Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRẦN QUỐC MINH; ĐÀN MỘT DÂY NGÂN LẤY MỘT MÌNH

Nhà thơ Vân Long
Thứ sáu ngày 3 tháng 4 năm 2009 8:57 PM
 - Trong danh sách hội viên thơ được kết nạp vào Hội Nhà văn đầu năm 2005, có một tên người làm tôi đặc biệt vui mừng, xúc động. Đó là Trần Quốc Minh, một nhà thơ ở Hải Phòng, bị bại liệt một phần cơ thể từ nhỏ, sau một trận ốm rất nặng.
Năm 1965, tôi vừa lập gia đình ở Hà Nội, chưa kịp lo xong một căn phòng nhỏ làm tổ ấm thì đã nhận được quyết định Bộ Văn hóa biệt phái cùng một số nhạc công khác xuống công tác tại Hải Phòng.
Giám đốc Sở Văn hóa, nhạc sĩ Trần Hoàn muốn thành lập cho Hải Phòng một dàn nhạc giao hưởng nhỏ, mà tôi lúc đó đang chơi violon cho dàn nhạc Giao hưởng VN.
Thời điểm đó, nhận nhiệm vụ đi B, đi C là chuyện bình thường, xá gì chuyển từ thành phố này sang thành phố khác. Huống chi tôi lại đang say mê sáng tác văn học, đặc biệt là thơ, được tìm hiểu một vùng đất mới với tôi như thành phố công nghiệp Hải Phòng cũng là một dịp tốt, thế là tôi “đành” vui vẻ nhận quyết định, rồi từ đó, sống xa gia đình đến 10 năm, ngoài công việc, chỉ lấy bạn bè làm nguồn vui.
Con người Hải Phòng, tiêu biểu là các bạn làm thơ Hải Phòng cá tính thật đa dạng: Bên cạnh Thanh Tùng (sau nổi tiếng ở bài thơ phổ nhạc Thời hoa đỏ) làm thợ sắt, quai búa năm cân, mười cân, sống hừng hực như một lò lửa, lại có người lẩy bẩy đi không vững, di chuyển nhờ tựa trên một cây gậy nhỏ như Trần Quốc Minh.
Tôi có cả cái thú cạn ly cùng anh thợ ăn sóng nói gió Thanh Tùng và cái rủ rỉ tâm tình với cậu em thông minh, giàu nghị lực Trần Quốc Minh.
Minh đã học hết cấp III ở PTTH Ngô Quyền, học văn thầy Thúc Hà (tác giả bài thơ Chờ con má nhé! giải thưởng thơ trong Liên hoan thanh niên - sinh viên thế giới ở Vác - xô - vi). Minh đã thi đỗ điểm cao vào Đại học Tổng hợp, khoa Văn.
Một điều vui mừng cho cả họ tộc, đặc biệt với cậu thanh niên khuyết tật Trần Quốc Minh. (Hóa ra, dù không thể đi lại bình thường như bạn bè, nhưng mình vẫn có thể tốt nghiệp đại học, làm công việc nghiên cứu văn học mà mình yêu thích, không chịu thua kém bạn bè cùng lứa...).
Nhưng chiến tranh không gây ra thương tích cho cậu mà gây một tổn thương tinh thần thật lớn: Nhà trường buộc lòng phải cho cậu về, vì cậu không thể đi sơ tán cùng nhà trường, lúc nguy cấp không thể nhẩy xuống hầm, với không ít phiền hà trong cuộc sống tập thể...
Điều này đã chặn đứng sự thực hiện mơ ước của Minh, gây một mặc cảm: Mình đã bị bật ra khỏi cuộc sống của bạn bè. Bạn bè, cả những đứa “dốt” hơn mình, cứ đi lên, thăng tiến về trí tuệ, về việc làm. Còn mình, nghề nghiệp không có, lại trở thành gánh nặng gia đình, không nuôi nổi bản thân... tương lai thật mịt mờ!
Nhưng sau thời gian ngắn hoang mang, anh đã vạch lại con đường đời cho mình: Minh đi học lớp kế toán. Xin đi làm để đỡ khó khăn cho gia đình, rồi học nâng cấp nghiệp vụ. Chữ và con số anh viết ngay ngắn thật đẹp! Và đặc biệt, sự ngay thẳng ở nhân cách kế toán đã tạo cho anh một uy tín trong nghề.
Minh trở thành kế toán trưởng HTX may mặc Hữu Nghị, một cơ sở công nghiệp lớn ở Hải Phòng. Tôi từng lúc bất chợt đến chỗ anh làm việc, bất chợt gặp một vài vị trong ban chủ nhiệm đang nói khó với anh như chính anh mới là người quyết định các món chi, chắc là không đàng hoàng gì đấy của ban chủ nhiệm.
Có lần Minh đã nói với tôi: “Nếu em muốn làm giàu bằng nghề kế toán, không khó, chỉ cần bán rẻ chút ít lương tâm mình! Nhưng lương tâm một công dân không còn thì làm sao làm được thơ, hả anh?”.
Thì ra thơ cũng là điểm tựa khá vững chắc đấy chứ, nếu như anh có lương tâm của một nhà thơ!
Trần Quốc Minh đã dùng những con số trong sạch của mình để nuôi thân và nuôi thơ! Và thơ cũng là thứ vũ khí anh dùng để chống lại mặc cảm thua thiệt bạn bè đồng lứa...
Một đóng góp cho cuộc chiến bảo vệ thành phố của Trần Quốc Minh những năm bom đạn, dần dần bị quên đi: Minh làm Bí thư Đoàn Thanh niên tiểu khu 14 (tương đương hai phường bây giờ) của quận Hồng Bàng, nơi có khu phố đông dân Phan Bội Châu bị máy bay Mỹ thả bom nổ chậm.
Thật kỳ lạ là anh bí thư Đoàn lẩy bẩy đi không vững lại chỉ huy những tốp thanh niên cảm tử đi phát hiện bom và phá bom nổ chậm, vận động, giúp đỡ những người dân xót tài sản của mình mà lăn vào nguy hiểm, mong cứu chúng khỏi những tiếng nổ bất ngờ...
Hóa ra sự thông minh, sự công tâm đánh giá thành tích của đoàn viên, và nhất là sự hết lòng với công việc dù khả năng đi lại rất có hạn, vẫn tạo được uy tín cho anh làm được người chỉ huy thanh niên thời chiến.
Những buổi tôi đèo anh sau xe đạp đến những vùng vừa bị đánh phá, tưởng chỉ để anh có thực tế để viết, ai hay cũng tạo cho anh nắm tình hình để làm công tác Đoàn!                                                                              
Là người viết, ai chẳng quý sách, nhưng quý sách như Trần Quốc Minh thì Hải Phòng có một. Tủ sách của anh nhiều sách nhất, giữ gìn cẩn thận nhất trong các bạn văn Hải Phòng.
Những năm sách văn học quý như Trăm năm cô đơn, Đỏ và đen... phải có phiếu mới mua được, mà anh vẫn có chúng trong tủ sách, nhờ bạn bè giúp đỡ, nhờ “thắt lưng buộc bụng” không dám chi tiêu gì để mua sách.
Anh cũng nổi tiếng về sự kỹ tính, không cho ai mượn sách. Không đừng được, thì anh có một loại sách “vòng ngoài” có thể cho mượn để bảo vệ sách quý, ai thân đến đấy mà đọc!
Việc quý sách luôn tạo những “rắc rối” trong thời gian anh chưa có vợ. Các cô sinh viên văn, các “nữ sĩ” yêu văn mê tủ sách của anh tìm đến. Nhưng anh luôn không phân biệt được họ đến vì anh hay vì sách. Nhà thơ nhiều khi nhờ ảo tưởng mà lơ tơ mơ, có được bài thơ hay.  
Tôi thường là cái bình chứa không đáy cho anh tâm sự về các cô gái ấy. Nhiều khi để biết nhanh mức độ tình cảm, tôi chỉ cần hỏi tên cuốn sách anh vừa cho cô ta mượn. Nếu Thép đã tôi, Viết dưới giá treo cổ... là chưa có vấn đề gì, đến An-na Ka-rê-nin hay Chiến tranh và hoà bình là gay rồi! Đụng đến “hòa bình thế giới” rồi!
Phải thừa nhận, nhiều cô gái xinh đẹp yêu văn rất thích đến trò chuyện với nhà thơ, không chỉ vì sách mà vì sức đọc, sức nhớ của anh toát ra câu chuyện có duyên, nội dung phong phú.
Đến với anh nhiều cũng không tai tiếng gì, “độ an toàn” cao... Nhưng rồi lần lượt họ bỏ đi lấy chồng, cái quý giá họ có thể để lại là những phút lơ mơ cho nhà thơ, có lúc kết tinh thành những câu thơ hay:                              
Em nhìn tôi như nhìn  đi đâu
Tôi nhìn em - vệt chân trời lùi mãi
Dẫu biết người đi không trở lại
Đàn một dây ngân lấy một mình
 (Tôi chỉ mong)
Minh thể lực yếu, sắp đến cái lúc dù lấy vợ, anh cũng khó có con, nếu cứ chạy theo ảo ảnh mãi thì thực tế lúc về già sẽ ra sao? Như một ông anh, tôi để lại một lời khuyên chí tình trước khi rời xa Hải Phòng, trở lại Hà Nội.
Lời khuyên ấy là: ”Người ta lấy nhau vì thương yêu nhau là điều quý nhất, ở trường hợp Minh, thương thôi cũng đủ!”. Có phải vì lời khuyên ấy không mà Minh lấy vợ, một người phụ nữ thật thà như đếm và thực sự thương Minh để nay anh có đứa con trai đã trưởng thành.
Cậu làm thủy thủ tàu viễn dương, như để “trả thù” cho bố, truy lĩnh cho bố những dặm dài khát vọng không  thỏa ở kiếp này!    
Chàng thanh niên này còn có năng khiếu vẽ, cháu phác họa lại cảnh đẹp bốn biển năm châu về cho bố được xem cả tình cảm đứa con trong bức vẽ! Từ khi anh nghỉ hưu mà không có lương hưu, vợ chỉ làm lao động giản đơn lương thấp, con còn đi học, anh hay nhận được tiền tài trợ của Hội Văn nghệ thành phố, của người thân, bạn bè, nhất là khi thấy anh cần in một tập thơ.
Nay, anh đã có được phút rưng rưng hạnh phúc khi nghe cậu con trai an ủi bố: “Bố không phải chờ tài trợ, cái trường ca Gió từ biển về, con sẽ in cho bố!”.
Nhớ ngày nào, tôi ngỡ ngàng xúc động khi ra triển lãm Vân Hồ đón Minh, gặp cảnh một thanh niên cao lớn bê bổng cả chiếc xe lăn lẫn nhà thơ từ trên ô tô buýt xuống sân triển lãm, cậu ngoảnh lại, hóa ra là cháu Việt mà tôi tưởng chưa lớn được bao nhiêu!
Đó là cuộc triển lãm Một trái tim - một thế giới trưng bày những bài thơ hay của những người khuyết tật trên thế giới do Đài NHK Nhật Bản chọn, qua các nước năm 2000.
Bài thơ Bắc cầu của Trần Quốc Minh, giải nhất thơ những người khuyết tật Hải Phòng, được đánh giá cao trong triển lãm, họa sĩ Thành Chương lấy ý tưởng của anh vẽ tranh minh họa, sau đó năm 2001, năm Quốc tế những người tình nguyện chia sẻ với những số phận bất hạnh, tổ chức Liên Hiệp Quốc chọn tranh Bắc cầu làm tem lưu hành trên thế giới:
Bắc cầu bằng phong thư
Như tên bay bằn bặt
Bắc cầu bằng câu hát
Người ơi, người có nghe
Bắc cầu bằng cơn mưa
Mịt mù cò lạc lối
Bắc cầu bằng dây nói
Chuông reo, người vắng nhà
Thôi tìm lại người xưa
Bắc cầu bằng giải yếm...…
                               6/1999 
Cái tứ khái quát bắc cầu của anh đã thành biểu tượng giao lưugiữa những người khuyết tật với nhân loại, từ mặc cảm bị sống như cđảo của người khiếm khuyết, họ đã bắc cầu tới mọi người bằng cách sống tích cực như mọi người bình thường.
Sống như một người bình thường là tiêu chuẩn phấn đấu của người khuyết tật. Trần Quốc Minh nhích cao hơn một nấc: anh vừa được kết nạp làm hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Trần Quốc Minh đã bắc cầu, Hòa nhập với cộng đồng các nhà văn cả nước, sau khi anh đã xuất bản 4 tập thơ Thành phố con tầu (1974), Trồng nụ trồng hoa (1986), Tôi chỉ mong (1995), Bắc cầu (2000) và gần 30 truyện mini đã in trên các báo.
Trong đó, Tôi chỉ mong đoạt giải thưởng của Ủy ban toàn quốc các Hội LHVHNT Việt Nam, và giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm (UBND thành phố Hải Phòng) cho bài thơ Từ nay mỗi tháng năm cùng truyện ngắn Áo đỏ...
Có điều lạ là anh chỉ mong muốn được công nhận là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng từ chối mọi cuộc “Tiểu hội”, Đại hội, từ chối đặc cách mời không phải qua cửa phiếu bầu ở Đại hội khu vực.
Hình như ngoài lý do sức khỏe, anh vẫn còn chút mặc cảm, không muốn nhận ánh mắt thương hại của bạn bè… Anh chỉ nhận sự công bằng, bình đẳng trong đời sống và trên trang viết…