Trang chủ » Tản văn

BÂY GIỜ MŨI CHỈ ĐƯỜNG KIM

Dương Phượng Toại
Thứ bẩy ngày 15 tháng 10 năm 2011 4:58 PM

Suốt đời tôi, mãi không phai mờ hình ảnh mẹ, mặc dù cả ngày ngoàì đồng bận bịu bờ ruộng sá cày, về nhà lại lo cơm nước, con lợn con gà… đêm đêm bà vẫn ngồi cạnh ngọn đèn dầu khâu vá đến tận khuya. Những chuyện cổ tích, những chuyện đời cùng những lời giáo huấn về đường ăn lẽ ở được kể ra theo nhịp tay đưa. Vậy mà hình ảnh đó giờ chỉ còn trong ký ức xa xăm…

Nông thôn ngày nay, ánh điện bừng sáng các gian nhà. Già no bát cơm thơm. Trẻ đẹp tấm áo mới. Cuộc sống làng quê từng bước đi lên. Nhưng sao vẫn hoài nhớ bóng mẹ, bóng chị tôi cặm cụi bên chiếc mủng tre hoặc cái bị cói, trong dựng những quần áo cũ… khâu vào thời gian, khâu vào tâm trí trẻ thơ bao đức tin, quả hạnh!

Một lần đến nhà anh bạn, tôi gặp chị vợ cùng đứa con gái khệ nệ khiêng một chiếc thùng giấy cáctông vỏ ti vi, đặt ngoài hiên, lôi ra một lô quần áo cũ. Bà mẹ thì nhặt những chiếc còn dùng được định để đi cuốc, đi cấy. Còn cô gái thì láu táu nhét xô bồ mọi thứ vào bao tải:

-Tất cả abc tống hết vào đây. Tối con nhờ xích lô chở ra cống trôi sông là sạch muốt. Đỡ tốn “ô mô” lại rộng nhà!

-Ấy! Cái này mới rách tí khuỷu tay, để mẹ vá lại em nó mặc! Bà mẹ giành lấy cái áo. Cô gái cũng giật lại ấn vội vào bao:

-Ôi dào! Khổ lắm mẹ ơi! Màu cháo lòng, mẹ còn tiếc làm gì? Thời buổi bây giờ ai cũng như mẹ thì người ta bán vải, bán quần áo cho ai? Với còn rỗi hơi đâu mà khâu với vá? Cứ ra chợ là “mốt” ngay mẹ ạ!

Thế đấy! Bây giờ các cô các cậu đâu còn thiết mặc áo vá vai, mặc quần đắp mông, xoáy gối như mới cách đây một hai chục năm trước! Chỉ cái áo sờn cổ, cái quần rùi một lỗ do tàn thuốc dính là đã lột ra vứt dưới chân giường hay ấn vào xó tủ. Hoạ hoằn lắm mới gặp một nốt mạng cố ý thêu bông hoa mai trên áo cô cậu nào đó. Mức sống và dân trí nâng dần thẩm mĩ trong trang phục hàng ngày. Nhưng cũng có hướng mất dần các thói quen, đức hạnh cần kiệm, tần tảo của bao đời cụ kị, ông bà, cha mẹ truyền nhau “Áo rách cố giữ lấy nề”. Vào các gia đình thôn quê hiện nay, rất hiếm hình ảnh các bà, các chị, các cô gái ngồi nhu mì khâu vá dưới mái hiên ngả bóng chiều tà, hay dưới ánh điện đêm khuya. Thưa vắng tấm áo vá vai. Còn đâu câu ca “Áo anh rách chỉ đã lâu, xin mượn cô ấy về khâu cho cùng…”!

Tôi từng nghe người ta bàn về “đường kim mũi chỉ”. Có người cả quyết: Xưa khác, nay khác, không thể bắt chước được! Có người tỏ ra hiểu biết lập luận: Tập quán, phong tục và đức hạnh là sản phẩm văn hoá của từng thời. Ngày xưa sản xuất còn lạc hậu, chưa có các công nghệ, lấy đâu ra nhiều vải, nên các cụ phải nhặt nhạnh và hà tiện. Ăn chẳng được no, mặc đâu dám mặc lành. Ngay thế hệ bọn mình thời chiến tranh cũng chỉ được mỗi định suất mấy mét vải phân phối. Không tiết kiệm, không vá víu, lấy gì mặc để ra đường? Một thời khoác cái áo mới may vào người cũng còn bẽn lẽn thế nào ấy! Có người còn nhúng nước vò một hai lần cho xuống màu mới dám mặc. Còn thời nay công nghệ bùng nổ khắp thế giới, vải nhiều, mốt lắm, đời nào con em mình nó chịu vá chịu khâu. Đám trẻ nhà tôi nó còn mong cho chóng rách để nhanh được thay mốt nữa kia. Lấm láp một tý là chúng đem làm giẻ lau luôn. Đấy còn chưa dám bì với phố xá thị thành, họ một ngày dăm bẩy bộ, chuyện nhỏ!...

Một lần, ông Thẩm nói với tôi: -Bà vợ tôi ngồi “buôn dưa lê” chuyện khướu với hàng xóm cả buổi thì được. Hễ tôi nhờ vá hộ cái khuỷu tay áo hoặc cái quần thủng mông là bà ấy giãy như đỉa phải vôi: “Tôi còn trăm công ngàn việc, thời gian đâu mà kim với chỉ cho ông. Đợi cái Thơm nó về mang ra hiệu là nhanh nhất. Bớt nghìn bạc uống rượu, đánh đề của ông là cùng!” Nghe vậy, tôi đành hết ý, lẳng lặng tự khâu lại hoá hay.

-Bà ấy là nhà giáo về hưu cơ mà? Sao không dạy các cháu nữ công gia chánh? Tôi hỏi lại. Ông cũng chẳng ngần ngại, trả lời:

-Chưa tối đã gương lược, son phấn. Ông tính dạy nỗi gì? Tranh luận thì bà ấy bảo: Phụ nữ đời mới khác đàn bà ngày xưa. Mình “cài số lùi” là hơn!

 Một thời cả làng, cả tổng chỉ có một vài ông thợ may với chiếc máy may cà khổ. Việc làm không xuể, họ phải đạp máy thâu đêm toét cả mắt. Rồi một thời con gái đến tuổi cập kê là cha mẹ tập tểnh cho học nghề may. Con gái có máy may là con gái nhà có của ăn của để, là sang, là đắt chồng lắm. Làng nào cũng nhan nhản con gái ngồi đạp máy may. Các cô chăm chỉ từ may đo đến nốt mạng, nốt vá. Gặp miếng rách cứ ù ra hiệu loáng cái được lành lặn, được tấm áo tấm quần mới. Nhưng lâu nay do công nghệ may phát triển, đầy đủ các mặt hàng may sẵn, rồi “mốt” đổi chóng mặt, nên các hiệu ít còn nhận khâu vá các món tẹp nhẹp. Vả lại người tiêu dùng, nhất là lớp trẻ, họ chỉ cần may đo, lấy quần áo thùng, thay mốt cho hợp thời trang, cho sành điệu thôi!

Anh Phương, một cán bộ ở Phòng Văn hoá huyện tâm sự: Nhà tôi cũng bỏ dúc hàng tá. Gọi là cũ chứ còn mặc đi lễ hội tốt. Mang ra hiệu vá họ không nhận. Về nhà thì vợ con kêu bận. Chờ vợ đi mua chỉ khâu hộ cái cúc ngực, thì khách đến chơi. Tốt nhất lấy cái áo quà tặng của cơ quan ra mặc vừa nhanh vừa thơm mùi vải mới. Lắm lúc cũng muốn sai đứa con gái mạng hộ chỗ vạt áo rách, thấy nó đăm chiêu học bài, mình lại ngại… Anh còn gặng tôi:

-Ông có thấy thời buổi này “Khéo vá may” không còn mấy ai thiết tha, không còn mấy ai lấy đó làm thước đo “Công dung ngôn hạnh” người con gái nữa không ? Xưa rồi! Bây giờ đẹp, thông minh hoạt bát, tinh toán giỏi, học cao, có ngoại ngữ, tin học càng tốt… mới là tiêu chuẩn của người phụ nữ! Thế kỉ 21 mà !

-Đồng ý với anh. Không thể lấy quá khứ vít lại sự phát triển của thời đại, nhất là lại thời đại khoa học công nghệ cao. Nhưng tôi vẫn thấy man mác buồn như bị mất mát một thứ gì đó. Đấy là tính cần kiệm. Các cụ ta cũng thường dạy: đi buôn một chuyến không bằng hà tiện một năm! Thời nào cũng vậy, cần kiệm vẫn là một thứ đạo đức, phẩm hạnh!

Chợt nhớ lại chuyện cô tôi thủa trước. Bà là em gái dưới cha tôi, hồi trẻ có tiếng là “Gái tướng cờ” đẹp người đẹp nếp trong làng. Một hôm cô tôi đang cày ruộng ven đường, có một chàng trai phố ở Hải Phòng về quê xem hội bơi chải Đình Cốc. Qua sào ruộng chàng trai thấy cô thôn nữ khoẻ mạnh giờ này trống hội đang giục giã vẫn còn mải mê theo trâu thế kia, bèn dựng chiếc “xe lết” cạnh bụi tre, rồi đứng nhìn đăm đăm, khiến cô gái ngượng chín đôi gò má. Nhưng đường cày vẫn thoăn thoắt. Chả hiểu vì sao, chàng trai bỏ cả hội, theo cô về nhà… Thời gian sau đó chàng trai đón cô thôn nữ lên xe hoa sang Hải Phòng. Chàng trai ấy chính là chú rể tôi. Ông là Ngô Doãn An một cầu thủ bóng đá của đội bóng đá Đông Dương lúc bấy giờ thời thuộc Pháp. Sau này tôi được biết: ông mê cô tôi, trong đó vì những mụn vá trên vai áo mịn màng, nốt vá nơi khe lách của tấm áo cô mặc lúc cày ruộng vừa kín đáo vừa bó lẳn lấy thân hình. Ông nhớ lời mẹ ông thường nói: “Khéo vá vai tài vá nách” mà nghĩ rằng: Nhất định cô gái này hiền thục, khéo léo, thuỷ chung, con nhà gia giáo có nền nếp căn cơ!...

Bây giờ mấy ai còn biết khâu vá nữa đâu. Quần áo bây giờ bền lắm, may chắc lắm và nhanh lỗi mốt nữa, nên cũng ít người kể cả phụ nữ chăm chút đến đường kim mũi chỉ và thêu thùa. Nếu còn chỉ là những vùng dân tộc vì tập quán họ mặc đồ thêu. Chắc chỉ ít thời gian nữa, chuyện thêu thùa, vá may sẽ trở thành cổ tích và thật khó gặp giữa đời thường! Khi chưa có ăn phấn đấu ăn no mặc ấm khi có ăn rồi phấn đấu ăn ngon mặc đẹp. Khi ăn ngon mặc đẹp rồi thì có người quên mất cái gốc của mình. Nhưng cũng có người chưa dư dật cũng quên luôn mình là ai.

Những khi nhờ đứa con gái tôi đính hộ cái cúc áo hoặc vá giùm nốt rách gối quần, nhìn những đường kim mũi chỉ đều chằn chặn, tôi mừng thầm: May quá, bây giờ các con tôi vẫn còn những nét giống bà nội, giống cô tôi ngày xưa!

 

8-2011