: Chiều dài lịch sử, văn hoá làng - trên 500 trang in và ảnh.
“Văn hóa làng Ngọc Than” với góc nhìn lịch sử - văn hoá, tập trung vào việc giải mã từ ngữ, địa danh, phong tục, tập quán của làng Ngọc Than - một làng quê mang đầy đủ những đặc trưng điển hình cho làng quê người Việt. Mục đích trước hết là ghi lại hình ảnh làng quê “Bút Ngọc nghiên Than” cho người làng hồi tưởng mà thêm tự hào, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp; sau là làm tài liệu tham khảo cho bạn đọc gần xa, vốn yêu mến làng Than, đã và sẽ tiếp tục đến làng, đọc và tìm hiểu về làng… qua đó thêm hiểu và thêm yêu làng quê Việt, cùng nhau trân trọng, gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc.
2. Văn học dân gian Ngọc Than: Các thể loại và tác phẩm - trên 200 trang in và ảnh.
Văn học dân gian Ngọc Than” sưu tập có chọn lọc các sáng tác dân gian của người làng với nhiều thể loại: Chuyện kể, hát ví, vè, tục ngữ, câu đố… rất quý hiếm nhưng lại có nguy cơ thất truyền nếu không kịp thời văn bản hoá. Đến nay, việc sưu tập đã có kết quả tốt và vẫn được tiếp tục để bổ sung.
3. Ngọc Than đăng khoa lục (từ năm 1540 đến năm 2011) - trên 300 trang in và ảnh.
 “ “Ngọc Than đăng khoa lục” ghi lại tình hình khoa cử, đỗ đạt và thành danh của người làng Ngọc Than - một làng khoa bảng nổi tiếng Xứ Đoài xưa và nay. Đây là việc làm kịp thời và rất cần thiết vì 2 lí do chính: 1. các sách vở chép về khoa cử thời phong kiến hầu hết đã bị hỏng và thất truyền; 2. Khoa cử thời hiện đại ở làng chưa được ghi chép.
Việc biên soạn, ấn hành bộ sách “Văn hóa làng Ngọc Than” đã được giải quyết với phương châm:
- Tôn trọng sự thật khách quan (căn cứ vào các sách lịch sử, các tài liệu lịch sử chính thống; các văn bản pháp quy nhà nước, các tài liệu thống kê chính thức của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).
- Lắng nghe nhiều chiều, gạn lọc tinh tuý (tiếp nhận, sưu tập thông tin tư liệu từ nhiều nguồn; có nguồn tại chỗ ở địa phương; có nguồn từ cơ quan, chuyên gia lịch sử, văn hóa).
- Tổng hợp sáng rõ, trình bày hệ thống, phản ánh đa diện và có chiều sâu (đạt tới tiêu chí cuốn sách địa chí văn hóa làng, phục vụ đông đảo đối tượng độc giả).
Với việc bảo tồn di tích và ra bộ sách 3 cuốn về văn hóa làng, Ngọc Than là làng đầu tiên trong cả nước có một tập hợp các công trình văn hoá bao quát đầy đủ cả 2 phương diện vật thể và phi vật thể.
Tự hào về truyền thống quê hương Ngọc Than, năm 1983, nhà giáo Nguyễn Doãn Tường (1905-1990), ở xóm Thượng Khê, đã trình làng câu đối đạt tới tầm cao kĩ thuật đối chỉnh và tầm cao trí tuệ:
“Bút Ngọc ngàn năm vẫn sắc
 Nghiên Than muôn thuở không mòn”
Có thể nói rằng, đó là lời tóm tắt truyền thống tốt đẹp của làng Ngọc Than: Quá khứ hào hùng - Hiện tại tươi đẹp - Viễn ảnh sáng tươi.
Từ hiện tại, người làng Ngọc Than tự tin đi tới tương lai.  
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Ngày 3-1-2012