Trang chủ » Tản văn

KHOẢNG LẶNG

Vũ Quốc Túy
Thứ tư ngày 21 tháng 9 năm 2011 4:20 PM
Tản văn 

    Ngày quốc tang mới đây rơi trúng vào ngày Tết thiếu nhi. Loa đài loan chỉ thị treo cờ rủ, đình hoãn mọi vui chơi giải trí. Quốc gia mất thêm hai người có công, một nhà chính trị vang bóng một thời lao tâm giải phóng nông dân khỏi cơ chế trái khoáy trói buộc làm ăn phát triển và một nhà vật lý chất rắn có nhiều thành tựu khoa học đáng nể. Đành rằng tuổi tác tận ngày, tất yếu phải thế, nhưng thác rồi còn để phách, ấy là đời thật lòng nhắc nhớ công lao, có mấy ai được như vậy.
     Phố tôi người lớn treo cờ tang, trẻ con vô tư vui chơi ca hát, đánh trống, múa kì lân. Chả ai nỡ bắt bọn trẻ phải cùng chịu tang, mà bắt đâu có được, các em như tờ giấy trắng. Ai cũng muốn làm cho các em ngày vui trọn vẹn mà trời thì cứ mưa thảm gió sầu rả rích, tầm tã liên miên suốt mấy ngày đêm liền. Nhiều nơi trên cả nước lũ lụt, mùa màng thất bát, nguy cơ mất trắng. Có nơi lở đất, trẻ không thể đến trường.
      Rất may là có dịch vụ thuê mướn nhà bạt dành cho việc hiếu, việc hỷ. Những lều trại con con xinh xắn núp trong những chiếc nhà bạt được dựng lên, vẫn rền vang tiếng trống đồng trống ếch, tưng bừng cờ hoa dưới những cơn mưa ràn rạt. Hè phố, sân bãi tất tật một mô hình lều lớn ôm ấp trại bé, trông ngồ ngộ.
      Quà trung thu cho trẻ con nơi quê tôi chả có gì ngoài bánh kẹo. Hoa quả bán ê hề ngoài chợ, nào na, nào nhãn, xoài, cam, mít, hồng...  Giá cả cũng dễ chịu. Nhưng dường như người lớn ngại mua sắm lích kích khó bảo quản nên không ngó ngàng. Việc này liệu có làm mất hương vị Tết trung thu truyền thống, rỏ chàm đen hằn vào kí ức tuổi thơ về sau hay chăng ?
      Kinh phí cho ngày tết tổ dân phố lo liệu chu tất. Không còn như mấy năm trước, để các bé đánh trống đến gõ cửa từng nhà xin tiền. Người lớn vào cuộc vui chơi với trẻ nhỏ bằng cách quyên tiền từ các mạnh thường quân tổ chức một bữa tiệc thịnh soạn. Cánh trai tráng ngồi mâm riêng, hò reo nâng cốc dô, dô. Trẻ con nhí nháu, bốc gắp... ăn được chăng hay chớ. Đứa lười ăn được người lớn kèm riết.
      Gần đây, chả hiểu sao những nghi lễ thường được tổ chức sớm hơn một đôi ngày. Có người bảo cúng bái phải khấn mời sớm thì thần linh mới kịp về hưởng lộc. Ai thuộc ca dao, nhớ đúng ngày mà về lễ hội, dễ bị lỡ cuộc. Ví như Hội chọi trâu ở Đồ Sơn Hải Phòng đã được khắc vào ca dao một vòng tròn khép kín “Dù ai buôn bán trăm nghề/ Mông mười tháng tám cũng về chọi trâu/ Dù ai buôn đâu bán đâu/ mồng mười tháng tám chọi trâu thì về…Dù ai buôn bán trăm nghề…” Vậy mà chả hiểu tại sao các nhà tổ chức lễ hội Đồ Sơn lại chọn ngày 9-8 âm lịch làm ngày hội chính
      Tết trung thu phố tôi cũng được rục rịch chuẩn bị từ rất sớm, vui đáo để. Chỉ hiềm nỗi trời không chiều người, cứ mưa tầm tã rả rích từ sớm đến tối, hết đêm luôn. Mấy người ngại con cái dính mưa sinh ốm, cho chơi trại một loáng đã lôi về. Ngày rằm chỉ thấy vài ba đứa trẻ ngồi bên một cô giáo cấp ba bày cho trò xếp chữ. Đôi lúc lung bung vài tiếng trống nhát gừng. Đã vui chơi mấy ngày trước rồi, đến hôm rằm thì chán. Ba giờ chiều cuốn cờ dỡ trại, dọn sạch sành sanh. Đêm trung thu có lúc trời bỗng tạnh, nhìn rõ  vầng trăng quạnh quẽ, hơi quầng. Thị trấn vắng tanh. Đêm tịch mịch. Không gian lặng ngắt như tờ. Họa hoằn trong tiếng gió lào xào xao xác có lẫn tiếng xe chạy vèo qua trên đường nhớp nháp loáng nước, lờ nhờ ánh đèn đường trộn lẫn ánh trăng bàng bạc. Rồi tất cả lại chìm vào im vắng. Một khoảng lặng giữa mùa thu.Một con phố và một đêm rằm trung thu buồn .