Trang chủ » Tản văn

Lan man nghĩ về sự học

Nghiêm Lương Thành
Thứ hai ngày 23 tháng 4 năm 2012 4:52 PM
Tản văn

Lười học là sự đáng chê. Thất học là việc đáng buồn. Vô học là sự rất không đáng trọng. Có học mà sự học chưa đến nơi là điều đáng tiếc. Học với định ý “sống chết mặc bay” là cái học của kẻ trọc. Học để cùng bảo nhau thấu hiểu lẽ tự nhiên và đi theo con đường sáng là cái học của người hiền. Học để làm cho cuộc sống vật chất và văn hóa của con người ngày càng đầy đủ và trong trẻo hơn cũng vẫn là cái học của người hiền. Năm Cam, tuy là phạm nhân xã hội màu nhận án tử hình, nhưng có công nâng tầm khái quát về quyền năng bất khả trắc của đồng tiền. “Dân gian” biến ảo khôn lường là chuyên gia phát hiện các loại kẽ hở kỹ thuật, cũng là tác giả thiết kế ra các khe hở, là kỳ nhân bỏ qua giai đoạn học tập tích lũy tri thức, tiến thẳng lên nền văn minh bằng sắc nuôn hồng ngàn tía.

Các bậc tiên nhân bảo: “Người không học khó mà biết và hiểu được lẽ tự nhiên”. Được học mà vẫn không phân biệt được đúng sai, phải quấy rồi làm càn làm bậy vẫn là hạng vô học. Được học và biết được thiên lý mà vẫn nhũng nhiễu, vơ vét, cướp bóc, hà hiếp, chà đạp lên nhân phẩm con người đều bị coi là giặc. Những kẻ bán rẻ đất nước, đồng bào mình cho ngoại bang chỉ cốt cầu lấy sự vinh thân phì gia chính là giặc. Bầy ngoại bang kéo bầy kéo lũ đến xâm lược đương nhiên là giặc. Chống giặc, diệt giặc, chẳng ai thay được người dân. Dân vốn lành. Người lành chỉ làm việc lành. Trừ giặc, vượng quốc là việc rất lành. Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh đều là con em của dân lành.

Ưỡn ngực mà “téno” ra những điều lớn lao cao cả chưa bao giờ được coi là khó; từ vua quan sáng choang đến thứ dân đen đúa, dù trên đại diễn đàn cao thâm huy hoàng hay bên chõng nước chè so dúi úi sùi nơi vỉa hè góc chợ, ai cũng có thể tự mình bốc bùng tỏa sáng. Giặc giã và đại ngôn tùng xòe mang tính hỏa, dân chúng và đại hành thiên lý là dòng chảy lớn cuồn cuộn phù sa. Trong Dịch Học, tượng của lửa ngoài cứng trong rỗng, tượng của nước thì ngược lại. Với tượng của nước: lớp ngoài là phù sa hiền hòa, chủ về nuôi dưỡng, chở che, khuyến khích; phần bên trong dung chứa những khát vọng tự do, công lý, tri thức, tình yêu và năng lực hiện thực hóa những khát khao đó.
*
Kể từ thuở dựng nước, trong khoảng vài chục năm gần đây, chưa bao giờ nước ta có tỷ lệ người xông pha vào nơi trường bút trận nghiên cao đến thế và, cũng chưa bao giờ, nước ta có được số người đạt học vị cao lại đông vui đến thế; đông đến mức ... thấy ngại, vui đến mức ... không cười được. Từ xưa, chưa thấy ai chê học tập là việc xấu. Ngày nay, quả thực, tỷ lệ người mù chữ là thấp hơn rất nhiều so với thời Pháp thuộc, nhưng tỷ lệ kẻ mù nghĩa, rón rén mà nói, hình như, e rằng, có vẻ ... không giống thế.
Cái dạy và học thời phong kiến chỉ chủ về một mặt Nhân học nên mặt Kinh tế-kỹ thuật của xã hội khó phát triển. Cái dạy và học thời nay được tuyên ngôn là phủ đều trên cả hai mặt nhưng, không hiểu làm sao, chúng ta vẫn phải nhập khẩu từ cây kim cho phụ nữ lấy cái thêu thùa may vá; hàng hóa đem đi bán cho các nước vẫn là tài nguyên thô, nửa thô và những loại hàng có hàm lượng cơ bắp cao. Phải chăng chúng ta vốn dĩ căm hờn và xa lánh Lợi nhuận siêu ngạch? – Tôi rất tin vào tính chân thực của câu chuyện về một thủ tướng Hàn Quốc đã khóc khi lần đầu tiên Tổ quốc của ông xuất khẩu được công nghệ kỹ thuật ra nước ngoài.
 Trong khoảng vài ba thập kỷ trở lại đây, người trong nước, đâu đâu cũng thấy than phiền quá nhiều về các vấn nạn xã hội; người nước ngoài xếp nước ta vào hàng những quốc gia đang phát triển. “Đang phát triển” là một cụm thuật ngữ, là cách nói hàm chứa một tinh thần sư phạm cao cả. Người nói hài lòng với lối diễn đạt, còn người nghe thấy thuận tai và cảm nhận được đầy đủ các vị đắng cay, chua chát. Trong ẩm thực, dường như người Phương Đông giỏi dùng và thưởng thức những đồ gia vị hơn người phương Tây. Nhưng, sự đời vẫn thế, lẽ bù trừ vẫn vậy, chỗ này lõm thì tất có chỗ khác lồi: Nước ta có nhiều dầu mỏ, có vịnh Hạ Long đệ nhất kỳ quan thiên nhiên thế giới, có tượng Phật bằng đồng to nhất khu vực Đông nam Á. Nước ta lọt vào “top” các quốc gia được đánh giá là luôn sử dụng, một cách cập nhật, những sản phẩm đại trà tiên tiến nhất của nền công nghệ tin học nhân loại; chỉ còn một điều băn khoăn nho nhỏ là làm sao phát huy được hết công năng nhân văn và các tiện ích kỹ thuật của nó.
*
Vì đã từng nếm trải vị trần ai, nên muốn tránh cho nền hành chính quốc gia không bị già cỗi và bị thoái hóa, các nền cộng hòa trên thế giới đều đã đặt ra quy định cụ thể về khoảng thời gian cho một nhiệm kỳ và số lượng nhiệm kỳ tối đa cho người điều hành cao nhất của nhà nước. Người được chọn vào vị trí dẫn dắt quốc gia dứt điểm là người có tâm với đất nước, có thực học; người đó thường xứng đáng với lá phiếu bầu chọn của các cử tri trong một môi trường bầu cử ngay thẳng. Và trong thời gian ngắn ngủi của nhiệm kỳ, vì danh dự, vì sự thịnh vượng của quốc gia, vì danh dự của chính mình, họ không chỉ nỗ lực, gắng gỏi đưa đất nước của mình lên mức phát triển hơn nữa mà còn tính toán sao cho có thể tạo lập và để lại được những tiền đề vật chất và tinh thần tốt đẹp, tạo đà cho xã hội và người kế nhiệm tiếp tục cuộc hành trình về phía có nhiều ánh sáng. Đấy là kiểu tư duy đại cục của người có đức, có thực học, có văn hóa ư?
Đọc Giả Bình Ao bên Trung Hoa, thấy viết: “Ngày trước, có những nông dân ra khỏi nhà, có buồn đi đại tiện, cũng cố nín để về hố xí nhà mình; nếu không nín nổi, phải “bĩnh” ra, thì cũng lấy gạch đá để ném cho be bét, không để ai hót”. Mắc cười, nhưng, sâu thẳm trong bụng, bỗng dấy lên chút phân vân: Tư duy nhiệm kỳ là như vậy chăng? Nếu thế, thứ tư duy này, quả thực, luôn làm mất vệ sinh môi trường. Công sức của người dân, đúng ra là để làm cho môi sinh của mình ngày càng trong lành tươi đẹp hơn thì, trái lại, phải dùng để dọn vệ sinh công cộng. Mà cứ lơ là, cứ nhãng đi là đã thấy ùn lên cả đống ngập ngụa, thập thành xú khí, tác yêu tác quái; không cẩn thận, biết dọn đến bao giờ mới xong?! – Đành phải nghĩ: Có chữ nhưng mù nghĩa hoặc cố tình không hiểu nghĩa mà tư duy hành xử theo lối sống chết mặc bay thì chỉ có thể là giặc; loại giặc này, ngày nay, đã tự tiện bổ sung cho động từ bày đặt một nghĩa mới đầy tính kỹ thuật: thiết kế.
*
Thời còn học phổ thông, thường nghe Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa thì lấy làm băn khoăn: Cụ là nhà chính trị, đánh giặc cứu nước, dựng nền độc lập, xây nền dân chủ chứ làm văn hóa hồi nào? Nhưng lại nghĩ: người nước ngoài cũng nói về cụ như thế; nhất định phải dựa vào đâu chứ. Tôi cố tự tìm hiểu, nhưng đầu óc vốn bé nhỏ nông cạn nên không sao lý giải được. Thế là đánh bạo, liều hỏi thày giáo dạy văn. Cứ tưởng bị thày cười rồi phê cho một trận đã đời; nhưng không, thày mỉm cười hiền vui, xoa đầu tôi rồi, bằng giọng nói trầm ấm, thong thả, thày nói: “Mọi người đều hiểu Văn hóa là tất cả những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử nhằm thỏa mãn nhu cầu đời sống tinh thần của mình”. Tôi đỏ mặt lúng búng: “vâng ạ”. Thày gật đầu hài lòng, nói tiếp: “Thời Pháp thuộc, nước ta không có độc lập, dân ta sống trong vòng nô lệ tủi nhục, chỉ được phép cúi đầu tuyệt đối tuân phục mà không được quyền phản đối nhà nước. Trong cái chế độ trung cổ bán thuộc địa được khoác cái áo dân chủ bằng mạng nhện ấy, mạng người dân bị coi như cỏ rác, nhân phẩm bị chà đạp và đầy đọa đến nhục nhã; cuộc sống luôn nghẹt thở bức bối bởi sự khủng bố chính trị luôn rình rập cùng bao quyền tự nhiên bị cấm đoán và bị bóc lột lấy được bằng cả núi thuế khóa ... Mà, oái oăm thay, những tiền thuế ấy lại được dùng để nuôi sống chính bộ máy chính quyền ngông cuồng ngược ngạo bạo hành người dân hoặc bày đặt ra những trò vu vạ hèn hạ và khủng bố tàn bạo vô lối đối với những người yêu nước thương nòi, có thực học, luôn mong cho dân mình được ngẩng cao đầu, sống như những con Người. Nói gọn lại, thời ấy, dân mình bị đói khổ, thất học và không có quyền làm người. Quyền làm Người là nhu cầu văn hóa lớn nhất của nhân loại. Hồ Chí Minh là người cả đời đấu tranh để đem lại và thực thi cái quyền ấy cho người Việt Nam. Giới học giả vinh danh cụ là nhà văn hóa là vì thế”.
Sau này lớn khôn hơn, được đọc Văn bản Tuyên ngôn độc lập, được đọc sáu điều Bác dạy ngành công an, được biết những điều Bác nói về dân chủ ... tôi càng thấy thấm thía về những điều thày dạy tôi. Văn kiện Những Yêu Sách Của Nhân Dân An Nam được Nguyễn Ái Quốc gửi tới Hòa hội Versailles ngày 18 tháng 6 năm 1919 với những nguyện vọng về tự do và dân chủ đã để lại trong tôi những ấn tượng tốt đẹp không thể phai mờ:
1.Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị;
2. Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng đuợc quyền đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu, xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam;
3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận;
4. Tự do lập hội và hội họp;
5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương;
6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ;
7. Thay chế độ các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật;
8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ”.
Như một quy luật của đời sống, cái tốt và lòng tin luôn bị lợi dụng. Chính phủ thuộc địa Pháp, những kẻ lưu manh sang trọng, luôn ẩn núp dưới bóng của những tư tưởng cao cả và những bậc hiền minh, tay lần thánh giá mà giấu dao nhọn trong người. Chính phủ này, khi bị lộ diện, bị vạch trần bản chất dối trá đã cậy vào súng đạn, bất chấp phải trái, nhâng nháo vô sỉ, quyết liệt làm càn, không từ một thủ đoạn hạ tiện nào và tự cho mình dự vào hàng “không độc không phải kẻ làm việc lớn”. Ngày nay, Gadhafi thuộc “típ” biết chữ mà không hiểu nghĩa lý, không có khả năng nhận thức thiên lý và tiếp thu những bài học của lịch sử.
*
Chu Văn An, Hồ Chí Minh, Tạ Quang Bửu ... là những người học với mục tiêu đạt đến sự hiểu biết thấu đáo. Các Ngài đều được nhân dân ngợi ca như những nhà văn hóa, nhà giáo dục, một vinh dự của các bậc đức cao thực học, suốt đời thực hành cái sở học của mình giúp dân giúp nước.
Theo lẽ thường, trong nhà vừa có người đỗ đạt cao, có ai không mừng rỡ? Vậy mà khi hay tin con trai mình (cụ Trần Bích San) đỗ đầu cả ba kỳ thi, cụ Nghè Trần Doãn Đạt lại thấy lo âu phấp phỏng. Nỗi lo đó được thể vào bài thơ cụ viết ngay sau đó và tức tốc gửi cho con để kịp căn dặn, nhắc nhở. Bài thơ có câu:
Hữu thức vô nan nan thức đáo
Vô danh bất hoạn, hoạn danh phù
(Biết không khó, cái khó là hiểu đến nơi đến chốn
Không có danh chẳng đáng lo, chỉ lo cho thứ danh không thực).
Nỗi lo của cụ là nỗi lo của một trí thức trải đời, lo vì người có tài thường dễ tự mãn, kiêu căng, đoạn chí học hành tu thân, dễ làm điều ngông cuồng thất đức, hại dân hại nước rồi rước họa vào thân. Người ỷ tài mà sinh lòng tự mãn đã đành là thế; thử hỏi: kẻ bạo tâm, bất tài; kẻ vô học hoặc kẻ hữu thức mà không thức đáo nhưng lại tự cho mình là nhất tuyệt thì cái họa mà dân nước phải gánh chịu sẽ đến mức nào đây?
HN, 21/4/2012