Trang chủ » Tản văn

NƠI TRÚ NGỤ CỦA ĐÀN CÒ

Vũ Quốc Túy
Thứ hai ngày 17 tháng 10 năm 2011 5:11 AM

Tản văn của Vũ Quốc Túy
     Nắng vàng phảng phất  hanh hao và chút gió thoảng heo may  đã khơi gợi cảm giác buổi tàn thu. Tuy nhiên, khi trời vào đêm, hương hoa sữa ngào ngạt, khiến người ta nhận ra mùa thu vẫn đang tràn trề đây đó nơi hè đường, góc phố, đầu thôn…Bình minh lên, lớp sương trắng bảng lảng tan biến rất nhanh khi mặt trời vừa ló rạng . Những cánh đồng lúa vàng mênh mông đã chớm vào mùa gặt hái. Trời cao tít, mây trắng lặng ngắt dán chặt vào nền trời. Rồi vòm  trời quang đãng, ửng hồng dần và hiu hiu gió thổi, bỗng xuất hiện đàn cò trắng sải cánh bay mải miết về phương nam . Chúng không bay cụm vào một đám  mà cứ rải rác thành nhiều tốp, chỗ thì hai ba con, chỗ năm bảy con, thậm chí có con lặng lẽ bay một mình. Điều này khiến người ta liên tưởng tới sự săn đuổi làm đàn chim tan tác. Đàn chim dường như cũng thấu hiểu được những hiểm hoạ đang rình rập  nên cứ bay lẻ tẻ trên hành trình di trú.
  Đã lâu lắm tôi mới lại thấy đàn cò trắng xuất hiện trên cánh đồng làng mình. Cách đây hàng chục năm, khi chiếc máy cày phăng phăng lật đất, người thợ cày theo bước chân trâu lội bì bõm  dưới đồng chiêm trắng nước, tay cầm dây thừng quất vào mông trâu, mồm hô “vắt, vắt” thì  đàn  cò  trắng  bỗng từ đâu sà xuống theo sát bên người,  bước đi lò dò, nghển cổ dài ngoẵng, giương mắt ngó nghiêng. Nơi con người cày cấy, vật  lộn  với  hòn  đất  để  sinh nhai  cũng là nơi bình yên đất thơm  cò đậu, kiếm  ăn. Bây giờ đàn  cò  vẫn  sà  xuống  vẫng cày, ruộng lúa, bờ đầm… nhưng thường chúng phải  lượn vài  vòng trước khi  đáp  xuống. Quan sát và cảnh giác, con cò phải  luôn thích nghi với điều kiện sống là vậy. Tôi bâng khuâng nhớ  về  một  câu  dân  ca mà  trong  đó  hình  ảnh   đàn   cò  đã   hoà  quyện vào lời  hát đối đáp  của những đám trai gái đang cày đang cấy: “Một đàn cò trắng bay tung/ Bên nam bên nữ  ta cùng hát lên!”
  Chợ làng chỉ họp  ào một tí buổi sáng sớm  đã vãn người. Một chị ăn mặc nhếch nhác, đầu đội nón mê, tay xách một xâu cò, gặp ai cũng chào bán. Những con cò tội nghiệp bị trói cẳng, khoá tréo cánh, treo dốc ngược luôn ngỏng đầu lên giãy giụa,vùng vẫy hòng thoát khỏi tay người đàn bà luôn túm chặt chân. Đám đông xúm  lại  xem, kẻ sờ nắn xem gầy béo thế nào, người đắn đo hỏi giá . Cứ mỗi người một câu láo nháo mà chẳng ai thèm ngã giá. Cuối cùng, chị bán cò cũng bán được vài đôi cho một người đi đường  với cái giá chả đáng là bao. Anh chàng mua cò có vẻ hài lòng: “Thêm vài nghìn măng chua nữa, cả nhà được một bữa xả láng, so với chim cút, rẻ chán!”
  Tôi nhẩm  tính, với số tiền bán mớ cò này, theo giá chợ hiện thời ở quê tôi, giỏi lắm chị cũng chỉ đong được dăm cân gạo. Chẳng biết nhà chị có bao nhiêu người, ăn được mấy bữa, nhưng tôi biết chắc chắn chồng chị phải lần mò kì công, gian nan lắm  mới lừa được lũ cò vào bẫy. Đói nghèo, kém hiểu biết và sự vô tâm vẫn luôn đeo bám, rình rập  sinh mạng đàn cò. Đàn cò đang bay về phương nam tránh rét. Có lẽ nơi trú ngụ của chúng không ở đâu tốt hơn là ở lòng người.